+Aa-
    Zalo

    Đằng sau cuộc hôn nhân đổ vỡ của phụ nữ Việt với chồng Hàn Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Có nhiều phụ nữ Việt may mắn và có cuộc hôn nhân hạnh phúc với người Hàn Quốc, nhưng cũng không ít người trở về trong đắng cay và rắc rối khi chưa thể ly hôn.

    (ĐSPL) - Có nhiều phụ nữ Việt may mắn và có cuộc hôn nhân hạnh phúc với người Hàn Quốc, nhưng cũng không ít người lại trở về trong đắng cay và những rắc rối về mặt pháp lý khi vẫn chưa thể ly hôn được người chồng ngoại quốc...
    Để rồi khi họ tìm được hạnh phúc mới nhưng trên giấy tờ họ vẫn là vợ của một ai đó và theo pháp luật thì “người chồng” sau này không được xem là hợp pháp. Câu chuyện của những phụ nữ miền biển Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) lấy chồng Hàn Quốc như một bài học cho những ai đang có ý định kết hôn với người nước ngoài.
    Giống như nhiều gia đình khác ở xã Thanh Trạch, gia đình chị Nguyễn Thị H. (SN 1991) cũng  gom góp một khoản tiền kha khá để cho anh trai đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Sau khi sang Hàn Quốc làm việc được vài năm, thấy công việc có thu nhập khá, anh trai chị H. cũng muốn đưa em gái sang để mong có cơ hội đổi đời. Và điều anh trai chị H. dự tính hơn nữa là mai mối cho em lấy một người Hàn Quốc để danh chính ngôn thuận xuất ngoại mà không phải tốn chi phí xuất cảnh. Thế là năm 2011, chị H. được anh trai giới thiệu làm quen với một anh chàng người Hàn Quốc. Dù không biết tiếng Hàn và chỉ được nghe anh trai kể lại tính cách, gia thế cùng một bức ảnh kèm theo nhưng chị H. vẫn có cảm tình và chấp nhận kết hôn.
    Thế nhưng, khi sang Hàn Quốc, chị H. mới vỡ lẽ, mọi việc không đơn giản như lâu nay chị vẫn nghĩ. Những bất đồng về ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa đã làm chị không thể hòa nhập được với cuộc sống mới và càng không thấy yêu gì người chồng Hàn Quốc này.
    Không thể tiếp tục với cuộc hôn nhân đầy thất vọng, chị H. đã chủ động yêu cầu ly hôn tại Hàn Quốc nhưng không được sự chấp nhận của chồng. Biết là vậy, nhưng chị vẫn quyết định từ bỏ người chồng ở xứ Kim Chi để trở về Việt Nam làm lại cuộc đời.
    Một năm sau ngày trở về, chị cảm mến và quyết định sống chung với một thanh niên cùng thôn, đến nay hai anh chị đã có với nhau 1 đứa con gái được 8 tháng tuổi. Chị H. cho biết, chị đã gửi thủ tục xin ly hôn người chồng Hàn Quốc đến TAND tỉnh Quảng Bình được 1 năm rồi nhưng vẫn chưa thấy trả lời. Vì chưa ly hôn được chồng cũ nên chị cũng không thể đăng ký kết hôn với “người chồng” hiện tại. Và điều này đồng nghĩ với việc con gái chị dù đã 8 tháng tuổi nhưng vẫn chưa được làm giấy khai sinh.
    Cũng giống như chị H., chị Lê Thị G. (SN 1992), ở xã Thanh Trạch cũng kết hôn thông qua sự mai mối của một người bà con ở Hàn Quốc.  Sau khi nhanh chóng kết hôn và sang xứ sở Kim Chi làm việc, những bất đồng về ngôn ngữ, chưa hiểu rõ về người chồng ngoại quốc, chị và chồng đã có những lần cãi cọ, mâu thuẫn. Khoảng cách vợ chồng theo đó cũng xa dần. Khi mâu thuẫn không thể dung hòa, chị trở về quê và chấm dứt hoàn toàn mọi liên lạc với gia đình nhà chồng.
    Chị G. chia sẻ: “Một phần vì mình không biết tiếng Hàn nên cũng không biết nên đến đâu để làm thủ tục ly hôn, một phần là lúc đó mình chỉ muốn được giải thoát thôi chứ không nghĩ có một ngày trở về Việt Nam lại kết hôn lại. Cho nên, dù mình đã có 2 mặt con với “chồng” thứ 2 nhưng chưa đứa nào có giấy khai sinh cả. Đứa con đầu cũng sắp đến tuổi đi học lớp 1 rồi, mà muốn con có giấy khai sinh thì chỉ được ghi tên ông Hàn Quốc thôi, nhưng đời nào ông “chồng” sau ông ấy chịu”.
    Bố của chị G. cũng cho biết, ông đã chở chị đi làm thủ tục ly hôn người chồng Hàn Quốc nhưng xem ra “vô cùng khó khăn” vì từ khi chị G. về Việt Nam, mọi liên lạc với gia đình chồng bên đó hầu như cắt đứt nên không biết tìm anh ta ở đâu nữa.
    Còn đối với chị Nguyễn Thị N. (SN 1988) thì việc kết hôn với chồng ngoại trở thành một bài học quá đắt trong cuộc đời chị. Cách đây 5 năm, đường dây mai mối và xuất khẩu lao động qua Hàn Quốc ở xã Thanh Trạch trở thành một trào lưu để đổi đời. Con gái muốn xuất ngoại, chỉ có cách kết hôn với người bản địa, cách này vừa nhanh mà chi phí lại thấp nhất. Thấy nhiều người đi, chị N. cũng quyết “liều một phen”, chấp nhận kết hôn với một người Hàn Quốc dù chưa qua được bên đó. Sau khi chị đồng ý kết hôn, anh chồng Hàn Quốc cũng đã về quê chị để làm thủ tục kết hôn. Khi anh này quay về Hàn Quốc thì đường dây xuất ngoại mà chị đang theo đuổi bị bại lộ. Vậy là không những mất tiền mà chị còn mang tiếng một đời chồng.
    Chị N. vẫn luôn đau đáu về 2 đứa con chưa thể làm được giấy khai sinh.
    Hai năm sau đó, chị được một người đàn ông trong thôn đem lòng quý mến và gắn bó. Mặc dù đã có 2 mặt con nhưng chị luôn đau đáu khi chưa thể chấm dứt hoàn toàn với tờ kết hôn “giả” kia và con chị chưa thể đàng hoàng ghi tên cha một cách hợp pháp.
    Theo anh Nguyễn Minh Tân, Cán bộ Tư pháp xã Thanh Trạch: “Chỉ tính riêng năm 2010 ở Thanh Trạch đã có 85 trường hợp đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc. Bên cạnh những người độc thân thì còn có nhiều trường hợp ly hôn để được kết hôn với người nước ngoài.  Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, tình trạng này có ít hơn. Những ai đến xin làm thủ tục ly hôn, chúng tôi giới thiệu đến Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình để hoàn thiện thủ tục”.
    Trả lời về vấn đề đề này bà Nguyễn Thị Lài, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình cho biết: “Các trường hợp kết hôn với người Hàn Quốc chủ yếu chỉ đến chính quyền địa phương chứng nhận tình trạng hôn nhân thôi, sau đó tiến hành mọi thủ tục kết hôn tại nước bạn và thường về tỉnh để ghi chú kết hôn. Vì thế, khâu tuyên truyền, hướng dẫn cho người Việt những khó khăn, mâu thuẫn và rào cản dễ gặp phải trong việc kết hôn với người nước ngoài là rất khó khăn. Trong khi đó, những phụ nữ trở về sau cuộc hôn nhân với người chồng Hàn Quốc cũng không đến Sở Tư pháp để được tư vấn về các vấn đề cần thiết, đặc biệt là vấn đề liên quan đến việc làm giấy khai sinh cho con khi mẹ chúng chưa thể ly hôn được với người nước ngoài. Bên cạnh đó, cán bộ Tư pháp hộ tịch ở địa phương cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để tránh hoang mang, lo lắng cho bà con.”
    Theo PV được biết, tại Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình, việc ly hôn với người Hàn Quốc rất ít khi được giải quyết. Lý giải điều này, một thẩm phán cho biết, lý do chính là do khi toàn bộ hồ sơ được ủy thác bằng đường ngoại giao qua nước bạn thì không thể tìm được người chồng do địa chỉ giả, hoặc đã thay đổi chỗ ở. Theo quy định, thời hạn xử lý một vụ ly hôn là 4 tháng, riêng có yếu tố nước ngoài phức tạp thì thêm 2 tháng nữa. Sau 6 tháng, Bộ Ngoại giao không gửi kết quả cho tòa án thì tòa án sẽ tạm dừng giải quyết vụ án dân sự và chờ kết quả ủy thác tư pháp. Và khoảng thời gian này có thể kéo dài không biết đến bao giờ. Điều đó đồng nghĩa với việc cuộc sống và quyền lợi của nhiều đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng nếu chúng không sớm làm được giấy khai sinh và cha mẹ chúng có khi sẽ phải mất cả cuộc đời mà vẫn không được công nhận là vợ chồng hợp pháp.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dang-sau-cuoc-hon-nhan-do-vo-cua-phu-nu-viet-voi-chong-han-quoc-a87341.html
     Mẹ dẫn con, chị dẫn em đi lấy chồng Hàn

    Mẹ dẫn con, chị dẫn em đi lấy chồng Hàn

    (ĐSPL) - Sau khi đã chiếm được niềm tin của các “cò”, nghiễm nhiên tôi được đi lại thoải mái ở “đại bản doanh”, nơi các cô dâu Việt ăn đợi, nằm chờ rể Hàn sang tuyển.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
     Mẹ dẫn con, chị dẫn em đi lấy chồng Hàn

    Mẹ dẫn con, chị dẫn em đi lấy chồng Hàn

    (ĐSPL) - Sau khi đã chiếm được niềm tin của các “cò”, nghiễm nhiên tôi được đi lại thoải mái ở “đại bản doanh”, nơi các cô dâu Việt ăn đợi, nằm chờ rể Hàn sang tuyển.