+Aa-
    Zalo

    Đầu năm rủ nhau đi hái lộc rừng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau Tết, đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Trà Bồng và Tây Trà (Quảng Ngãi) lại rủ nhau lên rừng chặt đót. Từ lâu cây đót được ví như lộc rừng mà đại ngàn đã hào phón

    Sau Tết, đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Trà Bồng và Tây Trà (Quảng Ngãi) lại rủ nhau lên rừng chặt đót. Từ lâu, cây đót được ví như lộc rừng mà đại ngàn đã hào phóng ban tặng cho họ đầu năm mới.

    Những ngày này, con đường ngược từ miền xuôi lên huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà, nơi đâu cũng thấy người người, nhà nhà phơi đót. Giữa màu xanh của đại ngàn, nhìn đâu cũng thấy đót trổ bông.

    Gặp chị Hồ Thị Miên trên con đường vào thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm (Trà Bồng), chị đang phơi đót bên lề đường do chồng chặt trên rẫy về tâm sự: “Chồng và các con mình đi từ sáng sớm đến chiều mới về. Ngày nào cũng kiếm được hơn 50kg đót, được kha khá tiền”.

    Sau Tết, đồng bào lại rủ nhau lên rừng chặt đót. Ảnh: A.K

    Ôm bó đót xuống xe chuẩn bị bán, bà Hồ Thị Linh ở thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh (Tây Trà) vui vẻ góp chuyện: “Mỗi ngày tệ gì cũng kiếm 100.000 đồng. Năm nay giá giá đót tăng cao mình đỡ nhiều. Sau mùa đót cũng kiếm được vài triệu đồng”.

    Đến hẹn lại lên, sau những ngày vui xuân đón Tết, người đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện này từ gái trai, già trẻ đều rủ nhau lên rừng hái đót. Mùa thu hoạch đót đã góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

    Họ đi thật sớm đến hoàng hôn lại gùi đót tươi về bán. Trung bình mỗi người mỗi ngày thu được 15 đến 30kg đót. Với giá bán 5.000 đến 5.500 đồng/kg, so với làm rẫy thì hái đót thu nhập cao hơn nhiều. Cây đót mọc tự nhiên trong rừng, đến khoảng tháng Giêng, tháng Hai âm lịch là lúc cờ hoa của nó đua nhau trổ bông. Đây cũng là lúc người dân rủ nhau lên rừng chặt về bán cho các thương lái mua về làm chổi đót.

    Tuy chỉ là loại cây thời vụ, nhưng đót đã góp phần mang lại thu nhập không nhỏ cho bà con. Ảnh: A.K

    Tuy chỉ là loại cây thời vụ, nhưng vài năm trở lại đây cây đót đã góp phần không nhỏ vào thu nhập của nhiều gia đình, qua đó giúp họ có cuộc sống tốt hơn. Cũng vì bận đi hái đót, mà nhiều trai tráng không có thời gian tụ tập đàn đúm uống rượu.

    Theo người dân địa phương, trước đây diện tích đót còn nhiều, mỗi người có ngày có thể thu được 50kg. Tuy nhiên năm nay, diện tích đót bị thu hẹp dần do bà con đốt rẫy trồng keo, trồng mì nên một người giỏi lắm cũng chỉ thu được 30 kg/ngày. Có hôm đi cả chục 10km mới có 6, 7 kg.

    Theo chị Lan, một thương lái thu mua đót ở tổ 4, thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh, năm nay tua và bông đót rất đẹp, nhưng sản lượng chỉ bằng 1/3 năm ngoái. Chị Lan cho biết, chị phải đón sẵn dưới chân núi chờ mua đót tươi, thay vì ở nhà chờ mọi người mang tới bán như mọi năm. Các năm trước đến thời điểm này đã mua gần 2 tấn, nay chưa được 1 tấn.

    Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng đẹp, thương lái thuê người dân trong vùng phơi đót. Những bông đót tươi được nắng khi phơi khô lên màu sắc rất tươi và đẹp. Vì đót khan hiếm nên giá đót tươi năm nay cũng cao hơn năm ngoái 1.000 đồng/kg.

    H.T(theo Báo Quảng Ngãi)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dau-nam-ru-nhau-di-hai-loc-rung-a22443.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan