ĐBQH Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch là bài học đáng tiếc cho công tác cán bộ của TP.HCM


Chủ nhật, 06/09/2020 | 00:16


Cùng sự kiện

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - thẳng thắn giải đáp nhiều thắc mắc từ dư luận đối với sự việc ĐHQH Phạm Phú Quốc

Nhận xét về trường hợp ĐBQH c không chấp hành quy định của tổ chức Đảng, không báo cáo có quốc tịch thứ hai, lãnh đạo ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cảm thấy “đáng tiếc” cho công tác tổ chức cán bộ. 

Trong buổi họp báo vào tối 1/9, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - thẳng thắn giải đáp nhiều thắc mắc từ dư luận đối với sự việc ĐHQH Phạm Phú Quốc bị phát hiện có 2 quốc tịch.

Trách nhiệm với tổ chức Đảng, chính quyền và cử tri

PV: Khi cơ quan báo chí nước ngoài đưa tin, chúng ta mới biết về việc ĐBQH Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch. Ông đánh giá ra sao về vấn đề này?

Ông Phan Nguyễn Như Khuê: Phải nói rằng, hết sức đáng tiếc đối với đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM. Chúng tôi hết sức thận trọng. Vừa báo cáo lên cơ quan cấp trên, vừa phối hợp kiểm tra các thông tin, xem xét.

Với trách nhiệm của ĐBQH, Đảng viên, cán bộ giữ trọng trách quan trọng được bổ nhiệm, đề bạt thì chiếu theo quy định của Đảng, luật Công chức viên chức và lương tâm trách nhiệm, ông Phạm Phú Quốc phải báo cáo với tổ chức quản lý mình. Đó còn là trách nhiệm với lá phiếu của cử tri đã bầu và tin tưởng mình làm đại biểu Quốc hội.

Khi được Ủy ban MTTQVN địa phương giới thiệu làm ĐBQH, vẫn chưa có thông tin gì về việc vợ con của ông Quốc có quốc tịch Cộng hòa Síp (Cyprus).

Quá trình ông Quốc chuyển công tác từ công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM sang công ty TNHH MTV Phát triển khu công nghiệp Tân Thuận cũng không ghi nhận vấn đề này.

Ông Phạm Phú Quốc sẽ bị xử lý về mặt Đảng và chính quyền.

PV: Nhiều thông tin cho rằng ĐBQH Phạm Phú Quốc mua quốc tịch với giá 2,5 triệu USD. Cơ quan quản lý đã xác minh hay chưa?

Ông Phan Nguyễn Như Khuê: Khi thông tin rộ trên báo chí, đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã mời đại biểu Phạm Phú Quốc đến giải trình, làm rõ. Trong đơn trình bày với lãnh đạo các cấp, đại biểu Phạm Phú Quốc nói rằng do gia đình bảo lãnh. Còn thông tin về 2,5 triệu USD để mua quốc tịch là không chính xác.

Cũng trong đơn, ông Quốc cho biết về chuyện con trai sau khi học tập nhiều năm ở Anh đã trưởng thành, làm doanh nhân tại các nước châu Âu. Vì sao lại là thời điểm 2018 thì ông Quốc cho biết, lúc đó có nhiều vấn đề chi phối, có chuyện không như mong muốn nên gia đình muốn bảo lãnh ông ra nước ngoài sinh sống, tiện thăm con.

PV: Được biết, ĐBQH Phạm Phú Quốc đã đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH, cũng như đơn thôi việc đối với các chức vụ trong chính quyền. Công tác xử lý đang được tiến hành ở giai đoạn nào?

Ông Phan Nguyễn Như Khuê: Thật ra, chiếu theo quy định, trường hợp này phải được Quốc hội xem xét bãi nhiệm, chứ không chỉ giải quyết theo đơn. Vì thế, trình bày trong đơn, đại biểu Quốc bày tỏ ăn năn, cảm thấy đau lòng.

Ban cán sự Đảng của UBND TP.HCM sẽ xem xét các nhiệm vụ mà ông Quốc đang thực hiện. Tổ chức Đảng, nơi đại biểu Quốc sinh hoạt sẽ căn cứ vào sự tự nhìn nhận để xem xét xử lý trách nhiệm. Khi có kết quả sẽ thông tin rộng rãi cho cử tri được rõ.

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ có báo cáo toàn diện về trường hợp này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban Công tác đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan mà đại biểu Quốc làm thành viên, như ban Kinh tế của Quốc hội.

Bài học không chỉ riêng với TP.HCM

PV: Dư luận cũng có đồn đoán về tài sản của ĐBQH Phạm Phú Quốc. Như vậy, việc quản lý kê khai tài sản nói chung với cán bộ, ĐBQH được TP.HCM thực hiện ra sao?

Ông Phan Nguyễn Như Khuê: Hằng năm, các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước đều yêu cầu cán bộ công chức thực hiện nghiêm túc kê khai tài sản.

Nếu nói là bất động sản cụ thể hay tài sản hiện hữu, thì có thể quản lý bằng cơ chế đảng viên gắn liền với nơi cư trú, nơi công tác và thực hiện công khai. Còn riêng về tiền tệ, đá quý hoặc là mở tài khoản các nơi khác thì hết sức khó.

PV: Qua vụ việc của ĐBQH Phạm Phú Quốc, công tác giám sát cán bộ sẽ được nhìn nhận lại như thế nào?

Ông Phan Nguyễn Như Khuê: Trong công tác xây dựng Đảng, tìm hiểu và đánh giá đúng về cán bộ là vấn đề rất khó. Có nơi, có chỗ còn yếu. Những vấn đề cụ thể như trường hợp này đều mang lại bài học không chỉ của tổ chức Đảng mà cho từng nơi, từng chỗ, từng cơ quan. Có nơi hời hợt, có chỗ không sâu hoặc vì cái này cái khác mà việc nhìn nhận cán bộ giỏi còn hạn chế.

Hiện nay, công tác bổ nhiệm các đại biểu, cán bộ cần được xem xét kỹ lưỡng. Đối với đại biểu, cán bộ cũng cần trung thực khai báo thông tin liên quan đến bản thân, không nên né tránh. Còn cơ quan quản lý cũng cần kiểm chứng lại thông tin của các cán bộ.

Cần rà soát lại để nhìn nhận đúng về cán bộ, nhận diện trước những vấn đề liên quan đến phẩm chất, phương pháp làm việc để kịp thời bồi dưỡng, bố trí, trọng dụng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài và có tâm với cuộc sống người dân. Đó là định hướng mà Đảng luôn luôn đặt ra để chúng ta quán triệt.

PV: Cảm ơn ông!   

Chiều 1/9, lãnh đạo Thành ủy – UBND TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về ĐBQH Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch. Bên cạnh việc đề xuất bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, các cơ quan của TP.HCM sẽ xử lý về mặt Đảng và chính quyền đối với ông Quốc.

Hà Nhân

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 5 (142)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dbqh-pham-phu-quoc-co-hai-quoc-tich-la-bai-hoc-dang-tiec-cho-cong-tac-can-bo-cua-tphcm-a337706.html