+Aa-
    Zalo

    Đạo diễn Việt Tú: Tôi muốn khách Tây xách balo đến Việt Nam xem vở diễn!

    • DSPL
    ĐS&PL Mới đây, đạo diễn Việt Tú đã gây “sốc” với vở diễn thực cảnh tên Thủa ấy xứ Đoài. Trong cuộc trò chuyện với PV, anh đã kể về quá trình thai nghén nên vở diễn này...

    Mới đây, đạo diễn Việt Tú đã gây “sốc” với vở diễn thực cảnh tên Thủa ấy xứ Đoài. Trong cuộc trò chuyện với PV, anh đã kể về quá trình thai nghén nên vở diễn này...

    Người nông dân kể câu chuyện đặc biệt về cuộc đời mình…

    Ngồi nói chuyện với Việt Tú thế này, tôi vẫn thấy “sởn da gà” vì cảm xúc với vở diễn Thủa ấy xứ Đoài, anh có thể chia sẻ ý tưởng làm vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam này không?

    Thú thực là ý tưởng này đã xuất hiện trong suy nghĩ của tôi nhiều năm nay rồi. Nhất là sau kỳ Olympic 2008 mà đạo diễn Trương Nghệ Mưu làm, ở đó ông sử dụng nhiều diễn viên quần chúng. Tôi mới nghĩ: Tại sao cùng là chất liệu dân tộc, từ Trương Nghệ Mưu cho tới Lý An đều làm ra những tác phẩm đẹp và gây “sốc” về thị giác, vì sao mình không làm được? Tôi nghĩ rằng, mình phải làm một cái gì đó.

    Sau một thời gian đi về hướng Tây như New York, London, Paris… tôi cảm thấy không còn sự sáng tạo nữa, tôi quay về hướng Đông. Tôi thấy các quốc gia thuộc phía Đông này đang đi trước mình một bước khi họ làm nhiều chương trình văn hoá quảng bá hình ảnh đất nước. Vậy, tại sao mình không thể làm điều tương tự?

    Đạo diễn Việt Tú.

    Việc tập hợp người dân tham gia một vở rối thực cảnh như Thủa ấy xứ Đoài liệu có khó không, bởi họ không phải diễn viên chuyên nghiệp?

    Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn tự hỏi bản thân rằng, bằng cách nào mình lại vượt qua thời điểm ấy được? Trong suốt một năm qua, tôi luôn bị ám ảnh, đôi khi như là ác mộng vì những khó khăn phải đối mặt. Những người nông dân, họ như tờ giấy trắng, rất khó khăn để bắt đầu.

    Tôi đã gặp những tình huống bi hài, cười ra nước mắt. Đi được 1/2 quãng đường thì rụng mất 40% số lượng diễn viên, một cô xin nghỉ đi làm thợ cắt tóc, một ông 52 tuổi bị vợ bỏ đòi sang Campuchia lập nghiệp, một bà có bầu xin nghỉ giữa chừng… Nếu dùng diễn viên chuyên nghiệp, thời gian có thể rút ngắn nhưng nó không ra chất của một vở diễn thực cảnh.

    Với diễn viên là những người nông dân, độ rủi ro lớn, nhưng họ cũng chính là nhân tố chính tạo ra sự thành công. Vì không có gì thú vị bằng việc chính họ sẽ kể câu chuyện về cuộc đời của mình.

    Dưới góc độ quản trị nhân sự, nếu lo lắng diễn viên không chuyên thường xuyên nghỉ, không có sự ổn định khi diễn là không cần thiết. Vì diễn viên chuyên nghiệp vẫn nghỉ và xác xuất về rủi ro vẫn là như nhau. Mô hình nào cũng cần có diễn viên dự phòng cho các vị trí. Nếu người này nghỉ ốm, người kia có thể thay thế được.

    Một cảnh trong vở diễn Thủa ấy xứ Đoài của Việt Tú.

    Mô hình kết hợp giữa người và rối không phải xa lạ với khán giả. Tuy nhiên, những tình tiết đặc biệt trong vở diễn như việc lùa đàn vịt thật ra sân khấu, đám trẻ con hát vè thì chỉ có trong vở diễn này… Việt Tú có mất nhiều thời gian khi nghĩ ra những ý tưởng như vậy?

    Thật ra, những ý tưởng này tôi đã có từ đầu và không có gì cao siêu, tôi chỉ nghĩ cái gì hay thì đưa vào thôi. Thật ra, tôi chỉ biết, lùa đàn vịt ra sân khấu là một sự bất ngờ với khán giả. Với đám trẻ con hát đồng giao cũng vậy, nó gần gũi với khán giả như đưa họ trở về tuổi thơ của mình.

    Ban đầu tôi còn định đưa cả trâu vào vở diễn, nhưng vì việc huấn luyện trâu cũng chưa thuần thục sẽ gây nguy hiểm cho khán giả nên tôi đành dừng phương án này.

    Toàn cảnh không gian của vở diễn Thủa ấy xứ Đoài.

    Tôi được biết là tất cả các đoạn thoại, tiếng đế trong vở diễn thực cảnh Thủa ấy xứ Đoài đều là thu trực tiếp, anh có thấy mình mạo hiểm không? Nếu một vài diễn viên trong đoàn tâm trạng không tốt, hoặc giọng nói có vấn đề thì sao?

    Không thể 140 người buồn được, chi tiết này nhỏ nhưng mang tới khán giả hiệu ứng cảm xúc lớn vì nó…. thật. Thu trước thì an toàn, nhưng không có cảm xúc. Tôi đã phải mời cô giáo dạy chèo về để dạy những người nông dân ở Sài Sơn hát và diễn bằng cảm xúc thật. Những âm thanh đó có thể không tròn trịa, nhưng nó là sự xúc động, bằng cảm giác thật của những diễn viên không chuyên. Tôi đã yêu cầu các cụm diễn viên, khi nào cần tiếng đế thì tất cả đều phải đáp lại như âm thanh của một làng quê.


    Làm nghệ thuật thì không “tự sướng” với nhau được

    Trước đây, với vở Hạn hán và cơn mưa, đạo diễn Thủy Ea Sola đã đưa các nghệ sĩ là nông dân đi nước ngoài biểu diễn. Vậy, Việt Tú có muốn đưa Thủa ấy xứ Đoài đi lưu diễn nước ngoài không?

    Tôi rất tôn trọng những tác phẩm của chị Thủy Ea Sola và đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Tôi thì có những giấc mơ cho riêng mình, đó là làm sao thu hút được khách nước ngoài đến đây xem vở diễn trên chính quê hương của mình, cũng giống như việc tôi từng làm mỗi khi nghe ở Paris hay New York có vở hay là xách balo lên và đi. Nếu có cơ hội tôi cũng sẽ đưa những diễn viên của tôi đi, vì đó là sự trao đổi văn hóa toàn cầu mà. Tuy nhiên, điều tôi muốn hơn là, người ta nghe thấy ở Sài Sơn – Quốc Oai có vở diễn này, họ đến đây xem. Đây là mục đích chính cả nhà đầu tư lẫn của tôi.


    Theo anh, làm du lịch gắn liền với văn hoá cần những yếu tố gì?

    Theo tôi, muốn làm du lịch bằng văn hóa thì đầu tiên phải giữ được cái gốc đã. Văn hóa thì địa phương nhưng ngôn ngữ phải toàn cầu. Phải xác định rằng, các tác phẩm nghệ thuật dân tộc đang đối diện với khán giả toàn cầu, vì thế chỉ cần làm cái gì đó không văn hoá, không có gốc, sẽ không bao giờ có khách.

    Vở diễn Thủa ấy xứ Đoài do anh sáng tạo và đạo diễn, nhưng lại do nhà đầu tư đặt hàng thì mới có vở diễn. Vậy, việc bản quyền sẽ được phân định như nào, thưa anh?

    Ở đây, được chia ra hai mảng: Quyền tác giả thuộc về người sáng tác vở diễn và quyền chủ sở hữu (hay nói cách khác là khai thác thương mại) thuộc về nhà đầu tư. Đôi khi quyền khai thác thương mại sẽ thuộc về tác giả nếu tác giả là nhà đầu tư hoặc do các bên thoả thuận. Ở vở diễn Thủa ấy xứ Đoài, quyền khai thác thương mai thuộc về ông Đào Hồng Tuyển, quyền tác giả thuộc về tôi. Bản thân tôi trước khi làm đã nghiên cứu rất kỹ công ước Berne và là khách hàng quen thuộc của Cục bản quyền. Tất cả các dự án dù làm hay không, tôi đều đăng ký bản quyền để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.


    Nhiều người thắc mắc, vì sao Việt Tú lại quay về phương Đông, trong khi anh đang rất thành công với những tác phẩm đương đại với thiên hướng phương Tây?

    Quay về phương Đông với Tứ phủThủa ấy xứ Đoài vì mình là người Việt Nam, muốn bạn bè thế giới biết đến những nét văn hoá còn tiềm ẩn của nơi mình được sinh ra và lớn lên. Trong sáng tạo, tôi luôn nghĩ mình làm gì đó phải mới hơn. May mắn vì các kế hoạch thường đến sớm và tôi có thời gian cho công việc của mình. Tứ phủ là tái hiện một nghi lễ tâm linh trên sân khấu, còn Thủa ấy xứ Đoài là sự tái hiện cuộc sống, đó là sự khác biệt.

    Bản thân Việt Tú thấy vở diễn Thủa ấy xứ Đoài có những tiềm năng gì để thu hút khách du lịch đến xem?

    Ban đầu, dự án đặt ra là thu hút khách du lịch trong nước quốc tế, nhưng trong quá trình làm tôi phát hiện có thể mở rộng để già trẻ, gái trai người dân bản địa đều xem được. Còn tiềm năng khai thác phải để thời gian trả lời mới công bằng, vì có khách hay không còn phụ thuộc vào sự vận hành của cả hệ thống chứ không chỉ tác phẩm. Làm nghệ thuật thì không “tự sướng” với nhau được, mà cần những trải nghiệm cụ thể. Ở góc độ của tôi là người làm nghệ thuật thì đây là một tác phẩm văn hóa, còn với nhà đầu tư, đó là sản phẩm văn hóa thu hút khách du lịch nước ngoài về Việt Nam. Tôi rất tự tin về tiềm năng của tác phẩm này. Tôi tin du khách toàn cầu sẽ đến với vở diễn.

    Chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh!

    Lạc Thành

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dao-dien-viet-tu-toi-muon-khach-tay-xach-balo-den-viet-nam-xem-vo-dien-a195504.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan