+Aa-
    Zalo

    Đại gia Hàn Quốc chi gần 50 tỷ trồng ớt ở Việt Nam là ai?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Đại gia Hàn Quốc vừa đầu tư 2,1 triệu USD (khoảng 50 tỷ VNĐ) để trồng 10ha ớt tại Việt Nam, còn có tham vọng chuyển vùng nguyên liệu ớt tại Trung Quốc về VN.

    (ĐSPL) - Đại gia Hàn Quốc vừa đầu tư 2,1 triệu USD (khoảng 50 tỷ VNĐ) để trồng 10ha ớt tại Việt Nam, còn có tham vọng chuyển vùng nguyên liệu ớt tại Trung Quốc về Việt Nam.

    Thông tin trên báo VnExpress, ông Chang Bok Sang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CJ tại Việt Nam cho biết, sau nửa năm thử nghiệm thành công việc trồng ớt tại Ninh Thuận, tập đoàn quyết định chi 2,1 triệu USD cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) kết hợp với nông dân tại đây trồng 10ha ớt, đồng thời, cơ quan này còn giúp đỡ người dân xây trường học, nhà văn hóa cho thôn.

    "Bắt đầu từ đầu tháng 7 chúng tôi sẽ cùng hơn 50 hộ gia đình tại Ninh Thuận khởi động vụ mới. Chúng tôi không chỉ cung cấp giống, phân bón mà còn đem tiến sĩ, kỹ sư nông nghiệp Hàn Quốc sang hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác và chăm sóc.

    Dự kiến với 10ha ớt mỗi năm công ty có thể thu được 200 tấn. Toàn bộ sản phẩm sẽ được tập đoàn bao tiêu theo giá cả thị trường", ông Chang nói và cho biết, mỗi năm công ty sẽ có báo cáo thị trường về giá cả ớt trên thế giới. Do vậy, người dân nên yên tâm vì tập đoàn sẽ thu mua sản phẩm theo giá thị trường ở mức hợp lý nhất. Còn về biện pháp canh tác, công ty sẽ cùng nông dân thực hiện trồng theo hướng thâm canh, tức là sau khi thu hoạch ớt thì khoảng thời gian để tái tạo đất nông dân có thể trồng đậu xanh. Đây là loại cây trồng không chỉ cho thu hoạch mà cải tạo thành phần của đất rất tốt.

    Sắp tới để phục vụ cho việc chế biến ớt tại Việt Nam, công ty này cũng dự định xây nhà máy sản xuất tại Ninh Thuận. Một phần ớt chế biến xong sẽ dùng để sản xuất kim chi tại Việt Nam, số lượng còn lại xuất khẩu sang Hàn Quốc.

    Tập đoàn CJ lên kế hoạch chuyển vùng nguyên liệu trồng ớt từ Trung Quốc về Việt Nam. (Ảnh: VnExpress).

    "Nếu 10ha ớt đầu tiên sản xuất thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ở nhiều tỉnh thành khác trên đất nước Việt Nam, dần dần hướng tới mục tiêu có vùng nguyên liệu 500ha. Vùng nguyên liệu này có thể thay thế nguồn hàng từ Trung Quốc", ông Chang bộc bạch.

    Chia sẻ về lý do chọn ớt là cây trồng tại Việt Nam, ông Chang cho rằng, ớt là nguồn nguyên liệu không thể thiếu trong chế biến thực phẩm tại Hàn Quốc, trong khi đó, Việt Nam lại là nơi cho sản phẩm chất lượng tốt, ngon và cay hơn so với nhiều quốc gia khác. Trước đây, công ty đặt vùng nguyên liệu tại Trung Quốc nhưng vì chất lượng ớt tại quốc gia này kém nên Việt Nam là lựa chọn hợp lý để thay thế.

    Tuy nhiên, theo ông Chang, tại Việt Nam việc tạo ra vùng trồng ớt lớn tương đối khó khăn vì mỗi hộ dân chỉ được cấp những thửa ruộng khá nhỏ. Do vậy, công ty ông đang nhờ sự giúp đỡ của tỉnh Ninh thuận cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại đây vận động bà con kết hợp với nhau để tạo thành vùng nguyên liệu lớn. Sau khi thu hoạch, lợi nhuận sẽ được chia hợp lý theo quy mô của mỗi hộ gia đình.

    Tập đoàn CJ của Hàn Quốc tiền thân là nhánh kinh doanh thực phẩm của Tập đoàn Samsung. Sau khi nhà sáng lập Lee Byung-chul qua đời năm 1987, Tập đoàn Samsung tách thành 4 doanh nghiệp gồm: Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Shinegae, Tập đoàn CJ và Tập đoàn Hansol vào năm 1991 và 1997.

    Hiện CJ hoạt động trong 4 lĩnh vực kinh doanh chính gồm: Thực phẩm và dịch vụ thực phẩm, Sinh học và dược phẩm, Giải trí và truyền thông, Truyền hình mua sắm (Homeshopping) và Logistics, Cơ sở hạ tầng.

    Vào Việt Nam năm 1998, hết năm 2015 CJ đã đầu tư 400 triệu USD và có được 13 công ty con, nổi bật với các thương hiệu như hệ thống rạp chiếu phim CGV, Tour les Jours, kênh mua sắm SCJ...

    Đơn vị này cũng cho biết, trong năm 2016 tập đoàn sẽ chi thêm 500 triệu USD để đầu tư vào M&A và các dự án mới trong các lĩnh vực thực phẩm, công nghệ sinh học, bán lẻ và giải trí. Riêng với M&A, công ty sẽ tập trung vào lĩnh vực thực phẩm.

    Hồi tháng 1/2016, CJ Việt Nam đã mua lại thương hiệu kim chi Ông Kim. Mới đây, trong đợt IPO của Vissan, công ty cũng chi ra hơn 300 tỷ đồng để mua 3 triệu cổ phiếu, tương đương 4,18\% cổ phần công ty này với giá 102.000 đồng - mức giá cao nhất trong đợt đấu giá công khai.

    “Người anh em” của Samsung

    Đối với người Việt Nam, có lẽ cái tên CJ vẫn còn lạ lẫm. Và mối duyên nợ của nó với Samsung càng ít được biết đến hơn. Nhưng tại Hàn Quốc, Samsung và CJ là một phần lịch sử kinh doanh của quốc gia này.

    Sở dĩ gọi CJ là "người anh em của Samsung" bởi lẽ CJ vốn là một trong các nhánh của tập đoàn Samsung.

    Thông tin trên Trí thức trẻ, sau khi nhà sáng lập Lee Byung-chul qua đời năm 1987, tập đoàn Samsung tách thành 4 doanh nghiệp gồm: tập đoàn Samsung, tập đoàn Shinegae, tập đoàn CJ và tập đoàn Hansol vào năm 1991 và 1997.

    Nguyên nhân của việc chia tách này bắt nguồn từ việc nhà sáng lập Lee Byung-chul đi ngược với truyền thống khi giao lại gia sản và công việc kinh doanh cho con thứ là ông Lee Kun-hee thay vì con cả là ông Lee Maeng-hee.

    Sở dĩ gọi CJ là "người anh em của Samsung" bởi lẽ CJ vốn là một trong các nhánh của tập đoàn Samsung.

    Tại thời điểm này ông Lee Maeng-hee từng giữ vị trí chủ tịch nhiều công ty nhỏ trong tập đoàn, cũng như nắm tới 17 vị trí lãnh đạo cao cấp khác nhau. Lee Maeng-hee cũng từng là CEO tập đoàn vào năm 1967 nhưng không được lòng nhân viên.

    Phong cách lãnh đạo của Lee Maeng-hee bị cho là cứng nhắc và không được yêu thích như người cha Lee Byung-chul. Báo chí Hàn cho biết Lee Byung-chul đã viết trong hồi ký của mình rằng: Lee Maeng-hee đã khiến Samsung trở nên hỗn loạn chỉ trong vòng 6 tháng lên nắm quyền.

    Không được trọng dụng, ông Lee Maeng-hee quyết định thành lập công ty Cheil Jedang (tên trước đây của tập đoàn CJ) và rời khỏi Samsung từ năm 1993.

    Hiện tập đoàn CJ hoạt động trong 4 lĩnh vực kinh doanh chính gồm: Thực phẩm và dịch vụ thực phẩm, Sinh học và dược phẩm, Giải trí và truyền thông, Truyền hình mua sắm (Homeshopping) và Logistics, Cơ sở hạ tầng.

    Tập đoàn CJ đã có mặt ở Việt Nam từ năm 1999. Năm 1999, Tập đoàn Cheil Jedang, tên trước đây của CJ, đã thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn CJ Vina Agri, chuyên sản xuất và kinh doanh cám gia súc, gia cầm và thủy sản. Hiện nay, CJ Vina Agri là một trong những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn tại Việt Nam với 3 nhà máy ở Long An, Vĩnh Long, Hưng Yên và một trang trại nuôi heo giống ở Bình Dương.

    Xuất hiện muộn hơn, năm 2007, Tous Les Jours, 1 trong 13 thương hiệu nhà hàng của CJ Foodville (thuộc CJ) cũng đã được khai trương tại TP.HCM. Tính đến nay, Tous Les Jours đã mở rộng mạng lưới lên 19 cửa hàng tại TP.HCM, Cần Thơ và Hà Nội.

    Một thương hiệu trong lĩnh vực thực phẩm khác của CJ là CJ Freshway cũng đã vào Việt Nam thông qua liên doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm hồi tháng 12 năm ngoái để phát triển dịch vụ cung cấp thực phẩm và thức ăn dinh dưỡng.

    Trong lĩnh vực truyền thông – giải trí, CJ cũng đã đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mua lại gần hết cổ phần của đối tác nước ngoài Envoy Media Partners (quần đảo Virgin) trong liên doanh Công ty Cổ phần Truyền thông Megastar với giá 73,6 triệu USD năm 2011, chiếm gần 80\% vốn trong liên doanh. 20\% cổ phần còn lại thuộc sở hữu của Công ty Văn hóa Phương Nam.

    Hồi cuối năm 2012, Tập đoàn CJ cũng đã ký hợp đồng hợp tác với C.T Group của Việt Nam. Theo đó, công ty con của C.T Group là C.T Land sẽ cùng CJ xây dựng và khai thác hệ thống hậu cần gồm nhà xưởng và kho bãi tại Bình Dương, Đà Nẵng và Bắc Ninh. Chỉ riêng dự án Khu trung tâm hậu cần Sóng Thần tại tỉnh Bình Dương, phần vốn đầu tư của CJ ước tính lên đến 20 triệu USD, còn của C.T Group là khoảng 12 triệu USD.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-gia-han-quoc-chi-gan-50-ty-trong-ot-o-viet-nam-la-ai-a135829.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan