Dân phong tỏa nhà máy vì ô nhiễm


Thứ 3, 05/08/2014 | 03:17


Người dân xã Vạn Ninh (Quảng Bình) tiếp tục dùng các biện pháp nhằm phong tỏa nhà máy xi măng Áng Sơn II để phản đối vì ô nhiễm.

Trong ngày 4/8, người dân xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) tiếp tục dùng các biện pháp nhằm phong tỏa nhà máy xi măng Áng Sơn II, thuộc Cty CP xi măng Vicem Hải Vân để phản đối vì ô nhiễm. Đây là lần phong tỏa thứ 3 trong vòng 3 tháng qua trước thực trạng ô nhiễm đã đến mức báo động.

Đỉnh điểm của sự bức xúc

Ngày 4/8, hàng chục hộ dân đã tập trung đông trước cổng nhà máy và căng băng rôn với nội dung: “Nhà máy xi măng Vicem gây ô nhiễm và tiếng ồn. Yêu cầu nhà máy ngừng hoạt động để đảm bảo môi trường sống cho dân”.

Theo phản ánh của các hộ dân, nguyên nhân chính của việc “phong tỏa” lần này là các cấp chính quyền chưa giải quyết triệt để những nội dung đã trả lời và làm việc với dân trước đó. Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo UBND huyện Quảng Ninh và xã Vạn Ninh đã có mặt tại hiện trường để xử lý vụ việc. Biện pháp được đưa ra là tiếp tục thương lượng với các hộ dân nhưng người dân vẫn không  đồng ý. Bà Đỗ Thị Thắm, đại diện người dân thẳng thắn nói: “Dân tui chừ không tin xã, tin huyện nữa rồi. Chúng tôi muốn gặp lãnh đạo tỉnh. Chỉ cần lãnh đạo tỉnh có mặt, hứa trước dân, chịu trách nhiệm cùng dân là lúc mô cho dân di dời. Một lời cho dứt khoát!”.

Miền Trung - Dân phong tỏa nhà máy vì ô nhiễm

Dân thể hiện sự bức xúc bằng việc “phong tỏa” và băng rôn phản đối trước cổng nhà máy.

Trước đó, thực trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra đã kéo dài trong suốt 7 năm qua, nhiều hộ dân sống chung với khói bụi và tiếng ồn. Trong 80 hộ dân bị ảnh hưởng, có 7 hộ thuộc xóm Lèn nhưng qua nhiều công văn xử lý và hứa hẹn, đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, dân vẫn sống chung với ô nhiễm. Trong ngày 4/8, sau khi vận động và thương lượng với người dân, khi lãnh đạo chính quyền và địa phương rời khỏi hiện trường, người dân lại tiếp tục tập trung trước cổng và “phong tỏa” nhà máy. Đến chiều cùng ngày, người dân vẫn dùng gậy gộc chắn ngang đường nhằm ngăn chặn việc vận chuyển nguyên vật liệu cho nhà máy.

Chậm xử lý

Theo phản ánh, trước động thái phản ứng mạnh mẽ của người dân, chính quyền các cấp đã nhiều lần họp bàn để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, tình hình vẫn không có gì thay đổi. Bà Thắm khẳng định, công văn của UBND tỉnh trả lời kiến nghị của chồng bà do ông Nguyễn Xuân Khiều, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh ký ngày 22/7 viết rằng, UBND tỉnh đã giao cho huyện Quảng Ninh, xã Vạn Ninh và Nhà máy xi măng xem xét, giải quyết cho dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì, ô nhiễm thì vẫn ô nhiễm.

Còn công văn của Văn phòng UBND tỉnh gửi ông Nguyễn Văn Quang có nêu rõ: “Nhà máy xi măng gây ra ô nhiễm, phải chịu mọi chi phí xử lý. UBND tỉnh đã yêu cầu Nhà máy xi măng Vạn Ninh đầu tư kinh phí cho việc di dời; đã thống nhất phương án và chủ trương và phương án di dời tái định cư phân tán cho 20 hộ dân thôn Áng Sơn bị ảnh hưởng nặng”.

Liên quan đến vấn đề trên, UBND huyện Quảng Ninh cho biết, hiện đang chỉ đạo UBND xã Vạn Ninh tiến hành họp dân để lấy ý kiến cuối cùng của những hộ dân trong khu vực bị ô nhiễm nặng. Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết, đã mời lãnh đạo hai Nhà máy xi măng Áng Sơn I và Áng Sơn II cùng các hộ dân trong khu vực ô nhiễm nặng tiến hành bàn bạc để thống nhất phương án giải quyết. Sau khi chốt lại danh sách các hộ dân đồng ý di dời, UBND xã báo cáo cho UBND huyện tiến hành thống kê, kiểm đếm, xác định giá trị hỗ trợ. Ông Thế cho rằng, quyết định cuối cùng là ở cấp trên, giờ người dân lấy công văn trả lời, chỉ đạo của cấp trên để nói chậm hoặc không triển khai rồi không tin, tiếp tục “phong tỏa” nhà máy thì địa phương rất khó xử lý. “Chúng tôi về, dân lại ra hiện trường để phong tỏa. Cũng không loại trừ ngày mai dân lại tiếp tục phong tỏa...”, ông Thế nói.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dan-phong-toa-nha-may-vi-o-nhiem-a44521.html