+Aa-
    Zalo

    Đạo luật cơ sở hạ tầng hơn 1.000 tỷ USD có thể "cứu vãn" nửa đầu nhiệm kỳ Tổng thống Biden?

    • DSPL
    ĐS&PL CNN nhận định đạo luật cơ sở hạ tầng trị giá hơn 1.000 tỷ USD là một thắng lợi chính trị cực kỳ cần thiết và là minh chứng cho chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

    Thắng lợi chính trị đúng thời điểm

    Theo CNN, đạo luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được thông qua vào đúng thời điểm cần thiết. Tuy nhiên, chỉ riêng đạo luật này sẽ khó có thể "cứu vãn" nửa đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm. 

    Trong những tháng gần đây, Tổng thống Biden đang trải qua khoảng thời gian cực kỳ khó khăn trong những tháng đầu nhiệm kỳ khi mức độ tín nhiệm của ông ngày càng giảm sau hàng loạt vấn đề, bao gồm sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 và cách xử lý khủng hoảng tại Afghansitan. 

    Những vấn đề trên đã khiến nhiều cử tri đặt câu hỏi về năng lực lãnh đạo của vị tổng thống điềm tĩnh mà họ từng mong muốn khi bỏ phiếu bầu ông Biden trong cuộc bầu cử năm 2020. 

    Bên cạnh đó, những vấn đề sâu xa hơn ảnh hưởng đến nhiệm kỳ tổng thống của ông, bao gồm sự hoài nghi về sự phù hợp trong thông điệp của đảng Dân chủ với tình trạng hiện tại của đất nước và lo ngại lịch sử lặp lại (về việc đảng Cộng hoà giành được lợi thế tại Quốc hội), đang đè nặng lên tổng thống trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022.

    tong thong biden 4
    Tổng thống Joe Biden đã đạt được thắng lợi chính trị lớn đầu tiên sau nhiều tuần qua. Ảnh: AP 

    Một tín hiệu không tốt đã đến với ông Biden và đảng Dân chủ vào tuần trước khi đảng Cộng hoà giành được một số thắng lợi đáng kể tại cuộc bầu cử ở các bang Virginia và New Jersey. Trong đó, việc ứng viên đảng Cộng hoà Glenn Youngkin đã xuất sắc đánh bại cựu Thống đốc đảng Dân chủ Terry McAuliffe trong cuộc bầu cử thống đốc bang Virginia được xem là dấu hiệu cho thấy đảng Cộng hoà có thể sẽ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện trong năm 2022. 

    Dù vậy, vào sáng 5/11 vừa qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đón nhận nhiều tin tức mới lạc quan, bao gồm việc chính quyền đã tạo ra 531.000 việc làm trong tháng 10, con số tích cực sau nhiều tháng tồi tệ trước đó, báo hiệu cho sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, thông tin về kết quả thử nghiệm đáng mong đợi từ thuốc kháng virus điều trị COVID-19 của hãng dược Pfizer; kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi và dữ liệu cho thấy hơn 70% dân số trưởng thành tại Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ đang dần hiện thực hoá cam kết đẩy lùi đại dịch của ông Biden. 

    Vào tối cùng ngày, Tổng thống Biden đã giành được chiến thắng lớn nhất của mình trên Đồi Capitol với việc đạo luật cơ sở hạ tầng đã được thông qua, mở đường cho sự đảm bảo đối với một dự luật chi tiêu xã hội lớn mà ông hy vọng sẽ được thông qua trong thời gian tới.

    Theo CNN, sau thành công trên, một nỗ lực lịch sử của liên bang sẽ sớm được đưa ra để sửa chữa những con đường gồ ghề, sân bay cũ kỹ, những cây cầu đổ nát và những tuyến đường sắt. Bên cạnh đó, một phần quỹ đầu tư sẽ đặt trọng tâm vào giải pháp băng thông rộng nông thôn và đẩy mạnh kế hoạch phát triển xe điện.

    Đạo luật mang tính lịchsử 

    Tham gia chương trình "State of the Union" ngày 7/11, Thống đốc đảng Cộng hoà Larry Hogan thừa nhận đạo luật được thông qua quả thật là một thắng lợi lớn của Tổng thống Biden nhưng nói thêm rằng quy trình quanh co xoay quanh đạo luật này có thể hạn chế khả năng chính trị của nó. 

    Tuy nhiên, các nhiệm kỳ tổng thống diễn ra trong một số thực tế song song. Nếu đạo luật này thành công, trong 30 năm tới, sẽ không còn ai nhớ đến những vấn đề chính trị và các cuộc cãi vã xoay quanh đạo luật. Đồng thời, đó sẽ được coi là một thành tựu di sản quan trọng mà Tổng thống Biden đã để lại.

    Việc đạo luật được thông qua cũng có khả năng sẽ giúp tổng thống gia tăng sự tín nhiệm của mình. Trong thập kỷ qua, một đạo luật cải cách cơ sở hạ tầng đã trở thành vấn đề "mũi nhọn" tại Washington. Trong khi cựu Tổng thống Barack Obama và cựu Tổng thống Donald Trump đều có những kỳ vọng về các dự luật cơ sở hạ tầng thì người đạt được các thoả thuận cuối cùng lại là Tổng thống Joe Biden. 

    Gần như đơn độc ở Washington D.C, Tổng thống Biden từng tin rằng ông có thể thu hút sự ủng hộ từ đảng Cộng hòa cho kế hoạch cơ sở hạ tầng của mình như một minh chứng về việc hệ thống chính trị phân cực tại thủ đô vẫn có thể hoạt động hiệu quả. Trên thực tế, ông đã nhận được sự ủng hộ từ 19 thượng nghị sĩ và 13 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa, một nhóm tương đối nhỏ nhưng vẫn thể hiện tinh thần lưỡng đảng hiếm hoi ở Washington thời hiện đại.

    tong thong joe biden 3
    Đạo luật cơ sở hạ tầng của tổng thống Mỹ được đánh giá là đạo luật mang tính lịch sử. Ảnh: New York Times

    Như vậy, Tổng thống Biden đã giành được 1 điểm đầu tiên nhờ chiến thắng chính trị hiếm hoi của mình tại Nhà Trắng sau nhiều cuộc khủng hoảng trong nội bộ đảng Dân chủ. Điều này có thể giúp ông phần nào khôi phục danh tiếng với tư cách một nhà đàm phán tài năng tại Quốc hội. 

    Tuy nhiên, việc ông Biden củng cố di sản bằng một thành tựu lập pháp khó có thể làm dịu các vấn đề đảng Dân chủ trong thời gian ngắn. Ngay lập tức, đã có những câu hỏi về luật chi tiêu xã hội với mục đích chuyển đổi giáo dục mầm non, chăm sóc tại nhà cho người bệnh và người già và đáp ứng thách thức cứu trái đất đang bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu.

    Dự luật cơ sở hạ tầng được thông qua theo sự thỏa hiệp giữa những người tiến hành và kiểm duyệt của Hạ viện sẽ mở đường cho một kế hoạch chi tiêu lớn hơn, trị giá 2.000 tỷ USD, khi Văn phòng Ngân sách Quốc hộ gửi các đánh giá về tác động của đạo luật này đối với thâm hụt. Dù vậy, khả năng thành công của đạo luận thứ 2 được đánh giá ở mức 50-50. Trong đó, những người ôn hòa, bao gồm Thượng nghị sĩ Tây Virginia Joe Manchin, vẫn chưa chắc chắn sẽ ủng hộ đạo luật dù Lãnh đạo Đa số Dân chủ Chuck Schumer đã có kế hoạch thông qua nó vào Lễ Tạ ơn để mang lại thắng lợi lớn khác cho tổng thống.

    Tuy nhiên, cố vấn cấp cao Nhà Trắng Cedric Richmond khẳng định ông "gần như chắc chắn" một số dự án cơ sở hạ tầng có thể bắt đầu triển khai vào mùa xuân tới. Nhưng với quy mô của dự luật và quá trình lập kế hoạch, cũng như thiết kế phức tạp liên quan đến các cuộc đại tu cơ sở hạ tầng lớn, có thể vài tháng hoặc thậm chí vài năm trước khi đạo luật trên mang đến thành quả rõ ràng. 

    Minh Hạnh (Theo CNN)

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dao-luat-co-so-ha-tang-hon-1000-ty-usd-co-the-cuu-van-nua-dau-nhiem-ky-tong-thong-biden-a518684.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan