+Aa-
    Zalo

    ĐBQH Trần Văn Lâm: Tránh góc nhìn “thiên kiến” về doanh nghiệp tư nhân

    • DSPL
    ĐS&PL Doanh nhân là những người tài năng, tâm huyết, phải khuyến khích họ đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc phát triển đất nước.

    “Doanh nhân là những người tài năng, tâm huyết, phải khuyến khích họ đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc phát triển đất nước. Cần giao cho doanh nghiệp tư nhân những dự án xứng tầm để tạo ra sức bật nhanh cho kinh tế đất nước”, ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, chia sẻ góc nhìn về việc trao cơ hội cho kinh tế tư nhân (KTTN).

    ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. 

    DN tư nhân được tin giao trọng trách

    Ông đánh giá thế nào về việc làm mới “chân dung” nền kinh tế Việt Nam của một số tập đoàn tư nhân như Vingroup, Vietjet, Sun Group, TH Truemilk...?

    Sự thành công của các doanh nghiệp tư nhân đã chứng minh đường lối phát triển kinh tế đa thành phần, huy động sức dân của Đảng trong thời kỳ hội nhập và mở cửa là đúng đắn, hiệu quả. Việc này cũng nằm trong định hướng chung, đó là các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sẽ quay về giữ những vị trí xung yếu, những lĩnh vực KTTN chưa làm được hoặc không hấp dẫn KTTN. Còn những lĩnh vực KTTN làm được, mang lại hiệu quả thì DNNN “nhường lại” cho KTTN phát huy. Khi đó, sẽ khai thác được tối đa nguồn lực của đất nước.

    Theo ông, vì sao các doanh nghiệp tư nhân vừa qua đã vươn lên mạnh mẽ như vậy?

    Đó là nhờ tính chủ động, toàn quyền quyết đáp, không phải trải qua những thủ tục phiền hà, phức tạp. Dự án do doanh nghiệp tư nhân triển khai luôn nhanh và hiệu quả. Bên cạnh đó là sự nhạy bén của các doanh nhân, khi thấy có cơ hội đầu tư là nhanh chóng triển khai thực hiện ngay.

    Ngoài ra, kinh tế nhà nước đang từng bước thu gọn lại để đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân không muốn đầu tư, hiệu quả thấp; hoặc tư nhân không thể đầu tư, vì đòi hỏi nguồn lực lớn, tư nhân không đáp ứng được; hay những lĩnh vực trọng yếu như an ninh, quốc phòng.

    Điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước đã hoàn toàn tin tưởng, đặt niềm tin vào khu vực KTTN, thưa ông?

    Đúng vậy, Đảng, Nhà nước rất yên tâm giao cho khu vực KTTN những lĩnh vực thuận lợi nhất. Nhưng để có sự thuận lợi này, không thể không nói đến chủ trương của Đảng và Nhà nước khi đưa ra tiêu chí DNNN nên nhường những vị trí “đắc địa” cho khu vực KTTN đầu tư, khai thác.

    Sự tin tưởng khi giao trọng trách cho khu vực KTTN là “điểm nhấn” rất mới, bên cạnh cơ chế chính sách thông thoáng, ưu đãi. Từ đó, chúng ta mới có những Vingroup, Vietjet, Sun Group, TH Truemilk... lớn nhanh như “Phù Đổng”.

    Từ việc từng bước từ bỏ ưu thế độc quyền của DNNN, chúng ta đã có một sân bay Vân Đồn được xây dựng trong thời gian ngắn kỷ lục do doanh nghiệp tư nhân triển khai, ông có suy nghĩ gì về điều này?

    Trước đây, chúng ta thường cho rằng, các lĩnh vực về hạ tầng như sân bay, cảng biển… là “đặc quyền” của DNNN. Vì đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, hiệu quả không cao nên DN tư nhân không muốn làm. Nhưng sau đó, DN tư nhân đã từng bước tham gia vào hạ tầng. Bởi vậy mới xây dựng cơ chế mới hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, đó là mô hình hợp tác công – tư (PPP).

    Sự tham gia của DN tư nhân giải quyết được một số vấn đề như, giảm bớt áp lực cho tài chính quốc gia. PPP là nét mới trong cơ chế, chính sách để huy động KTTN tham gia vào các lĩnh vực như xây dựng hạ tầng, mà trước đây được xem như “khoảng trời riêng” của nhà nước.
     


    Sân bay quốc tế Vân Đồn do tư nhân xây dựng được vinh danh “Sân bay mới hàng đầu châu Á”.  

    Cần giao tư nhân những dự án xứng tầm

    Ông có nói đến vai trò không thể thiếu của KTTN trong sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại tâm lý “ghét người giàu”, dẫn đến không thừa nhận, thậm chí phủ nhận rất nhiều đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân đang tạo ra hàng vạn công ăn việc làm cho xã hội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

    Do một thời kỳ nhận thức không đúng, cho nên mới tồn tại những quan điểm, tư tưởng bài xích kinh tế cá thể, KTTN, không ủng hộ những người kinh doanh, làm giàu chân chính. Nhưng hiện nay xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Đảng, Nhà nước xây dựng những cơ chế, chính sách khuyến khích, đồng thời mong muốn tất cả mọi người dân phát huy hết tài năng của mình để làm giàu một cách chính đáng, trên cơ sở các quy định của luật pháp, làm những gì luật pháp không cấm, làm giàu nhưng không vi phạm luật pháp đều được ủng hộ.

    Yêu nước có nhiều cách, trong đó làm giàu cũng thể hiện tinh thần yêu nước. Mỗi người có sở trường, năng lực nhất định, ai có sở trường gì thì phát huy để tạo ra nhiều hơn nữa về của cải, vật chất cho xã hội. Đây đều là những đóng góp quý báu cho Tổ quốc.

    Doanh nhân là những người có tài năng trong lĩnh vực kinh doanh, người xưa từng ví “một người lo bằng kho người làm”. Các doanh nhân có tài năng quản trị, sử dụng hiệu quả đồng vốn, tài nguyên đất nước là điều vô cùng quý báu. Tư tưởng “ghét người giàu” chắc chắn sẽ bị mai một đi, nhưng chúng ta mong muốn sự giàu có của các doanh nhân phải chính đáng, giàu bằng tài năng, trí tuệ, sức lực của mình.

    Sự phát triển của đất nước không thể thiếu đóng góp của KTTN, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân lớn. Ảnh: Internet

    Với vai trò là một ĐBQH, ông có đề xuất gì với Quốc hội và Chính phủ về cơ chế, chính sách để mở đường cho KTTN phát triển, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế?

    Hiện nay, hệ thống chính sách, pháp luật của nhà nước đã cơ bản hoàn thiện và đồng bộ để tạo điều kiện cho KTTN phát triển. Tuy nhiên, tôi cũng có một vài trăn trở. Hiện nay, tâm lý chưa thật sự tin tưởng vào KTTN vẫn còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ, công chức. Họ lo lắng tư nhân sẽ bất chấp tất cả chỉ vì lợi nhuận, nhưng theo tôi chúng ta phải có niềm tin vào họ, vì doanh nhân là những người tài năng, tâm huyết với đất nước, phải khuyến khích họ đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc phát triển đất nước.

    Cần giao cho doanh nghiệp tư nhân trong nước những dự án xứng tầm để tạo ra sức bật nhanh cho kinh tế đất nước. Ví dụ, chúng ta có thể giao cho nhà đầu tư tư nhân trong nước xây dựng sân bay Long Thành. Hoặc tới đây chúng ta dự kiến triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nếu có một vài nhà đầu tư tư nhân trong nước đủ sức mạnh thì nên giao cho họ. Vì tất cả tài sản, uy tín của họ đều gắn liền với dự án, khi đó tôi tin hiệu quả đầu tư sẽ rất cao. Chúng ta cần tránh góc nhìn “thiên kiến” về DN tư nhân.

    Xin trân trọng cảm ơn ông!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dbqh-tran-van-lam-tranh-goc-nhin-thien-kien-ve-doanh-nghiep-tu-nhan-a302288.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.