+Aa-
    Zalo

    ĐBQH: Không nên phong tướng để "giải quyết chế độ chính sách"

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - “Phong tướng để phục vụ yêu cầu tác chiến, tăng sức mạnh quân đội, chứ không nên phong tướng để giải quyết chế độ chính sách”, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền phát biểu.

    (ĐSPL) - “Phong tướng để phục vụ yêu cầu tác chiến, tăng sức mạnh quân đội, chứ không nên phong tướng để giải quyết chế độ chính sách”, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền phát biểu.

     Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các ĐBQH.

    Sau nhiều cuộc họp kín tại Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, vào sáng ngày 6/11, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam được Quốc hội thảo luận công khai.

    Theo đó, trong giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết 3 vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng tham mưu trưởng quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng đều được đề nghị có trần quân hàm Đại tướng, tương đương quân hàm của Bộ trưởng Quốc phòng.

    Cũng có ý kiến đề nghị Phó tổng tham mưu trưởng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Trung tướng, bằng tư lệnh, chính ủy quân khu, quân chủng...

    Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật quy định Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Đại tướng bằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là kế thừa Luật sĩ quan hiện hành, đã được thực tiễn kiểm nghiệm từ khi có Luật sĩ quan năm 1958, phù hợp với tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam. 

    Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét, theo dự thảo, tổng số cấp tướng không giảm mà tiếp tục tăng một số trần quân hàm cấp tướng và nâng quân hàm ở một số cấp tướng cao hơn. Bộ Chính trị khống chế cấp tướng Bộ Quốc phòng không quá 415, nếu tiếp tục nâng sẽ phá vỡ các vị trí khác. Vấn đề này sẽ có nghiên cứu, tiếp thu trước khi thông qua.

    Đánh giá về ý kiến đề xuất này, Đại biểu tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền thẳng thắn nêu quan điểm: “Cần phải xác định phong tướng để phục vụ yêu cầu tác chiến, tăng sức mạnh quân đội, chứ không nên phong tướng để giải quyết chế độ chính sách. Vì sức mạnh của quân đội cơ bản do lòng dân chứ không phải do tướng”.

    ĐBQH: Không nên phong tướng để giải quyết chế độ chính sách

    Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền.

    Cũng trong phiên thảo luận hôm nay, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương đề nghị trần quân hàm đối với trưởng khoa Mác- Lê Nin trong học viện Quốc phòng phải là hàm thiếu tướng.

    Bởi theo ông Phương khoa Mác-Lênin ở Học viện Quốc phòng được xem là nền tảng tư tưởng của Đảng và nhà nước, trang bị cho người học tư duy tầm chiến lược. Ngoài việc giảng dạy, khoa Mác-Lênin còn dạy các vấn đề quản lý nhà nước và nhiều việc khác.

    Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thành cho rằng, đối với các nhà trường, điều cần thiết trước tiên là các học hàm, học vị như giáo sư, tiến sĩ chứ không phải là cấp tướng. "Hàm cấp tướng cũng cần nhưng không phải tuyệt đối. Giảng dạy trong các trường quân đội, bên cạnh kỹ năng sư phạm, giảng viên phải có kiến thức cao về an ninh quốc phòng. Vì vậy, không nhất thiết phải quy định phong cấp tướng ở đây", ông Thành chỉ rõ. 

    Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng đồng tình với ý kiến trên: "Học tập thì người ta cần hàm giáo sư, tiến sĩ chứ không phải tướng. Tướng là do nhu cầu tác chiến chứ không phải sản xuất kinh doanh. Cần cân nhắc để hạn chế phong tướng".

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dbqh-khong-nen-phong-tuong-de-giai-quyet-che-do-chinh-sach-a67798.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.