+Aa-
    Zalo

    Danh hài Mỹ Chi: Ba lần bước đi yên ả sau đổ vỡ, cao thượng tìm vợ cho chồng cũ

    • DSPL
    ĐS&PL Từng nếm trải đủ những bất công, danh hài Mỹ Chi hiểu rõ gắn bó sân khấu là nghiệp chứ không phải nghề.

    Từng nếm trải đủ những bất công, danh hài Mỹ Chi hiểu rõ gắn bó sân khấu là nghiệp chứ không phải nghề. Vượt qua tất cả khó khăn, đổ vỡ hôn nhân, bà vẫn quyết đem tiếng cười đến cho khán giả. Danh hài Mỹ Chi có thể khóc sau cánh gà nhưng luôn tưng bừng, hài hước khi bước lên sân khấu.

    Danh hài Mỹ Chi.

    Thời vàng son mua được 2 lượng vàng 1 đêm diễn

    Hiện tại, danh hài Mỹ Chi thường góp mặt trong những chương trình như thế nào?

    Hiện tại, tôi đang hoạt động trong nhóm Tiếng hát vì người nghèo của linh mục Nguyễn Sang. Tôi thường theo nhóm đi diễn từ thiện cho những người nghèo xem. Ngoài ra, tôi diễn ở chùa nữa. Với những chương trình thiện nguyện, tôi diễn thường chỉ nhận cát-xê tượng trưng, lo chi phí đi lại thôi.

    Chỉ nhận cát-xê tượng trưng thì bà làm sao để xoay xở các chi phí sinh hoạt và đầu tư cho diễn xuất?

    Tùy theo mỗi người thôi. Tôi đủ sống. Đôi khi, tôi còn lấy tiền cho lại người ta nữa. 

    Trong suốt những năm hoàng kim của mình, chắc bà cũng nghĩ đến việc tích góp để dưỡng già?

    Đúng rồi. Nếu nghệ sĩ biết tích góp, biết nghĩ tới hậu vận thì tôi nghĩ không có một nghệ sĩ có tên tuổi nào mà nghèo đâu. Nghệ sĩ tức là trời cho mình, mở miệng ra là có tiền. Vốn liếng là của người nghệ sĩ là giọng nói, tiếng hát. Thế nhưng, ở thời hoàng kim, nhiều nghệ sĩ ỷ lại nên cờ bạc, nhậu nhẹt,... không biết tích góp. Tới ngày lớn tuổi, họ mới nghèo khổ, chứ không có cái nghề nào sướng bằng nghệ sĩ có tên tuổi.

    Thời điểm hoàng kim, người ta phải trả cát-xê cho bà bao nhiêu?

    Cũng nhiều lắm. Hồi lúc đó, vàng chỉ có 2 triệu đồng một lượng mà một đêm diễn ở tỉnh, tôi nhận cát-xê khoảng 10 triệu đồng hoặc hơn. Tức là, trừ các chi phí, một đêm diễn tôi có thể mua được 1- 2 lượng vàng. Hiện tại, nghệ sĩ chỉ có bề ngoài hào nhoáng thôi, chứ không như hồi xưa, nghệ sĩ chịu làm thì mua vàng tích góp hậu thân rất dễ. Chăm chỉ sẽ khá lắm, không có khổ đâu. Nhiều lúc, nghệ sĩ ỷ lại, mở miệng ra là có tiền cho nên không nghĩ những ngày về sau. Nhiều người ăn chơi, vung tay quá trớn. Lớn tuổi, bệnh tật ập đến, trở tay không kịp.

    Ba lần đổ vỡ hôn nhân trong êm đềm

    Xuất thân là tiểu thư con nhà giàu, sao bà lại có suy nghĩ tích góp để hậu thân?

    Dù gia đình khá giả nhưng ở thời của tôi, nghệ sĩ diễn hài không có danh hiệu danh hài như bây giờ. Hồi đó, nghệ sĩ làm hề người ta coi rẻ tiền lắm. Người ta không thích. Sau này, khi giải phóng, tôi bắt đầu chuyển qua hài. Lúc đó, chú Sáu Dân là ông Võ Văn Kiệt, tổ chức cuộc thi Tiếng cười sân khấu. Những ai diễn hài đều bước vào cuộc thi đó, thi đậu mới được danh hiệu danh hài.

    Sự nghiệp ổn định, kinh tế gia đình cũng thoải mái, bà lại vui tính, cởi mở nhưng không hiểu sao chuyện hôn nhân của bà lại luôn gãy đổ?

    Nếu tôi lấy một người chồng không nghề nghiệp thì ảnh có thể chở tôi đi diễn, nếp sinh hoạt sẽ không bị lệch pha nhiều. Thế nhưng, tôi lại lấy chồng có chức phận, có công việc. Chồng tôi làm bác sĩ. Sáng, ảnh thức dậy đi làm, tôi còn ngủ. Tối tôi đi diễn, tới khuya mới về. Từ đó, tôi đánh mất hạnh phúc gia đình. Người đàn ông phải buồn chứ, vợ mình mê nghề quá.

    Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ lần thứ nhất, chắc bà cũng có chút tâm lý e sợ nhưng bà vẫn bước vào cuộc hôn nhân thứ 2, thứ 3, rồi lại bước ra trong yên ả. Tại sao chuyện hợp tan của bà lại nhẹ nhàng đến vậy, không oán than trách hờn ai?

    Cuộc hôn nhân thứ nhất, lúc đó, tôi còn nhỏ, chồng tôi là Huỳnh Thanh Trà, Trà đóng Loan mắt nhung. Học ra trường, ông xin hỏi cưới tôi. Cưới về, ảnh lại không cho tôi đi hát, sợ tôi đi hát sẽ hư. Bất đồng quan điểm, cuộc hôn nhân phải gãy đổ. Tới đời chồng thứ hai, ảnh đi nước ngoài định cư và muốn đưa tôi theo. Thế nhưng, tôi còn nặng gánh gia đình, phải lo cho mẹ và các em nên tôi không theo. Vậy là gãy đổ.

    Tới đời chồng thứ ba, ảnh làm bác sĩ. Khoảng thời gian này lại rơi vào thời hoàng kim của tôi nên tôi đi diễn suốt. Sáu tháng miền Tây, sáu tháng miền Trung, chỉ có Tết và Noel là diễn ở TP.HCM. Hạnh phúc nguội lạnh dần như hai người bạn. Tôi mới chủ động chia tay để anh tìm hạnh phúc mới, tìm một người vợ lo lắng cho anh. Còn tôi, niềm vui, sự an ủi đều nằm ở những đứa con.

    Sau đó, tôi còn tìm vợ cho chồng cũ nữa. Tôi thấy cháu gái anh Thanh Sang làm thợ uốn tóc cũng dễ thương. Tôi kêu anh Sang làm mai, rồi cưới luôn cô đó cho chồng cũ.

    Kỷ niệm khó quên với cô bé chăn vịt

    Được biết, trước khi chuyển qua tấu hài, bà từng đam mê, theo đuổi bộ môn cải lương. Tại sao lại có bước chuyển đổi ngoạn mục như thế, thưa bà?

    Đó là một bước ngoặt của tôi. Lúc tôi mới tốt nghiệp ra trường, một đoàn hát nọ có cô đào chánh có tiếng qua mời tôi về đoàn. Về đó, tôi đi hát tỉnh để tạo được tên tuổi. Ngày trước, đào chánh của một đoàn hát được xem như vua một cõi. Những người mới đến giống như đi ở đợ không công, chứ không hát xướng gì hết trơn. Buổi tối, “lính mới” phải đi giặt quần áo cho cổ, quét dọn lau chùi. Khi cổ ngồi làm mặt, đứa phải cầm cây quạt, quạt cho cổ mát, đứa nghe cổ kêu lấy cây kẹp thì lấy, kêu đưa cây lược là phải đưa. Chúng tôi phải làm tất cả chỉ để có một vai để hát mà rốt cuộc cũng không có.

    Tôi giấu gia đình những gì phải trải qua ở đoàn hát. Ba tôi mà hỏi đến tôi nói được bà bầu đoàn hát thương lắm, có vai hay lắm, mai mốt về hát cho ba xem. Ba hỏi hát ở đâu, tôi phải giấu không cho biết. Một lần đoàn hát ở Vũng Tàu, ba tôi vô tình đến đây chơi thì thấy đoàn biểu diễn ở đó. Ông mới vô tìm tôi. Ba rất đau lòng khi thấy cảnh tôi trải chiếu trên nền đất, nằm dưới chân đào chánh, kế bên còn có con chó. Ba tôi kêu về. Về nhà, không được làm nghề, tôi buồn lắm. Không lâu sau, anh Lân có ban kịch nên mời tôi về cộng tác. Sau đó, đài truyền hình giao cho tôi quản lý một ban kịch. Thời điểm đó, tôi là nghệ sĩ nhỏ tuổi nhất có ban kịch mang tên Mỹ Chi.

    Ngày trước, người ta rẻ rúng nghệ sĩ hài lắm. Người ta thường gọi thằng hề, con hề rẻ tiền, không ai coi ra gì. Hồi đó, không có tấu hài, trong mỗi vở cải lương khi đến đoạn bỏ màn dọn cảnh thì cho một nam một nữ quẹt mặt hề ra đứng giễu tầm bậy tầm bạ. Sau này, người đẻ ra tấu hài là anh Phi Thoàn. Ổng viết ra hai vai, rồi kêu tôi diễn cùng ảnh. Mới đầu, tôi không chịu nhưng rồi cũng bị anh thuyết phục. Chúng tôi diễn sân khấu thu hút khán giả nên đài truyền hình mới làm chương trình đêm 30 Tết – Ông Táo bà Mánh với sự tham gia của tôi và anh Bảo Quốc. Tôi nổi lên từ đó, cùng với chương trình Trong nhà ngoài phố.

    Để gắn bó với nghề, chắc chắn bà đã trải qua không ít khó khăn, động lực nào thúc đẩy bà quyết tâm “sống chết” với nghề?

    Khán giả. Trước đây, một suất hát có đến mấy ngàn khán giả, đông nghẹt cứng. Lạ lắm, lúc mới đến địa phương đó, tôi nhìn chung quanh không thấy ai hết trơn, đồng không hiu quạnh. Vậy mà, đến 6h chiều, người ta đốt đèn, đốt đuốc đi ra tràn đầy hết đường. Một suất hát ế nhất cũng có khoảng một ngàn khán giả, chứ không như bây giờ chỉ một, hai trăm vé. Hồi xưa, người ta coi đông lắm, nhất là khán giả miền Tây, miền Trung.

    Bà kể về khán giả, về không khí xem hài kịch ngày trước thật nhộn nhịp. Chắc là, bà cũng có nhiều kỷ niệm đặc biệt với người hâm mộ?

    Có chứ. Tôi nhớ, có một lần biểu diễn ở Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, khán giả đông lắm, có cả người già và trẻ con. Lúc trước, khán giả người ta thích xin hình, chữ ký của nghệ sĩ. Xin được một tấm hình, họ mừng và quý trọng dữ lắm. Họ chỉ cần được nhìn mặt nghệ sĩ, xin tấm hình có chữ ký là được rồi.

    Đêm diễn đó có một cô bé nghèo, chen không lại mấy đứa nhỏ, rồi bảo vệ không cho vô. Thấy tội nghiệp quá, tôi mới ra kéo cô bé vô, cho tấm hình, ký tên tặng. Bé mừng lắm, cảm ơn rối rít và mời tôi về nhà của bé. Tôi hẹn hát xong sẽ ghé qua. Đến nơi, tôi thấy đó là một chòi vịt, cô bé thì chăn vịt. Thấy tôi đến, cô bé ứa nước mắt.

    Mười năm sau, một nhà tổ chức mời tôi đi diễn ở Tây Ninh. Tôi có hỏi diễn chương trình nào thì họ nói diễn tân gia cho một đại gia ở Gò Dầu. Người này còn bảo tôi đòi cát-xê đi, bao nhiêu cũng được. Tôi nói cát-xê không quan trọng, chỉ sợ không đến diễn được. Bên tổ chức mới khẳng định lại một lần nữa: “Chị đòi bao nhiêu, người ta cũng chấp nhận trả, miễn sao chị chấp nhận đến diễn”. Đến nơi, tôi mới té ngửa, chủ nhân của buổi tiệc là cô bé chăn vịt ngày xưa. Cô ấy tâm sự: “Em muốn tìm gặp chị nhưng không biết phải làm sao. Khó quá! Em nghĩ ra cách tổ chức hát, rồi nhờ nhà tổ chức mời chị biểu diễn. Chỉ có vậy, em mới gặp lại chị”. Tôi rất cảm động. Đến giờ, chúng tôi vẫn giữ liên lạc.

     NGỌC LÀI

    Bài đăng trên ấn phẩm báo Đời Sống & Pháp Luật số 150 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/danh-hai-my-chi-ba-lan-buoc-di-yen-a-sau-do-vo-cao-thuong-tim-vo-cho-chong-cu-a293793.html
    Sự kiện: Giải trí 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan