Đánh người vì bị nhắc đeo khẩu trang: Sự “bất lực” đến đáng thương!


Thứ 4, 08/04/2020 | 00:11


Vừa qua, câu chuyện đáng buồn của người vì nhắc nhở người khác đeo khẩu trang mà trở thành nạn nhân của hành vi bạo lực, đang khiến cả cộng đồng vô cùng phẫn nộ.

Vừa qua, câu chuyện đáng buồn của người vì nhắc nhở người khác đeo khẩu trang mà trở thành nạn nhân của hành vi bạo lực, đang khiến cả cộng đồng vô cùng phẫn nộ. Khi bản thân thiếu ý thức, được nhắc nhở, đã không cảm ơn, lại sử dụng “nắm đấm” để nói chuyện, những tâm hồn “bất lực” đến đáng thương!

Vừa qua, đoạn clip ghi lại hình ảnh một nhân viên bệnh viện bị đánh tới tấp đang gây xôn xao dư luận. Cụ thể, khoảng 23h đêm 30/3, khi nhân viên an ninh đang làm nhiệm vụ tại chốt an ninh trước trung tâm Cấp cứu chống độc, thuộc bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), thì một xe ô tô 4 chỗ dừng trước cửa để đưa một người bị tai nạn giao thông vào cấp cứu.

Thời điểm này, trên ô tô có 4 người nhưng chỉ có 3 người đeo khẩu trang, gồm cả người bị tai nạn. Khi nạn nhân được 2 người đeo khẩu trang dìu vào cấp cứu, nam thanh niên còn lại vào theo. Nhân viên an ninh đã nhắc nhở người này đeo khẩu trang để phòng chống dịch Covid-19, thì bị người này hành hung.

Trước đó, tại khu dân cư Phú Mỹ (quận 7, TP.Hồ Chí Minh), trong lúc trực, một bảo vệ lướn tuổi thấy một thanh niên tập thể dục trong khuôn viên mà không đeo khẩu trang nên nhắc nhở. Cả hai sau đó có lời qua tiếng lại, dẫn đến xô xát, khiến người bảo vệ bị thương.

Những câu chuyện là biểu hiện của thực trạng quá đáng buồn!

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao để tăng cường các biện pháp phòng chống; trong đó, việc đeo khẩu trang nơi công cộng cũng được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc từ ngày 16/3/2020.

Trong bối cảnh này, việc mỗi cá nhân tự ý thức đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng là điều cần thiết tối thiểu để bảo vệ chính bản thân, bảo vệ gia đình và bảo vệ củ cả cộng đồng. Đó không phải quyền lợi, mà là nghĩa vụ và trách nhiệm.

Bất cứ ai không tuân thủ, chấp hành, đều có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đơn cử như trong vài ngày đầu tiên thực thi các biện pháp mạnh, nhiều địa phương đã tiến hành xử phạt hành chính đối với những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Trong khi Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương đang quyết liệt chống dịch, trong khi những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế vẫn đang miệt mài, “căng mình” trực chiến nơi tuyến đầu “nóng bỏng”, lại xuất hiện những cá nhân ích kỷ, thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm, sẵn sàng trở thành nguy cơ “kéo lùi” nỗ lực của cả cộng đồng.

Suy nghĩ bất chấp khiến những cá nhân ích kỷ “bỏ quên” trách nhiệm của bản thân, chẳng cần đeo khẩu trang khi ra ngoài. Trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay, không đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, giống như một tội ác. Có thể xuất hiện biết bao nguy cơ chưa thể lường trước được ngoài môi trường, nếu ai cũng nhởn nhơ, vô tư “chường mặt ra đường” không có khẩu trang thì virus Sars-CoV-2 có thể sẽ lây lan “một cách lý tưởng”.

Chính bản thân những người không chịu đeo khẩu trang cũng sẽ ở thế yếu, bị lây nhiễm lúc nào không hay. Bởi, đeo khẩu trang là tự bảo vệ chính mình.

Chẳng may, đi ra khỏi nhà, trót “quên não” nên quên luôn khẩu trang, có người nhắc nhở là điều tốt, nên cúi đầu cảm ơn. Cớ sao lại giở thói côn đồ, nói chuyện bằng bạo lực?

Ở cái thời đại “tư duy số” này, người ta vẫn thường hay nói vui: “Khi ngôn từ bất lực thì bạo lực sẽ lên ngôi”. Nhìn mà xem, những người thiếu ý thức, vô trách nhiệm kia, đáng lẽ khi nhận được lời nhắc nhở thì phải nói lời cảm ơn, chứ sao lại dùng “nắm đấm” để xử lý? Phải chăng, đúng là họ “bất lực”? Không biết phải dùng lời lẽ thế nào cho phải, bèn lựa chọn lấy hung hăng, côn đồ làm “điểm tựa”...

Có lẽ nào, những người này không thích bị nhắc nhở, họ chỉ thích ngay lập tức “cưỡng chế”, dùng biện pháp mạnh thì mới có động lực để thực hiện.

Trong khi đó, những người lương thiện với suy nghĩ dùng hành động của mình để giúp đỡ người khác, bỗng dưng lại trở thành người gây ra sự phiền phức, khó chịu, nên vô tình “làm ơn mắc oán”. Chính vì suy nghĩ cho sức khỏe của chính bản thân và gia đình những cá nhân đang “đùa giỡn” với nguy cơ lây nhiễm kia, nên họ mới lên tiếng nhắc nhở. Nhưng thật đáng buồn, lại không nhận được một lời cảm ơn, mà thay vào đó là những hành động có thể nói là vô ơn.

Một xã hội văn minh là nơi mà mọi người biết xin lỗi từ những chuyện nhỏ nhặt mà mình đã gây ra cho người khác và biết cảm ơn nhau từ những điều hết sức bình thường trong các mối quan hệ ứng xử. Còn đối với những kẻ vô ơn, chắc chắn không tồn tại trong một xã hội văn minh.

Người ta vẫn thường hay ví von: “Những người vô ơn giống như kẻ sống trên hoang đảo”.  Cả cuộc đời chỉ chăm chăm lợi ích của bản thân, không cần để tâm đến bất cứ ai xung quanh, một sự sống ích kỷ, chỉ nên tồn tại đơn độc đến suốt cuộc hành trình đến điểm cuối cùng của sự sống. Ngay cả khi gặp sóng gió, cũng không thể cầu cứu bất cứ ai, không có tư cách để nhận sự giúp đỡ của người khác...

Đôi khi ta tự hỏi, liệu những còn người ích kỷ vô ơn kia có dám đơn độc, “tự sống cuộc sống của riêng mình” đến khi quỹ thời gian không còn nữa?

Câu trả lời thật không mấy dễ chấp nhận. Và tin rằng: Chính những người hoàn toàn vô trách nhiệm với cộng đồng, vô trách nhiệm với đất nước, lại sẽ là những người đòi hỏi quyền lợi đầu tiên, nếu chẳng may bị nhiễm bệnh. Chỉ mong, đến khi hiện thực tàn khốc ấy ấp đến, những con người kia kịp nhớ ra câu: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc”.

THUỶ TIÊN

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/danh-nguoi-vi-bi-nhac-deo-khau-trang-su-bat-luc-den-dang-thuong-a318695.html