+Aa-
    Zalo

    Đằng sau thông tin Thép Sông Hồng giải thể

    (ĐS&PL) - Nguồn tin của PV cho thấy, chưa có bất kỳ nghị quyết nào từ các cổ đông về việc giải thể theo quy định của pháp luật và họ đã tái cơ cấu và cho ra mắt thương hiệu sản phẩm thép mới, hiện tại đang xử lý vấn đề thu hồi các khoản nợ lên tới gần trăm tỷ đồng.

    Dữ liệu Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, CTCP Thép Sông Hồng, một thành viên của Tổng CTCP Sông Hồng (UpCOM: SHG) đang tiến hành các thủ tục giải thể công ty nguyên nhân là do chưa đóng khoản thuế nhập khẩu nên phía cơ quan hải quan đề nghị Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh.

    Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nguồn tin của PV cho thấy, chưa có bất kỳ nghị quyết nào từ các cổ đông về việc giải thể theo quy định của pháp luật và họ đã tái cơ cấu và cho ra mắt thương hiệu sản phẩm thép mới, hiện tại đang xử lý vấn đề thu hồi các khoản nợ lên tới gần trăm tỷ đồng.

    Thông tin cho thấy, Thép Sông Hồng thành lập vào năm 2005, ở thời điểm này, Tổng Công ty Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) chiếm 40% cổ phần, còn lại là vốn của Tổng Công ty Sông Hồng và các cổ đông khác. Đến năm 2006, sau đợt điều chỉnh cơ cấu góp vốn, HUD tỉ lệ sở hữu lên 72% tại Thép Sông Hồng.

    Đến năm 2008, giữa HUD và Tổng Công ty Sông Hồng có những thoả thuận sang nhượng, đối trừ các khoản công nợ của nhau, kết quả là Tổng Công ty Sông Hồng trở thành cổ đông lớn nhất tại Thép Sông Hồng với hơn 85% tỉ lệ cổ phần, trong đó số vốn nợ chuyển thành vốn góp là 103 tỷ đồng.

    thepsonghong
    Thép Sông Hồng: Cần cơ chế để doanh nghiệp giải quyết khúc mắc sau khi tái cơ cấu

    Với vai trò là cổ đông lớn nhất, có khả năng chi phối, từ năm 2008 Thép Sông Hồng chính thức nằm dưới sự điều hành của Tổng Công ty Sông Hồng. Điều đáng nói là những năm sau đó tình hình kinh doanh của Thép Sông Hồng không mấy sáng sủa khi ghi nhận khoản lỗ luỹ kế liên tục.

    Năm tài chính 2010 Công ty ghi nhận mức lỗ tương đương 132,5 tỷ đồng (chưa bao gồm khấu hao dây chuyền thiết bị khoảng 10 tỷ đồng và âm vốn đầu tư). Năm 2011 lỗ 55,3 tỷ đồng (chưa bao gồm đầy đủ chi phí tài chính đang trong quá trình cơ cấu lại vốn và đề nghị Ngân hàng miễn giảm lãi phạt, phí phạt chậm trả và giảm lãi suất cho vay với số tiền khoảng 80 tỷ đồng).

    Kinh doanh trì trệ, lỗ luỹ kế kéo dài đã khiến cho Thép Sông Hồng rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Nhà máy xuống cấp trầm trọng, hệ thống máy móc thiết bị phơi nắng mưa… công ty đứng trước nguy cơ mất trắng toàn bộ số tiền đầu tư của nhà nước cũng như của các doanh nghiệp. Công ty dừng hoạt động 03 năm và chết lâm sàng. Tại thời điểm đó thống kê sơ bộ, Thép Sông Hồng nợ gốc 2012 là 537 tỷ đồng không có khả năng trả, đồng thời cơ sở vật chất xuống cấp rất trầm trọng gần như không thể hoạt động được.

    Đến năm 2014, khoản lỗ luỹ kế tại Thép Sông Hồng là gần 400 tỷ đồng. Cùng với khoản lỗ luỹ kế nêu trên thì Thép Sông Hồng còn đọng lại nhiều khoản nợ khác như: Tiền thuế VAT, thuế nhập khẩu thiết bị, thuế đất qua các năm.

    Vào đúng thời điểm Thép Sông Hồng rơi vào tình cảnh bi đát nhất thì Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Thành (Công ty Việt Thành ) là một trong các chủ nợ đã ngỏ ý muốn tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp để giảm bớt thiệt hại cho họ. Sau khi đạt được các thoả thuận, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Thành “bơm” vào Thép Sông Hồng cả trăm tỷ đồng sửa chữa nhà xưởng, cải tạo máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu để có thể cán được phôi thép 130x130mm (thiết kế cũ của Nhà máy 110x110mm) và vốn lưu động. Để vận hành nhà máy trở lại, Công ty Việt Thành và một số Ngân hàng đã “bơm” tiếp những khoản vay vào Thép Sông Hồng, Việt thành đến nay chưa hề có nợ quá hạn ngân hàng nào.

    Sau khi sản xuất một thời gian do nhà máy của Thép Sông Hồng chỉ có 1 công đoạn là cán thép tại thời điểm áp thuế tự vệ giá phôi nội địa tăng cao, giá thép giảm dẫn đến chưa sản xuất đã có thể tính lỗ 300.000-400.000đ/ tấn nên công ty đã xin phép tỉnh đầu tư bổ sung công đoạn nung phôi đúc cán liên tục.

    Mặt khác công tác thu hồi công nợ của Thép Sông Hồng đối với các đối tác gặp rất nhiều khó khăn, tới nay vẫn chưa thu hồi được nợ. Một số trường hợp cụ thể như: Công ty CP METROCO Sông Hồng (Đại diện PL là Ông Nguyễn Văn Tiềm, tổng nợ gần 6 tỷ đồng) Công ty CP Thương mại Nhật Hưng (Đại diện PL là Ông Nguyễn Văn Lợi) tổng nợ hơn 11 tỷ đồng, Công ty CP DV TM & Vận tải Hà Nội (Đại diện PL là Ông Tống Hoàn Hải) tổng nợ hơn 3 tỷ đồng. Công ty CP ĐT & TM STELLTEC Hà Nội (Đại diện PL là Ông Vũ Duy Tùng) tổng nợ hơn 41 tỷ đồng; công ty CP Sông Hồng Thăng Long (Đại diện PL là Ông Đào Hùng Thắng) nợ 1,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Thanh Quế (Đại diện PL là bà Nguyễn Thị Thanh, tổng nợ 3,7 tỷ đồng; công ty TNHH TM & XD Phương Trinh (Đại diện PL là Bà Lê Thị Trinh ) tổng nợ 5 tỷ đồng; công ty TNHH cung ứng théo và ĐTXD Tất Thành (Đại diện PL là Ông Quản Vĩnh Thái) tổng nợ hơn 22 tỷ đồng cùng rất nhiều các con nợ khác như Thái Hiệp Giang, BQL SH Vũng Áng, Công ty Minh Phương…

    Trước tình hình đó cổ đông lớn Công ty Việt Thành đã đề xuất Thép Sông Hồng lập dự án đầu tư bổ sung công đoạn làm phôi và đã được phê duyệt. Tuy nhiên, việc phê duyệt dự án này lại gặp khó khăn xảy ra khi nghị quyết HĐQT TCT Sông Hồng đồng ý cho đầu tư mà không cho tăng vốn. Chính nghị quyết này từ phía Tổng Công ty Sông Hồng đã khiến cho việc đầu tư, tái cơ cấu, mở rộng của Thép Sông Hồng rất khó thực hiện.

    Theo thông tin PV có được, Công ty Việt Thành đã tiến hành mua nợ của 4 ngân hàng và đã đầu tư mới một số tài sản trên đất của nhà máy, tuy nhiên do gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi tài sản, cũng như các thủ tục bảo vệ quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp của Công ty Việt Thành đối với nhà máy thép do vậy dẫn tới tình trạng hiện tại: doanh nghiệp vốn đầu tư nhưng lại không thể tiến hành đầu tư do không xác định minh bạch sở hữu tài sản. Đồng thời doanh nghiệp phải đứng nhìn hằng trăm tỷ đồng của mình ngày một mất đi theo thời gian, và tâm huyết cũng bị hao mòn vì nhiều vướng mắc về mặt pháp lý cũng như quản lý nhà nước.

    Phía Công ty Việt Thành khẳng định, để có thể bảo đảm nhà máy thép được tiếp tục hoạt động, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, bảo vệ nguồn vốn của Công ty, ngân hàng thì hiện nay rất cần sự hỗ trợ và hướng dẫn cũng như tháo gỡ của các cấp chính quyền đối với việc ghi nhận quyền sở hữu và sử dụng của doanh nghiệp bỏ vốn.

    Hiếu Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dang-sau-thong-tin-thep-song-hong-giai-the-a529657.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan