+Aa-
    Zalo

    Đề án thu phí xe ô tô vào nội đô Hà Nội: “Khó vẫn phải làm”

    • DSPL
    ĐS&PL Đề án Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố nhằm mục đích giảm nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, song lại khiến đông đảo người dân không khỏi băn khoăn về tính hợp lý và khả thi của biện pháp này.

    Đề án thu phí xe ô tô vào nội đô Hà Nội: “Khó vẫn phải làm”

    Tư Viễn

    Đề án Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố nhằm mục đích giảm nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, song lại khiến đông đảo người dân không khỏi băn khoăn về tính hợp lý và khả thi của biện pháp này.

    Cần một phương án phù hợp

    Dự báo, trong vòng 5 năm nữa, với tốc độ gia tăng xe cá nhân như hiện nay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM sẽ không thể nào khắc phục được ùn tắc giao thông. Đó là nhận định của Bộ GTVT trả lời trên các cơ quan báo chí.

    Mới đây, ngày 20/10, Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa phát đi thông tin chính thức lý giải về việc xây dựng đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

    Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên tại một tuyến phố trong nội đô.

    Đề án trên được rất nhiều người dân quan tâm, nhiều ý kiến, băn khoăn của người dân đã được PV ghi nhận.

    Ông Trần Quang Hòa (ở tỉnh Hòa Bình) thường xuyên di chuyển vào trung tâm Hà Nội cho rằng: “Nếu theo đề án, việc thu phí có thể cũng hạn chế vấn đề ùn tắc nhưng theo tôi cũng không hạn chế được nhiều vì như bản thân tôi nếu có công việc bắt buộc phải đi thì tôi vẫn chấp nhận trả phí. Chứ không ai vì phí đó mà dừng lại công việc của mình hoặc là không tiếp tục lái xe vào”.

    Hay ông Nguyễn Văn Điềm (ở tỉnh Thái Bình), cuối tuần thường hay lái xe lên Hà Nội chơi với con cháu cho rằng: “Trong trường hợp thu phí ô tô vào nội đô, tôi cũng không vì trở ngại phải trả phí 50.000 đồng hay 100.000 đồng mà hạn chế việc lên thăm con cháu hoặc cũng ít ai gửi xe ở ngoài rồi lại phải đi tìm phương tiện công cộng hoặc thuê xe khác vào trung tâm Thủ đô; theo tôi điều đó không khả thi để chống ùn tắc”.

    Và còn rất nhiều ý kiến của người dân khác nữa khi có cùng quan điểm rằng “Phải có phương án phù hợp chứ không phải cứ thu phí là sẽ hạn chế được xe đi vào thành phố”.

    Quan trọng là người đứng đầu

    Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia Giao thông cho biết: Trên thế giới cũng đã có nhiều nước áp dụng biện pháp thu phí vào nội đô và mục đích của mỗi quốc gia là khác nhau. Ví dụ như ở nước Anh tuyên bố rõ ràng việc thu phí này đã để đầu tư, tăng cường cho hệ thống hạ tầng giao thông. Còn ở Việt Nam đang đề xuất phương án này với mục đích giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Nhưng trên thực thế thì có nước áp dụng thành công, có nước không thành công.

    Thực tế, tại Anh và Singapore áp dụng thành công với mục đích thu tiền. Còn còn mục đích của chúng ta để giảm ùn tắc giao thông, theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, nếu có giảm thì cũng giảm không nhiều vì hơn 70% phương tiện lưu thông trên đường là xe máy, trong khi chúng ta mới chỉ đề xuất thu phí với ô tô, mà lại chỉ thu phí với ô tô ngoại tỉnh vào thủ đô, với tỷ lệ không đáng kể như vậy thì mục đích giảm ùn tắc giao thông có khả thi hay không? Đó là câu hỏi Tiến sí Đức đặt ra. Và lượng ô tô vào nội đô giảm không đáng kể đồng nghĩa với việc lượng khí thải cũng giảm ít.

    Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia Giao thông.

    Để Đề án này thành công được, theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, các cơ quan có thẩm quyền cần phải chuẩn bị thật kỹ, nghiên cứu thật kỹ đề án; nghiên cứu tác động của nó, trước hết về mặt xã hội, việc giảm ùn tắc và khí thải có được không?

    “Theo tôi, biện pháp tổ chức đưa ra phải thật hợp lý. Theo Đề án, từ nay đến năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô; tôi cho là quá nhiều, chỉ tính nhân công thu phí ở 100 điểm là cả một khối lượng lớn; cho nên để thành công phải đánh giá tác động thật kỹ, trước khi đánh giá tác động phải có phương án tổ chức”, Chuyên gia giao thông nhấn mạnh.

    Để Đề án thành công, cần có sự đánh giá tác động toàn diện .

    Tiếp theo, một yếu tố nữa để Đề án thành công được hay không, theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, quan trọng vẫn là người đứng đầu. Như ở Singapore, Chính phủ quyết định chủ trương, đưa ra đề án và kiên trì thi hành. Ở Việt Nam, chúng ta vẫn luôn theo phương châm “lấy dân làm gốc”, song ở trường hợp này, để giảm thiểu ùn tắc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường thì phải do cấp trên đưa ra phương án. Bên cạnh đó là người lãnh đạo dám chịu trách nhiệm.

    Nói như vậy bởi, theo quan điểm của Tiến sĩ Đức, thực tiễn trên thế giới đã tổng kết, khi bắt đầu áp dụng biện pháp này, giai đoạn đầu, sự phản ứng của người dân rất lớn; nếu sau khi áp dụng một thời gian, người dân quen với chủ trương thì phản ứng bớt đi, đồng thời sự ủng hộ tăng lên. Tức là, nếu chúng ta đánh giá đúng, đưa ra biện pháp đúng thì phải có một khoảng thời gian nhất định mới thu được kết quả.

    Một yếu tố nữa rất quan trọng góp phần vào việc Đề án đưa ra có thành công hay không, theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức là đưa ra Đề án và áp dụng thực hiện vào thời điểm nào có lợi nhất vì đây là một biện pháp tác động đến xã hội tương đối lớn, cho nên trên thế giới chỉ áp dụng biện pháp này khi mà tình hình trong nước ổn định, không có sự kiện gì lớn.

    "Vấn đề này được sự quan tâm rất lớn của người dân. Do vậy, cần có sự đánh giá tác động toàn diện", Tiến sĩ Đức nhấn mạnh lại một lần nữa.

    “Khó cũng phải làm”

    Cùng trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật về vấn đề này, ông Bùi Văn Xuyền – nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Thu phí xe cơ giới vào nội đô, câu chuyện này đã được đề cập từ trước đó. Như chúng ta đã biết, hiện nay tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, sử dụng xe cá nhân khá là nhiều; nếu như cơ quan Nhà nước không có sự điều tiết về giao thông, không có các biện pháp về mặt kinh tế, mặt hành chính để điều tiết hoạt động giao thông như vậy thì chắc chắn sẽ không ổn.

    Ông Bùi Văn Xuyền – nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

    “Rồi sẽ đến lúc xe vào trung tâm thành phố chỉ có đỗ chứ không đi được. Việc thu phí được cho là một trong những biện pháp kinh tế để giảm tải giao thông nội đô, tôi cho điều đó cũng là đúng”, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền phát biểu.

    Cũng theo ông Bùi Văn Xuyền, nhiều thành phố trên thế giới cũng làm việc này; nhưng lộ trình, trên tuyến phố nào, mức thu như nào cần tính toán làm sao cho phù hợp với nhu cầu của người dân, cũng như cần tính toán xem việc thu phí nội đô đối người ngoại tỉnh đi vào, đối với khách đi vào nội đô thì thu ra sao và đối với người dân có hộ khẩu cư trú ở nội đô nhưng đi làm ngoài tỉnh thường xuyên thì thu thế nào. Vấn đề này theo ông Bùi Văn Xuyền cần phải được xây dựng rõ ràng, minh bạc, tạo thuận lợi cho người dân.

    “Có những người đi lại thường xuyên và xe vãng lai; việc thu cũng phải xem xét tính toán hợp lý, vừa điều tiết được giao thông nhưng cũng phải vừa phù hợp với kinh tế của người dân, nhất là những người cư trú trên địa bàn nhưng thường xuyên phải đi lại; chắc chắn trong đề án phải tính tới”, ông Bùi Văn Xuyền nêu ý kiến.

    Cùng theo ông Bùi Văn Xuyền, đây có thể là một biện pháp kinh tế để điều tiết tình hình giao thông đang quá tải hiện nay. Do vậy, để Đề án được khả thì thì việc xây dựng Đề án phải rất chi tiết, cụ thể, phải phù hợp với đa số ý kiến của người dân và phù hợp với túi tiền của người dân; hay nói cách khác là trong mức chịu đựng được.

    Quan trọng nữa là các cơ quan có thẩm quyền phải định hướng cho người dân là tuyến đường sẽ thu phí là tuyến đường được tổ chức giao thông công cộng rất tốt thì dần dần người dân sẽ hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

    Còn thực tế hiện nay, theo góc nhìn của nguyên Đại biểu Quốc hội thì thành phố Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh chưa được quy hoạch như những thành phố lớn trên thế giới. Cụ thể là việc quy hoạch về khu dân cư, khu thương mại, khu vui chơi giải trí ở Việt Nam chưa đồng bộ, đây được cho là một vấn đề gây khó khăn cho việc áp dụng Đề án trên thực tế.

    Song, quan điểm của nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vẫn khẳng định “khó vẫn phải làm”.

    “Đề án đưa ra với mục đích nâng cao đời sống của nhân dân, nếu thấy khó mà không làm thì cũng không được. Thay vào đó, các vấn đề phúc lợi xã hội trong thành phố cũng phải được nâng cao. Tôi cho rằng Đề án này là biện pháp kinh tế, mình tất yếu phải làm, khi đã xác định làm thì phải có lộ trình, làm đề án phải kỹ, hiệu quả thì chắc chắn người dân sẽ đồng tình và ủng hộ”, ông Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.

    T.V

    <% include googleAnalystic %>
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-an-thu-phi-xe-o-to-vao-noi-do-ha-noi-kho-van-phai-lam-a555043.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan