"Đạo tặc" giật túi xách của người đi đường rồi đòi tiền chuộc


Thứ 3, 07/03/2017 | 09:41


Cùng sự kiện

Sau khi cướp được túi xách, Hiếu lấy sim điện thoại của nạn nhân để gọi và yêu cầu đưa 1,5 triệu đồng nếu muốn chuộc lại giấy tờ.

Sau khi cướp được túi xách, Hiếu lấy sim điện thoại của nạn nhân để gọi và yêu cầu đưa 1,5 triệu đồng nếu muốn chuộc lại giấy tờ.

Theo báo Đồng Nai, ngày 7/3, Công an huyện Trảng Bom đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Bá Hiếu (20 tuổi, quê Nghệ An) để điều tra về hành vi Cướp giật tài sản.

Báo VOV thông tin, ngày 4/3, Hiếu cùng bạn tên Tường (chưa rõ nhân thân lai lịch) điều khiển xe máy đi trên đường quốc lộ 1A từ hướng xã Quảng Tiến đi TP  Biên Hòa.

Khi đi đến trước nhà thờ Bùi Chu (xã Quảng Tiến), hai đối tượng phát hiện chị Thu Hòa đang đi xe máy lưu thông phía trước cùng chiều có treo túi xách nên bàn nhau cướp giật.

Lúc này, Hiếu điều khiển xe áp sát xe của chị Hòa, Tường ngồi sau giật lấy túi xách rồi tẩu thoát về xã Hố Nai 3.

Ảnh minh họa

Tường mở túi xách cướp giật được lấy giấy tờ, tiền và điện thoại di động rồi vứt giỏ vào bãi rác gần đường. Sau đó, Hiếu và Tường đi bán điện thoại được 400.000 đồng chia nhau tiêu xài. Số giấy tờ cướp Tường đưa cho Hiếu.

Sáng 5/3, do không còn tiền tiêu xài, Hiếu lấy sim điện thoại của chị Hòa gọi cho người thân yêu cầu đưa 1,5 triệu đồng đến khu công nghiệp Sông Mây (xã Bắc Sơn) để gặp, chuộc lại giấy tờ.

Lúc này chị Hòa vờ đồng ý chuộc lại giấy tờ đồng thời trình báo cơ quan công an. Khi Hiếu đến gặp nạn nhân để trao đổi thì bị công an bắt giữ.

Điều 136. Tội cướp giật tài sản (luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009):

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

h) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dao-tac-giat-tui-xach-cua-nguoi-di-duong-roi-doi-tien-chuoc-a183237.html