+Aa-
    Zalo

    ĐBQH khóa XIII kỳ vọng vào đột phá của QH khóa tới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XIII, tuy nhiên, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, Quốc hội khóa XIII vẫn còn một số điểm hạn chế.

    (ĐSPL) - Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XIII, tuy nhiên, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, Quốc hội khóa XIII vẫn còn một số điểm hạn chế.

    Chính vì thế, để thực hiện tốt hơn nữa vai trò, chức năng là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của dân, Quốc hội khóa XIV cần phải có những đổi mới, đột phá mạnh mẽ hơn nữa.

    ĐBQH Phạm Tất Thắng, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long: “Quan trọng nhất là thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế – xã hội”

    Cá nhân tôi mong muốn với chức năng của Quốc hội, khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) sẽ tiếp tục hoàn thiện và cải cách mạnh mẽ để hoạt động Quốc hội mang lại hiệu quả tốt nhất.

    Hiện nay, hệ thống pháp luật của chúng ta cơ bản đã được sửa đổi theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, tuy nhiên, các luật, bộ luật vừa thông qua, mới có hiệu lực pháp lý trong thời gian ngắn nên vẫn đang trong quá trình soạn thảo các văn bản hướng dẫn.

    Vì vậy, việc đưa luật vào thực tiễn cuộc sống cần thực hiện nhanh hơn nữa. Đồng thời hoàn thiện nốt các luật cần hoàn chỉnh, sửa đổi theo tinh thần mới của Hiến pháp 2013 cần được làm tiếp trong nhiệm kỳ này để pháp luật của chúng ta đồng bộ, hoàn thiện. Quan trọng nhất là thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế-xã hội.

    ĐBQH Phạm Tất Thắng, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

    Quốc hội khóa XIII đã thông qua, hoàn thiện khá nhiều luật, bộ luật. Còn một số luật phải hoàn thiện cũng như ban hành luật mới phải tiếp tục làm trong nhiệm kỳ mới. Theo tôi, nhiệm kỳ tới không còn bị thôi thúc, sức ép về mặt số lượng luật phải hoàn thiện nữa thì chất lượng xây dựng pháp luật phải làm sao có chất lượng cao hơn.

    Các dự án luật phải đảm bảo đúng tiến độ về mặt công tác thẩm tra, công tác nghiên cứu luật của ĐBQH đạt kết quả cao hơn.

    Công tác giám sát của Quốc hội thông qua chất vấn, trả lời chất vấn của thành viên Chính phủ có kết quả rất tốt trong Quốc hội khóa XIII vừa rồi. Tôi cho rằng, điều này cần phát huy trong nhiệm kỳ tới và phát huy hơn nữa kết quả thực tiễn của hoạt động này, vì đây cũng là nhiệm kỳ của Chính phủ mới.

    Việc giám sát của Quốc hội làm sao thực sự thúc đẩy chức năng nhiệm vụ của Chính phủ, các thành viên Chính phủ chất vấn, trả lời chất vấn phát huy giá trị thực tiễn cao hơn. Tôi cũng mong Quốc hội khóa tới dành thời gian thỏa đáng để thực hiện công tác này.

    ĐBQH Đặng Thuần Phong, đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre:Làm luật phải chặt chẽ, phản biện tối đa, không thoả hiệp

    Một Quốc hội muốn mạnh, chủ thể của nó phải mạnh, đó là ĐBQH, Thường vụ Quốc hội, Thường trực hội đồng dân tộc, các ủy ban. ĐBQH muốn mạnh thì việc phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn là đương nhiên, ngoài ra cần tránh cho ĐB gánh quá nhiều cơ cấu. Khi đó, ĐBQH sẽ tinh nhẹ hơn.

    ĐBQH Phạm Tất Thắng, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

    Tôi nghĩ dân bầu Đại biểu rất chính xác. Quan trọng chính là Quốc hội chọn ra được người có bản lĩnh, tâm huyết, dám chịu trách nhiệm trước hành động và lời nói của chính họ, làm được như vậy mới có được đội ngũ ĐBQH mạnh. Họ phải thực sự là người dám nói, dám phản biện.

    Người đứng đầu các ủy ban của Quốc hội cần phải là người đủ trải nghiệm, đặc biệt phải biết lắng nghe, đủ bản lĩnh để trên cơ sở đó tham mưu cho Thường vụ Quốc hội những việc cần thiết.

    Những hạn chế trong công tác lập pháp của Quốc hội khóa vừa qua đã rõ. Chính vì thế, với 3 chức năng chính của Quốc hội thì khóa XIV cần phải tập trung làm tốt hơn nữa. Việc làm luật cần phải chặt chẽ, phản biện tối đa không được thỏa hiệp. Lắng nghe phản biện, thậm chí tổ chức tham vấn các đối tượng bị ảnh hưởng, tác động để luật không bị “vênh”, không cục bộ.

    Có như vậy, luật mới đáp ứng được việc điều chỉnh xã hội và điều hành của Chính phủ. Nếu chỉ cần “quyền anh, quyền tôi” một chút trong đó, chắc chắn lúc đi vào cuộc sống, luật sẽ “vênh”, nảy sinh “chuyện này, chuyện nọ” ngay.

    Việc giám sát của Quốc hội, chúng ta đã thấy qua bao nhiêu kỳ vừa qua. Có giám sát chuyên đề, giám sát tối cao, giải trình, điều trần đều đủ cả nhưng hậu quả pháp lý của các tiêu cực được xử lý đến đâu?. Giám sát, kiến nghị rồi mà cơ quan thực hiện không làm thì Quốc hội phải “đeo” tới cùng, thậm chí phê bình nặng trên Quốc hội.

    Quốc hội phải sử dụng quyền năng bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội để giám sát thì mới tạo ra được chất lượng giám sát. Tôi e rằng, nếu cứ giám sát kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, “dải chài quăng chớp”, phát hiện vấn đề, báo cáo rồi sau đâu lại vào đó khiến đối tượng bị giám sát trở nên “nhờn”. Cứ kéo dài như thế, người dân sẽ mất lòng tin. Tôi mong muốn kỳ tới, việc này sẽ được thay đổi nếu không thay đổi sẽ không đáp ứng được yêu cầu của nhân dân.

    Các vấn đề quan trọng của quốc gia Quốc hội phải quản lý được. Cụ thể, Quốc hội phải nắm được ngân sách và quyết định ngân sách. Các công trình được Quốc hội thông qua, Chính phủ phải thực hiện và nguồn lực đảm bảo. Tôi mong chờ tiếng nói quyết liệt hơn nữa của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới.

    ĐBQH Bùi Thị An, đoàn ĐBQH TP.Hà Nội:Hoạt động giám sát của QH cần đổi mới, quyết liệt hơn

    Trên nền hoạt động khá hiệu quả của Quốc hội khóa XIII, tôi mong muốn Quốc hội khóa tới sẽ kế tục thành quả, phát huy những điểm đã làm được và có bước đột phá trong hoạt động của Quốc hội.

    Đặc biệt là hoạt động giám sát của Quốc hội cần mạnh mẽ hơn nữa. Quốc hội khóa XIII đã làm khá tốt việc này thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn nhưng tôi kỳ vọng nhiệm kỳ tới việc giám sát phải được thực hiện đến cùng. Việc giám sát phải ở tất cả các cấp từ Thường vụ Quốc hội đến các đoàn ĐBQH, sau khi có kết luận phải có theo dõi, xử lý.

    ĐBQH Bùi Thị An, đoàn ĐBQH TP.Hà Nội

    Theo tôi, việc xử lý có hai khía cạnh. Đơn vị nào làm tốt cần được khen, động viên. Nơi nào làm không tốt phải xử lý đến cùng, làm được điều này, cử tri chắc chắn sẽ vui mừng.

    Vừa qua, thực sự việc đưa ra chủ trương giám sát, tổ chức giám sát là tốt nhưng khâu tổ chức thực hiện còn yếu. Hệ quả tất yếu là không đạt được mục tiêu giám sát đề ra ban đầu. Rõ ràng, nhiệm kỳ tới cần đổi mới, quyết liệt hơn nữa trong vấn đề này.

    Ví dụ việc giám sát tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, tham nhũng, tinh giản biên chế, giám sát trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm… vấn đề đều được phát hiện nhưng xử lý tồn tại chưa đến cùng. Chúng ta chưa đưa ra giải pháp hiệu quả, xử lý có phần nương nhẹ. Cử tri còn mong muốn phải giải quyết, theo đến cùng mới mang lại hiệu quả cao.

    ĐỖ THƠM (Thực hiện)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dbqh-khoa-xiii-ky-vong-vao-dot-pha-cua-qh-khoa-toi-a126608.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.