+Aa-
    Zalo

    Đạn làm từ uranium nghèo mà Anh sắp viện trợ cho Ukraine có gì đặc biệt?

    • DSPL
    ĐS&PL Bộ Quốc phòng Anh mới đây xác nhận họ sẽ cung cấp cho Ukraine đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo.

    Ngày 20/3 (giờ địa phương), Bộ Quốc phòng Anh xác nhận họ sẽ cung cấp cho Ukraine đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo, một động thái vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Nga. Theo đó, Moscow cảnh báo hành động của London sẽ làm leo thang cuộc xung đột vốn đã khốc liệt ở Ukraine hiện nay.

    Được biết, loại đạn chứa uranium nghèo này được Mỹ phát triển từ thời Chiến tranh Lạnh để tiêu diệt các xe tăng Liên Xô, bao gồm xe tăng T-72 mà Ukraine đang phải đối phó hiện nay. 

    Đạn chứa uranium nghèo là một sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium để tạo ra vũ khí hạt nhân. Edward Geist, chuyên gia hạt nhân và nhà nghiên cứu chính sách của Viện nghiên cứu chính sách RAND (trụ sở tại Mỹ). cho biết, loại đạn này giữ lại một số đặc tính phóng xạ nhưng không tạo ra phản ứng hạt nhân như vũ khí hạt nhân.

    Đạn uranium nghèo là gì?

    Mặc dù không mạnh bằng uranium được làm giàu và không có khả năng tạo ra phản ứng hạt nhân, nhưng uranium nghèo cực kỳ đậm đặc, đậm đặc hơn cả chì, và có thể được sử dụng trong đạn. 

    Ông Edward Geist chỉ ra: "Uranium nghèo quá đặc và mạnh đến mức nó có thể xuyên qua lớp áo giáp và có thể nóng lên đến mức bốc cháy".

    dan uranium ngheo1
    Đạn uranium nghèo mạnh đến mức có thể xuyên thủng áo giáp. Ảnh: AP 

    Scott Boston, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của RAND, cho biết khi được khai hỏa, một viên đạn uranium nghèo về cơ bản sẽ trở thành một phi tiêu kim loại được bắn với tốc độ cực cao.

    Vào những năm 1970, Quân đội Mỹ bắt đầu chế tạo đạn xuyên giáp bằng uranium nghèo và từ đó đã kết hợp uranium nghèo vào xe tăng tổng hợp để tăng cường sức mạnh. Mỹ cũng đã bổ sung uranium nghèo vào các loại đạn được bắn từ máy bay tấn công hỗ trợ trên không A-10 của Lực lượng Không quân, được gọi là sát thủ xe tăng.

    Ông Boston cho biết quân đội Mỹ vẫn đang phát triển các loại đạn uranium nghèo, đáng chú ý là đạn xuyên giáp M829A4 dành cho xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams.

    Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Trung tá Thủy quân lục chiến Garron Garn, hôm 23/3 thông tin: "Bộ Quốc phòng Mỹ đã mua, dự trữ và sử dụng các viên đạn uranium nghèo trong vài thập kỷ, vì đây là một thành phần lâu đời của một số loại đạn thông thường".

    Ông Garn lưu ý loại đạn này đã giúp cứu sống "nhiều quân nhân trong các cuộc giao tranh". Ông nói thêm rằng nhiều quốc gia khác, bao gồm Nga, cũng đã sở hữu đạn uranium nghèo.

    Tuy nhiên, ông Garn từ chối tiết lộ liệu loại xe tăng M1A1 Mỹ sắp viện trợ cho Ukraine có chứa uranium nghèo hay không. 

    Còn nhiều rủi ro

    Dù đạn uranium nghèo không phải vũ khí hạt nhân nhưng Liên hợp quốc vẫn kêu gọi thận trọng khi sử dụng loại đạn này bởi chúng phát ra lượng phóng xạ thấp. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cảnh báo việc xử lý các loại đạn uranium nghèo "nên giữ ở mức tối thiếu và cần mặc đồ bảo hộ trong quá trình này". IAEA cũng kêu gọi có một chiến dịch truyền thông để mọi người tránh xử lý trực tiếp loại đạn này.

    Theo IAEA, uranium nghèo phần lớn là một loại chất độc hại, không giống như phóng xạ. Các hạt aerosol từ uranium nghèo có thể xâm nhập cơ thể qua đường hít thở, sau đó xâm nhập vào máu và gây tổn thương thận. Cơ quan nhấn mạnh: "Nếu nồng độ aerosol cao có thể gây tổn thương thận, dẫn đến suy thận".

    dan uranium ngheo2
    Dù nguy cơ phát xạ không cao như uranium được làm giàu nhưng uranium nghèo vẫn gây ra nhiều rủi ro. Ảnh: AP 

    Trong khi đó, ông Geist cho biết,độ phóng xạ ở mức độ thấp của một vòng uranium nghèo "là một lỗi chứ không phải là một tính năng" của loại đạn này. Nếu quân đội Mỹ có thể tìm thấy một vật liệu khác có cùng mật độ nhưng không có độ phóng xạ thì họ có thể sẽ sử dụng vật liệu đó để thay thế.

    Đạn uranium nghèo đã được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 để nhằm vào xe tăng T-72 của Iraq và một lần nữa trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, cũng như ở Serbia và Kosovo. Các cựu binh quân đội Mỹ trong những cuộc xung đột đó hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khoẻ và họ đã tự đặt câu hỏi liệu việc này có liên quan tới đạn uranium nghèo hay không. 

    Vyacheslav Volodin, người phát ngôn của Hạ viện Nga, cho biết việc cung cấp đạn chứa uranium ngheo có thể dẫn đến "một thảm kịch trên quy mô toàn cầu sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến các nước châu Âu."

    Ông Volodin cảnh báo việc sử dụng loại đạn như vậy ở Nam Tư cũ và Iraq đã dẫn đến tình trạng "ô nhiễm phóng xạ và gia tăng mạnh các ca bệnh ung thư". 

    Minh Hạnh(Theo AP) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dan-lam-tu-uranium-ngheo-ma-anh-sap-vien-tro-cho-ukraine-co-gi-dac-biet-a569943.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan