+Aa-
    Zalo

    Dân "ngạt thở" vì nhà máy giấy gây ô nhiễm môi trường

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Tình trạng xả thải bừa bãi, bốc mùi hôi thối của nhà máy đã khiến đời sống và sinh hoạt của các hộ dân quanh khu vực này bị ô nhiễm nghiêm trọng.

    (ĐSPL) - Tình trạng xả thải bừa bãi của nhà máy đã khiến đời sống và sinh hoạt của các hộ dân quanh khu vực này bị ô nhiễm nghiêm trọng. Không chỉ hứng chịu ảnh hưởng của khói, bụi từ công ty mà người dân còn phải khổ sở vì mùi hôi, thối bốc ra từ mương xả nước thải.

    Nhiều năm nay, người dân thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) tỏ ra vô cùng bức xúc trước trước tình trạng công ty Cổ phần giấy Mục Sơn xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Theo đó, bên cạnh việc hứng chịu ảnh hưởng của khói, bụi từ công ty, người dân còn phải khổ sở vì mùi hôi, thối bốc ra từ mương xả nước thải của công ty này.

    Theo chân ông Lê Văn Hoàng (52 tuổi), trú tại khu 3, thị trấn Lam Sơn đi sâu vào tổ dân phố, đến mương xả nước thải, đập vào mắt chúng tôi là dòng nước đen kịt từ cống, sủi bọt trắng đang chảy qua khu vực sinh sống của các hộ dân khu 4, thị trấn Lam Sơn. Đặc biệt, mùi hôi thối nồng nặc xộc thẳng lên mũi khiến người chứng kiến không thể chịu đựng được.

    Ông Hoàng cho biết: "Đã nhiều năm nay, cả khu này phải chịu ảnh hưởng từ nhà máy giấy Mục Sơn. Nhà máy không chỉ gây ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chìm trong im lặng, không có các biện pháp xử lý. Trước đây, khi nghe chúng tôi phản ánh nhiều về việc nhà máy xả nước thải 24/24 giờ ra dòng sông Nông Giang khiến sông bị ô nhiễm, cá và cua chết hàng loạt. Nay, họ lại xả nước thải vào lúc nửa đêm, khi chúng tôi đi ngủ, đến sáng sớm thì thấy nước đen ngòm từ cống này chảy ra".

    Dân
    Mương xả nước thải ngay phía sau nhà dân, nước đen kịt, sủi bọt và bốc mùi hôi thối

    Bà Nguyễn Thị Hường (47 tuổi), người dân khu 4 bức xúc chia sẻ: "Tôi thường phải đeo khẩu trang khi đi ngủ vì không thể chịu được mùi hôi hám bốc lên. Mùa nắng thì nồng nặc, mùa mưa thì mùi thối xộc thẳng vào nhà khiến mọi sinh hoạt của gia đình đều bị ảnh hưởng. Chúng tôi rất lo ngại vì tình trạng khói bụi, mùi hôi thối triền miên xảy ra, đặc biệt là sức khỏe trẻ nhỏ”.

    Dân
    Bà Nguyễn Thị Hường (47 tuổi), trú tại khu 4, thị trấn Lam Sơn chia sẻ với phóng viên

    "Chúng tôi đã nhiều lần kêu cứu nhưng đều trong vô vọng đợi chờ mà không thấy các cơ quan chức năng giải quyết. Nhiều năm nay, tình trạng xả thải bừa bãi của nhà máy đã khiến tôi mắc bệnh viêm họng, viêm mũi vì hít, ngửi mùi thối từ mương. Để tránh mùi hôi, thối, tôi thường phải xoa dầu cả ngày. Không chỉ mình tôi mà đa số người dân nơi đây đều bị mắc các bệnh về hô hấp, viêm da, viêm phổi", ông Nguyễn Cao Cường (53 tuổi) bức xúc nói.

    Qua tìm hiểu, được biết, công ty Cổ phần giấy Mục Sơn Thanh Hóa đóng tại khu 3, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, thành lập năm 1969, hiện tại có 200 công nhân làm việc. Đây là đơn vị chuyên sản xuất bìa cat - tong, với dây truyền thiết kế khoảng 10.000 tấn/năm. Nguyên liệu chính để nhà máy sản xuất giấy là giấy phế liệu thu mua từ các cơ sở trong và ngoài tỉnh cùng một phần bột giấy đã nấu (mua bên ngoài).

    Theo quy trình hoạt động, nước thải của bộ phận nấu bột và nghiền ủ bột phải được thu hồi, chảy qua đường ống dẫn nước, đưa qua các hồ trung chuyển và lắng đọng, cuối cùng đến hồ sinh học để xử lý và sau đó mới được xả vào bể lắng để phục vụ tái sản xuất.Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, nguồn nước thải mà nhà máy xả ra chưa được đưa vào bể lắng mà xả qua đường cống ngầm dưới dòng sông Nông Giang, sau đó đổ xuống sông Chu, khiến cho nước sông có màu vàng đục, bốc mùi hôi khó chịu.

    Dân
    Dòng nước đen kịt từ mương sẽ chạy hết khu dân cư rồi cuối cùng đổ xuống sông Chu

    Được biết, năm 2013, sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra và phát hiện công ty tự ý lắp đặt cống ngầm từ hồ sinh học ra cống thoát nước thải chung mà không có trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật của hệ thống xử lý nước thải. Công ty cũng không báo cáo với các cơ quan chức năng. Ngay sau đó, công ty đã bị xử phạt 500 triệu đồng vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

    Ngày 2/1/2014, sở Tài nguyên và Môi trường có công văn báo cáo và đề nghị chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với khâu nấu bột giấy của công ty Cổ phần giấy Mục Sơn vì gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng yêu cầu công ty tháo dỡ, xây bịt cống xả nước thải sản xuất trước khi thải ra môi trường.

    Thế nhưng, theo phản ánh của người dân địa phương, thời gian từ đó đến nay, công ty vẫn xả thải ra môi trường một cách kín đáo nhằm né tránh sự phát hiện của người dân.

    Dân
    Ông Lê Văn Thực, giám đốc công ty Cổ phần giấy Mục Sơn cho rằng, nước xả ra mương là do thi công có rò rỉ

    Lý giải những thắc mắc mà người dân phản ánh, ông Lê Văn Thực, giám đốc công ty Cổ phần giấy Mục Sơn cho biết: "Nhà máy sản xuất giấy như thế này thì không tránh khỏi trường hợp gây ô nhiễm môi trường, có điều là nó ô nhiễm tới mức nào. Tôi không thể đảm bảo 100\% cho môi trường, trường hợp xả nước thải như dân phản ánh chỉ là điều tất nhiên vì khi thi công có rò rỉ. Ngày nay, khu vực quanh nhà máy ngày một đông dân hơn nên việc ảnh hưởng là không thể tránh khỏi".

    Cũng theo ông Thực, hiện công ty đang làm dự án cải tạo xử lý môi trường từ công nghệ Nanô với tổng số vốn gần 10 tỷ, dự tính đến tháng 12 này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Công ty cũng đã làm các báo cáo về tác động môi trường theo quý gửi tới sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dan-ngat-tho-vi-nha-may-giay-gay-o-nhiem-moi-truong-a68534.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan