+Aa-
    Zalo

    "Đại gia" Hứa Thị Phấn qua đời, ai sẽ bồi thường 11.000 tỷ đồng?

    (ĐS&PL) - Trong các bản án mà bà Phấn đang phải chấp hành, tòa án đều tuyên bà Phấn phải có trách nhiệm bồi thường cho nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau nên sau khi bà mất thì những người thừa kế tài sản của bà Phấn có nghĩa vụ thực hiện bồi thường.

    Chiều ngày 13/2, bà Hứa Thị Phấn (còn gọi là đại gia Sáu Phấn) đã qua đời, tại bệnh viện Tân Hưng, quận 7, TP.HCM.

    Bà Hứa Thị Phấn được biết đến là đại gia trong ngành ngân hàng, bất động sản và là bị cáo trong hai vụ đại án gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng cho ngân hàng TRUSTBank.

    Trước đó, bà Phấn bị tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù giam cho nhiều bản án trong vụ sai phạm tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (TrustBank). Tuy nhiên, bà Phấn bị hoãn thi hành án do bệnh nặng.

    dai gia hua thi phan qua doi ai se boi thuong 11 000 ty dong
    Bà Hứa Thị Phấn. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

    Theo báo VnExpress, nhiều năm nay, bà Phấn phải điều trị trong tình trạng bị mất 93% sức khoẻ.

    Sau khi bà Phấn qua đời, vậy trách nhiệm hình sự và dân sự liên quan các vụ án sẽ phải xử lý ra sao?. Theo báo Dân Trí, về hình sự, theo quy định của pháp luật, khi bà Phấn qua đời, cơ quan chức năng sẽ thực hiện các thủ tục tố tụng đình chỉ đối với người này.

    Về trách nhiệm dân sự, trong số 18.000 tỷ đồng phải bồi thường, cơ quan thi hành án đến nay đã thu hồi được 7.000 tỷ đồng. Số tiền còn lại, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TPHCM cho biết, Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại có quy định rất rõ.

    Trong khi đó, trả lời PV tờ Pháp luật TP.HCM, luật sư Lưu Văn Tám, một trong các luật sư từng bào chữa cho bà Phấn cho hay, trong các bản án mà bà Phấn đang phải chấp hành, tòa án đều tuyên bà Phấn phải có trách nhiệm bồi thường cho nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau nên sau khi bà mất thì những người thừa kế tài sản của bà Phấn có nghĩa vụ thực hiện bồi thường theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015.

    Cụ thể, những người thừa kế tài sản mà bà Phấn để lại có nghĩa vụ bồi thường trong phạm vi di sản mà bà Phấn để lại. Những người kế thừa này không có nghĩa vụ phải bồi thường trong trường hợp tài sản bà Phấn để lại không đủ để khắc phục hậu quả, trừ trường hợp họ tự nguyện dùng tài sản cá nhân (không phải phần tài sản thừa kế) bồi thường cho các bị hại trong vụ án.

    Ngoài ra, luật sư Tám cũng cho biết hiện nay các tài sản do bà Phấn để lại mà cơ quan điều tra đã phong tỏa trước đó để đảm bảo thi hành án thì có tài sản đang nằm trong các công ty (các công ty trong nhóm Phú Mỹ, nhóm Lam Giang), có tài sản thuộc sở hữu của cá nhân. Phần tài sản trong các công ty này bà Phấn chỉ là một thành viên góp vốn cho nên khi xử lý tài sản để thi hành án thì cơ quan thi hành án cũng chỉ xử lý trong phạm vi góp vốn của bà Phấn tại các công ty này.

    Cũng theo luật sư Tám, do hiện nay các con của bà Phấn đều đang ở nước ngoài nên trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án phải mời các con của bà Phấn tham gia. Trường hợp các con bà Phấn không về Việt Nam để tham gia giải quyết thì những người này phải thực hiện các thủ tục ủy quyền, hợp pháp hóa lãnh sự cho người đang ở tại Việt Nam thực hiện.

    Hoàng Yên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-gia-hua-thi-phan-qua-doi-ai-se-boi-thuong-11-000-ty-dong-a566000.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan