+Aa-
    Zalo

    Đại án tại VNCB: Cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Đại diện VKS nhận định, vụ án Phạm Công Danh và 35 đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng

    (ĐSPL) - Đại diện VKS nhận định, vụ án Phạm Công Danh và 35 đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng.

    Theo tờ Công Lý đưa tin, ngày 16/8, phiên sơ thẩm xét xử đại án Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) chuyển qua phần tranh luận.

    Qua phần xét hỏi và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cho thấy, việc truy tố các bị cáo về hai tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165, BLHS năm 1999) và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (Điều 179, BLHS năm 1999) là có căn cứ.

    Các bị cáo tại phiên tòa (Ảnh: Công Lý)

    Theo VOV, Bản luận tội của Viện Kiểm sát nêu rõ: Đây là vụ án lớn trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, gây thiệt hại trên 9.133 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng. Phạm Công Danh với vai trò chủ mưu đã bàn bạc và chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking; chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh; chỉ đạo rút 5.190 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản Trần Ngọc Bích trên các Ủy nhiệm chi và rút 300 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng không có hồ sơ vay; chỉ đạo việc phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định. Tổng thiệt hại cho nhà nước ở các hành vi trên của Phạm Công Danh và đồng phạm là trên 7.037 tỷ đồng. Các hành vi đó của bị cáo Phạm Công Danh đã vi phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

    Bị cáo Phạm Công Danh còn phạm vào tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước trên 2.095 tỷ đồng. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng, Phạm Công Danh đã tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo các đồng phạm sử dụng pháp nhân của 14 công ty để xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp Hội đồng quản trị không có thật; sử dụng các lô đất thực chất là đất của Tập đoàn Thiên Thanh, chỉ đạo định giá nâng giá trị các lô đất lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo; chỉ đạo sử dụng tiền vay trái với phương án và mục đích kinh doanh…

    Cũng theo báo Công Lý, đối với số tiền 5.190 tỉ đồng của nhóm bà Bích vay của VNCB, sau đó bị Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) chuyển đến tài khoản của Danh, đại diện VKS nhận định cần phục hồi lại cho VNCB trên cơ sở bà Bích hoàn trả 5.190 tỉ đồng nên VNCB phải tiếp tục quản lý 124 sổ tiết kiệm của nhóm bà Bích có số tiền 5.881 tỉ đồng.

    Đối với mối quan hệ vay mượn giữa nhóm bà Bích, ông Danh, tại phiên tòa thể hiện các bên có những lời khai khác nhau. Ông Danh khai nhóm bà Bích cho ông vay 5.490 tỉ đồng với lãi suất cao, cụ thể tiền lãi ông phải trả là trên 2.500 tỉ đồng; trong khi bà Bích khai chỉ cho bà Phạm Thị Trang (Trang “Phố núi”) vay nhưng nay bà Trang đã xuất cảnh, không ghi nhận được lời khai nên không có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhóm bà Bích.

    Liên quan đến trách nhiệm của Phạm Thị Trang, đại diện VKS nhận định có đủ chứng cứ, chứng minh Trang gây thiệt hại cho VNCB. Cần phải khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Trang.

    Nhận định về hành vi phát hành trái phiếu khống của ông Nguyễn Việt Hà, giám đốc Quỹ Lộc Việt, giúp Phạm Công Danh rút 903 tỷ đồng ra khỏi ngân hàng VNCB, đại diện VKS  cho rằng ông Hà không thể không biết quy định của ngân hàng về việc nhận ủy thác. Từ đó, đại diện VKS kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSNDTC xem xét trách nhiệm với ông Hà.

    Đối với hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” gây thiệt hại cho VNCB khoảng 2.095 tỉ đồng của Phạm Công Danh và đồng phạm,  đại diện VKS nhận định cáo trạng truy tố là có cơ sở.

    Qua xét hỏi và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã xác định bị cáo Danh chỉ đạo một số đồng phạm sử dụng 12 pháp nhân thuộc Tập đoàn Thiên Thanh lập hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh, phương án trả nợ khống; lập các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản và hợp đồng mua bán nguyên vật liệu khống; không tiến hành thẩm định thực tế hồ sơ vay; tài sản thế chấp vay vốn là các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng và đất tại số 209 Trường Chinh (TP. Đà Nẵng) đã được thế chấp vay vốn tại BIDV trước đó, gây thiệt hai đặc biệt nghiêm trọng cho VNCB.

    NINH LAN(Tổng hợp)
    Nguồn nguoiduatin
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-an-tai-vncb-cao-trang-truy-to-dung-nguoi-dung-toi-a143997.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan