+Aa-
    Zalo

    Đám cưới đẫm lệ của vợ chồng khiếm thị ở Hà Nội

    • DSPL
    ĐS&PL Nếu người thường đi bằng xe máy, ngắm nhau tình tứ thì phương tiện của chúng tôi chỉ là xe buýt và bốn bàn tay lần mò dựa dẫm vào nhau tìm đường.

    Nếu người thường đi bằng xe máy, ngắm nhau tình tứ thì phương tiện của chúng tôi chỉ là xe buýt và bốn bàn tay lần mò dựa dẫm vào nhau tìm đường.

    Yêu là cưới

    Tôi sinh ra với đôi mắt sáng trong và lớn lên trong một mái ấm đủ đầy như bao đứa trẻ khác. Tuổi thơ của tôi đẹp đẽ như bao cô gái nhỏ Hà Nội với váy áo tung tăng, với những buổi chiều ngắm trời xanh lồng lộng.

    Cuộc sống chắc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có trận sốt cao năm tôi 9 tuổi. Cơn sốt định mệnh đó đã khiến tôi lên cơn co giật, phải sống đời sống thực vật suốt 2 tháng trời và di chứng để lại ở những thứ mà người đàn bà cần nhất: làn da chằng chịt sẹo, móng tay sần sùi cùng với đôi mắt hỏng vĩnh viễn, một bên mí kéo sụp không còn khả năng nhìn và một bên thị lực chỉ còn 1/10.

    Sau đám cưới đẫm lệ là những tháng ngày hạnh phúc của gia đình chị Dung và anh Lý.

    Những ngày đầu sống trong sự tăm tối này, tôi đau khổ và bi quan đến cùng cực. Tôi núp mình suốt ngày trong nhà, không dám ra khỏi ngõ nhưng rồi bóng tối và sự cô đơn ngày một huỷ hoại tôi ghê gớm.

    Để tìm sinh khí mới, tôi lại xin đi học tiếp và gắng gượng học trong ánh sáng mờ mờ đến hết năm lớp 8 thì tôi buộc phải ở nhà phần vì không thể gắng gượng học hơn, phần vì sự cô lập trong lớp học.

    Tôi ở nhà và bắt đầu chấp nhận với cuộc sống của một người khiếm thị. Tôi học cách làm các công việc trong gia đình bằng cách sờ, bằng cảm nhận, bằng thanh âm chứ không bằng thị giác nữa.

    Khó khăn và khổ cực lắm nhưng tôi quyết tâm sẽ không để mẹ phải bận tâm nhiều hơn. Rồi dần dà, giống như đứa trẻ ngã mãi thì cũng phải đi được, tôi bắt đầu tự lo cho những sinh hoạt thường ngày của mình.

    Tôi có thể tự nấu cơm, tự giặt quần áo, tắm gội, lau nhà và thậm chí phụ giúp mẹ trông trẻ (mẹ tôi làm nghề trông trẻ tại nhà). Cuộc sống của tôi đã không còn quá khó khăn khi phải sống trong bóng tối nữa nhưng tôi vẫn nghĩ mình cũng chỉ sống cho hết cái kiếp người đau khổ này.

    Chuyện lấy chồng, sinh con là điều chẳng bao giờ có trong suy nghĩ của tôi

    Hai thiên thần của anh Lý, chị Dung luôn hạnh phúc trong vòng tay bố mẹ.

    Ấy vậy nhưng, cuối năm 2003, trong một lần đi tham dự câu lạc bộ Chung một niềm tin ở trường dành cho người khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, tôi gặp anh, khi đó là chủ nhiệm câu lạc bộ của hội người khuyết tật và là người dẫn chương trình hôm đó.

    Cái tên Hoàng Văn Lý và bài thơ mới được đọc một nửa hôm đó cứ ám ảnh tôi mãi về một tâm hồn, một nghị lực sống mãnh liệt. Khi tan buổi sinh hoạt, tôi quyết gặp anh và nhờ chép nốt cả bài để về nhà đọc.

    Chúng tôi quen nhau từ đó và bắt đầu có những liên lạc qua lại, điện thoại, tin nhắn. Chuyện trò với anh tôi mới phát hiện ra rằng hóa ra tôi cũng rất có tâm hồn văn học, giống như anh.

    Và rồi chúng tôi yêu nhau lúc nào không hay, hạnh phúc cũng chẳng kém đôi lứa nào. Gần như cuối tuần nào chúng tôi cũng cùng nhau dạo chơi trong công viên Lê Nin, công viên Nghĩa Tân, bảo tàng dân tộc học, chùa Thầy, Ao Vua...

    Có điều nếu người thường đi bằng xe máy, ngắm nhau tình tứ thì phương tiện của chúng tôi chỉ là xe buýt và bốn bàn tay lần mò dựa dẫm vào nhau tìm đường.

    Tôi luôn là người dẫn đường anh vì mắt tôi vẫn còn nhìn tốt hơn. Nếu những đôi sáng mắt có thể ngắm nghía nhau thì cái cách bày tỏ tình cảm của chúng tôi chỉ là những cái siết tay, khoác vai.

    Tôi không rõ khuôn mặt anh ra sao, đôi mắt anh thế nào ngoài chiếc mũi cao cao mà sờ tay có thể thấy được.

    Sau một năm yêu đương, khi quyết định kết hôn tôi gặp nhiều lời ngăn cản lắm. Người bảo một mình tôi đã là gánh nặng của mẹ, giờ đèo bòng thêm một người khiếm thị nữa gánh nặng gấp đôi.

    Người bảo hai người mù lấy nhau sinh con ai nuôi. Nhưng có một lý do khiến tôi phải suy ngẫm nhiều nhất đó là chồng tôi bị mù bẩm sinh nên đời con có thể bị di truyền.

    Đây là điều tôi đáng ngại nhất. Tôi mất ngủ rất nhiều vì điều này nhưng rồi lo vẫn lo, sợ vẫn sợ nhưng yêu vẫn yêu. Và đã yêu là sẽ cưới.

    Thế rồi đám cưới của chúng tôi diễn ra như bao đám cưới khác, cũng xe hoa đưa đón, cũng rất đông bạn bè khiếm thị nhưng có điều đặc biệt đám cưới của tôi diễn ra trong những dòng nước mắt nhạt nhoà.

    Hôm đó, trong lúc lên hát mừng hạnh phúc vợ chồng tôi, một người bạn khiếm thị òa lên khóc nức nở. Thấy bạn khóc, chú rể cũng ôm bạn òa khóc theo và theo như giải thích của anh sau này là anh khóc vì mừng lấy được vợ. Hôm đó, vợ chồng tôi cùng nức nở.

    Rồi sau đó, gần như tất cả những người bạn khiếm thị có mặt hôm đó, nghe tiếng khóc cũng bỗng nức nở khóc theo vì thương, vì mừng, vì tủi. Một đám cưới ngập tràn nước mắt nhưng là nước mắt của hạnh phúc, của sẻ chia.

    Hành trình làm mẹ gian nan

    Ngay khi cưới xong, tôi quyết định sẽ sinh con. Với một người phụ nữ bình thường, điều này đã là chuyện không hề giản đơn còn với tôi, một người mắt không nhìn được là bao, bệnh tật lúc nào hành hạ thì quả là một sự khó khăn khủng khiếp.

    Sau hai năm vật vã chạy chữa khắp nơi, tôi mới có thể mang thai bé gái đầu. Đây là một thời gian kinh khủng đối với tôi vì nỗi lo và sự mệt mỏi nhiều gấp trăm, gấp nghìn lần niềm vui, sự hạnh phúc đang có được.

    Tôi nghén một cách khủng khiếp mà trên đời này ít ai gặp phải. Cả ngày dài tôi vật vã với cơn nghén mà uống một chút nước thôi cũng có thể làm tôi nôn sạch chứ đừng nói đến ăn hay ngửi thấy mùi gì lạ.

    Nghĩ đến đã đủ buồn ói chứ không cần phải đưa vào miệng. Ấy thế nhưng ngày nào tôi cũng gắng ăn đủ suất dù có khi ăn vào lại nôn ngay ra, dù vừa bịt mũi vừa ăn, và ăn trong tình trạng phải để chậu trước mặt phòng khi nôn ngay khi vừa ăn.

    Bất cứ ai nghén đến mấy nhưng nhìn thấy tôi đều phải chào thua. Có nhiều khi nghén quá đến mức cảm thấy như cái chết đã cận kề. Nhưng rồi mỗi lúc bi quan tôi lại nhỏm dậy, trong đầu tôi lúc nào cũng vang câu, phải ráng lên, ráng lên.

    Dẫu vậy, điều này chẳng làm tôi khốn khổ bằng nỗi lo sinh ra, con mắt có bị di truyền giống bố. Nếu sau này sinh ra mà mắt con cũng khiếm thị thì sẽ ra sao, con sẽ tiếp tục cuộc sống tối tăm của mình như thế nào, làm sao để mình nuôi con…

    Tôi dằn vặt bản thân với những suy nghĩ như thế này và từng khiến nhiều bác sĩ phải bực mình vì những đòi hỏi được phát hiện sớm dị tật mắt cho bé.

    Thế rồi ơn trời, sau 9 tháng vật vã với nghén ngẩm, lo lắng cuối cùng tôi cũng sinh ra một em bé mắt sáng ngời.

    Ngay khi nhận được câu trả lời của bác sĩ rằng con tôi mắt lành lạnh, tôi vỡ oà trong những dòng nước mắt hạnh phúc đến mức bác sĩ phải can đừng khóc nữa.

    Hạnh phúc là vậy nhưng khi bắt đầu bồng được bé lên tay tôi mới cảm nhận được sự thiệt thòi và khó khăn của người khiếm thị khi làm mẹ.

    Suốt hai tuần đầu sau sinh chứng kiến bà ngoại chăm cháu vất vả, tự dưng trong lòng tôi lại thấy xót xa cho cảnh mẹ chăm con rồi lại chăm cháu, tôi thấy thương bà vô cùng.

    Và kể từ lúc đó tôi quyết tâm trong lòng sẽ phải tự lập bằng mọi cách để có thể nuôi con mình. Và tôi bắt đầu những ngày đầu học cách mò mẫm nuôi con.

    Tôi bắt đầu phải làm quen dần từ việc quấn tã, thay tã, đoán biết bé khóc vì đói, vì tè hay vì ị. Người ta có thể nghe và nhìn còn tôi cứ lần mò bằng tay từng chút từng chút một.

    Đơn cử như việc quấn tã, người mắt sáng chỉ cần nhìn một, hai lần là được. Còn tôi ròng rã suốt mấy ngày, cứ lúc nào rảnh là tay lại lần mò vào tã con, giở ra, quấn lại, suy đoán... cho đến khi tôi quấn tã một cái là được ngay mà mẹ tôi cũng còn phải ngạc nhiên.

    Biết quấn tã rồi tôi lại học sang cách hút sữa, vì bé gái đầu không chịu bú mẹ nên tôi liên tục phải hút sữa ra bình trữ lạnh rồi ngâm cho ấm mỗi khi bú.

    Bằng ấy công đoạn tất nhiên với tôi là cả một quá trình mò mẫm nhưng cuối cùng tôi cũng đã thành công.

    Ngoài học cách chăm con từ bà, tôi còn phải sáng tạo ra cách thức để mắt không nhìn mà tay phải làm được. Chẳng hạn để pha sữa bột cho con tôi nghĩ ra cách bóp méo cốc nhựa để đổ nước vào bình sữa cho khỏi rớt ra ngoài.

    Tôi phải luyện cho mình cảm giác đổ nước nóng sao cho sờ vào bình là đoán biết độ nóng đã vừa để sữa không bị sống mà cũng không bị mất chất hay chưa.

    Tôi pha sữa thành thạo đến mức người ngoài nhìn vào cứ tưởng tôi nhìn thấy. Hay như khi gội đầu cho con, để nước không vào mắt tôi cũng phải nghĩ ra cách lấy khăn vuốt nước lên đầu sao nước không vào mắt con.

    Với người lành tắm cho con dùng gáo múc nước còn với tôi đến giờ tắm là chỉ dùng khăn. Và sau hai tuần sinh con gần như tôi toàn bộ tự tắm cho cháu.

    Nhưng trong suốt hành trình nuôi và chăm con ấy, tôi sợ nhất là mỗi lần phải đưa con đi viện. Bé nhà tôi đều không chịu theo ai nên mỗi lần đi viện tôi luôn trực tiếp phải đưa bé đi.

    Và rồi mẹ bế con, bà dắt mẹ, cả ba cứ thế vào viện đi khám hết nơi này nơi khác mà người ngoài nhìn vào ai cũng phải thương xót.

    Cứ thế tôi nuôi hết đứa đầu lại đến bé thứ hai. Giờ cháu lớn đã 5 tuổi nên tôi lại bắt đầu lần mò huấn luyện để bé giúp đỡ bố mẹ.

    Chồng tôi quê ở Sơn Tây, cách nhà mẹ đẻ tôi chừng 70km nhưng vì mắt chồng tôi rất kém nên không thể tự về nhà một mình mà thường xuyên phải dựa vào tôi để dẫn đường.

    Tôi giờ đang nuôi con mọn không thể dắt chồng về thăm ông bà nội được nên đã dạy con gái lớn chữ số để đọc số xe buýt và thay mẹ đưa bố về thăm ông bà. Và cháu cũng đã đưa bố về quê đến tận mấy lần.

    Nhà tôi gần như luôn làm mọi việc cùng nhau. Mẹ giũ quần áo, bố ngoắc lên móc áo còn bà ngoại treo lên dây phơi. Mẹ nấu nướng, bố xếp bát, bà gắp thức ăn cho cháu, còn con trẻ thì cười nói rộn ràng.

    Một không khí đầm ấm, đầy ắp tiếng cười mà khách đến nhiều khi phải trầm trồ, ngạc nhiên.

    Nếu ai nói khiếm thị là sự thiệt thòi, tôi không phủ nhận nhưng nếu ai bảo khiếm thị là bất hạnh thì tôi không đồng tình.

    Tôi mãn nguyện với các con gái xinh xắn, mạnh khoẻ, tôi hạnh phúc với người chồng mắt kém nhưng yêu vợ thương con, và không khí gia đình lúc nào cũng đầm ấm, yêu thương.

    Giờ đây, mỗi ngày đi qua là một ngày hạnh phúc với tôi khi được lắng nghe những thanh âm vui vẻ từ tiếng nói cười của con trẻ, từ việc đón đợi chồng từ công sở trở về (chồng tôi công tác tại hội người mù quận Hoàn Kiếm) để trò chuyện thâu đêm suốt sáng, để giận, để hờn, để bàn tính tương lai.

    Và đôi khi là để ngẫm ngợi những vần thơ chồng tặng:

    Thiên đường chẳng ở đâu xa

    Thiên đường chính là ngôi nhà chúng mình đang ở”.

    Theo Trọng Nguyên/Người đưa tin

    Xem thêm video:

    [mecloud]eJrLULWVQa[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dam-cuoi-dam-le-cua-vo-chong-khiem-thi-o-ha-noi-a116723.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.