+Aa-
    Zalo

    Đại gia mua Zalora tại Việt Nam với giá 10 triệu USD "khủng" cỡ nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Central Group hiện là tập đoàn bán lẻ lớn nhất Đông Nam Á. Nhà sàng lập kiêm chủ tịch tập đoàn Tiang Chirathivat có tới 3 người vợ và 25 người con...

    (ĐSPL) - Central Group hiện là tập đoàn bán lẻ lớn nhất Đông Nam Á. Tài sản của tập đoàn gồm nhiều trung tâm mua sắm và cửa hàng tiện dụng, có giá trị gần 10 tỷ USD, tuyển dụng 70.000 nhân viên trên toàn cầu.

    Bizlive thông tin từ trang Techcrunch dẫn nguồn thạo tin cho biết Zalora đang bán mảng kinh doanh tại Thái Lan và Việt Nam cho tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan.

    Thương vụ đã được đồng thuận về mặt nguyên tắc, hiện đang tiến hành các thủ tục giấy tờ và xin phê duyệt.

    Central Group là tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan, đang lăm le thâm nhập nhiều thị trường tại Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

    Tài sản của tập đoàn gồm nhiều trung tâm mua sắm và cửa hàng tiện dụng, có giá trị gần 10 tỷ USD, tuyển dụng 70.000 nhân viên trên toàn cầu.

    Central Group đang lên kế hoạch mở rộng ra mảng kinh doanh trực tuyến, và đã đạt thỏa thuận mua mảng kinh doanh tại Thái Lan và Việt Nam của Zalora với giá 10 triệu USD/mảng.

    Theo ước tính, thương mại điện tử chiếm khoảng 3\% doanh thu thương mại trên toàn Đông Nam Á, và có xu hướng gia tăng khi Internet trở nên phố biến hơn. Mặc dù vậy, đây vẫn là mảnh đất màu mỡ còn bỏ ngỏ, chưa nhiều nhà bán lẻ khai phá.


    Đối với Rocket Internet - cha đẻ của website hàng thời trang Zalora - tỷ lệ phổ biến thương mại điện tử thấp là một rào cản đối với công việc kinh doanh. Công ty nhiều lần để lỡ mục tiêu lợi nhuận, và cần huy động một khoản vốn lớn để duy trì hoạt động.

    Kết quả kinh doanh gần nhất của Rocket Internet cho thấy doanh thu của Zalora tăng 78\% lên 234 triệu USD trong năm 2015, nhưng lỗ ròng tăng 36\% lên đến 105 triệu USD.

    Zalora không công bố kết quả kinh doanh tại từng nước, nhưng cho biết ứng dụng trên điện thoại của trang web đã có 10 triệu lượt tải. Mỗi năm trang web xử lý 1,4 triệu giao dịch ở 10 nước Thái Bình Dương.

    Nguồn tin thân cận với Zalora cho biết trang web thời trang đang bán các mảng kinh doanh để trang trải chi phí, xoay xở để làm ăn có lãi.

    Tuần trước, hai giám đốc điều hành của Zalora đã rời công ty sau thỏa thuận bất thành với Global Fashion Group. Đây là công ty trị giá 3,5 tỷ USD quản lý các thương hiệu thời trang của Rocket Internet tại 5 thị trường mới nổi.

    Global Fashion Group đang gặp sức ép trong việc tái cơ cấu khoản đầu tư vào các thị trường phát triển hơn như Trung Đông, thay vì Đông Nam Á - nơi khả năng sinh lời kém.

    Trước khi về tay Global Fashion Group vào tháng 11/2014, Zalora đã huy động được 200 triệu USD từ nhà đầu tư.

    Hiện giờ Zalora đang nhận tiền từ Global Fashion Group - tập đoàn huy động vốn trực tiếp cho tất cả trang web thời trang của Rocket Internet.

    Cùng với The Iconic, Zalora hoạt động tại 11 vùng lãnh thổ trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, gồm Indonesia, Đài Loan và Australia.

    Trung tuần tháng Tư, Rocket Internet đã chấp thuận bán 9,1\% cổ phần (sau khi pha loãng) ở Lazada cho Alibaba với giá 137 triệu USD.

    Ngoài ra Alibaba cũng thực hiện giao dịch đầu tư thêm 500 triệu USD vào Lazada và sẽ trở thành cổ đông đa số. Thương vụ này định giá Lazada ở mức 1,5 tỷ USD.

    Sau khi giao dịch thành công và sau khi tính đến cả số vốn đầu tư của Alibaba, Rocket Internet vẫn sở hữu 8,8\% cổ phần của Lazada.

    Năm 2012, Rocket Internet đánh chiếm thị trường thương mại điện tử sơ khai tại khu vực Đông Nam Á, với 550 triệu dân nhưng vắng bóng Amazon và eBay, khi ra mắt Lazada và Zalora.

    Cả 2 được kỳ vọng mang về lợi nhuận cao vào năm 2015 nhưng đều thua lỗ do nhiều nguyên nhân, bao gồm mục tiêu ban đầu cao và tăng trưởng thị trường chậm.

    Đại gia Central Group là ai? 

    Vậy Central Group là ai? Cái tên còn khá xa lạ với người Việt nhưng lại quá quen thuộc với người Thái. Gần 90 năm tuổi, Central Group hiện là tập đoàn bán lẻ lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, quay ngược dòng thời gian, vào năm 1927, Central Group không phải là một trung tâm thương mại mà chỉ là một cửa hàng tạp hóa nhỏ tại quận Thonburi ở bờ Tây sông Chao Phraya.

    Chủ cửa hàng, Tiang Chirathivat không phải là người Thái. Ông di cư tới Bangkok từ Hải Nam, Trung Quốc trước đó 2 năm, vào năm 1925. Nhờ có tài kinh doanh, công việc làm ăn của Tiang Chirathivat diễn ra thuận lợi. Tới năm 1956, Tiang quyết định mở rộng kinh doanh. Ông mở ra khu trung tâm thương mại Central Trading tại Chinatown. Đây chính là tiền thân của Central Group ngày nay. Central Trading lúc đó bán nhiều loại mặt hàng, từ quần báo cho tới đồ gia dụng.

    Tại thời điểm đó, Central Trading là trung tâm mua sắm đầu tiên ở Thái Lan, và cũng là nơi đầu tiên đề ra mức giá cố định. Trước đó, hàng hóa được bán theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Với việc đưa ra mức giá cố định không mặc cả, Central Trading trở thành một cuộc cách mạng trong kinh doanh bán lẻ tại Thái Lan.

    Năm 1974, tập đoàn này tiến công vào trung tâm Bangkok, mở ra khu mua sắm Central Childom. Năm 1982, tập đoàn này mở rộng sang phân khúc trung tâm mua sắm với Central Plaza Ladprao ở Bắc Bangkok.

    Tới năm 1983, Central Group có thêm lĩnh vực kinh doanh khách sạn, đây là lĩnh vực đưa Central ra khỏi biên giới Thái Lan để mở rộng ra nhiều khu vực khác trên thế giới như đảo Bali, Maldives hay Trung Đông.

    Sau quãng thời gian tự mở rộng và phát triển, tới giai đoạn những năm 90, Central Trading đẩy mạnh việc thâu tóm các công ty khác. Tập đoàn nàyvà liên doanh với nhà bán lẻ Pháp để cho ra đời thương hiệu Big C, chính thức bước chân vào kinh doanh siêu thị năm 1994.

    Từ trái qua, nhà sáng lập Tiang Chirathivat, chủ tịch đời thứ hai Samrit Chirathivat và chủ tịch đời thứ ba Wanchai Chirathivat.

    Tới năm 1995, Central hoàn tất việc thâu tóm nhà bán lẻ Robinson, đồng thời đẩy mạnh đầu tư sang các loại hàng hóa đặc thù như chuỗi cửa hàng điện máy, cửa hàng thuốc, cửa hàng tiện lợi,...

    Điểm nhấn của Central Group đó là thâu tóm khu phức hợp World Trade Center vào năm 2002. World Trade Center là khu phức hợp thương mại khổng lồ ở khu vực Ratchaprasong, trung tâm Thái Lan, với nhiều thương hiệu nổi tiếng thuê mặt bằng. World Trade Center sau đó đã được đổi tên thành CentralWorld, và hiện được biết đến như biểu tượng của tập đoàn. Khu phức hợp này đã bị cháy trong cuộc biểu tình tại Thái Lan vào năm 2010.

    Nhà sàng lập kiêm chủ tịch tập đoàn Tiang Chirathivat có tới 3 người vợ và 25 người con. Sau khi ông Tiang qua đời vào năm 1968, những người con trai của ông Tiang lần lượt nắm giữ vị trí này cho đến tận ngày nay. Con cả của Tiang, Samrit giữ ghế chủ tịch từ năm 1968 đến năm 1989, tiếp theo đó là người con thứ hai Wanchai, là chủ tịch từ năm 1989 đến năm 2002. Một người con khác của ông Tiang, Sudhichai vừa trở thành chủ tịch mới nhất của Central Group vào tháng 11 vừa qua sau nhiều năm giữ vai trò CEO tập đoàn.

    Những người con của ông Tiang, hay thế hệ thứ hai của gia tộc Chirathivats đã vận hành Central Group trong gần nửa thế kỷ. Quãng thời gian đủ lâu để thế hệ này chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho thế hệ thứ 3. Tos Chirathivat, gương mặt sáng giá nhất trong thế hệ thứ 3 của gia tộc Chirathivat, vừa vượt qua người bác Sudhitham của mình để trở thành CEO của tập đoàn.

    Tos năm nay 49 tuổi, có bằng MBA tại đại học Columbia, Mỹ và làm việc cho Citibank trước khi quay về Central vào năm 1989, hiện đang là nhân vật chủ chốt trong mảng bán lẻ của tập đoàn. Xét về tuổi tác, Tos là người con ít tuổi nhất trong số 8 người con của ông Samrit, nhưng lại đang nắm giữ vị trí rất cao trong tập đoàn

    Tại Central Group, tất cả những nhân sự cao cấp trong tập đoàn đều là thành viên trong gia đình Chirathivat. Có thể nói, Central Group là một tập đoàn gia đình – theo đúng nghĩa đen. Theo nhiều thông tin, hiện có khoảng 150 người trong gia tộc này đang làm việc tại tập đoàn.

    Song song với việc bổ nhiệm ông Tos vào vài trò CEO tập đoàn, Central Group cũng tiến hành tái cơ cấu. 5 lĩnh vực chủ chốt, bao gồm bán lẻ, phát triển bất động sản, bán buôn, khách sạn và nhà hàng đã được chia ra cho 8 công ty riêng biệt. Đây là lần tái cơ cấu sâu rộng nhất của tập đoàn trong vòng 30 năm qua để đảm bảo tập đoàn sẽ hoạt động hiệu quả hơn và cạnh tranh tốt hơn. Chỉ riêng mảng bán lẻ lại được chia nhỏ ra thành 4 phần, bao gồm trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi. Mỗi mảng kinh doanh lại có một giám đốc điều hành riêng để quyết định hoạt động kinh doanh. Các vấn đề lớn sẽ được thảo luận tại một ủy ban điều hành, trong đó tất cả các CEO ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề. Ủy ban này họp ít nhất 25 lần mỗi năm.

    Dưới sự lãnh đạo của cả một gia đình, Central Group đang tiếp tục tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là tích cực mở rộng ra nước ngoài. Thực tế, ngoài mảng kinh doanh khách sạn, Central Group mới bắt đầu mở rộng ra ngoài Thái Lan vài năm trở lại đây.

    Năm 2011, tập đoàn này mở trung tâm ngoài Thái Lan đầu tiên tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc và tới năm 2014 này mới mở một trung tâm khác tại Jarkata, Indonesia.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: Trí thức trẻ, Bizlive

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-gia-mua-zalora-tai-viet-nam-voi-gia-10-trieu-usd-khung-co-nao-a128878.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.