Đại án Oceanbank: "Bóng hồng" Hồng Tứ khóc nức nở khi tự bào chữa


Thứ 3, 19/09/2017 | 04:43


Cùng sự kiện

Tại tòa xử vụ đại án OceanBank ngày 19/9, trong phần tự bào chữa, bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (cựu Chủ tịch Công ty BSC Việt Nam) bật khóc nức nở.

Tại tòa xử vụ đại án OceanBank ngày 19/9, trong phần tự bào chữa, bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (cựu Chủ tịch Công ty BSC Việt Nam) bật khóc nức nở.

Ngày 19/9, phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

Theo báo Tri thức trực tuyến, lúc 10h40 sáng nay (19/9), sau khi các luật sư kết thúc phần bào chữa cho thân chủ của mình, HĐXX mời các bị cáo không có luật sư tự đứng lên bào chữa cho bản thân.

Người đầu tiên là Hoàng Thị Hồng Tứ (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty BSC Việt Nam). Trước đó, Tứ bị VKS đề nghị mức án 30-36 tháng tù giam giam.

Đọc bản tự bào chữa được chuẩn bị từ trước, Hồng Tứ khóc nức nở. Nữ bị cáo khai bản thân tốt nghiệp Sân khấu điện ảnh, được bị cáo Hà Văn Thắm tuyển vào Oceanbank giúp việc cho Hội đồng quản trị.

Bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ khóc tại tòa - Ảnh: Báo VOV

"Tôi không có chút hiểu biết gì về lĩnh vực tài chính ngân hàng. Năm 2008, anh Hà Văn Thắm nhờ tôi đứng tên giám đốc Công ty BSC và có ký một số hợp đồng thu phí trái phép. Số tiền này bị cáo Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt hoàn toàn. Do nể nang, tôi không biết bản chất các hợp đồng mình ký là gì, việc bị cáo Sơn chiếm đoạt tôi cũng không biết, tôi chỉ nghĩ đó là hoạt động nghiệp vụ bình thường", bị cáo nói.

Nữ bị cáo này tiếp lời, đến khi bị khởi tố bị can, bị cơ quan điều tra và VKS giải thích Tứ mới nhận thức được. Trong suốt quá trình điều tra và đến ngày hôm nay bị cáo thấy ân hận về việc làm của mình.

Theo báo VOV, nói về hoàn cảnh, Tứ cho biết rất bi kịch, mong HĐXX đèn trời soi xét và xem xét gia đình có công cách mạng, anh chị ruột và bản thân Tứ bị ảnh hưởng di chứng chất độc màu da cam của bố.

Hiện nay bị cáo là bà mẹ nuôi con đơn thân, nuôi hai con nhỏ, nếu bị tù giam, gia đình bị cáo sẽ rất bi kịch.

“Việc VKS đề nghị mức án, tôi vô cùng run sợ…”. Trong phần bào chữa của mình, Tứ xin được hưởng án treo.

Cũng theo báo VOV, bị cáo Nguyễn Quốc Chiến, cựu Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn (từ tháng 1/2010 đến năm 2015), mong mỏi lãnh đạo ngân hàng Oceanbank nhân văn hơn, để xin với HĐXX rằng những bị cáo như Nguyễn Quốc Chiến có nhiều oan ức. Bị cáo ít nhất nói ra được những nỗi lòng của bị cáo.

Về quan điểm của VKS, bị cáo tỏ lòng biết ơn, khi đề nghị không bắt các bị cáo phải bồi thường. Bị cáo cảm thẩy rằng có sự phân hóa tội danh của các giám đốc chi nhánh. Bị cáo vẫn cảm nhận có sự oan ức và mong muốn công bằng…

Bị cáo đề nghị Hà Văn Thắm sau này nên khiếu kiện việc mua 0 đồng, để chứng minh Oceanbank không lỗ.

Các bị cáo đứng đây không ai oán trách Hà Văn Thắm, nhưng mong nói đôi lời cho những nhân viên của đang đứng đây…

Trước trình bày của Nguyễn Quốc Chiến, Hà Văn Thắm bật khóc.

Trong bào bài chữa nhòa trong nước mắt, bị cáo Chiến xin được xem xét được hưởng án treo.

Có hay không việc Hứa Thị Phấn bị ép cho mượn tài sản?

Theo TTXVN, trước đó, tại phiên xử buổi chiều 18/9, các luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn đã gây bất ngờ tại Tòa khi cung cấp tình tiết về việc nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm đã ép buộc bị cáo Hứa Thị Phấn cho Tập đoàn Thiên Thanh mượn tài sản để thế chấp, cầm cố tại OceanBank.

Bị cáo Hứa Thị Phấn bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và bị đề nghị mức án từ 17-18 năm tù. Viện kiểm sát xác định: Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh và Trần Văn Bình đã sử dụng các tài sản không có thật hoặc chưa đủ tính pháp lý để đảm bảo cho khoản vay nhằm mục đích hợp thức hóa hồ sơ vay số tiền 500 tỷ đồng để bị cáo Phạm Công Danh sử dụng số tiền vay vào việc thanh toán các khoản nợ của bị cáo Hứa Thị Phấn theo thỏa thuận mua lại Ngân hàng Đại Tín.

Bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn, Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo và Luật sư Trương Thị Minh Thơ đưa ra nhiều luận cứ liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung tại OceanBank; đồng thời cho rằng bị cáo Hứa Thị Phấn không bàn bạc, không tự nguyện cho mượn tài sản; không cùng ý chí, không cùng thực hiện các hành vi vi phạm quy định về cho vay đối với khoản vay 500 tỷ đồng trên.

Phiên Tòa xét xử Đại án Oceanbank ngày 18/9 - Ảnh: Dân trí

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo cung cấp một số tình tiết liên quan và cho rằng Hà Văn Thắm đã ép buộc Hứa Thị Phấn để thâu tóm Ngân hàng Đại Tín. Sau đó, Hà Văn Thắm chuyển nhượng cho Phạm Công Danh. Bị cáo Hứa Thị Phấn không hay biết việc Phạm Công Danh đã thâu tóm kiểm soát Ngân hàng Đại Tín bắt đầu từ tháng 9/2012. Sau này, khi biết việc Phạm Công Danh tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, Hứa Thị Phấn không đồng ý vì cho rằng Phạm Công Danh là người chưa có kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng. Lúc đó, Hà Văn Thắm mới nói với Hứa Thị Phấn là số cổ phần của Hứa Thị Phấn và các cổ đông tại Ngân hàng Đại Tín đã được Hà Văn Thắm chuyển giao hết cho Phạm Công Danh và Phạm Công Danh đã thế chấp cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Các luật sư cho rằng: Bà Hứa Thị Phấn vốn đã già yếu và bệnh tật, lại thêm tinh thần bị khủng hoảng khi bị Hà Văn Thắm ép buộc phải chuyển nhượng và thấy cũng không còn cách nào khác khi toàn bộ cổ phần bản gốc đã bị Hà Văn Thắm đưa hết cho Phạm Công Danh đem thế chấp ngân hàng khác. Hơn nữa, từ tháng 2/2012, ngay khi ký hợp đồng chuyển giao, Hà Văn Thắm đã đưa người của mình vào quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Đại Tín. Do vậy, Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết, bà Hứa Thị Phấn và các cổ đông buộc lòng phải thực hiện ngoài ý muốn việc chuyển nhượng cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh theo yêu cầu của Hà Văn Thắm.

Khi Phạm Công Danh nắm Ngân hàng Đại Tín (sau này đổi thành VNCB) nhưng Hà Văn Thắm không hỗ trợ thanh khoản như lời hứa trước đó. Một thời gian sau, Hà Văn Thắm mới đồng ý hỗ trợ Phạm Công Danh số tiền 500 tỷ đồng để tăng thanh khoản cho ngân hàng bằng cách vay từ OceanBank. Do Phạm Công Danh nói không có tài sản thế chấp, Hà Văn Thắm có nói Hứa Thị Phấn còn một số tài sản có thể mượn.

Luật sư đã trích bút lục trong hồ sơ nêu về việc: “Hà Văn Thắm nói với bà Hứa Thị Phấn là Phạm Công Danh vay của OceanBank 500 tỷ đồng nhưng tài sản đảm bảo không đủ điều kiện pháp lý và giá trị. Lúc này, thông qua mối quan hệ với Công ty SSG, Hà Văn Thắm cũng biết rõ bà Hứa Thị Phấn còn một số tài sản của gia đình nên đã yêu cầu bà Hứa Thị Phấn cho Phạm Công Danh mượn tạm tài sản để vay 500 tỷ đồng của OceanBank. Trong thời gian này, Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh liên tục đe dọa bà Hứa Thị Phấn nếu không cho mượn để Phạm Công Danh vay thì việc tái cơ cấu không thành, lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín sẽ bị truy tố. Do vậy, bà Hứa Thị Phấn đã cho Phạm Công Danh mượn tài sản để thế chấp cho khoản vay 500 tỷ đồng của Phạm Công Danh tại OceanBank”.

Do đó, ngày 23/11/2012, bà Hứa Thị Phấn đã ký hợp đồng cho mượn tài sản với Tập đoàn Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh đại diện. Sau đó, Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng các tài sản do bà Hứa Thị Phấn cho mượn để làm thủ tục vay vốn tại OceanBank.

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-an-oceanbank-bong-hong-hong-tu-khoc-nuc-no-khi-tu-bao-chua-a202359.html