+Aa-
    Zalo

    Dán tem vào bia để làm gì?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Dự thảo dán tem vào bia đang được cơ quan soạn thảo Nghị định thực hiện với mục đích nâng cao hiệu quả công tác quản lí ngành bia Việt Nam.

    (ĐSPL) - Dự thảo dán tem vào bia đang được cơ quan soạn thảo Nghị định thực hiện với mục đích nâng cao hiệu quả công tác quản lí ngành bia Việt Nam.

    TS. Dương Đình Giám – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương băn khoăn: "Theo tôi, cái cần nhất bây giờ là cơ quan đề xuất Dự thảo phải làm rõ được luận cứ hay nói rõ hơn, mục đích dán tem bia để làm gì? Tôi nghĩ, có hai mục đích dán tem: Thứ nhất, là để quản lí chất lượng của sản phẩm. Thứ hai, là để quản lí thuế (thông qua quản lí sản lượng).

    Nếu để quản lí chất lượng thì đây là một mục đích tốt. Nhưng phải nói, cho đến giờ, các doanh nghiệp lớn đã có hệ thống quản lí chất lượng khá chặt chẽ. Như báo cáo của Tổng Công ty CP Bia – Rượu – NGK Hà Nội (HABECO): Hiện tại, bản thân nhãn hàng hóa của các sản phẩm bia đã khá chi tiết, nhìn vào nhãn, người ta có thể truy xuất ra được sản phẩm này được làm vào lúc nào, ca sản xuất nào, của cơ sở nào trong Tổng công ty, bởi Tổng công ty có rất nhiều cơ sở sản xuất, thậm chí, kĩ hơn là nguyên liệu xuất xứ từ lô nào (mua hay nhập khẩu từ đâu, bao giờ…). Do vậy, đối với những doanh nghiệp lớn, mục tiêu dán tem để quản lí chất lượng dường như không phù hợp.

    TS. Dương Đình Giám trả lời phỏng vấn.

    Còn đối với các doanh nghiệp sản xuất nhỏ, có thể công tác quản lý chất lượng sản phẩm chưa tốt. Nhưng nếu dán tem cho sản phẩm thì bản thân tem đó lại cho doanh nghiệp tự dán (nên có thể doanh nghiệp dán cho cả các sản phẩm chưa tốt), nên dù tem có được dán cũng chưa khẳng định được đó là sản phẩm có chất lượng tốt. Còn người tiêu dùng, khi uống bia, nếu biết là chất lượng không tốt thì họ sẽ không sử dụng nữa, nên thực chất dán tem cũng không có tác dụng gì. Như vậy, đối với doanh nghiệp quản lí tốt thì không cần dán tem, đối với doanh nghiệp quản lý chất lượng chưa tốt, thì có dán chất lượng vẫn vậy".

    Về vấn đề dán tem để quản lí thuế (hay sản lượng), TS Dương Đình Giám nói: "Một doanh nghiệp sản xuất bia có thể làm ra 1.000 chai nhưng chỉ khai 700 chai. Nếu dán tem và cấp phép tem, tức chai không có tem nghĩa là làm lậu. Nếu dán tem phải dán theo số tem được cấp, vì Nhà nước quản lí thuế. Bản thân các doanh nghiệp lớn, có uy tín (chiếm khoảng 80\% sản lượng toàn ngành) thì việc trốn thuế đối với họ, theo tôi nghĩ, là không có. Vì họ không mạo hiểm “bán danh dự” của mình để đối lấy một chút lợi nhỏ. Như vậy, mục đích quản lí thuế chỉ nhằm vào các doanh nghiệp nhỏ. Theo tôi hiểu, đây là quản lí về mặt sản lượng để doanh nghiệp phải nộp thuế theo đúng nghĩa vụ".

    Qua thực tế cho thấy, hầu như cơ quan quản lí của các địa phương có nhà máy bia, không phản ánh doanh nghiệp này trốn thuế, doanh nghiệp kia trốn thuế. Nếu có trốn cũng chỉ là số rất ít các cơ sở nhỏ sản xuất các loại đồ uống khác, như nước giải khát (tinh lọc), rượu tự nấu...

    Như vậy, mục đích dán tem để chống trốn thuế có vẻ rõ ràng hơn, nhưng cũng cần phải được xem xét xem có đúng với mục tiêu dán tem của các cơ quan quản lý.


    Có thể dán tem còn do một số mục đích khác, như bia là mặt hàng kinh doanh thuộc diện quản lí nên phải kiểm soát. Tuy nhiên, đi liền với kiểm soát là những hệ lụy. Ví dụ: liệu phát tem như vậy có xuất hiện tem giả hay không? Tem chống hàng giả còn bị làm giả, trong khi đây chỉ là một cái tem bình thường dán vào sản phẩm bia được sản xuất tại Việt Nam.

    Ngoài ra, nếu các cơ quan quản lý vẫn quyết định dán tem, thì trong quá trình tổ chức thực hiện, cần rất thận trọng, bởi nếu việc cung ứng tem trục trặc từ phía cơ quan tài chính sẽ làm cho khâu sản xuất và tiêu thụ của doanh nghiệp bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu vì chưa có tem kịp thời mà doanh nghiệp cố tình mang sản phẩm chưa được dán tem ra tiêu thụ là sẽ mắc phải hành vi trốn thuế; mà nếu không có đủ hàng để cung ứng cho thị trường chỉ vì không có tem để dán kịp thời, thì đấy là thiệt thòi cho doanh nghiệp. Chưa kể, để có thể dán tem cho tất cả các loại sản phẩm (bia chai, bia lon) với nhiều loại bao bì kích thước, chất liệu khác nhau, doanh nghiệp phải đầu tư một khoản tiền lớn để trang bị máy móc phù hợp, cùng với số kinh phí lớn để mua tem (do Bộ Tài chính phát hành).

    Tóm lại, dán tem sẽ gây nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp. Nếu quản lí không nhịp nhàng, sẽ gây ra trở ngại cho sản xuất.

    Dự thảo Nghị định Quản lý sản xuất, kinh doanh bia của Bộ Công thương ở quy định dán tem đang có rất nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là từ phía các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh:

    Thể hiện quan điểm, đại diện Tổng công ty CP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (SABECO), ông Lê Hồng Xanh cho biết: “Với mục đích quản lí, việc dán tem tại 23 nhà máy của SABECO sẽ phải đầu tư thêm khoảng 700 tỷ đồng kèm theo gần 1500 tỷ đồng mỗi năm cho việc sản xuất tem… Như vậy là vô cùng tốn kém!”.

    Ông Trần Đình Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bia - Rượu – NGK Hà Nội (HABECO) cho rằng việc dán tem về mặt kĩ thuật sẽ gây nhiều khó khăn đối với sản xuất, vì phải đầu tư rất nhiều cho máy móc dán tem. Trong khi đó, việc lắp đặt rất khó vì mỗi dây chuyền có công suất, tốc độ khác nhau…

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dan-tem-vao-bia-de-lam-gi-a100330.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.