+Aa-
    Zalo

    Đầu năm học mới, hơn 200 giáo viên bất ngờ bị cắt hợp đồng

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Trong không khí cả nước háo hức đón năm học mới, tại huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hàng trăm giáo viên đã phải rơi nước mắt khi bỗng nhiên bị cắt hợp đồng.

    (ĐSPL) - Trong không khí cả nước háo hức đón chào năm học mới, thì tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), hàng trăm giáo viên đã phải rơi nước mắt bất lực khi họ bỗng dưng bị cắt hợp đồng giữa chừng.

    Bị cắt hợp đồng ngay trước thềm năm học mới

    Theo đó, vào ngày 22/4, Sở Nội vụ Hà Tĩnh đã có văn bản số 343/SNV–TCBC về phương án bố trí nhân sự. Công văn yêu cầu huyện Kỳ Anh phải chấm dứt đối với hợp đồng lao động do UBND huyện hợp đồng làm việc không qua tuyển dụng trong cơ quan nhà nước.

    Ngày 23/4, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh ký văn bản văn số 570/ UBND - NV về việc thực hiện công tác đối với cán bộ hợp đồng.

    Tiếp đó, ngày 24/4, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Anh ký văn bản số 44/PGD&ĐT-TCCB gửi các trường yêu cầu lập danh sách đề nghị UBND huyện chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp là giáo viên, nhân viên đã được huyện ký quyết định hợp đồng vào làm việc tại trường.

    Trong khi các trường học, giáo viên, học sinh trong cả nước đang háo hức, vui mừng chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới thì 214 giáo viên, nhân viên hành chính thuộc diện hợp đồng ngắn hạn của huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh lại nhận tin buồn chính thức mất việc làm kể từ ngày từ ngày 25/8.

    “Ngày 25/8 vừa rồi, huyện đã mời chúng tôi lên họp và thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với chúng tôi kể từ ngày 25/8. Nhưng theo hợp đồng đến tháng 9/2015 mới hết nên chúng tôi được hưởng lương đến ngày đó”, cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên công tác tại một trường THCS ở huyện Kỳ Anh cho biết.

    Nhiều giáo viên bất ngờ khi nhận quyết định chấm dứt hợp đồng ngay đầu năm học mới

    Cụ thể, thị xã Kỳ Anh sẽ có 72 giáo viên (1 giáo viên mầm non, 35 giáo viên tiểu học và 36 giáo viên trung học cơ sở), còn tại huyện Kỳ Anh, có 142 giáo viên trên địa bàn huyện (1 giáo viên mầm non, 68 giáo viên tiểu học và 73 giáo viên trung học cơ sở) bị chấm dứt hợp đồng.

    Ngậm ngùi nhìn học sinh tới trường trong nước mắt

    Vừa qua, báo Đời sống và Pháp luật đã nhận được đơn kêu cứu tập thể các giáo viên ở thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) về sự việc 214 giáo viên này bị cắt hợp đồng đột ngột.

    Để nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của các cán bộ, giáo viên, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có dịp gặp và trao đổi với họ. Tại đây, chúng tôi đã được chứng kiến tâm trạng bức xúc cùng những câu chuyện đau lòng, những giọt nước mắt... trước thềm năm học mới 2015 – 2016 của những người vừa bị buộc thôi tới trường đi dạy.

    Đơn kêu cứu của các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng gửi cơ quan chức năng

    Thực tế tìm hiểu, tại đây, có nhiều giáo viên với thâm niên đứng trên bục giảng 10 – 12 năm. Có người từng bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, có kinh nghiệm và được nhà trường, học sinh tin tưởng. Thậm chí có gia đình cả 2 vợ chồng đều là giáo viên hợp đồng và đều nằm trong danh sách bị chấm dứt công việc.

    Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Dung, giáo viên dạy môn Mỹ thuật tại trường Tiểu học Kỳ Phú, người đã có 4 năm gắn bó, cống hiến cho biết: “Tôi đã công tác tại đây được 4 năm. Trong thời gian đó, chúng tôi đã luôn nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Giờ huyện chấm dứt hợp đồng cũng không hứa hẹn gì cả. Với bằng sư phạm chúng tôi rất khó để mà xin một công việc khác. Hiện tại, chồng chưa có việc làm ổn định, trong khi con còn nhỏ, việc chị bị chấm dứt hợp đồng đã khiến cuộc sống của tôi và gia đình bị đảo lộn hoàn toàn”.

    Chấm dứt hợp đồng, nhiều giáo viên đành phải ngậm ngùi nhìn học sinh tới trường trong nước mắt

    Cùng chung quan điểm, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung xót xa nói: “Từ ngày bị chấm dứt hợp đồng bản thân không dám ra ngoài, gọi điện cho anh em họ hàng. Nhà tôi gần trường, hôm khai giảng tôi ra sân xem phụ huynh, học sinh nô nức đến lớp mà nước mắt trào ra. Nhiều người hỏi sao cô giáo không đi dạy. Lòng tôi lại thêm buồn phiền, chúng tôi muốn đi dạy lắm chứ”.

    Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nga òa khóc nức nở: “Từ những năm đầu tiên tôi đi dạy lương tháng chỉ có 400.000 đồng nhưng tôi vẫn chấp nhận vì được đứng trên bục giảng để truyền dạy kiến thức cho học sinh. Đến nay đã 12 năm, tôi vẫn kiên trì theo nghề, nhưng bỗng nhiên tỉnh ra thông báo chấm dứt hợp đồng khiến tôi không biết kêu ai. Cả cuộc đời của tôi đã gắn với nghề, giờ biết làm sao đây…”.

    Hiện, trước quyết định này, 214 giáo viên, nhân viên này đã gửi đơn cầu cứu Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng. Mong ước của tất cả các giáo viên là tiếp tục được làm việc, tiếp tục được đứng trên bục giảng. Theo những người này, chiều 25/8, các giáo viên hợp đồng đã được triệu tập đến hội trường UBND huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh để nghe UBND huyện đọc quyết định của UBND tỉnh về việc yêu cầu xử lý giáo viên dôi dư, hợp đồng tại hai địa phương này.

    Được biết, tại cuộc họp, nhiều giáo viên đã đề xuất nguyện vọng muốn được tiếp tục công tác và ổn định đời sống nhưng phía đại diện UBND huyện không có câu trả lời mà chỉ bày tỏ lời cảm ơn, xin lỗi và khuyên các giáo viên nên rẽ theo hướng khác...

    Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc tới quý độc giả.

    NGỌC TUẤN

    [mecloud]TRogGBwugg[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dau-nam-hoc-moi-hon-200-giao-vien-bat-ngo-bi-cat-hop-dong-a109752.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.