+Aa-
    Zalo

    Đi chùa lễ Phật đầu năm: Nét đẹp từ cội nguồn đến hiện tại

    (ĐS&PL) - Đi lễ chùa đầu năm là một hoạt động không thể thiếu của mỗi người dân dịp Tết đến, xuân về. Phong tục này từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam.

    Tết đến xuân sang là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp. Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm là về nơi cửa Phật, không đơn giản chỉ để mong muốn và ước nguyện, mà còn là lòng tin và những khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau những lo toan vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.

    Tiếp nối mạch nguồn văn hóa

    Anh Phan Việt Thắng (đang sinh sống và làm việc tại Tp. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) cho biết mái chùa là một trong những hình ảnh thân thuộc của văn hóa Việt Nam và việc đi lễ chùa đầu năm cũng đã trở thành một trong những thói quen trong nhiều năm nay của gia đình anh. 

    “Năm nào cũng vậy, sau khi hoàn tất nghi lễ cúng gia tiên, cúng thần linh tại gia đình, việc làm đầu tiên trong trong những ngày đầu xuân của gia đình tôi là phải đến cửa chùa làm lễ. Đây là dịp để tôi cũng như người thân của mình mong tìm được sự thanh tịnh và hướng những việc cần phải làm cho năm mới. Dịp đầu năm, tôi thường cầu nguyện nhiều điều tốt lành sẽ đến với gia đình mình để mọi người được bình an, sức khỏe và tăng trưởng trí tuệ, làm thêm được những điều thiện lành.

    Đến chùa ngoài cầu nguyện cho sự an lạc, may mắn, chúng tôi còn được nghe những lời chia sẻ, thuyết giảng từ chư Tăng. Đây là một trong những năng lượng rất tốt để chúng tôi tĩnh tâm, ngẫm nghĩ về những việc trong cuộc sống và định hướng công việc cho năm mới”, anh Thắng chia sẻ. 

    le chua
     Người dân thường đi lễ chùa thường cầu may mắn, bình an và những điều tốt đẹp trong năm mới.

    Cửa chùa đất Phật là chốn bình yên, thanh tịnh, bởi thế nên người Việt luôn tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để ước nguyện mà đó còn là thời gian để con người tìm về với chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Về nơi cửa Phật, hòa vào dòng người đi lễ đầu năm, giữa không gian thanh tịnh, bất kì ai cũng cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân, sự thành tâm trong lòng mỗi người. Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân vang cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người thanh bình đến lạ.

    Khói hương trầm hòa quyện với không khí ngày xuân đang tràn về giữa tiết trời se lạnh khiến ai nấy đều bồi hồi trong khoảnh khắc chuẩn bị bước sang năm mới. Thành kính chắp tay nơi cửa Phật, bác Nguyễn Thị Như Hoa (trú tại Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cầu mong sang năm mới gia đình được bình an, mọi công việc được thuận lợi và dịch bệnh sẽ được khống chế hoàn toàn để cuộc sống có thể trở lại bình thường.

    di chua le phat dau nam net dep tu coi nguon den hien tai
    Ngoài lễ Phật, đi chùa đầu năm còn là dịp để người dân đi vãn cảnh, lưu lại những hình ảnh đẹp.

    “Ngay từ nhỏ, tôi đã thường xuyên theo bà, theo mẹ lên chùa dịp đầu năm du xuân, lễ Phật. Sau này, đây đã trở thành một thói quen thường niên của gia đình tôi. Đến chùa dịp đầu năm khiến tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, an lạc và bình an, thư thái sau một năm làm việc vất vả với nhiều bộn bề, lo toan trong cuộc sống. Đầu năm đi lễ chùa là thời khắc để tôi kiểm điểm lại bản thân, bình tâm nhìn lại một năm đã qua và định hướng cho bản thân trong năm tới. 

    Năm nay, việc đi chùa đầu năm sẽ càng vui hơn khi con trai và con dâu tôi từ nước ngoài về nước ăn Tết. Các năm trước do tình hình dịch bệnh nên các cháu không thể về được. Năm nay, mấy mẹ con đã hẹn nhau để cùng về chùa dịp đầu năm này. Tôi rất mong đây sẽ là dịp để các con mình hiểu hơn về truyền thống của dân tộc, của gia đình và khiến các con càng thêm gắn bó với quê hương dù ở nơi xa xứ”, bà Hoa vui vẻ chia sẻ. 

    Còn đối với các bạn trẻ, đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình mà còn là dịp thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân và hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc. Bạn Nguyễn Ngọc Phương (Tp. Hải Phòng) chia sẻ, mỗi dịp Tết đến, các thành viên trong gia đình thường sẽ tề tựu lại với nhau để đi lễ chùa. Trước là để vãn cảnh, sau là cầu mong cho bản thân, gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thuận hòa, mọi sự được hanh thông. 

    “Hòa mình vào không gian linh thiêng nơi cửa Phật, tôi tìm được chút thư thái cho tâm hồn sau một năm làm việc bận rộn, đồng thời thêm hiểu biết về nét văn hóa truyền thống của dân tộc và gia đình. Với những người trẻ như chúng tôi, dịp này càng trở nên có ý nghĩa để hiểu hơn về những giá trị văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc”, bạn Nguyễn Ngọc Phương bày tỏ.

    le chua 4

    Lễ chùa vừa là một sinh hoạt Phật giáo, vừa là văn hóa đời sống của dân tộc Việt Nam.

    Quả thật, đối với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Về với chốn thiền môn, giữa không gian thanh tịnh, hương trầm lan tỏa hòa cùng sắc màu của đèn hoa, mới thấy lòng mình lắng lại, thanh thản và nhẹ nhàng hơn.

    Cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh nhưng nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm vẫn luôn được người dân lưu giữ. Ngôi chùa trong quá khứ hay hiện tại đều là những thực thể sống động mà ở đó, mỗi người có thể tự tìm và hiểu thêm về những ẩn sâu chất chứa trong bản sắc văn hóa Việt Nam.

    Lễ Phật cốt ở hai chữ “tâm thành”

    Lý giải về nét văn hóa đi chùa dịp đầu năm mới, Đại đức Thích Trúc Thái Minh - Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình, Trụ trì chùa Ba Vàng cho biết: “Người dân Việt Nam vốn rất giàu đức tin và nghĩa, hay còn gọi là “tín - nghĩa - hiếu trung”. Đó là những giá trị cốt lõi, tốt đẹp trong tâm hồn người dân Việt. Với tâm thế đó, đi lễ chùa vào dịp Tết đến, xuân về đã trở thành việc rất quan trọng, một nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. 

    di le chua
     Đại đức Thích Trúc Thái Minh - Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình.

    Quan trọng là bởi, người Việt rất coi trọng những ngày đầu năm mới. Các cụ xưa vẫn có câu “một năm cốt ở mùa xuân, một ngày cốt ở giờ dần mà ra”, hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”. Đây được xem là thời điểm thích hợp để cầu an lành, tốt đẹp, thuận hòa cho cả năm. Ngày này, mọi người thường đi chùa để cúng dường, làm nhiều việc thiện, cầu bình an đến với mình và gia đạo... 

    Bên cạnh đó, từ xa xưa, ngôi chùa đã trở thành trung tâm cố kết cộng đồng, nơi tạo dựng sự đoàn kết, gắn bó bền chặt của xã hội, là mái trường để truyền dạy những điều hay lẽ phải, những điều thiện lành. Như vậy, mở đầu năm mới đến chùa tức là đến với những điều thiêng liêng và tốt lành.”

    Mùa xuân vào chùa lễ Phật là nét đẹp văn hóa coi trọng sự an lành, coi trọng sự êm ấm trong gia đình, gắn liền với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; nhớ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy và những người có công dựng nước và giữ nước. Ở đó, người dân ta còn thể hiện tính cộng đồng, hướng về cái chung với những mong cầu cho “quốc thái, dân an”, “mưa thuận, gió hòa”,… 

    Theo Đại đức Thích Trúc Thái Minh, nhìn vào việc người dân vào chùa lễ Phật có thể thấy rất rõ những nét văn hóa của Việt Nam. “Văn hóa Phật giáo không gì khác chính là văn hóa Việt Nam, thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo trong suốt hành trình hơn 2.000 năm đồng hành cùng dân tộc. Những giá trị đó tạo nên sức mạnh trong mạch sống của dân tộc”, Đại đức nhận định. 

    le chua 6
    Lễ chùa là nét đẹp văn hóa đầu năm của người Việt. 

    Giải thích thêm về cách thức đi lễ chùa dịp đầu năm mới, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết, việc đi lễ chùa nói chung và đi lễ chùa dịp năm mới không cần nhất thiết phải chọn ngày giờ hay lựa chọn lễ vật cầu kỳ mà quan trọng nhất là ở cái tâm trong sáng, chí thiết, chí thành. 

    “Đến chùa thì tâm thái hướng thiện là quan trọng nhất, còn lễ lạc thì có hay không, to hay nhỏ chưa phản ánh hết được lòng thành. Người xưa vẫn nói “lễ mỏng, lòng thành”. Dù có một lễ thật lớn mà tâm không thành thì vẫn không cảm ứng”, Đại đức Thích Trúc Thái Minh cho biết. 

    Bên cạnh đó, người dân đi lễ chùa cần chỉn chu từ trang phục, lời ăn tiếng nói đến cử chỉ, hành vi nơi chốn tôn nghiêm. Chùa chiền cũng là chốn tâm linh linh thiêng, do đó, quý du khách nên lựa chọn những bộ trang phục kín đáo, đẹp đẽ và trang nghiêm. 

    Cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi. Người đi lễ cũng thay đổi nhiều. Đại đức Thích Trúc Thái Minh nhắn nhủ và gửi lời chúc tới người dân đi lễ chùa: Chúc cho mọi nhà một năm mới nhiều sự đổi mới, thật nhiều sức khỏe; cùng với nhà nước ổn định, phát triển xã hội cũng như sống chan hòa trong tình yêu thương. Chúc cho tất cả mọi người đều được an lạc.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/di-chua-le-phat-dau-nam-net-dep-tu-coi-nguon-den-hien-tai-a563632.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan