+Aa-
    Zalo

    ĐBQH Trần Công Phàn: Để cán bộ “không thể, không dám, không muốn” tham nhũng

    (ĐS&PL) - Ông Trần Công Phàn - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho rằng để cán bộ không thể, không có điều kiện để tham nhũng thì công tác phòng ngừa rất quan trọng. Bởi, nếu đã tham nhũng, gây thiệt hại nặng nề và bị xử lý nghiêm thì cũng chỉ là xử lý phần ngọn.

    Những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta đã diễn ra rất quyết liệt, mạnh mẽ, rộng khắp của mọi cấp, mọi ngành và toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cũng như của mỗi người dân. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt nhiều thành tựu to lớn, được người dân đồng tình ủng hộ góp phần từng bước làm trong sạch các tổ chức của Đảng, bộ máy của Nhà nước, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa.

    Làm sao để “không ai, không dám và không muốn” tham nhũng, để cán bộ mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn vì công việc chung? Đây là vấn đề được Trung ương và các cấp, các ngành rất quan tâm. Đồng thời, tại các phiên thảo luận trên nghị trường Quốc hội các Đại biểu cũng rất quan tâm, cho ý kiến bàn luận làm “nóng” nghị trường.

    Tạp chí Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL) đã có cuộc trao đổi với TS.Trần Công Phàn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

    dbqh tran cong phan de can bo khong the khong dam khong muon tham nhung dspl 1
    TS.Trần Công Phàn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

    “Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”

    ĐS&PL:Thưa Phó Chủ tịch Trần Công Phàn, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV nhiều ĐBQH đã nêu ý kiến xoay quanh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ông nhìn nhận thế nào về công tác này trong năm 2023?

    - ĐBQH Trần Công Phàn: Tôi hoàn toàn đồng tình với Báo cáo và báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 được nêu trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Có thể thấy, năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương. Kết quả công tác phòng chống tham nhũng đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

    Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phát hiện nhiều vụ án lớn, xử lý nhiều cán bộ tham nhũng kể cả những cán bộ có chức vụ cao.

    Điều này thể hiện rõ sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng, có hiệu quả của các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Toà án và các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương.

    ĐS&PL: Trong năm qua, các vụ đại án tham nhũng tiêu cực như: Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, AIC, Vạn Thịnh Phát và vụ án liên quan đăng kiểm nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Theo ông, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng đã có những bước tiến quan trọng như thế nào?

    - ĐBQH Trần Công Phàn: Có thể thấy, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua đã có những kết quả tích cực, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý cá nhân, tập thể vi phạm.

    Những vụ đại án như Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, AIC hay gần đây là vụ án Vạn Thịnh Phát đã được phát hiện, xử lý rất nghiêm túc. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm kể cả trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, cả trong lĩnh vực lâu nay vốn được coi là bí mật, khép kín, cả các vụ, việc tồn đọng, kéo dài. Các vụ án này thực hiện đúng phương châm “chọn vụ trọng điểm, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

    Một điểm mới đáng ghi nhận đó là, nếu như trước đây khi phát hiện những sai phạm, những dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, để có thể khởi tố, điều tra, xử lý hình sự được thì phải trải qua nhiều trình tự, thủ tục phức tạp, thường mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, vấn đề này thời gian gần đây được cải thiện rất nhiều, trong nhiều vụ khi phát hiện có cán bộ, đảng viên sai phạm, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực quy trình từ xem xét kỷ luật đến khởi tố, điều tra của các cơ quan chức năng rất nhanh, thậm chí là thực hiện khởi tố, điều tra song song với việc xem xét kỷ luật. Hoặc khởi tố trước, xem xét kỷ luật sau như vụ án “Việt Á”, vụ “chuyến bay giải cứu”...

    dbqh tran cong phan de can bo khong the khong dam khong muon tham nhung dspl 2
    Vụ đại án Vạn Thịnh Phát nhận được sự quan tâm của dư luận

    ĐS&PL: Thưa Phó Chủ tịch Trần Công Phàn, từ những vụ án, đại án tham nhũng, tiêu cực được đưa ra xét xử thời gian qua cho thấy điều gì trong công tác xét xử?

    - ĐBQH Trần Công Phàn: Những vụ án, đại án trên một lần nữa cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào", như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu.

    Công tác phòng ngừa rất quan trọng

    ĐS&PL: Theo ông, công tác phòng chống tội phạm nói chung và phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng hiện nay cần phải được chú trọng như thế nào?

    - ĐBQH Trần Công Phàn: Khẳng định các cơ quan tư pháp đã đấu tranh, phòng chống tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực, thế nhưng tội phạm vẫn gia tăng nhiều. Do đó, tôi cho rằng cần chú ý hơn đến công tác phòng ngừa, tập trung nghiên cứu một cách căn cơ về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm để làm tốt công tác phòng ngừa.

    Tôi nhấn mạnh, đây không phải trách nhiệm chỉ của các cơ quan pháp luật, các cơ quan tư pháp mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của tất cả các cơ quan, các cấp, các ngành.

    Theo tôi, xã hội có hai loại hiện tượng "tích cực" và "tiêu cực". Nếu làm giảm tiêu cực thì có thể tấn công trực tiếp vào tiêu cực, nhưng có những biện pháp chúng ta phải tăng tích cực lên. Khi tích cực tăng thì sẽ giảm được tiêu cực chứ không phải chỉ tập trung vào các biện pháp nhằm giảm tiêu cực một cách trực tiếp.

    Do đó, tôi đề nghị phải rất chú ý đến việc này và đến lúc phải tổ chức nghiên cứu căn cơ về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm để làm tốt công tác phòng ngừa.

    ĐS&PL: Như ông nói, công tác chống tham nhũng đã và đang được thực hiện tốt, quyết liệt. Nhưng công tác phòng ngừa để không dám tham nhũng mới là quan trọng, là cái gốc. Nhưng làm sao để giải quyết căn cơ được vấn đề này?

    - ĐBQH Trần Công Phàn: Tôi cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là phải có một hệ thống quy định pháp luật thật chặt chẽ để cho cán bộ không thể, không có điều kiện để tham nhũng. Đặc biệt, cần lưu ý hoàn thiện cơ chế để kiểm soát quyền lực, cần phải có cơ chế, chính sách đối với cán bộ; việc sử dụng đội ngũ cán bộ; quản lý cán bộ như thế nào để cán bộ “không thể, không dám, không muốn” tham nhũng.

    Do đó, một lần nữa tôi nhấn mạnh công tác phòng ngừa rất quan trọng. Bởi, nếu đã tham nhũng, gây thiệt hại nặng nề và bị xử lý nghiêm thì cũng chỉ là xử lý phần ngọn. Điều cần thiết là phải xử lý được từ gốc.

    dbqh tran cong phan de can bo khong the khong dam khong muon tham nhung dspl
    ĐBQH Trần Công Phàn phát biểu trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

    ĐS&PL: Thưa ông, từ những vụ đại án bị “phanh phui” thời gian qua, câu chuyện cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm cũng đã được nhiều ĐBQH nêu ra, việc này sẽ gây ra những hệ lụy như thế nào?

    - ĐBQH Trần Công Phàn: Căn bệnh sợ trách nhiệm, né việc trong đội ngũ cán bộ đã và đang tạo ra những điểm nghẽn, làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội.

    Thời gian qua, tại diễn đàn Quốc hội, có những ĐBQH đã nêu thái độ "thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn phải đứng trước tòa" trở thành cách lựa chọn trong công việc của không ít cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; Đó là, ở nhiều nơi, tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám quyết, đùn đẩy trách nhiệm thuộc về phần mình qua lại giữa các bộ phận khiến nhiều công việc bị đình trệ, người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn…

    ĐS&PL: Theo ông, để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thời gian tới các cấp, các ngành cần phải làm gì?

    - ĐBQH Trần Công Phàn: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐCP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

    Nghị định nêu rõ nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Cụ thể, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ.

    Tôi cho rằng, Nghị định này đã tạo cơ sở pháp lý, cơ chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

    Qua đó, động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung; ngăn ngừa, xử lý nghiêm những cán bộ lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

    Tuy nhiên, theo tôi để cán bộ dám nghĩ, dám làm thì việc xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ rất cần phải phân biệt rõ những trường hợp nào cố tình làm sai, trường hợp nào vô ý làm sai.

    Bên cạnh đó, đối với những trường hợp sai là do pháp luật còn “khe hở” thì người cán bộ khi phát hiện phải có đề xuất sửa đổi, không lợi dụng sơ hở, thiếu sót để trục lợi. Như vậy, sẽ giúp tạo động lực để cán bộ không còn đùn đẩy, né tránh và dám làm vì lợi ích chung.

    ĐS&PL: Xin trân trọng cảm ơn ông!

    Năm 2024, sẽ siết chặt kỷ luật, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cùng với đó, có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

    "Tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực Nhà nước mà xảy ra ở cả khu vực ngoài Nhà nước, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh", ông Phong nêu rõ.

    Năm 2024, ông Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan Nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…

    Hoàng Bích

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật gộp 10 số từ 32-41 (6/2 đến 17/2/2024)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dbqh-tran-cong-phan-de-can-bo-khong-the-khong-dam-khong-muon-tham-nhung-a609864.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ukraine vạch trần kế hoạch tham nhũng thu mua vũ khí của quân đội lớn chưa từng có

    Ukraine vạch trần kế hoạch tham nhũng thu mua vũ khí của quân đội lớn chưa từng có

    Theo xác nhận của Bộ Quốc phòng Ukraine, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã phát hiện một kế hoạch tham nhũng trong thỏa thuận mua vũ khí của quân đội nước này với trị giá khoảng 40 triệu USD. Cuộc điều tra đã vạch trần sai phạm của một số quan chức của Bộ Quốc phòng và lãnh đạo của hãng cung cấp vũ khí Lviv Arsenal.