+Aa-
    Zalo

    Đại thắng mùa Xuân 1975: "Chỉ cần anh còn sống sẽ quay về tìm em"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chiến tranh đã đi qua nhưng ký ức với người lính ở Sư đoàn 320 vẫn in đậm trong tâm trí của bà Tam.

    Chiến tranh đã đi qua nhưng ký ức với người lính ở Sư đoàn 320 vẫn in đậm trong tâm trí của bà Tam. Lời hứa trước lúc ra trận:“Chỉ cần anh còn sống sẽ quay về tìm em”, luôn thôi thúc người đàn bà đã bước qua tuổi 60 không ngừng tìm kiếm người yêu, còn sống hay đã mãi mãi ở lại trong cuộc chiến mùa xuân năm ấy...

    "Chỉ cần anh còn sống sẽ quay về tìm em. Hãy tin và chờ đợi anh” - đó là câu cuối cùng trong cuốn nhật ký liệt sỹ Lê Xuân Hiệp (SN 1950), quê xã Cẩm La, huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên), tỉnh Quảng Ninh gửi lại cho người yêu là bà Dương Thị Tam (SN 1949, quê Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) trước ngày hành quân vào miền Nam đánh trận.

    Ngày đó, làng Trung Tiến, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh được chọn là hậu cứ của Sư đoàn 320. Cũng chính tại đây, người lính trinh sát Lê Xuân Hiệp gặp gỡ, đem lòng yêu người con gái Dương Thị Tam. Tình yêu thời chiến, bao nỗi niềm chôn dấu chỉ có thể trao gửi qua những lá thư tay nhưng vô cùng mãnh liệt. Tháng 12/1971, chàng lính Lê Xuân Hiệp phải rời hậu cứ, vào miền Nam đánh trận theo sự chỉ đạo của cấp trên. Ông đi tìm người yêu nói lời tạm biệt nhưng không thể gặp lần cuối. Lá thư viết vội cùng cuốn nhật ký ông chỉ kịp gửi ở nhà ông nội cho bà Tam rồi vội vã hành quân.


    Bước qua tuổi 70 nhưng ánh mắt bà Tam vẫn rạng rỡ khi kể về mối tình năm ấy, về liệt sỹ Lê Xuân Hiệp và người chồng quá cố mà bà vô cùng yêu thương.

    Ngày ấy, bà Tam như chết lặng khi hay tin người yêu đã lên đường. Bà ngồi suốt 3 ngày, 3 đêm để đọc từng dòng nhật ký ông Hiệp gửi lại. Sau ngày ông Hiệp ra chiến trận, bà Tam cũng đăng ký đi thanh niên xung phong. Cô gái 20 tuổi hừng hực chí khí chiến đấu và niềm tin vào tình yêu như sợi dây vô hình trói buộc trái tim bà rằng: Ngày đất nước thống nhất là ngày người yêu của bà trở về.

    Mùa Xuân năm 1975, Việt Nam toàn thắng, đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất hoàn toàn đất nước. Trên các ngả đường, cờ hoa rợp trời nhưng bà Tam không thấy hình bóng người yêu ở đâu. Và rồi những tin tức về ông Lê Xuân Hiệp cũng “bạt vô âm tín” để lại sự héo mòn trong lòng người con gái đôi mươi.

    Dù đã bước sang tuổi 70 nhưng khi kể lại cho chúng tôi nghe, bà Tam vẫn bật khóc nghẹn ngào. Bà nói: Tình yêu của tuổi thanh xuân bà dành hết cho người chiến sỹ Lê Xuân Hiệp. Cuốn nhật ký để lại, ngày nào bà cũng đưa ra đọc đến nỗi đến tận bây giờ, đã hàng chục năm trôi qua, bà vẫn thuộc lòng từng câu chữ.

    Bà Tam và liệt sỹ Lê Xuân Hiệp thời còn trẻ (ảnh cắt từ phóng sự của truyền hình quân đội nhân dân Việt Nam).

    Năm 1976, sau bao năm mỏi mòn chờ đợi trong vô vọng không thấy ông Hiệp trở về, bà Tam kết hôn với ông Phan Đình Phương (SN 1953, thôn Tam Đồng, xã Cẩm Vinh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) - một người lính trở về từ chiến trận. Rồi bà lần lượt sinh ra 2 người con 1 trai, 1 gái, sống hạnh phúc bên người chồng hết mực yêu thương vợ con. Dẫu vậy thẳm sâu trong lòng người đàn bà ấy vẫn khôn nguôi khắc khoải nhớ về mối tình đầu và lời hứa năm ấy. Ông Hiệp còn sống hay đã chết? hay đang ở một trung tâm chăm sóc thương binh nào đó trên đất nước này? là câu hỏi luôn xoáy sâu trong tâm khảm bà.

    Năm 2010, trong một lần vô tình xem chương trình đi tìm kỷ vật chiến tranh trên tivi, bà Tam mạo muội xin chồng tìm kiếm thông tin về ông Lê Xuân Hiệp. Ý định của bà Tam được người bạn đời và các con đồng tình, ủng hộ. Bà nhờ con làm 2 bức ảnh ông Lê Xuân Hiệp mà bà vẫn giữ bao năm qua gửi kèm lá thư bà viết ra Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh và sở Lao động thương binh & xã hội tỉnh Quảng Ninh nhờ tìm thông tin về ông Lê Xuân Hiệp - một việc như "lặn bể mò kim". Thế nhưng, như một phép nhiệm màu, bức thư may mắn đến tay người cháu của liệt sỹ Lê Xuân Hiệp đang làm cán bộ tư pháp tại xã Cẩm La.

    Nhận ra người chú ruột trong bức ảnh, người cháu đã liên lạc với bà Tam. Trong cuộc điện thoại, bà Tam đau đớn khi biết ông Lê Xuân Hiệp đã hi sinh vào năm 1972 trong một trận đánh, hiện vẫn chưa tìm được hài cốt. Bà cùng chồng lặn lội tìm về quê ông Hiệp. Những kỷ vật bà giữ lâu nay giờ trở thành thứ quý giá đối với gia đình liệt sỹ Lê Xuân Hiệp. Trước bàn thờ liệt sỹ Hiệp, vợ chồng bà Tam khấn niệm sẽ đi tìm hài cốt ông về chôn cất. Thế nhưng chưa kịp đi cùng vợ, không lâu sau đó ông Phương qua đời vì bạo bệnh.

    Hình ảnh bà Tam quỳ bên phần mộ liệt sỹ Lê Xuân Hiệp tại nghĩa trang tỉnh Komtum (hình ảnh cắt từ phóng sự của truyền hình Quân đội nhân dân Việt Nam).

    Đến tháng 8/2013, nhận được tin phần mộ của liệt sỹ Lê Xuân Hiệp đang ở nghĩa trang tại tỉnh Komtum, bà Tam cùng người cháu của liệt sỹ Lê Xuân Hiệp đã vượt nghìn cây số vào tìm kiếm. “Đến nghĩa trang, giữa hàng nghìn ngôi mộ liệt sỹ, như được vong linh anh Hiệp dẫn đường chỉ lối, tôi đi một mình thẳng đến trước phần mộ anh Hiệp thì dừng lại. Sau khi xác minh được đúng thông tin của anh Hiệp, tôi đã cùng gia đình làm lễ đón anh Hiệp về quê nhà”, bà Tam trầm ngâm kể lại.

    Trong dòng người đưa tang về Quảng Ninh ấy, không mấy ai biết có một người đàn bà đã qua 60 tuổi, ngực cài khăn tang, lặng lẽ rơi những giọt nước mắt.

    Mắt bà Tam mờ đi. Bà nói, đến giờ mỗi lần nhớ đến ông Hiệp, bà vẫn khóc. Có một trùng hợp là người chồng bà cưới mang tên Phương – cái tên mà ngày trước liệt sỹ Lê Xuân Hiệp luôn đề trên những bức thư viết cho bà: Hồng Phương.

    Ngôi nhà bà Tam tại quê chồng ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. 

    “Những bức thư, nhật ký anh Lê Xuân Hiệp viết cho tôi ông Phương đều đọc hết. Không những không ghen mà ông còn khen anh Hiệp viết thư hay và ủng hộ việc tôi đi tìm thông tin về anh Hiệp. Chiến tranh đã đi qua nhưng ký ức vẫn còn mãi mãi. Từng dòng nhật ký của anh Hiệp viết, đến giờ tôi vẫn thuộc từng chữ", bà Tam bồi hồi...

    "Anh đã đi nhiều bốn phương trời nhưng anh chưa hề nghĩ tới tình yêu của thế giới phụ nữ này, mặc dù quen hoặc biết anh chỉ coi tất cả là tình bạn, nay anh đã đặt tình yêu thương đó vào em. Chỉ có em là một. Trong trận chiến đấu này anh có phải hi sinh đi chăng nữa, khi nhắm mắt vĩnh biệt em, em hãy tự hào rằng có người anh yêu chân chính đã bảo vệ cho tổ quốc và hạnh phúc cho tất cả mai sau. Em hãy đừng đau khổ khi mất đi người yêu thương đó, hoặc anh có bị tàn tật em cũng đừng đau lòng. Tất nhiên trong chiến tranh không thể tránh được sự hi sinh quang vinh đó, em hãy vui và hồn nhiên trong cuộc sống, hãy coi như không còn anh nữa, anh đã vĩnh biệt em trong đời tư riêng rồi. Ba năm sau không thấy tin anh thì em hãy chắc chắn như vậy. Nếu anh được sống không mang tàn tật gì trong chiến tranh thì không khi nào anh phụ bạc em, dù xa bao nhiêu anh cũng quay lại tìm em", bà Tam nghèn ngào đọc cho chúng tôi nghe những dòng nhật ký của liệt sỹ Lê Xuân Hiệp mà bà đã thuộc lòng 50 năm qua…

    Xúc động về câu chuyện tình thời chiến của bà Dương Thị Tam với liệt sỹ Lê Xuân Hiệp cũng như người chồng quá cố Phan Đình Phương, ông Bùi Đức Hồng, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bản thân ông và người dân địa phương rất cảm phục trước nghĩa tình của bà Dương Thị Tam. Đó là câu chuyện tình đẹp trong thời chiến, kéo dài cả thời bình. Trong cuộc chiến mùa xuân 1975 đầy vẻ vang của dân tộc, chính những con người đó đã làm nên lịch sử.

    Theo Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-thang-mua-xuan-1975-chi-can-anh-con-song-se-quay-ve-tim-em-a321545.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan