+Aa-
    Zalo

    Đại biểu Quốc hội: "Có cần bỏ ra 400 tỷ đồng từ Ngân sách nhà nước để làm thêm một bộ SGK?"

    (ĐS&PL) - “Trước tình hình này, có cần bỏ ra trên dưới 400 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để làm thêm một bộ sách giáo khoa nữa hay không? Việc ra đời một bộ sách giáo khoa “của Bộ” có dẫn đến tình trạng trở lại độc quyền, xoá bỏ xã hội hoá không?, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.

    Sáng 24/10, phát biểu ý kiến tại phiên họp tổ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết nghị quyết 88/2014 của Quốc hội đã nêu rõ việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

    Theo báo Tuổi Trẻ, bà Thúy cho hay, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, ngay năm đầu tiên thực hiện đổi mới, đã có 3 nhà xuất bản và nhiều công ty sách tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành đầy đủ sách giáo khoa của tất cả các môn học. Tới nay, đã triển khai đổi mới đến những lớp cuối cùng của cả ba cấp học và chưa xảy ra tình trạng thiếu sách. Số tiền mà các doanh nghiệp bỏ vào để làm sách giáo khoa cũng đã lên hơn 1.200 tỷ đồng.

    Trước tình hình này, bà Thúy đặt vấn đề có cần bỏ ra trên dưới 400 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để làm thêm một bộ sách giáo khoa nữa hay không? "Việc ra đời một bộ sách giáo khoa "của bộ" có dẫn đến tình trạng trở lại độc quyền, xóa bỏ xã hội hóa không? Có ảnh hưởng đến việc Chính phủ đang vận động các nước công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường không? Đó là những điều mà chúng ta cần cân nhắc", bà Thúy nêu.

    dai bieu quoc hoi co can bo ra 400 ty dong tu ngan sach nha nuoc de lam them mot bo sgk
    Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội. Ảnh: Thanh Niên

    Theo đại biểu Thúy, vì chưa lường trước được khả năng của tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa bảo đảm có đầy đủ, kịp thời sách giáo khoa phục vụ cho đổi mới, nên bên cạnh việc xã hội hoá, Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội cũng yêu cầu: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”, báo Đầu tư đưa tin.

    Tuy nhiên, việc tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa của Bộ không thực hiện được do không huy động được đủ số lượng tác giả cần thiết. Bộ đã kịp thời chuyển sang chỉ đạo việc biên soạn sách giáo khoa theo hướng xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước (trả lại cho Ngân hàng Thế giới khoản tiền vay 16 triệu USD để làm bộ sách này).

    Qua xem xét báo cáo của Bộ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 122 ngày 19/6/2020 quy định: “Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/ QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”. Mặt khác, khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng 1 cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng 1 vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.

    Luật Giáo dục, ban hành sau Nghị quyết 88/2014 là 5 năm cũng chỉ quy định thực hiện xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa, không quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa “của Bộ” nữa. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ của các bộ.

    Tới nay, nếu Quốc hội lại yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa thì điều đó vừa gây lãng phí, vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Dĩ nhiên, Quốc hội là cơ quan lập pháp tối cao, có quyền ban hành quy định ngược với pháp luật hiện hành. Nhưng liệu điều đó có làm các nhà đầu tư, kể cả trong lĩnh vực khác, giảm niềm tin vào chính sách nhất quán của Nhà nước không?”, đại biểu Thúy phát biểu.

    Từ những phân tích trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cần đánh giá tác động trước khi ra Nghị quyết mới.

    XEM THÊM: Vụ KĐT Thanh Hà "khát nước": Trạm cấp nước chỉ cách nghĩa trang khoảng 500m

    Bà Thúy nói, vào thời điểm này, việc quyết định giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa là sự thay đổi chính sách giữa chừng rất lớn. Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và người dân không đồng tình với sự thay đổi đó.

    Vì vậy, tôi trân trọng đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trước khi quyết định. Vì cái mới luôn là cái khó, ý kiến trái chiều không tránh khỏi. Nên chăng để thực hiện hết 1 chu kỳ (sau năm học 2024-2025) rồi tổng kết, đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông, lúc bấy giờ điều chỉnh sẽ phù hợp và thuyết phục hơn”,báo Đầu Tư dẫn quan điểm của bà Thúy.

    Hoàng Yên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-bieu-quoc-hoi-co-can-bo-ra-400-ty-dong-tu-ngan-sach-nha-nuoc-de-lam-them-mot-bo-sgk-a596453.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đề xuất giáo viên trực tiếp tham gia lựa chọn sách giáo khoa phục vụ giảng dạy

    Đề xuất giáo viên trực tiếp tham gia lựa chọn sách giáo khoa phục vụ giảng dạy

    Đây là nội dung trong quy trình lựa chọn sách giáo khoa trong trường phổ thông đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến góp ý. Theo đó, tại các cơ sở giáo dục sẽ có thể tự lựa chọn sách giáo khoa để phục vụ công tác giảng dạy, theo quy trình với sự tham gia của nhiều đối tượng thành phần nhằm đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch.