+Aa-
    Zalo

    Đại gia sàn vàng ảo và mánh khóe "gom ngàn tỷ"

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) -Từ Phùng Quốc Huy, Tổng giám đốc sàn vàng HGI đến Lê Minh Quang, Tổng giám đốc BBG đều xuất phát từ những kẻ tay trắng...

    (ĐSPL) -Từ Phùng Quốc Huy, Tổng giám đốc sàn vàng HGI đến Lê Minh Quang, Tổng giám đốc BBG đều xuất phát từ những kẻ tay trắng, nhưng cả hai “ông trùm sàn vàng ảo” này đều áp dụng những chiêu thức “ma” để huy động tiền. 

    Câu hỏi đặt ra, tại sao những kẻ “cò gỗ mổ cò thật” này lại có thể hô mưa gọi gió trong thời gian dài đến như thế? Và tại sao, đến khi cơ quan chức năng vào cuộc sờ gáy, thì các nạn nhân hầu như chỉ còn biết bắc thang lên hỏi ông trời về tiền thật của mình đã bốc hơi và hầu như không có khả năng thu hồi...

    “Bóp méo” MT4, đưa khách hàng đến bẫy sàn vàng

    Đã từng khoác trên vai cái mác “tập đoàn tài chính” và có những phi vụ đầu tư hàng ngàn tỉ đồng với tầm nhìn... 2045, đó là hình ảnh của BBG trước khi bị lật tẩy. Thế nhưng, theo thông tin từ cơ quan điều tra, năm 2013, Công an TP.Hải Phòng phát hiện những chiêu thức huy động vốn của BBG có nhiều biểu hiện mờ ám và đều do Lê Minh Quang điều hành, tập đoàn này đã tổ chức các hoạt động kinh doanh vàng trên mạng; nhận giữ hộ tiền VNĐ quy đổi ra vàng với lãi suất cao khoảng 1,5\%/tháng (18\%/năm); đầu tư tài chính thông qua hình thức thu hút vốn đầu tư từ người dân với lãi suất rất cao khoảng 2,5\%/tháng (tương đương 30\%/năm, gấp khoảng 3 lần; 4,5 lần và 5 lần lãi suất tiền gửi tiết kiệm tương ứng tại các năm 2013, 2014, 2015). Công ty BBG sử dụng số tiền thu được với số lượng rất lớn này không rõ ràng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

    Được biết, trong hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản, hầu hết khách hàng khi sử dụng phần mềm MT4 (Meta Trader 4) để kinh doanh vàng trên mạng thường xuyên gặp sự cố bị lỗi lệnh. Sau khi sự cố được khắc phục, tài khoản của khách hàng trả về thời điểm trước lúc xảy ra sự cố. Phần lớn khách hàng sau một thời gian kinh doanh đều thua lỗ, nên họ nghi ngờ có sự can thiệp vào phần mềm MT4 trong quá trình họ sử dụng để kinh doanh.

     Như báo ĐS&PL đã phản ánh, cùng chung thủ đoạn với BBG, sàn vàng ảo HGI do Phùng Quốc Huy đứng đầu cũng hoạt động kinh doanh vàng tài khoản từ phần mềm giao dịch vàng MT4 mà công ty mua của đối tác nước ngoài. Khi tham gia, nhà đầu tư liên hệ với công ty và được cấp tài khoản. Công ty này đã sử dụng phần mềm này cho nhà đầu tư tham gia đầu tư vàng, bạc, dầu và 8 cặp ngoại tệ có thanh khoản lớn. Với cách thức sử dụng các giao dịch trên sàn vàng, khi các nhà đầu tư sử dụng phần mềm này để giao dịch cũng liên tục gặp sự cố và liên tục thua lỗ.

    Trong khi khách hàng đầu tư sàn vàng đầu tư liên tục thua lỗ, các ông chủ sàn vàng này lại liên tục kiếm lời khi hàng trăm tỉ đồng được kiếm từ sàn vàng. Phân tích hợp đồng quản lý vốn mà công ty BBG và HGI ký kết với các đại lý của mình (thực chất các đại lý là những người làm nhiệm vụ môi giới) mới thấy tính chất không hợp lý của việc kinh doanh của các ông chủ sàn vàng này. Theo đó, trong hoạt động forex (kinh doanh sàn vàng ảo) người tư vấn chỉ làm nhiệm vụ tư vấn cho khách hàng đánh lấy lãi rồi nhận \% dựa trên lợi nhuận của khách hàng. Tuy nhiên, hợp đồng quản lý vốn của BBG và HGI đều giấu nhẹm điều đó. Các hợp đồng của các nhà đầu tư đều được đánh bóng bằng lợi nhuận “bánh vẽ” mà các nhà đầu tư này không hề biết mình đang dính vào một cái bẫy ăn chia của những “ông trùm sàn vàng ảo” này với các nhà môi giới.

    Các đối tượng cầm đầu và công ty kinh doanh sàn vàng ảo bị đánh sập.

    Ai đã góp phần thao túng “thị trường ngầm”?

    Với các hợp đồng quản lý vốn, các ông trùm sàn vàng ảo này sẽ cho khách hàng ăn “bánh vẽ” lãi suất khủng. Với BBG, nếu số lot của khách hàng dưới 50 lot, đại lý (môi giới) sẽ được hưởng hoa hồng là 15 USD/lot; nếu nhà đầu tư ký vốn ủy thác cho đại lý từ 50 – 100 lot, môi giới sẽ nhận 17 USD/lot; nếu nhà đầu tư ký vốn ủy thác cho đại lý từ 100 lot trở lên, môi giới sẽ nhận 20 USD/lot.  Đây cũng là chiêu thức mà phần lớn các sàn vàng “chui” sử dụng để câu kéo khách hàng, đưa họ đến “hợp đồng ủy thác đầu tư”. Trong các hợp đồng đầu tư, các sàn vàng này sẽ “thòng” điều khoản “chết người” vào hợp đồng như: “Sau khi bên B (đại lý) hoàn tất việc chuyển giao số vốn ủy thác như đã ký kết cho bên A (chủ sàn vàng ảo), bên A sẽ cung cấp cho bên B một tài khoản giao dịch sử dụng phần mềm MT4 để bên B theo dõi quá trình sử dụng vốn ủy thác của mình. Ngoài quyền được theo dõi quá trình sử dụng vốn ủy thác do bên A thực hiện ra bên B không có quyền nào khác đối với việc sử dụng vốn ủy thác đầu tư khi chưa đến hạn tất toán”. Như vậy, khách hàng của những “sàn vàng ảo” hoàn toàn mù tịt về thông tin tiền của mình đầu tư vào cái gì, các “ông trùm” này mặc sức biến hóa với số tiền thu về của khách hàng.

    Tình trạng “chết đứng” của các nạn nhân HGI cũng cùng chung tình trạng với BBG. Trước khi xảy ra sự việc sập sàn vàng BBG, từ ngày 03/3/2015 đến 31/3/2015, nhiều khách hàng đến chi nhánh BBG tại Huế để yêu cầu thanh toán tiền gốc, nhưng đơn vị này không có khả năng chi trả; ngày 07/3/2015, có 1 trường hợp đến chi nhánh BBG tại Bắc Giang rút 730 triệu đồng tiền gốc, nhưng đơn vị này không có khả năng chi trả; ngày 05/5/2015, bà Hoàng Thị Kim Dung, người Hải Phòng đến chi nhánh công ty cổ phần Vàng bạc đá quý BBG (Đà Nẵng) tại Hải Phòng rút 500 triệu đồng tiền gốc, nhưng đơn vị này không có khả năng chi trả; ngày 5/5/2015, Phạm Mạnh Cường, đại diện Văn phòng công ty cổ phần Hợp tác Đầu tư BBG (TP.HCM) tại Hải Phòng có trao đổi với một khách hàng về việc công ty hiện không có khả năng trả lại số tiền 15 tỉ đồng (chiếm 50\% tổng số tiền gửi) theo yêu cầu của khách hàng vào ngày 8/5/2015. Khi vỡ sàn, các nạn nhân của các sàn vàng ảo cay đắng nhìn hợp đồng ủy thác đầu tư không khác nào tờ giấy lộn trong khi đó tiền thật của họ mất trắng vì  “giao trứng cho ác”. Hiện nội dung vụ án liên quan đến BBG vẫn đang được cơ quan công an điều tra làm rõ, nhưng rõ ràng việc mổ xẻ những chi tiết trong quy trình lừa đảo của kinh doanh sàn vàng như trên sẽ là bài học cảnh giác xương máu cho nhiều người.

    Thượng tá Hà Thị Hằng - Phó phòng PC50, Công an Hà Nội: Nhà đầu tư nhẹ dạ, không có thông tin pháp lý

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Thượng tá Hà Thị Hằng - Phó phòng PC50, Công an Hà Nội, đơn vị đã “đánh sập” sàn vàng ảo HGI vào ngày 14/1/2015 cho biết, để chiếm được lòng tin của khách hàng, các sàn vàng ảo huy động vốn đã hứa trả lãi suất cao. Ngoài ra, nhằm huy động vốn có hiệu quả, lãnh đạo các công ty này đã lập nên trụ sở hoành tráng với những thiết bị hiện đại. Nhà đầu tư đã nhẹ dạ và không nắm hết được thông tin pháp lý về hoạt động của sàn vàng ảo. Qua những vụ việc của “sàn vàng ảo”, PC50, Công an Hà Nội cũng khuyến cáo, nhà đầu tư nên tìm hiểu về công ty và pháp lý hoạt động mà mình đang tham gia để phòng tránh thiệt hại về tài sản.

    Trần Phương – Đặng Tuyền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-gia-san-vang-ao-va-manh-khoe-gom-ngan-ty-a97453.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.