+Aa-
    Zalo

    ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng ngay tại hành lang

    ĐS&PL (ĐSPL) - Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm(TP.HCM) đã truy vấn Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng về đề nghị bỏ thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy bên hành lang Quốc hội.

    (ĐSPL) - Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm(TP.HCM) đã truy vấn Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng về đề nghị bỏ thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy bên hành lang Quốc hội sáng 18/6.

    Phiên “chất vấn” bên hành lang Quốc hội

    Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội ngày 22/5, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã từng kiến nghị bãi bỏ việc thu phí quỹ bảo trì đường bộ đối với môtô, xe gắn máy. Theo bà Tâm, khoản phí này không được người dân đồng tình, bản thân việc thu phí cũng không hợp lý, thiếu công bằng và khó thực hiện trong thực tiễn, gây ra nhiều bất cập cho lãnh đạo đại phương thực hiện thu phí và người dân.

    Tiếp tục vào sáng 18/6, tại buổi thảo luận về Dự thảo Luật phí và lệ phí, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm một lần nữa đề nghị Ban soạn thảo rà soát, mặt khác Chính phủ và Ban soạn thảo cần lắng nghe ý kiến người dân, bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có mức thu nhập thấp, chi phí hành thu cao, phức tạp, quản lý thu và sử dụng nguồn thu kém hiệu quả.

    Đại biểu Quyết Tâm trực tiếp "chất vấn" Bộ trưởng Thăng ngay hành lang Quốc hội. (Ảnh: VTC).

    Ngay sau khi Quốc hội giải lao, bên hành lang Quốc hội, bà Quyết Tâm tiếp tục bày tỏ mong muốn của thành phố về việc dừng thu phí bảo trì đường bộ. Thông qua sự kết nối của báo chí, Đại biểu Quyết Tâm đã có cuộc “chất vấn” trực tiếp với Bộ trưởng Đinh La Thăng quanh vấn đề này.

    Bà Tâm trao đổi thẳng thắn về mức thu phí trong quy định: "Trong khung Bộ Tài chính đã hướng dẫn, xe trên 100 phân phối và 170 phân phối quy định mức tối thiểu là 100.000 đồng, vậy không có chuyện việc thu phí là hoàn toàn do lãnh đạo địa phương được tự ý áp dụng mức thu như bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói".

    Trả lời câu hỏi này, bộ trưởng Đinh La Thăng nói rõ “ Đấy là quy định cũ, nhưng bây giờ đã có quy định mới là chỉ có quy định mức tối đa, không có tối thiểu. Xe 175 phân phối thu từ 0 – 100.000 đồng, xe trên 100 phân phối thu từ 0 – 150.000 đồng”.

    Bộ trưởng Thăng cho biết thêm, hướng dẫn thu phí này đã có từ năm ngoái chứ không phải sau khi HĐND TP.HCM quyết định thu phí. Quy định thu phí được lập từ trước khi dư luận lên tiếng phản đối.

    Kết thúc buổi trao đổi, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định “ Chúng tôi khi thu đã căn cứ vào tất cả quyết định để áp dụng thấp nhất rồi, có khung cho từng loại. Nếu có quy định mới như Bộ trưởng nói thì nhất định HĐND TP.HCM sẽ áp dụng mức thu bằng 0đ”

    Người dân đồng tình đề xuất phí 0đ

    Sau khi thông tin về việc HĐND TP.HCM có quyền quyết định thu phí môtô, xe máy bằng mức 0đ, đã có rất nhiều ý kiến người dân độc giả báo Công An TP.HCM đồng tình với quyết định này.

    Chia sẻ trên báo Công An TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nam (làm nghề xe ôm) nói: “Tôi làm nghề xe ôm nhưng không thuộc diện nghèo. Tiền làm được chỉ đủ xoay sở cuộc sống hằng ngày. Giờ thu phí nữa thì lấy tiền đâu đổ xăng mà chạy. Trong khi đó, nghề xe ôm bây giờ cũng ế và khó làm ăn như bao nghề khác. Tôi nghĩ thu phí xe máy bây giờ là chưa hợp lý”.

    Chị Trần Ngọc Bảo Hà (34 tuổi, Bình Thạnh) thì đi sâu nhận xét: “Theo dõi cuộc phỏng vấn khá hy hữu vừa được báo chí thực hiện tại hành lang hội trường Quốc hội sáng nay giữa đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm và Bộ trưởng Đinh La Thăng mà báo Công an TP.HCM đăng tải, tôi thật sự cảm ơn đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đã truyền tải được thông điệp của đại đa số người dân cả nước. Nếu xã hội mà có những vị như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm biết luật, dám nghĩ , dám làm vì dân thì ắt sẽ dân giàu nước mạnh. Người dân thấy mình như được hưởng phúc lợi của xã hội vậy.

    Nếu chúng ta thu đủ các cái khoản mà chúng ta cần thu, ví dụ như thu cái khoản tiền mà tham nhũng đã gây ra, hiện nay mới chỉ thu được 22\% thôi, nếu thu đủ số đó thì dư sức bù vào những khoản mà người dân phải đóng góp vô lý như vậy. Phải có tư duy thương dân vì dân còn quá nhiều thứ phí”.

    Bên cạnh sự quan tâm của những người lao động thì giới trẻ như những bạn sinh viên cũng đặc biệt quan tâm tới quyết định này của TP.

    Bạn Nguyễn Hoàng Lộc, sinh viên ĐH Luật TP.HCM cho biết:”Thu phí xe máy cũng là cách để có thêm nguồn thu, có kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng để thành phố phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, hiện TP.HCM có rất nhiều dân nhập cư, số người có nhà ở ổn định còn chưa nhiều nên việc thu phí sẽ rất khó khăn và không hiệu quả. Việc áp dụng mức thu phí 0 đồng đối với xe máy của TP.HCM vào lúc này là rất hợp lý”.

    Bạn Bùi Lê Anh Thư, sinh viên năm nhất ĐH KHXH&NV TP.HCM chia sẻ: “Em là sinh viên nên tiền tiêu xài phải phụ thuộc phần lớn vào gia đình, cha mẹ hằng tháng gửi vào Sài Gòn. Tích cóp rất lâu mới mua được một chiếc xe máy và cũng chỉ sử dụng để thuận tiện trong việc đến trường và làm thêm chứ cũng không dám đi đâu chơi nhiều. Trong trường hợp thu phí xe máy, mức phí dù nhỏ hay lớn cũng làm tăng gánh nặng thêm cho gia đình. Nên em ủng hộ việc TP.HCM không thu phí xe máy”.

    HOÀI AN(Tổng hợp)

    Xem thêm video:

    [mecloud]z0QsTJY4KS[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dbqh-chat-van-bo-truong-dinh-la-thang-ngay-tai-hanh-lang-a98981.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.