"Để luật đi vào cuộc sống của người làm luật phải phản ánh đầy đủ khách quan thực tế của cuộc sống vào luật"


Chủ nhật, 18/07/2021 | 09:00


Cùng sự kiện

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn luôn trăn trở như vậy, từ khi ông còn công tác trong ngành kiểm sát, đến khi làm lãnh đạo hội Luật gia Việt Nam và mới đây vừa trúng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV tỉnh Bình Dương. Trên cương vị mới, trọng trách mới, ông đã có những chia sẻ với PV ĐS&PL.

Hội Luật Gia - 'Để luật đi vào cuộc sống của người làm luật phải phản ánh đầy đủ khách quan thực tế của cuộc sống vào luật'
Một hoạt động của hội Luật gia Việt Nam.

Phản ánh được thực tế hơi thở của cuộc sống vào luật

PV: Đầu tiên, thưa Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn, xin được chúc mừng ông vừa trúng cử ĐBQH khoá XV. Cảm xúc của ông lúc này thế nào?

Ông Trần Công Phàn: Cảm xúc của tôi lúc này là vui vì được hội Luật gia Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử tri đã tin tưởng bầu tôi làm ĐBQH khoá XV. Đây là một vinh dự lớn, nhưng tôi cũng nhận thấy mình phải có trách nhiệm cao hơn, cần làm sao đưa được những vấn đề quan trọng, ý chí, nguyện vọng của cử tri, của giới luật gia đến với nghị trường, với QH.

PV: Được biết, ông có nhiều năm làm công tác trong các cơ quan Nhà nước, nhưng ông được bầu làm ĐBQH khi đã chuyển sang công tác tại hội Luật gia Việt Nam Điều này có gây khó khăn cho ông trong việc thực hiện chương trình hành động sau khi trúng cử ĐBQH?

Ông Trần Công Phàn: Tất nhiên, lần đầu tiên tham gia là ĐBQH không tránh khỏi khó khăn ban đầu nhưng tôi tin rằng với kinh nghiệm tích luỹ gần 40 năm công tác trong các cơ quan Nhà nước, chủ yếu trong ngành kiểm sát nhân dân, trong đó có hơn 10 năm là Phó Viện trưởng viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, hơn 2 năm là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, và hiện nay là Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Luật gia Việt Nam... sẽ giúp tôi phát huy được vai trò và thực hiện tốt được nhiệm vụ của mình đó là đại diện cho tiếng nói của hơn 64.000 hội viên hội Luật gia trên cả nước, cũng như đại diện cho tiếng nói của cử tri, người lao động trong các vấn đề, nhất là có liên quan đến luật pháp.

Từ khi được Đảng đoàn hội Luật gia Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu và quá trình tiếp xúc với cử tri tại đơn vị bầu cử (TP.Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), tôi đã xây dựng và báo cáo với cử tri về chương trình hành động gồm 5 điểm và tôi hứa sẽ hoàn thành tốt chương trình hành động.

PV: Gần 40 năm công tác và nhiều năm làm lãnh đạo các cơ quan pháp luật, cá nhân ông nhận thấy đâu là vấn đề vướng mắc lớn nhất, khiến ông trăn trở, nhiều tâm tư nhất?

Ông Trần Công Phàn: Điều vướng mắc lớn nhất mà tôi thấy được đó chính là việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn. Việc được tham gia vào Quốc hội lần này chính là cơ hội để tôi được lắng nghe ý kiến và phát huy quyền của công dân, đại diện cho người dân làm sao để luật được áp dụng vào thực tiễn một cách rộng rãi nhất, dễ hiểu nhất.

Điều mà tôi mong mỏi nhất từ trước đến nay, đó là “mong muốn luật đi vào cuộc sống”. Trước hết, muốn luật đi vào cuộc sống thì người làm luật phải phản ánh được đầy đủ khách quan thực tế của cuộc sống vào luật. Có thể thấy, đất nước chúng ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế nhưng vấn đề xây dựng và ban hành luật pháp vẫn phải dựa trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam, đây là điều quan trọng. Vì luật có phản ánh sát với thực tế thì pháp luật mới quay trở lại phục vụ cuộc sống. Mặt khác, tôi nhận thấy thời gian qua công tác xây dựng pháp luật đã có nhiều cố gắng, khá tốt rồi nhưng việc tổ chức thi hành một số luật cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Các kỳ họp Quốc hội sắp tới đây, với tư cách là ĐBQH tôi sẽ tập hợp, lắng nghe nghiên cứu các ý kiến để khi phát biểu đề xuất trước Quốc hội những vấn đề làm sao phải trúng, chính xác, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân, phấn đấu để thực sự là cầu nối của dân, của cử tri với Quốc hội.

PV: Trong chương trình hành động ĐBQH khoá XV, ông có nhắc nhiều đến vướng mắc liên quan đến pháp luật, trong đó có luật Đất đai, ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Ông Trần Công Phàn: Đúng là như vậy. Qua thực tiễn công tác, tôi nhận thấy nhiều vấn đề phức tạp, nhiều vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế... mà nguyên nhân chính là liên quan đến vấn đề đất đai, các vụ án này xảy ra ngày càng nhiều. Có thể thấy, vấn đề về đất đai, đấu giá, bồi thường, giá đất, thu hồi, tịch thu, thay đổi công năng sử dụng của đất... đang còn nhiều vướng mắc. Đây là vấn đề cử tri cả nước rất quan tâm. Vì thế, tôi quan tâm đến việc hoàn thiện sửa đổi luật Đất đai.

Hội Luật Gia - 'Để luật đi vào cuộc sống của người làm luật phải phản ánh đầy đủ khách quan thực tế của cuộc sống vào luật' (Hình 2).
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn.

Tập hợp giới luật gia góp ý xây dựng luật

PV: Là ĐBQH đồng thời cũng đang công tác tại hội Luật gia Việt Nam, ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề gì của hội nói riêng và sắp tới ông có kiến nghị gì về vai trò của hội đến với Quốc hội?

Ông Trần Công Phàn: Với tư cách là ĐBQH đang công tác tại hội Luật gia Việt Nam, tôi rất quan tâm đến vấn đề tập hợp giới luật gia - những người có kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm đã và đang công tác để huy động tham gia đóng góp các ý kiến xây dựng luật; làm tốt công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt chú ý đến các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người dưới 18 tuổi, người già, người tàn tật, người nghèo... để mọi người đều được tiếp cận, nâng cao hiểu biết pháp luật, thực thi pháp luật tốt hơn, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền. Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.

Tôi cũng đang nghiên cứu cùng với các luật gia khác để có thể đề nghị cơ quan Đảng, Nhà nước làm rõ các vấn đề là giao rõ việc cho hội Luật gia, những việc nào hội Luật gia có thể chủ trì, những việc nào hội Luật gia có thể phối hợp để cùng làm.

Hiện nay, chúng tôi cùng lãnh đạo hội Luật gia tổng kết Chỉ thị số 56-CT/TW, ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của hội Luật gia Việt Nam (Kế hoạch số 12-KH/ĐĐ ngày 09/4/2021). Chúng tôi sẽ có đề xuất với Ban Bí thư và Bộ Chính trị, với Đảng, với Quốc hội để làm rõ vị trí, vai trò của hội Luật gia, nhiệm vụ của Hội trong tình hình mới. Tôi cũng kỳ vọng những vấn đề xã hội hoá pháp luật theo chủ trương của Đảng có thể giao hội Luật gia đứng ra chủ trì như vấn đề trợ giúp, tư vấn, hoà giải cơ sở... Và cũng giao cho hội nhiều việc hơn nữa trong xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Hội Luật gia Việt Nam là hội rất khác với các hội khác, là hội tổ chức chính trị nghề nghiệp duy nhất được tin tưởng chủ trì soạn thảo 2 dự án luật đã được Quốc hội thông qua là: Luật Trưng cầu ý dân và luật Trọng tài thương mại. Hy vọng rằng, với những kết quả đã đạt được, hội Luật gia có thể tiếp tục được giao chủ trì xây dựng những luật khác.

Trong Hiến pháp năm 2013 đề cao việc bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Chúng tôi kiến nghị khi Quốc hội xây dựng luật hoặc thông qua luật liên quan đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân thì cần có những ý kiến phản biện, góp ý của hội Luật gia. Bởi, hội Luật gia tập hợp đông đủ các luật gia, có thể đóng góp những ý kiến sát thực, khách quan nhất.

Đặc biệt quan tâm đến người lao động ở tỉnh Bình Dương

PV: Là ĐBQH thuộc tỉnh Bình Dương, được biết trong chương trình hành động sau khi trúng cử ĐBQH ông quan tâm đến vấn đề chính sách của người công nhân, người lao động. Ông có thể chia sẻ lý do vì sao ông quan tâm đến điều này?

Ông Trần Công Phàn: Bình Dương là tỉnh có dân số đứng thứ 6 toàn quốc, trong đó nhiều người nhập cư chiếm đến gần 60%, là nơi có nhiều khu công nghiệp lớn, có đông công nhân và người lao động. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nên tôi quan tâm đến chính sách pháp luật có liên quan chặt chẽ đến vấn đề bảo vệ người lao động, bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Tôi sẽ lắng nghe ý kiến của cử tri để làm sao xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến người lao động như việc làm, nơi ở, nơi sinh hoạt, cuộc sống vật chất, sinh hoạt, về nghỉ dưỡng, hưu trí...

Bên cạnh đó, tôi mong muốn đóng góp ý kiến nhỏ bé của mình với các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với định hướng: Tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp công nghệ cao, phát triển khu công nghiệp, khu đô thị, xây dựng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, trồng trọt, chăn nuôi theo hướng trang trại, tập trung... xây dựng thành phố Thủ Dầu Một – thủ phủ của tỉnh Bình Dương thành một đô thị văn minh, hiện đại và giàu đẹp.

PV: Một câu hỏi cuối cùng, vậy trong kỳ họp Quốc hội dự kiến khai mạc vào 20/7 tới đây ông có những dự định gì?

Ông Trần Công Phàn: Trước hết, tôi sẽ phấn đấu để hoàn thành trách nhiệm của ĐBQH tại kỳ họp. Đồng thời, quan sát, học hỏi kinh nghiệm để làm tốt hơn nhiệm vụ ĐBQH ở các kỳ họp sau. Một trong những vấn đề tôi mong muốn tại kỳ họp này, Quốc hội nên nghe báo cáo và có quyết sách về chiến lược tiêm vaccine phòng chống Covid-19, để chúng ta thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “phòng chống dịch và phát triển kinh tế”. Một lần nữa, tôi xin cảm ơn sự tín nhiệm của hội Luật gia, MTTQ Việt Nam, cử tri đã tín nhiệm bầu tôi là ĐBQH khoá XV, tôi xin hứa sẽ thực hiện tốt chương trình hành động mà mình đã đề ra.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Bích - Mạnh Thắng

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Năm (113)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-luat-di-vao-cuoc-song-cua-nguoi-lam-luat-phai-phan-anh-day-du-khach-quan-thuc-te-cua-cuoc-song-vao-luat-a507382.html