+Aa-
    Zalo

    Đấu thầu tại phòng GD&ĐT Sông Công (Thái Nguyên) – Bài 3: “Nếu thấy đội giá thì nhất định truy đến cùng”

    • DSPL
    ĐS&PL Về những gói thầu có dấu hiệu đội giá mua sắm thiết bị tại phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.Sông Công (tỉnh Thái Nguyên), theo PGS.TS Bùi Thị An, mặc dù không thể “võ đoán” về tình trạng “bắt tay” giữa đơn vị nào với đơn vị nào, tuy nhiên, nếu thấy giá đội lên, thì nhất định phải đặt lại vấn đề và truy đến cùng.

    Phải đảm bảo công khai, minh bạch trong đấu thầu

    Như tạp chí Đời sống và Pháp luật đã phản ánh, tại phòng GD&ĐT TP.Sông Công, nhiều gói thầu có dấu hiệu mua sắm giá cao, chênh lệch cả tỷ đồng so với giá thị trường, tỉ lệ tiết kiệm chỉ mang tính “tượng trưng”.

    Trong những năm qua, cũng đã có nhiều vụ bê bối liên quan đến hoạt động đấu thầu của ngành giáo dục. Chính những lùm xùm ấy đang dần làm lung lay niềm tin về giá trị cốt lõi của giáo dục Việt Nam.

    dauthau1
    TS.LS Đặng Văn Cường (đoàn luật sư TP.Hà Nội).

    Liên quan đến những vấn đề trên, TS.LS Đặng Văn Cường (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng trong đấu thầu. Mọi hành vi tác động trái pháp luật và hoạt động đấu thầu sẽ ảnh hưởng đến kết quả đấu thầu và việc sử dụng nguồn vốn của ngân sách Nhà nước”.

    PGS.TS Bùi Thị An (ĐBQH khóa XIII) nêu quan điểm: “Về nguyên tắc, đấu thầu là tốt. Nhưng đấu thầu chỉ có kết quả tốt khi chúng ta công khai tất cả các số liệu liên quan trong toàn bộ quá trình đấu thầu. Trên thực tế, đã có không ít tiêu cực xảy ra trong hoạt động đấu thầu, thậm chí, tồn tại những gói thầu mà đơn vị thắng thầu không có khả năng thực hiện, không có năng lực, dẫn đến trì trệ, đội giá... Chỉ khi minh bạch ngay từ đầu, thì mới có thể truy ra được hết những lẩn khuất bên trong”.

    dauthau2
    PGS.TS Bùi Thị An (ĐBQH khóa XIII).

    Đồng tình với quan điểm đó, luật sư Đặng Văn Cường cũng chỉ ra: “Mặc dù pháp luật đã có những quy định tương đối đầy đủ, có cơ chế quản lý giám sát hoạt động đấu thầu; ngày càng ưu tiên cho hoạt động đấu thầu công khai, đấu thầu qua mạng để đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Tuy nhiên vì vụ lợi, vì động cơ cá nhân, vì bị mua chuộc nên có cán bộ đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, vi phạm các nguyên tắc dẫn đến làm thất thoát tài sản của Nhà nước”.

    Vị luật sư cũng phân tích thêm: “Đối với những gói thầu mua sắm thì mục tiêu là lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, sản phẩm dịch vụ giá rẻ, chất lượng tốt. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã thông đồng, cấu kết với nhau để thao túng hoạt động đấu thầu, thổi giá khiến Nhà nước phải bỏ số tiền rất lớn ra để mua hàng kém chất lượng”.

    Cần truy đến cùng dấu hiệu đội giá

    Theo luật sư Đặng Văn Cường: “Một bộ phận cán bộ coi thường pháp luật, suy thoái về đạo đức, lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu nhằm hưởng lợi cá nhân; Xuất hiện hiện tượng cấu kết giữa doanh nghiệp với cán bộ công chức Nhà nước tạo ra những phần sau, ê kíp, hoạt động trong mối quan hệ thân hữu dẫn đến đường dây vi phạm pháp luật”.

    Còn theo ý kiến của bà Bùi Thị An: “Để chặn tiêu cực và đấu thầu cạnh tranh thực sự chất lượng, phải công khai toàn bộ quá trình. Để khi có đơn vị trúng thầu, thực hiện thi công mà không đảm bảo, có thể truy lại một cách dễ dàng.

    Nếu như có chuyện gì, giao cho hội đồng chấm thầu phải chịu trách nhiệm. Mặc dù không thể “võ đoán” về tình trạng “bắt tay” giữa đơn vị nào với đơn vị nào, tuy nhiên, nếu thấy giá đội lên, thì nhất định phải đặt lại vấn đề và truy đến cùng.

    Cho dù có là hình thức đấu thầu thì việc mua sắm cũng vẫn là từ tiền thuế của dân. Nếu có dấu hiệu đội giá như vậy, phải truy lại từ đầu, làm rõ trách nhiệm. Bây giờ là thời đại công nghệ 4.0, quá trình thẩm tra giá cũng rất dễ thực hiện”.

    “Khi đã có những băn khoăn từ dư luận, đề nghị chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm cho rà soát lại, xem dư luận có đúng hay không. Nếu đúng như phản ánh thì phải xử lý, còn nếu không thì cũng là cách để minh bạch thông tin”, PGS.TS Bùi Thị An nói thêm về thông tin nhiều gói thầu tại phòng GD&ĐT TP.Sông Công chênh lệch giá hàng tỷ đồng so với giá thị trường.

    Nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Mỗi người thầy là một tấm gương sáng, không được làm những chuyện sai trái. Mỗi nhà giáo phải tự rèn thân, đừng để “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, không để đồng tiền làm lu mờ đi hình ảnh người thầy... Khi đã được hướng dẫn cụ thể mà vẫn làm sai thì sẽ phải chịu mọi trách nhiệm. Hơn nữa, tất cả quá trình liên quan đến hoạt động đấu thầu thì đều phải minh bạch, rõ ràng, có như vậy, sẽ không có chỗ cho tiêu cực nảy sinh”.

    Tuệ Linh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dau-thau-tai-phong-gd-dt-song-cong-thai-nguyen-bai-3-neu-thay-doi-gia-thi-nhat-dinh-truy-den-cung-a531680.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan