+Aa-
    Zalo

    Đại biểu Quốc hội không trung thực liệu có tư cách đại diện cho niềm tin của dân?

    • DSPL
    ĐS&PL Nhiều người đặt câu hỏi, là ĐBQH đương nhiệm- người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam nhưng lại sở hữu “hộ chiếu vàng” liệu có vi phạm luật?

    Những ngày vừa qua, thông tin ông Phạm Phú Quốc, ĐBQH (đoàn TP.HCM) có thêm quốc tịch Cộng hòa Síp (Cyprus) đã gây bất ngờ cho dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi, là ĐBQH đương nhiệm- người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam nhưng lại sở hữu “hộ chiếu vàng” liệu có vi phạm luật?

    Nghi vấn chi 2,5 triệu USD mua “hộ chiếu vàng”

    Mới đây, báo chí nước ngoài phản ánh, 1 vụ rò rỉ các tài liệu mật của Chính phủ Cộng hòa Síp cho thấy hàng chục quan chức cấp cao và gia đình của họ tại một số nước đã có "hộ chiếu vàng" của Síp trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019. Đáng chú ý, tờ Al Jazeera phản ánh 1 người tên Phạm Phú Quốc, là ĐBQH ở Việt Nam có hộ chiếu Síp. Ông Phạm Phú Quốc là ĐBQH đoàn TP.HCM.

    Thông tin ông Phạm Phú Quốc có thêm 1 quốc tịch của Síp khiến dư luận xôn xao. Kể từ khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2004, hộ chiếu Síp trở thành vật sở hữu của nhiều người ở nhiều quốc gia, vì cho phép họ đi lại, làm việc và giao dịch ngân hàng trên khắp EU. Những người giữ hộ chiếu Síp cũng có thể đi lại tự do tới 174 quốc gia mà không cần xin thị thực.

    Liên quan đến thông tin này, trao đổi với PV ĐS&PL, Trưởng ban Công tác Đại biểu Quốc hội Trần Văn Túy cho biết, theo quy định, Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc và đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phải có báo cáo cụ thể về việc này gửi Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiến hành các bước xác minh, xử lý tiếp theo.

    Trưởng ban Công tác Đại biểuQuốc hội thông tin đã giao vụ Công tác đại biểu kiểm tra thông tin hãng tin Al Jazeera (Qatar) thông tin 1 ĐBQH đoàn TP.HCM có tên trong danh sách các chính trị gia có quốc tịch Cộng hòa Síp. “Sau khi vụ Công tác đại biểu báo cáo, cơ qua chức năng xác minh thông tin rõ ràng, ban Công tác đại biểu sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết
    định”, ông Túy nói.

    Trước câu hỏi việc ông Phạm Phú Quốc mang quốc tịch Síp có kê khai trong hồ sơ đại biểu, Trưởng ban Công tác Đại biểu Quốc hội giải thích ông Quốc trúng cử Quốc hội năm 2016. Song, theo thông tin ông Quốc trả lời trên báo chí, đến 2018 ông mới có quốc tịch Síp nên việc này không được kê khai trong hồ sơ đại biểu. “Chúng tôi sẽ xác minh thêm”, ông Túy thông tin.

    Ngày 25/8, trả lời trên báo chí, ĐBQH Phạm Phú Quốc thừa nhận ông có quốc tịch Cộng hoà Síp. Theo đó, ông Phạm PhúQuốc cho biết, ông đã có quốc tịch Cộng hoà Síp từ giữa năm 2018 nhưng là do gia đình bảo lãnh.

    ĐBQH Phạm Phú Quốc - Ảnh: Quochoi.vn

    Đại biểu Phạm Phú Quốc cho biết, tháng 5/2016, khi ông ứng cử vào Quốc hội thì chỉ có 1quốc tịch Việt Nam. Sau đó, do một số thay đổi về công việc và hoàn cảnh cá nhân nên năm 2018 gia đình ông Quốc đã thực hiện các thủ tục bảo lãnh, xin cấp quốc tịch Cộng hoà Síp cho ông để thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình. Ông Quốc cho biết vợ và con ông đều là doanh nhân, trong đó con trai có nhiều năm sinh sống tại Anh. Vị ĐBQH phủ nhận thông tin mua quốc tịch thứ hai với giá 2,5 triệu USD.

    Đại biểu Quốc hội sở hữu 2 quốc tịch có vi phạm luật?

    Về băn khoăn ĐBQH mang 2 quốc tịch có vi phạm pháp luật, trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (bộ Tư pháp) cho biết, về nguyên tắc, công dân Việt Nam chỉ được mang 1 quốc tịch. Nhưng trong một số trường hợp ngoại lệ, Việt Nam vẫn cho phép công dân được mang 2 quốc tịch.

    Cụ thể, các trường hợp ngoại lệ gồm: Người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi. Ngoài ra, người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ. Tuy nhiên, những trường hợp này chỉ áp dụng với công dân bình thường, không áp dụng cán bộ, công chức, đảng viên.

    “Cán bộ, công chức Nhà nước, ĐBQH, đại biểu HĐND đừng bao giờ nghĩ mang quốc tịch thứ 2. Ngay Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam mang 2 quốc tịch cũng là không chấp nhận được huống chi ĐBQH. Không một quốc gia nào chấp nhận ĐBQH, đại biểu HĐND, cán bộ, công chức Nhà nước có 2 quốc tịch. Tất cả các nước đều quy định đối với cán bộ công chức, ĐBQH, nghị sĩ, công an, quân đội chỉ có một quốc tịch duy nhất của quốc gia đó”, ông Khanh thẳng thắn nêu quan điểm.

    Ông Khanh nói thêm, rất tiếc luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội quy định ĐBQH “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” chưa có hiệu lực. Tuy nhiên, đã là ĐBQH thì phải tự giác kê khai vấn đề quốc tịch.

    Đồng quan điểm với ông Khanh, ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: “Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành chưa quy định rõ ràng vấn đề liên quan đến quốc tịch của Đại biểu Quốc hội. Chính vì thế, để đảm bảo tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra tình trạng vi phạm trong quá trình bầu cử Đại biểu Quốc hội như nhiệm kỳ khóa XIV, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội (được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV) đã bổ sung. Theo đó ngoài những tiêu chuẩn chung, Đại biểu Quốc hội có 1 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Luật sẽ có hiệu lực từ năm 2021".

    Tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự phải chặt chẽ hơn

    Cũng theo ông Xuyền, là một ĐBQH thì trước hết cần đặt vấn đề trung thực lên trên hết. Bản thân người khi tham gia ứng cử làm ĐBQH phải trung thực, khai báo ngay những vấn đề liên quan. Trước đó, tuy không có quy định trong Luật nhưng theo thông lệ, 1 ĐBQH chỉ có 1 quốc tịch. Cũng vì quy định cũ không rõ ràng về tiêu chuẩn của ĐBQH nên khi xử lý một số trường hợp bị vướng. Cụ thể, vào tháng 7/2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) không được công nhận tư cách ĐBQH khoá XIV dù đã trúng cử. Thời điểm đó, bà Hường có 2 quốc tịch (Việt Nam và Malta) nhưng không khai báo trong hồ sơ ứng cử và bị xử lý vì không khai báo trung thực.

    “Để chọn được ĐBQH tốt nhất, tránh sai sót, tránh lọt vào những đại biểu không đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí thì rõ ràng việc lựa chọn nhân sự để giới thiệu ứng cử làm ĐBQH cần phải chặt chẽ hơn nữa. Ngoài những tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định của luật, tôi cho rằng công tác tuyển chọn, hiệp thương giới thiệu người ứng cử làm ĐBQH cần phải làm kỹ hơn nữa. Làm sao bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và phát huy dân chủ. Việc phát hiện nguồn, quá trình hiệp thương giới thiệu cũng phải qua các bước sàng lọc, kiểm tra về mặt lý lịch, thực tiễn. Phải đầy đủ, chặt chẽ hơn tránh làm hình thức dẫn tới việc đưa những người không đủ tiêu chuẩn vào. Nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của ĐBQH, uy tín vai trò của Quốc hội”, ông Xuyền nêu quan điểm.

    Đại biểu Quốc hội có 2 quốc tịch từng bị kỷ luật khiển trách

    Theo dữ liệu ĐBQH của Quốc hội, ông Phạm Phú Quốc, sinh năm 1968, quê quán xã Triệu Phong, huyện Triệu Hải, Quảng Trị; trình độ chính trị: Cao cấp lý luận chính trị; trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Kinh tế. Được biết, tháng 9/2015, ông Phạm Phú Quốc được UBND TP.HCM bổ nhiệm giữ chức vụ thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc công ty

    Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) với thời hạn 5 năm. Ông Quốc đồng thời là Phó bí thư Đảng ủy HFIC. Tháng 5/2016, ông Phạm Phú Quốc trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021 ở đơn vị bầu cử số 4 TP.HCM (gồm quận 5, quận 10 và quận 11) với tỉ lệ 53,94%, khi ông Quốc đang là Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc HFIC. Tuy nhiên, ngày 18/1/2018, ông Quốc được điều chuyển về làm Phó viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ngày 28/9/2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM công bố quyết định thi hành kỷ luật đối với một số cán bộ của công ty HIFC. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xác định ông Phạm Phú Quốc cùng 3 ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy HIFC đã vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

    ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An:

    Tại sao đang là ĐBQH lại phải “nương tựa” ở đất nước khác? đang là ĐBQH lại phải “nương tựa” ở đất nước khác? “Ông Phạm Phú Quốc là ĐQBH, là người làm luật và trực tiếp thảo luận trên nghị trường mà không trung thực trong kê khai hồ sơ là điều không thể chấp nhận được, gây mất niềm tin trong nhân dân. Nếu đúng là năm 2018 (hai năm sau ứng cử đại biểu Quốc hội), ông Quốc mới nhập quốc tịch Síp thì việc một đại biểu đương nhiệm nhập quốc tịch khác thì phải có trách nhiệm báo cáo trung thực với tổ chức khi có sự thay đổi về lý lịch. Liên quan đến sinh mệnh chính trị mà ĐBQHkhông báo cáo với tổ chức là vi phạm nghiêm trọng.

    Hơn nữa, ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân Việt Nam, tại sao nhân dân bầu đồng chí ấy làm ĐBQH mà lại “nương tựa” vào đất nước khác”? Ông Phạm Phú Quốc không thể đại diện cho cả hai đất nước. Là ĐBQH mà có quốc tịch nước ngoài thì lấy gì để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc? Trường hợp ông Phạm Phú Quốc không phải là trường hợp đầu tiên. Ngay đầu khoá đã xảy ra trường hợp của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường khi đã được bầu trúng nhưng Quốc hội không phê chuẩn tư cách đại biểu vì thiếu trung thực khi không kê khai việc nhập quốc tịch Malta. Ông Phạm Phú Quốc lúc đó đang là ĐBQH, biết rất rõ chuyện đấy nhưng lại để diễn ra với mình.

    Tôi được biết, muốn nhập quốc tịch nước ngoài là phải có đơn, ông Quốc không phải là một đứa trẻ mà lý giải là được người nhà bảo lãnh. Về nguyên tắc, ĐBQH chỉ có một quốc tịch và cần xử lý nghiêm. Ở đây cũng phải có trách nhiệm của các cơ quan giới thiệu, thẩm tra. Trong luật có quy định về quyền ứng cử, công dân Việt Nam đủ tiêu chuẩn có quyền ứng cử hoặc trường hợp có người giới thiệu thì phương diện tổ chức cần phải lưu ý. Ta đã có Hội đồng Bầu cử quốc gia là một thiết chế hiến định thì phải có trách nhiệm trong đó. Luật Bầu cử ĐBQH, Hội đồng Nhân dân cũng quy định rất rõ. Tất cả những cá nhân, tổ chức từ Hội đồng Bầu cử quốc gia trở xuống rõ ràng phải có trách nhiệm trong việc sàng lọc các ứng cử viên ĐBQH cho đến khi hiệp thương của Mặt trận, rồi đến khi đưa ra bầu ở các đơn vị bầu cử”.
    Hương Lan
    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (36)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-bieu-quoc-hoi-khong-trung-thuc-lieu-co-tu-cach-dai-dien-cho-niem-tin-cua-dan-a338695.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan