+Aa-
    Zalo

    Dạy các môn tự nhiên bằng ngoại ngữ: Đánh đố cả thầy lẫn trò?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Thực hiện việc dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh không hề dễ dàng cho cả người dạy và học", nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho biết.

    (ĐSPL) - "Thực hiện việc dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh không hề dễ dàng cho cả người dạy và học. Do đó, cần phải xem xét và đánh giá một cách cẩn thận trước khi thực hiện chứ không thể nóng vội, không thể "chưa học bò đã lo học chạy".
    Đánh giá thực tế tình hình hiện nay thì, các trường phổ thông ở nước ta chưa thể dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh. Nếu thí điểm đại trà, hiệu quả có thể sẽ ngược lại, lợi bất cập hại", nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.
    Dạy các môn tự nhiên bằng ngoại ngữ:  Đánh đố cả thầy lẫn trò?

    Nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ.

    Mấy ai "văn võ song toàn"?
    Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chánh văn phòng sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cho hay: "Sở bắt đầu tổ chức thí điểm dạy các môn tự nhiên (gồm Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học) bằng tiếng Anh tại 13 trường THPT từ học kỳ II năm học 2013-2014.
    Đến thời điểm hiện nay, việc tổ chức thí điểm dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh đã được triển khai ở 4 trường, gồm: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Trần Hưng Đạo, THPT A Nghĩa Hưng và THPT Tống Văn Trân. Trước tiên, Sở chọn những giáo viên có trình độ từ thạc sỹ đối với các môn tự nhiên mà họ có khả năng dạy ngoại ngữ tốt. Trong tương lai, Sở sẽ cử những giáo viên có trình độ chuyên môn tốt đi bồi dưỡng tiếng Anh".
    Theo ông Mai Thanh Quế, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Nam Định), những giáo viên được tham gia dạy môn tự nhiên bằng tiếng Anh phải là những người có năng lực tốt cả về chuyên môn và tiếng Anh. Giáo viên có thể chọn lựa các tiết học trong sách giáo khoa, hoặc các chuyên đề tự chọn thuộc chương trình THPT. Việc xây dựng giáo án cần có sự phối hợp của các giáo viên trong tổ, nhóm tiếng Anh của trường và tham khảo, chia sẻ với các đồng nghiệp ở cơ sở giáo dục khác có kinh nghiệm. Trước khi thực hiện giảng dạy, giáo viên và tổ tiếng Anh cung cấp cho học sinh từ vựng, thuật ngữ và cấu trúc liên quan đến bài học (có thể bố trí những buổi riêng).
    Được biết, đây không chỉ là cách làm riêng của Nam Định mà đó là đề án của Bộ GD&ĐT được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc. Cuối năm 2013, Bộ đã tổ chức tập huấn giáo viên dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh cho 63 tỉnh, thành, trong đó Nam Định có hai giáo viên được cử đi.
    Nhiều trường phổ thông ở Hà Nội cũng nóng vội trong việc tổ chức dạy học tiếng Anh. Có trường cắt bớt chương trình tiếng Việt, để có thể dạy thêm chương trình tiếng Anh; có trường buổi sáng dạy tiếng Việt, buổi chiều dạy lại kiến thức đã dạy bằng tiếng Anh...
    Thạc sỹ Nguyễn T.T.L. giáo viên ở một trường chuyên dạy các môn tự nhiên bằng ngoại ngữ ở Hà Nội cho biết, cô đã phải rất vất vả trong việc soạn giáo án và truyền tải kiến thức lại cho học sinh. Để soạn giáo án cho 2 tiết dạy thường mất một vài ngày. Bên cạnh đó, người dạy còn phải thiết kế bài giảng sao cho đơn giản, dễ hiểu. "Khi lên lớp, tôi không bao giờ dạy kiến thức mới cho các em bằng tiếng Anh. Khi nào các em tư duy bằng tiếng Anh được thì mình mới đưa kiến thức mới vào giảng dạy", cô L. tiết lộ.
    Từ thực tế cho thấy, không phải giáo viên các môn tự nhiên nào cũng có khả năng "văn võ song toàn" để vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi ngoại ngữ. Trong khi đó, mong muốn của đại đa số học sinh là được các thầy cô truyền đạt một cách chi tiết, tận tình và khoa học để các em hiểu được kiến thức trong môn học. Vì thế, nếu các em chưa thực sự giỏi về ngoại ngữ giao tiếp mà lại được nhồi thêm hàng loạt thuật ngữ chuyên môn thì hậu quả tất yếu là kiến thức không hiểu và ngoại ngữ thì càng ngày càng trở nên tậm tịt.
    Một cán bộ của Bộ GD&ĐT cho hay, ông đã từng đi dự giờ ở trường chuyên, thấy một thầy giáo được đánh giá là giỏi cả về chuyên môn và nghiệp vụ nhưng khi dạy bằng tiếng Anh thì thấy thầy rất chật vật. Trong khi đó, học trò ngồi ở dưới thì ngơ ngác, không hiểu gì. Cách dạy này làm lãng phí thời gian của học sinh, công sức của thầy và tiền bạc của phụ huynh. Đó là chưa kể đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh gần như không được sử dụng đến trong những chương trình "nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh" kiểu như thế này.
    Dạy các môn tự nhiên bằng ngoại ngữ:  Đánh đố cả thầy lẫn trò?
    Đừng biến thành chuyện "vịt nghe sấm", "chưa học bò đã lo học chạy"
    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: "Tôi cũng mới được biết, sở GD&ĐT Nam Định đã bắt đầu thí điểm dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh ở một số trường phổ thông. Thực tế, các trường từ tiểu học cho đến đại học, khả năng tiếng Anh của cả người dạy và người học còn hạn chế. Nên, thời điểm này đã áp dụng việc dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh là quá vội vàng.
    Trước khi tiến hành việc dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh các trường cần xem xét và đánh giá thực tế năng lực của trường mình có đủ điều kiện hay không. Đội ngũ giáo viên có chuyên môn đã đủ trình độ tiếng Anh để truyền đạt kiến thức cho học sinh hay chưa? Học sinh có thể thấu hiểu được kiến thức thầy cô giảng bằng ngoại ngữ hay không? Bên cạnh đó là trang thiết bị, giáo trình giáo án phục vụ cho việc giảng dạy có hỗ trợ được người dạy và học tốt nhất chưa?”.
    "Thực tế, nước ta chưa có một trường nào vừa dạy chuyên môn vừa dạy ngoại ngữ. Vấn đề ở chỗ, giáo viên tiếng Anh sao có thể dạy Toán, còn giáo viên dạy Toán sao có thể truyền đạt hết kiến thức cho học sinh bằng tiếng Anh? Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ trong tình hình thực tế nước ta không phải một sớm một chiều đào tạo được. Trong khi đó, học sinh được học tiếng Anh nhưng chủ yếu học ngữ pháp, khả năng nghe nói rất kém, số học sinh nghe được ngoại ngữ thử hỏi một lớp có bao nhiêu, câu trả lời là rất ít. Hơn nữa, việc giáo viên giảng dạy chuyên môn phải gò mình dạy bằng tiếng Anh sẽ không thể truyền đạt được hết ý. Và các môn tự nhiên lại là các môn nghe bằng tiếng Việt còn khó hiểu nói chi đến nghe ngoại ngữ. Đặc biệt, nếu khả năng phát âm tiếng Anh của giáo viên mà kém sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phát âm sau này của học sinh. Như thế, học sinh không tiếp thu hết kiến thức; thầy cô, giáo kém ngoại ngữ phải căng mình ra dạy vừa áp lực lại không hiệu quả như mong muốn", nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay. 
    Một chuyên gia giáo dục xin được giấu tên cũng cho rằng: "Để chuẩn bị cho các em học sinh có khả năng nghe giảng các môn tự nhiên bằng tiếng Anh thì phải có những bước chuẩn bị lâu dài và thay đổi phương pháp giảng dạy cũng như cách học ngoại ngữ của các em từ cấp dưới. Mọi thứ phải đồng bộ và đủ năng lực trước khi áp dụng. Tôi cho rằng thời điểm này và vài năm sau nữa, học sinh của ta chưa thể nghe giảng các môn tự nhiên bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, giáo viên cũng chưa thể giảng các môn tự nhiên bằng tiếng Anh cho học sinh ngay được, mà cần có thời gian để họ tự đổi mới mình, trau dồi vốn ngoại ngữ cần thiết".
    Theo Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ, thực hiện việc dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh không hề dễ dàng cho cả người dạy và học. Do đó, cần phải xem xét và đánh giá một cách cẩn thận trước khi thực hiện chứ không thể nóng vội, không thể "chưa học bò đã lo học chạy". Thực tế tình hình hiện nay thì các trường phổ thông ở nước ta chưa thể dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh, nếu thí điểm đại trà hiệu quả có thể sẽ ngược lại, lợi bất cập hại.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/day-cac-mon-tu-nhien-bang-ngoai-ngu-danh-do-ca-thay-lan-tro-a27998.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan