+Aa-
    Zalo

    Đám cưới đặc biệt của già làng 92 tuổi với lão bà 83 nhờ tiếng khèn kỳ diệu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhờ tiếng khèn định mệnh, ở tuổi "gần đất xa trời", già làng 92 tuổi tìm lại được mối tình đầu và nên duyên chồng vợ.

    (ĐSPL) - Nhờ tài thổi khèn, trong một phiên chợ tình thời trẻ, cụ Hoàng từng khiến trái tim cụ Tuyết rung động. Đôi trẻ "thề non hẹn biển" trước khi bị chiến tranh chia cắt. Đến tuổi “gần đất xa trời”, cũng nhờ tiếng khèn ấy, họ tìm lại nhau và nên duyên chồng vợ.

    Cụ Hoàng vẫn lạc quan, yêu đời dù đã 94 tuổi


    Chợ tình se duyên

    Đến huyện vùng cao A Lưới (tỉnh Thừa Thiên- Huế), hỏi về già làng Quỳnh Hoàng (hiện 94 tuổi, xã A Ngo) ai cũng biết. Mọi người bảo, cụ là một trong những người hiếm hoi biết được cách làm khèn, thổi khèn. Tiếng khèn của cụ vẫn khiến biết bao trái tim phải rung động. Nhưng, đằng sau tiếng khèn ấy, có một chuyện tình đẹp mà mọi người vẫn gọi là “cuộc hôn nhân hi hữu”.

    Trong căn nhà sàn cũ kỹ, thấy người lạ, cụ Hoàng ngồi dậy, bắt tay, mặt cười hớn hở đón khách. Sau một hồi khơi gợi, ngỏ ý muốn cụ kể về cuộc hôn nhân nổi tiếng trong cộng đồng của chính mình, cụ móm mém: “Mấy chú hỏi chuyện đó làm bố xấu hổ ghê”. Mặc dù vậy, nhưng với lòng hiếu khách, cụ vẫn kể với giọng điệu khá ngượng ngùng.

    Gia đình cụ cũng nghèo, làm rẫy như hàng trăm đồng bào khác ở vùng núi này. Ngày xưa, người Tà Ôi có tục lệ, trai gái đến tuổi cập kê, muốn lấy vợ gả chồng phải ra chợ tình. Ở đó, trai say mê thổi khèn, gái dập dìu múa hát. Cặp đôi nào thấy hợp thì dắt nhau về, ra mắt cha mẹ, tổ tiên. Từ đó, họ trở thành người một nhà. Vì thế, những chàng trai thổi khèn không hay thì khó kiếm được vợ đẹp, vợ ngoan.

    Hiểu rõ điều này, 15 tuổi, cụ Hoàng được cha dạy cách làm khèn, thổi khèn. Nhưng, những gì cha truyền lại không khiến cụ thỏa lòng, vẫn cảm thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Cụ đến gặp các già làng trong bản và các bản bên xin được chỉ dạy. Góp nhặt “tuyệt chiêu” của người khác, cụ làm kinh nghiệm của chính mình.

    Lần đầu ra chợ tình, cụ vừa ngại vừa hồi hộp. Dưới ánh trăng sáng, cụ nghe các thanh niên khác thổi khèn với tâm trạng ngưỡng mộ. Hòa nhịp không khí ấy, cụ đưa khèn lên miệng, tiếng nhạc vang lên. Lúc ấy, một số cô gái đến bên, cùng nhau hát theo điệu nhạc. Lòng cụ rộn ràng. Rồi, sau đó, cụ ra chợ tình nhiều lần, góp nhặt tiếng khèn của mình giúp vui nhiều sơn nữ. Nhiều cô ngỏ ý muốn theo về gắn kết keo sơn nhưng cụ cảm giác mình vẫn chưa tìm được người trong mộng.

    Một đêm nọ, tiếng khèn cụ vang lên trùng tiếng hát lanh lảnh của một thiếu nữ. Cô gái không múa như những người khác nhưng tiếng hát khiến trái tim chàng trai xao động. Cụ có cảm tình từ đó. Gặp nhau đôi ba lần nữa ở chợ tình, họ vẫn thổi khèn, vẫn hát cho nhau nghe. Qua trò chuyện, cụ mới biết, cô gái có tên Hồ Thị Tuyết (hiện cụ Tuyết đã 85 tuổi). Cả hai tự thấy một nửa của mình là đây. Họ ngượng ngùng thề non hẹn biển.

    Nhưng, lời thề chưa kịp trọn vẹn thì bom đạn xới tung quê nghèo. Theo tiếng gọi Tổ quốc, cả hai cùng ra chiến trường. Mỗi khi có dịp về quê, họ lại dò hỏi tin tức của nhau. Cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, cụ Tuyết trở về nhà. Riêng cụ Hoàng vào Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ.

    Cụ Tuyết đợi chờ mãi nhưng cụ Hoàng vẫn không về. Chiến tranh, sinh tử mong manh. Tin tức người thương ngày một mịt mù. Con gái có thì. Cụ Tuyết đành kết hôn với một thanh niên khác. Cụ sinh hạ được hai người con, một nam, một nữ. Riêng cụ Hoàng, trong tim vẫn giữ hình bóng của cụ Tuyết. Chỉ khi, cụ Hoàng hay tin người tình trong mộng đã lập gia đình và có hai mặt con thì mới quyết định từ bỏ.

    Trong những đêm hành quân trên chiến trường ác liệt như Đường 9, Đồi K3... cụ Hoàng thổi khèn để quên hiu quạnh. Cũng tiếng khèn ấy làm trái tim cán bộ phụ nữ xinh đẹp xã A Ngo xiêu lòng. Gặp gỡ chưa được bao lâu, đơn vị tổ chức đám cưới cho hai người giữa rừng Trường Sơn. Đêm động phòng, tiếng bom vẫn rầm rầm bên ngoài. Cuộc chiến ác liệt, nhưng tình cảm vợ chồng cụ luôn nồng thắm. Vợ chồng cụ sinh hạ được bốn người con, hai trai, hai gái.

    Chiến tranh kết thúc, giữa cụ Hoàng và cụ Tuyết không có tin tức gì về nhau. Cả hai đều gặp hoàn cảnh trớ trêu, vợ cụ Hoàng và chồng cụ Tuyết đều mất sớm. Họ ở vậy, hàng ngày vào rừng kiếm củi, lên rẫy kiếm gạo nuôi các con. Mặc dù cuộc sống khắc khổ nhưng thỉnh thoảng, tâm trí cụ Hoàng vẫn nhắc nhớ về người con gái ngày xưa.

    Năm 2010, khi con cái của hai cụ đã thành gia lập thất hết, một hôm, về thị trấn họp chợ, cụ Hoàng cầm chiếc khèn ra thổi. Phiên chợ ấy, cụ Tuyết cũng có mặt, đến nghe tiếng khèn. Nhưng, họ không hề nhận ra người cũ. Chợ phiên vãn, cụ Tuyết đến hỏi han về tiếng khèn. Lúc này, cả hai mừng mừng, tủi tủi nhận ra nhau. “Lúc ấy, bố như thanh niên ấy. Tim bố run lắm! Bố không ngờ, xa cách mấy mươi năm, nay lại có thể gặp lại bà ấy”, cụ Hoàng xúc động nhớ lại.

    Sau lần đó, hai người vẫn thường gặp gỡ, trò chuyện. Họ ôn chuyện cũ, kể về khoảng thời gian cách xa. Họ kể về con cháu... Những câu chuyện không đầu không cuối cứ thế tuôn trào. “Từ khi gặp bà ấy, bố thấy mình như trẻ lại. Lúc nào bố cũng thấy vui. Bố cười mãi. Lắm khi, con cháu lại hỏi đang cười gì? Bố không biết trả lời sao”, cụ thật thà kể.

    Cụ Hoàng và cụ Tuyết hạnh phúc bên nhau

    Trọn vẹn nghĩa tình

    Mỗi khi rảnh, hai cụ lại sang nhà nhau thổi khèn, hát cho nhau nghe. Tiếng nhạc vang lên cũng là lúc cảm xúc cũ tràn về. Chiều nọ, tiếng nhạc vừa dứt, cụ Tuyết móm mém ngỏ ý: “Tôi nói với con cháu, chuyển sang nhà ông ở nha”. Cụ Hoàng cười tình: “Thật hả?”. Mặc dù hỏi vậy nhưng lòng cụ ông dâng lên niềm vui rất lạ.

    Tình hai cụ đã thắm. Nhưng, con cháu không chấp nhận. Bởi, ai đời, đến tuổi “gần đất xa trời” lại còn đòi cưới nhau. Vả lại, con cháu của cả hai cụ cũng đã quá lớn. Hai cụ hiểu rõ tâm sự của các con. Họ nhỏ nhẹ, mỗi ngày bày tỏ tâm tình của mình từng chút một. Mưa dầm thấm lâu, con cháu cuối cùng cũng hiểu được tâm tư của bậc cha mẹ.

    Đầu năm 2013, đám cưới đặc biệt của hai cụ diễn ra. Tất cả phần nghi lễ đều làm theo tục lệ của người Tà Ôi. Cũng có tiệc rượu thịt mời bà con trong bản, cũng nghi lễ cúng lạy bàn thờ... Do đây là cuộc hôn nhân đặc biệt của cụ ông 92 tuổi và cụ bà 83 nên đồng  bào thấy lạ. Người các bản bên cũng kéo đến xem. Đường chật kín. “Nhiều người chứng kiến, bố rất ngại. Vả lại, bố cũng già lắm rồi mà còn cưới vợ. Nhưng lòng bố vui lắm”, cụ kể.

    Mặc dù tuổi đã già, sức đã yếu nhưng suốt ngày và đêm hôm đó, cụ Hoàng vẫn thổi khèn và cụ Tuyết vẫn hát. Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt nhăn nhúm vì thời gian của đôi vợ chồng. Người thân lẫn người dân trong bản cũng chung vui với cô dâu, chú rể đặc biệt này.

    Thời gian thấm thoắt trôi. Hai năm qua, vợ chồng cụ vẫn sống vui vẻ. Mỗi khi trái gió trở trời, hai cụ lại thay nhau xoa bóp để giảm đau. Mỗi chiều, khi các con từ rẫy về, cụ Hoàng cầm chiếc khèn ra thổi và vợ lại hát. Người dân trong bản đã quá quen thuộc với hình ảnh hai cụ già ngồi bên nhau như thế.

    “Nhờ tiếng khèn, bố có mối tình đầu. Nhờ tiếng khèn, bố cưới được người vợ đầu tiên. Và cũng nhờ tiếng khèn, bố gặp lại mối tình đầu và kết hôn với bà ấy. Đối với bố, tiếng khèn đã mang lại cho mình quá nhiều may mắn. Nhưng, bố buồn vì bây giờ, lớp trẻ chỉ thích nghe bố thổi chứ không chịu học cách làm và thổi khèn. Bố sợ, khi mình mất đi thì tiếng khèn cũng không còn nữa”, cụ nhìn xa xăm chia sẻ.

    Chị Quỳnh Thị Hoa (32 tuổi, cháu cụ Quỳnh Hoàng) chia sẻ: “Ban đầu, mình cảm thấy chuyện ông và bà muốn dọn về sống chung thì thấy kỳ lắm. Nhưng, thấy mỗi lần gặp bà, ông cười nhiều, vui hơn nên mình nghĩ lại. Từ đó, mình đồng tình và khuyên mọi người trong gia đình chấp nhận tình yêu của ông bà. Đến nay, thấy ông bà hạnh phúc, là phận cháu, mình cũng vui lây”.

    Cụ Hoàng là một trong những người hiếm hoi còn biết cách làm khèn và thổi khèn tại huyện A Lưới. Vào rừng, chỉ cần nhìn vào thân nứa là cụ có thể biết nó cho tiếng khèn hay. Cụ là nghệ nhân đã làm ra hơn 20 nhạc cụ dân tộc Tà Ôi như trống, tù và, đàn Ta lư, đàn Tê rê… và là người chỉnh thanh chiêng, la cho các bản làng người dân tộc ở vùng cao Trường Sơn.

    HUY CƯỜNG

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dam-cuoi-dac-biet-cua-gia-lang-92-tuoi-voi-lao-ba-83-nho-tieng-khen-ky-dieu-a97151.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.