+Aa-
    Zalo

    Sếp ngân hàng “ngã ngựa”: "Người hùng" Ocean Bank Hà Văn Thắm và phút giây bật khóc trước tòa

    • DSPL
    ĐS&PL Những quyết định sai lầm khiến Hà Văn Thắm - người được coi là "người hùng" của Ocean Bank phải trả giá bằng việc đứng trước vành móng ngựa.

    Những quyết định sai lầm khiến Hà Văn Thắm - người được coi là "người hùng" của Ocean Bank phải trả giá bằng việc đứng trước vành móng ngựa. Đối diện với pháp luật, "người hùng" cũng đã phải bật khóc.

    Lập nghiệp từ năm 21 tuổi, bước vào lĩnh vực ngân hàng chỉ với vài nghìn USD vay mượn của bạn bè, đến năm 2014, ông Hà Văn Thắm đã là Chủ tịch HĐQT Ocean Group - một tập đoàn đa ngành sở hữu hàng loạt tài sản lớn từ tài chính đến BĐS. Thương trường từng biết đến ông như một đại gia tài chính lừng danh. Và cũng từ trong thương trường, ông “sa cơ” và lâm bước đường cùng là lĩnh án giam để thụ án chung thân.

    Đại gia tài chính lừng danh một thời

    Cựu Chủ tịch HĐQT Ocean Bank Hà Văn Thắm. Ảnh: Báo Đầu tư

    Sinh năm 1972 và quê gốc ở xã An Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, ông Hà Văn Thắm được cho là một trong những tỷ phú có học vấn cao tại Việt Nam. Nhà sáng lập Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) nắm trong tay bằng Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Columbia Common Wealth (Mỹ) và bảo vệ Tiến sĩ Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Công nghệ Paramount (Mỹ).

    Ông Thắm từng lập nghiệp sớm bằng kinh doanh thương mại, phân phối dầu ăn và lốp ô tô. Năm 1993, khi vừa mới 21 tuổi, ông Thắm đã tự lập công ty riêng với tên doanh nghiệp tư nhân Bình Minh.

    Từ năm 1997-2001, ông là Tổng Giám đốc Công ty TNHH VNT. Khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2003, ông làm Giám đốc Công ty Liên doanh.  

    Ông Thắm “bén duyên” với ngành ngân hàng từ đầu những năm 2000 khi gặp một cổ đông muốn bán cổ phần của Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng trong lúc ông chỉ có một số vốn nhỏ. Vì vậy, khi giới thiệu về mình với báo giới, ông Thắm từng cho biết, nghiệp kinh doanh đến rất tình cờ. Và rồi ông giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT rồi Chủ tịch HĐQT ngân hàng này (từ 2003 đến 2007). Đây cũng chính là tiền thân của Ocean Bank sau này.  

    Sau khi Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng được chuyển đổi mô hình hoạt động thành Ngân hàng cổ phần đô thị và được đổi tên thành Ngân hàng Ocean Bank, ông Hà Văn Thắm vẫn tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT từ 2007.

    Cho đến năm 2012, ông là người giàu thứ 8 trên thị trường chứng khoán Việt Nam với lượng cổ phiếu OGC trị giá hơn 1.800 tỷ đồng.

    Cho tới tháng 1/2014, ông giữ vai trò là Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank), Chủ tịch CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OCH), Chủ tịch CTCP Chứng khoán Đại Dương (OCS)...

    Tính tới năm 2014, ông sở hữu tổng tài sản ước tính trên 1 tỷ USD và được cho là người giàu có thứ hai sau ông Phạm Nhật Vượng là Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.

    Khi ở đỉnh cao, Hà Văn Thắm liên tiếp sở hữu các danh hiệu: Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu; Cúp Thánh Gióng năm 2009; Bằng khen và cúp Vì sự nghiệp Văn hóa doanh nhân Việt Nam. Đòng thời, Hà Văn Thắm cũng là một trong mười doanh nhân được vinh danh Giải thưởng Sao Đỏ 2011.

    Liên quan đến đời tư, Hà Văn Thắm còn được biết đến là em trai ông Hà Trọng Nam (Chủ tịch Kem Tràng Tiền) giàu nức tiếng.

    “Hùm thiêng” sa cơ

    Tính tới năm 2014, ông Hà Văn Thắm sở hữu tổng tài sản ước tính trên 1 tỷ USD. Ảnh: Dân Việt

    Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Hà Văn Thắm một bước rơi xuống vực sâu bởi những quyết định sai lầm khi ngồi  “ghế nóng” ngân hàng.

    Cụ thể, ngày 24/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông về hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo điều 179 Bộ luật hình sự.

    Theo đó, trong quá trình thanh tra tại OceanBank, thanh tra Ngân hàng Nhà nước phát hiện có một số khoản vay có dấu hiệu gây mất vốn của ngân hàng. Trong đó, có việc cho vay sai quy định, cho vay các khoản tiền lớn không có thế chấp tài sản. Những sai phạm này được chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra làm rõ.

    Tiến hành điều tra, xác minh mở rộng, cơ quan điều tra xác định, vào tháng 11/2012, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trung Dung đề nghị OceanBank cho vay tiền để thực hiện các dự án của mình. Các dự án của công ty này chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

    Sau khi công ty này đề nghị vay vốn đầu tư, ông Hà Văn Thắm ký các quyết định cho công ty này vay khoảng 500 tỷ đồng nhưng không đảm bảo các khoản thế chấp và sai quy định.

    Cho đến thời điểm ông bị bắt, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trung Dung chưa thanh toán được tiền cho OceanBank theo quy định, có dấu hiệu mất khả năng thanh toán.

    Đối mặt hàng loạt phiên tòa, liên tục bị tuyên án

    Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 29/9/2017, cáo trạng thể hiện, trong quá trình điều hành Oceanbank, Hà Văn Thắm và đồng phạm đã để xảy ra nhiều vi phạm trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng.

    Các sai phạm gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng này và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan chức năng xác định tổng số tiền Oceanbank bị thiệt hại là gần 2.000 tỷ đồng.

    HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Hà Văn Thắm: 19 năm tù tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; chung thân tội Tham ô tài sản; 20 năm tù tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 18 năm tù tội Vi phạm các quy định về cho vay. Tổng mức hình phạt là Chung thân. Những bị cáo còn lại lĩnh các mức án từ 18 tháng tù treo cho đến 30 năm tù giam.

    Liên quan vụ án, có năm bị cáo được hưởng cải tạo không giam giữ.

    Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Hà Văn Thắm cùng nhiều bị cáo có đơn kháng cáo.

    Trong đơn kháng cáo, Hà Văn Thắm xin chấp hành bản án sơ thẩm về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng. Hà Văn Thắm đã đưa ra các luận cứ chứng minh không chiếm đoạt tài sản.

    Ngoài ra, Hà Văn Thắm cho rằng, tòa tuyên phạt phải bồi thường hơn 800 tỷ đồng cho Oceanbank là chưa đúng. Với tư cách cổ đông nắm gần 63% cổ phần Oceanbank, cựu Chủ tịch Oceanbank đề nghị tòa phúc thẩm tuyên không phải bồi thường.

    Đại gia tài chính lừng danh một thời sa cơ. Ảnh: Dân sinh

    Ngày 18/4/2018, phiên xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm cùng đồng phạm tham ô tài sản diễn ra tại TAND cấp cao TP Hà Nội diễn ra. Phiên tòa lần này có 31 bị cáo tham gia.

    Tháng 5/2018, ông Hà Văn Thắm đã bị TAND cấp cao TP.Hà Nội tuyên án chung thân với 4 tội danh: cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.

    Trong vụ án này, bị cáo Hà Văn Thắm xin vắng mặt với lý do sức khỏe và được tòa chấp nhận.

    Tiếp đó, tháng 1/2020, TAND TP.Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch OceanBank về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

    Theo cáo trạng, năm 2012, do cần tiền trả nợ cho các khoản vay đến hạn, bị cáo Nguyễn Hoàng Long (48 tuổi, cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Vina Megastar, đang chấp hành bản án 10 năm tù, bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) đã thế chấp quyền sử dụng đất tại xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm, Hà Nội) và số 254 Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) để OceanBank cấp hạn mức tín dụng 100 tỷ đồng.

    Sau đó, bị cáo thế chấp tài sản hình thành trong tương lai là Dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính để nâng hạn mức thành 250 tỷ đồng và được bị cáo Hà Văn Thắm ký quyết định chấp nhận. Bị cáo Nguyễn Hoàng Long đã chỉ đạo nhân viên lập hợp đồng, hóa đơn khống để OceanBank cho vay 224 tỷ đồng và dùng trả nợ, chi tiêu cá nhân. Trong vụ này, OceanBank chỉ thu lại được 132 tỷ đồng.

    Cáo trạng nhận định, bị cáo Hà Văn Thắm đã ký quyết định cấp hạn mức tín dụng 250 tỷ đồng cho Công ty CP Tập đoàn Vina Megastar khi tài sản đảm bảo là Dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính không đủ giá trị pháp lý, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay, vi phạm quy chế nội bộ của OceanBank và luật Các tổ chức tín dụng 2010, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 91 tỷ đồng.

    Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Long cho rằng việc mình không còn khả năng trả nợ là do hoàn cảnh khách quan, bị bắt trong vụ án khác, nên không thể tiếp tục điều hành công ty.

    Luật sư bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm lại cho rằng việc OceanBank bị thiệt hại là do việc lừa đảo, sử dụng sai vốn vay của bị cáo Long chứ không phải do hành vi của Hà Văn Thắm.

    HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Long 20 năm tù, cộng với bản án đang chấp hành, mức phạt là 30 năm tù giam. Còn bị cáo Hà Văn Thắm bị tuyên phạt 15 năm tù, cộng với án chung thân đang thi hành, tổng cộng là chung thân.

    Mới đây, liên quan vụ án thứ 3 trong đại án OceanBank, hồi cuối tháng 4 vừa qua, sau 2 ngày xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã tuyên án cựu Chủ tịch OceanBank và 7 đồng phạm về tội "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

    Đề ra chủ trương, phân công, chỉ đạo cấp dưới và các đối tác thuộc Tập đoàn Đại Dương phê duyệt, ký kết 44 hợp đồng khống/nâng khống, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn trăm tỷ đồng, cựu Chủ tịch OceanBank bị tuyên 10 năm tù. Cộng với bản án trước đó, ông phải chịu hình phạt chung là tù chung thân.

    Vũ Đậu

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sep-ngan-hang-nga-ngua-nguoi-hung-ocean-bank-ha-van-tham-va-phut-giay-bat-khoc-truoc-toa-a324255.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan