+Aa-
    Zalo

    “ĐBQH đã đánh đúng vào vấn đề trọng tâm của ngành Giáo dục”

    • DSPL
    ĐS&PL Ngay đầu giờ sáng, đã có 63 ĐBQH bấm nút chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

    Ngay đầu giờ sáng, đã có 63 ĐBQH bấm nút chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

    Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/6, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo đăng đàn trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

    ĐBQH Nguyễn Thu Dung (Thái Bình) hỏi về những bất cập hiện nay và sự chưa hiệu quả trong thực hiện phân luồng học sinh cũng như những vấn đề cần làm rõ trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Trước khi trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, ngay từ những câu chất vấn đầu tiên, “các ĐBQH đã đánh đúng vào các vấn đề trọng tâm của ngành Giáo dục hiện nay đang cần được giải quyết”. Câu nói này của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khiến chủ tọa và các ĐBQH đều phải bật cười.

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

    Về nội dung hỏi liên quan đến phân luồng học sinh hiện nay chưa thực sự đạt hiệu quả tốt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn thừa nhận, Trung ương đã chỉ đạo, Chính phủ cũng đã có đề án cụ thể nhưng thời gian qua, kết quả chưa được tốt.

    “Nguyên nhân có nhiều nhưng tôi xin tập trung vào những vấn đề xuất phát từ ngành Giáo dục”, Bộ trưởng nói.

    Bộ trưởng chỉ ra trước hết, vấn đề căn cốt là chương trình. Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành có nhưng chưa rõ nét, chưa định hướng rõ giáo dục hướng nghiệp dẫn đến học sinh tập trung vào học kiến thức, nhẹ về năng lực thực tế thực hành, ít gắn với bên ngoài.

    “Đây cũng là trách nhiệm của ngành, điều này cũng đã được Trung ương (Nghị quyết 29) nhận định và chỉ đạo, Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng nêu vấn đề này.

    Trong tháng 5 vừa qua, bộ Giáo dục và Đào tạo và bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 80 về giáo dục phân luồng và định hướng phân luồng cho học sinh giai đoạn 2018-2025, trong đó nêu rất rõ nhóm giải pháp và có một nhóm giải pháp thuộc trách nhiệm của ngành Giáo dục.

    Ngay trong chương trình phổ thông phải có giáo dục hướng nghiệp, gắn kiến thức với thực tiễn và xây dựng được đội ngũ tư vấn về hướng nghiệp để khắc phục. Bộ trưởng cũng cho rằng, việc cho các em tiếp cận thị trường lao động thì có làm nhưng chưa nhiều. Trong bối cảnh hiện nay, tiếp cận với cách mạng 4.0, thông tin để các em tiếp cận vào khoa học công nghệ rất quan trọng thì rất cần đưa vào chương trình, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên...

    Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng kiêm nhiệm, không chuyên nghiệp của giáo viên còn nhiều, có những nơi, những chỗ thực hiện còn hình thức, thực chất ở nhiều địa phương vấn đề hướng nghiệp chưa cao.

    Bộ trưởng nói tới đây sẽ tiếp tục hoàn thiện bằng các giải pháp cụ thể. Riêng về những băn khoăn lo ngại của ĐHQH về chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã quán triệt trong ngành, nội dung kiến thức phải lồng ghép các vấn đề, các thông tin, bám được với nhu cầu thực tiễn.

    Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến nhóm giải pháp căn cơ là tạo đam mê, tính hướng thích cho học sinh chứ không phân luồng một cách bắt buộc, thi không đỗ buộc vào trường nghề. Tạo sự đam mê ngay trong chương trình giáo dục phổ thông mới. "Tạo được đam mê, động lực thì mới phân luồng, nếu phân luồng bắt buộc thì không hiệu quả", Bộ trưởng nhấn mạnh và khẳng định, thời gian tới thống nhất với bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 1 bên giáo dục hướng nghiệp, 1 bên tạo sự hấp dẫn để có các chương trình cụ thể thực hiện hiệu quả việc phân luồng này.

    Dương Thu

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dbqh-da-danh-dung-vao-van-de-trong-tam-cua-nganh-giao-duc-a232006.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan