+Aa-
    Zalo

    Đi tìm sự thật về những đường dây buôn lậu gỗ trắc từ Campuchia về VN

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sau khi có thông tin về những đường dây buôn gỗ lậu về Việt Nam, PV báo ĐS&PL đã thâm nhập, tiếp cận.

    (ĐSPL) - Sau khi có thông tin về những đường dây buôn gỗ lậu về Việt Nam, PV báo ĐS&PL đã thâm nhập, tiếp cận.

    Điều đáng nói, Việt Nam chính thức cấm nhập khẩu gỗ trắc từ Campuchia và Thái Lan. Tuy nhiên, thị trường ngầm mặt hàng đặc chủng này vẫn tiềm ẩn nhiều mối họa. PV đã vào cuộc tìm hiểu và phát hiện không ít sự thật đáng báo động...

    Tiếp nhận thông tin về vụ giao dịch buôn bán, xem hàng gỗ trắc tại một cửa khẩu thuộc biên giới Việt Nam - Campuchia, PV đã thông qua nhiều kênh thông tin để tiếp xúc với một “thổ địa”, cũng là một “tay sai tín cẩn” trong nhóm môi giới và bí mật xin theo. Sau một thời gian thuyết phục, “thổ địa” này cũng đồng ý song không quên kèm theo những cảnh báo lạnh người...

    Phập phồng bám theo một “chân rết”

    Trước khi đi vào cuộc “hành quân” theo chân các đầu nậu buôn lậu gỗ đến địa phận biên giới, PV xin nói rõ, hiện nay Việt Nam đã chính thức ngừng nhập khẩu gỗ trắc. Cho nên, mọi giao dịch về loại gỗ này đều là vi phạm pháp luật.

    Một vụ vận chuyển gỗ lậu quý hiếm bị bắt giữ.

    Cụ thể, cơ quan Quản lý CITES Việt Nam (Công ước về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp), đã ngừng cấp giấy phép nhập khẩu gỗ trắc từ 1/1/2015, với những lô hàng có nguồn gốc từ Thái Lan và Campuchia. Đối với gỗ trắc từ Lào, cơ quan CITES Việt Nam chỉ xem xét cấp nhập khẩu khi có xác nhận về hồ sơ hợp pháp từ cơ quan CITES Lào.

    Ngoài ra, CITES Việt Nam cũng tạm ngừng cấp giấy phép tái xuất gỗ trắc, kể từ ngày 1/1/2015, đối với các lô hàng gỗ trắc từ Lào và Campuchia.

    Trong khi đó, Lào chỉ cho phép xuất khẩu gỗ trắc có nguồn gốc từ khai thác, tận dụng các công trình hạ tầng. Dù có lệnh cấm, nhưng các giao dịch lậu về gỗ trắc vẫn đang được tiến hành rầm rộ. Trước đó, do tình trạng khai thác, buôn bán gỗ trắc phức tạp, các nước phân bố và tiêu thụ nhiều loại gỗ này là Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam đã họp, đối thoại về ngăn chặn khai thác và buôn bán gỗ trắc...

    Bắt được mối, PV theo nhóm này lên đường, tiếp cận một đường dây buôn lậu gỗ trắc. Dù “có chút quen biết” nhưng trước khi khởi hành, “thổ địa” cũng không hề cho biết thông tin giao dịch ở đâu, ngày nào, giá trị vụ buôn bán... Đầu mối này cho biết “những thông tin đó tôi cũng không được tiết lộ”. Mọi sự càng làm cho PV thêm phần căng thẳng, tuy nhiên với mục đích tìm ra sự thật, chúng tôi vẫn kiên quyết bám “đầu mối thông tin”.

    Và rồi khi lên đường, PV cũng biết được, phi vụ này lúc đầu dự định sẽ giao dịch tại gần một cửa khẩu ở Tịnh Biên (An Giang) - Campuchia. Tuy nhiên, đúng ngày hẹn, gần đến giờ gặp xem hàng, giao dịch, phía bên kia (Campuchia) cho biết, “bị động” nên chuyển về một cửa khẩu tại Long An vào ngày hôm sau. Lúc này, PV và nhóm cùng đi phải nghỉ lại An Giang, cho đến hôm sau khởi hành về Long An.

    Nằm chờ gần nửa ngày, phía bên kia mới nhắn tin cho biết, điểm xem gỗ trắc là tại khu vực cửa khẩu Bình Hiệp thuộc địa phận Mộc Hóa (Long An). Từ TP. Tân An, nhóm của PV chạy con đường độc đạo Quốc lộ 62, nối TP. Tân An đi Kiến Tường. Từ Kiến Tường đi sâu vào cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, giáp giữa Long An và tỉnh Svay Riêng (Campuchia). Toàn bộ quãng đường dài tới gần 100km. Tới nơi, tầm khoảng 17h và tiếp tục chờ đợi địa điểm cụ thể.

    Sau chừng một giờ đồng hồ ngồi đợi trong quán café, nhóm của PV cũng nhận được địa chỉ xem “hàng”, nhưng phải là lúc 19h. Nghĩa là phải đợi thêm một giờ đồng hồ nữa. Việc xem hàng sẽ có người đưa sang Campuchia trong vòng 30 phút, bằng đường mòn. Họ yêu cầu nhóm phải ngồi yên đó, sẽ có người liên hệ và đưa sang tận bãi tập kết gỗ. Quả nhiên, sau gần 30 phút có hai người chạy xe gắn máy trờ tới, nhưng họ cho biết, “kèo” này hủy giao dịch.

    Tình huống ngàn cân treo sợi tóc này khiến chúng tôi vô cùng hồi hộp. Hỏi lý do thì phía bên kia cho biết “thấy động nên hủy giao dịch, khi nào thấy ổn trở lại thì tiếp tục giao dịch”. Lúc này, “thổ địa” đưa PV về lại Tân An và sáng hôm sau quay về TP.HCM trong thất vọng. “Thổ địa” cho biết, hồi trước cũng bị hủy một lần, nhưng chỉ hôm sau là có thể xem hàng và thống nhất giá cả, đặt cọc, có người đưa hàng bằng đường sông qua Việt Nam ngay trong đêm. Tuy nhiên, khi giao dịch bất ngờ bị hủy thì không cách nào ép thực hiện ngay được.

    Những mẻ lưới giăng trên quốc lộ

    Trước khi đi, PV được biết thông tin về vụ mua bán gỗ trắc này, số lượng lên đến 40m3. Theo thỏa thuận thì nếu xem hàng và thống nhất được giá, họ sẽ cho người đưa vào địa phận Việt Nam qua một cửa khẩu (sau này cửa khẩu Bình Hiệp được chọn). Khi giao qua Việt Nam bằng đường thủy, qua sông Vàm Cỏ Đông, vào Bình Hiệp sẽ có xe đợi sẵn, để đưa về TP.HCM theo yêu cầu của khách.

    Tuy nhiên, giao dịch đã không diễn ra như dự định. PV tỏ ra nghi ngờ về “giao dịch ma”, “thổ địa” cho biết, “mối này quen và tin lắm”. Thực tế cho thấy, thời gian qua, các giao dịch, buôn bán, vận chuyễn gỗ trắc lậu cũng diễn ra khá phổ biến tại các tỉnh biên giới phía Nam. Điển hình, các cơ quan chức năng nhiều địa phương phía Nam cũng đã bắt và xử lý nhiều vụ việc vi phạm tương tự, kiểu như phi vụ giao dịch bất thành nói trên. Tháng 9/2013, 77 tấm gỗ xẻ quý hiếm cũng bị phát hiện và bắt giữ theo phương cách vận chuyển này.

    Xem thêm video: Bắt giữ gần 2 tỷ đồng hàng lậu tại các tỉnh biên giới.

    Vào một ngày cuối tháng 9, trên địa bàn xã Thường Thới Hậu A (tỉnh Đồng Tháp) một chiếc ghe chở đầy các bao tải chứa rơm, thế nhưng phía dưới lại chứa tới 77 tấm gỗ xẻ quý hiếm, được cất giấu rất kín. Hồ Văn Cuộc (SN 1988, ngụ thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) là người vận chuyển cho biết, số “hàng” này chở thuê từ Campuchia về Việt Nam với tiền công là 500 ngàn đồng/chuyến.

    Thuê chở là một người đàn ông Campuchia, không rõ lai lịch và cho biết là cứ đưa “hàng” này về khu vực kênh Long An (thuộc địa phận thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp). Chủ thuê cho biết, sẽ đi theo chuyến hàng và chỉ điểm giao đích xác khi về Việt Nam. Thế nhưng khi bị phát hiện thì chủ thuê cũng bỏ của chạy lấy người.

    Cũng bằng cách tương tự, cuối tháng 11/2013, Nguyễn Kính Vinh (SN 1976) và Phan Văn Thắng (SN 1986) cùng ngụ huyện biên giới Tân Châu, tỉnh Tây Ninh liều lĩnh vận chuyển 171 khúc gỗ quý hiếm đã xẻ bằng ô tô từ Campuchia về Việt Nam. Trong số gỗ nói trên có đến 164 khúc gỗ trắc và 7 khúc gỗ giáng hương. Khi đi về Việt Nam, các đối tượng này cũng có người canh đường và tìm cách đưa vào các xưởng gỗ để hô biến thành gỗ nội địa. Vụ việc bị Công an Tân Biên phát hiện bắt giữ tại khu vực xã Tân Hà, thuộc tỉnh Tây Ninh.

    Hay vào cuối năm 2014, trên vùng biển thuộc cảng Bà Lụa (tỉnh Kiên Giang), lực lượng của Bộ Tư lệnh vùng cảnh sát biển 4 đã phát hiện và bắt giữ tàu chở gỗ lậu mang số hiệu KK20085 khi đang trên hành trình từ Campuchia đi về cảng Hòn Chông (Kiên Giang). Qua kiểm tra phát hiện, trên tàu có chứa 10m3 gỗ quý hiếm các loại, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, vận chuyển... Đáng nói, trên tàu này có ba người quốc tịch Campuchia cùng tham gia vận chuyển.

    Hiện nay, theo tìm hiểu của PV, tại các tỉnh phía Nam có nhiều con đường mòn cả trên bộ lẫn đường thủy với biên giới Campuchia như An Giang, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp... và rất dễ qua lại nếu bỏ ra ít tiền cho các “thổ địa”, băng nhóm cát cứ tại khu vực này. Chính vì thế, tất cả hàng hóa lậu đều qua các “cửa này”. Các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng tại khu vực biên giới, chôn dưới các bãi bùn, nơi hoang vắng... sau đó chờ thời cơ thuận lợi sẽ vận chuyển hàng qua biên giới, tuồn vào Việt Nam.          

    Nguy cơ tuyệt chủng cao nhất

    Gỗ trắc hay cẩm lai Nam Bộ (Dalbergia Cochinchinensis) hoặc tên khoa học đồng danh là “Dalbergia cambodiana” được quy định tại Phụ lục II của CITES, mọi trường hợp xuất, nhập, tái xuất khẩu phải có giấy phép của CITES. Trắc phân bổ ở Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc. Đây là một trong những loài quý nhất và có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trong nhóm 33 loài hồng mộc chính thức. Sự quý giá của loài này đang được ví như “vàng hồng”.

    (còn nữa)

    CHÍ THANH

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/di-tim-su-that-ve-nhung-duong-day-buon-lau-go-trac-tu-campuchia-ve-vn-a94655.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.