Hòa Bình: Bí ẩn ngôi mộ đá và cổ vật 12 bông hoa bằng vàng


Chủ nhật, 16/03/2014 | 16:32


Trong “rừng” mộ đá trải rộng hàng chục héc-ta, còn có một ngôi mộ đá lớn, nằm ở nơi cao nhất chưa từng được các nhà khảo cổ đặt chân tới...

“Dưới mộ đá có 12 bông hoa bằng vàng chôn cùng với trống đồng, đồ sứ, bát đĩa men có in hình mây trời, xe ngựa luân xa..., những mộ này thường là mộ cất giấu cổ vật chứ không có di cốt”, bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng Hòa Bình cho biết về một ngôi mộ đá đầy bí ẩn ở Mường Thàng, huyện Cao Phong (Hòa Bình). 

Đặc biệt trong “rừng” mộ đá trải rộng hàng chục héc-ta, còn có một ngôi mộ đá lớn, nằm ở nơi cao nhất chưa từng được các nhà khảo cổ đặt chân tới.

Lời nguyền trên mộ đá?

Ông Bùi Văn Trường, Công an xã Dũng Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã e ngại khi đưa chúng tôi lên khu vực có mộ đá “chủ” ở trên đỉnh núi cao. “Tôi chỉ biết chỗ đặt mộ đá đó, chứ thực chất chưa dám lên tận nơi bao giờ, không phải vì lời đồn đại của người dân mà là vì đây là mộ do dòng họ quan lang Đinh Công Tuân dựng để trấn yểm hay làm gì đó nên ai chẳng ai động vào làm gì cả”, ông Trường cho biết.

Sự khác lạ giữa ngôi mộ trên đỉnh núi cao thuộc xã Dũng Phong này khá khác biệt so với hàng nghìn mộ đá đang có ở Đống Củi và Đống Mô thuộc xã Dũng Phong. Và càng khác biệt với “thánh địa” đá ở Mường Động - Kim Bôi (Hòa Bình).

Con đường dẫn đến mộ đá cũng chứa điều bí ẩn, phải băng qua cánh đồng mía tím ngút ngàn, 1 con suối nước lạnh lẽo quanh năm, rồi áp mặt ngược núi chừng 10 phút thì đến ngôi mộ đá.

Bao năm qua, cơ quan nghiên cứu về quan lang xứ Mường ở khu vực Mường Thàng - Cao Phong ngày nay - và ngành Khảo cổ học cũng chưa tìm ra câu trả lời chính xác về cái sự chênh vênh và riêng biệt của mộ đá trên đỉnh núi. Trụ đá nằm trong cùng quần thể khu mộ cổ xã Dũng Phong, nhưng về địa lý cách nhau chừng 2 km, nằm trên đỉnh ngọn núi có thể bao quát cả cánh đồng mộ đá ở dưới thấp.

Người dân đồn thổi rằng, ngôi mộ thể hiện sự thống trị của dòng dõi quan lang trong vùng Mường Thàng xưa. “Ngày xưa dải đất bằng phẳng là nơi Đinh Công Tuân - một quan chánh tổng khét tiếng ở. Còn về ngôi mộ đá trên núi cũng chưa lý giải do quan niệm phong thủy hay do thể hiện sự trị vì của người cai quản mà đặt trên núi như vậy.

Nhiều ngôi mộ từng được ngành Khảo cổ khai quật, có ngôi có cốt nhưng nhiều ngôi mộ không thấy cốt mà chỉ thấy đồ vật như đồ gốm sứ, đồ đồng…”, bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng Hòa Bình cho biết. Hiện nay chưa có lời giải mã nào cho ngôi mộ đá  độc lập trên núi, những bí ẩn về nó vẫn đang “khóa chặt”. “Có ai dám đặt chân vào mộ thiêng đó đâu, ngay cả đám trẻ trâu tinh nghịch còn không dám bén mảng”, anh Bùi Văn Trường, Công an xã Dũng Phong khẳng định.

Khi hỏi anh Bùi Văn Đường, một người dân ở ngay dưới chân núi có mộ đá lớn, anh cũng cho biết chưa một lần đặt chân đến. “Tôi nghe thấy bà con đi chặt mía thuê nói trên núi có mộ đá to lắm, thấy họ nói rất thiêng cho nên chẳng ai vào làm gì. Tôi ở đây mấy chục năm chưa một lần qua đó xem nó ngang dọc ra sao. Động chạm đến những thứ linh thiêng kỳ bí thế, hãi lắm”.

Luồn sâu trong tâm rừng mía rậm rạp, ngôi mộ độc nhất chưa từng được giải mã có hướng lưng tựa sơn, phía in chữ có hướng đạp thủy. Diện tích vòng mộ đất chừng 3m2 đỉnh dựng trụ đá nguyên khối cao bằng đầu người lớn, trên khắc nhiều dòng chữ Nho ở những mặt nhẵn, tuy nhiên do thời gian mưa gió dòng chữ đã bị mờ, mất nét. Sự khác biệt dễ nhận thấy nhất ở ngọn núi có mộ đá là ngọn núi này rậm rạp và ít vết chân trâu bò của mục đồng chăn thả. Điều này cho thấy có sự kiêng kỵ vô hình nào đó mà người dân vẫn sợ không bén mảng đến và ai cũng nói đó là một nơi thiêng.

Theo những người làm công tác khảo cổ ở đây thì những năm 79, 80, ngành Khảo cổ đã có cuộc nghiên cứu khai quật mộ đá, nhưng ngôi mộ lớn trên núi thì chưa ai dám động vào cả, vẫn nguyên vẹn. Đoàn khảo cổ khi đó khảo sát thực tế, thấy lạ vì lối đi cách trở suối sâu, rừng rậm, núi cao chỉ có nai cọp. Vậy mà họ lại mang mộ huyệt lên đỉnh này với mục đích gì thì đến nay cũng chưa có lý giải chính xác.

Miền Bắc - Hòa Bình: Bí ẩn ngôi mộ đá và cổ vật 12 bông hoa bằng vàng
Mộ đá riêng biệt trên đỉnh núi cao, hầu hết rất ít người dân xã Dũng Phong qua lại đây

Nhiều cổ vật dưới chân mộ đá

Theo bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng Hòa Bình, người đã nhiều năm trực tiếp tham gia vào những cuộc khảo cổ tại “thánh địa” mộ đá ở Mường Động, Kim Bôi, Mường Thàng, Cao Phong thì khu mộ đá ở Mường Thàng lớn gấp nhiều lần “thánh địa” Mường Động. Và ở đây khi khai quật có nhiều đồ cổ giá trị và nguyên vẹn nhưng rất ít di cốt dưới mộ đá này.

Ban đầu với ý đồ lập hồ sơ để giữ nguyên trạng phục vụ khai quật nghiên cứu khảo cổ, tuy nhiên do sau khi phát hiện, nạn buôn bán, đào trộm cổ vật đã “bùng nổ”. Con buôn ngày đêm rình rập làm cho tình trạng đào trộm mộ trở nên “nóng” khu vực Cao Phong.

Những xóm trung tâm xã Dũng Phong, khi đó là cánh đồng mộ đá rộng hàng chục ha. Bà con sinh sống đan xen, người đếm trên đầu ngón tay, đi đâu cũng chỉ thấy lô nhô trụ đá lớn, bé. Ở Mường Thàng, mỗi bước chân có thể chạm vào tàn dư của cổ vật, và mỗi câu chuyện đều thấy sự hiện diện của điều bí ẩn chìm dưới những trụ đá.

Tôi đi trong vườn mía nhà anh Phương, một số trụ đá vẫn còn sót lại sau cuộc đào bới rầm rộ trước đó. Còn cổng nhà kế bên gia đình anh Phương, những trụ đá giờ đã vô hồn, nó trở thành vật vô tri bên hàng rào cho đồi chè tránh sự phá phách của trâu bò.

Bà Bùi Thị Ang, năm nay 75 tuổi, ở Đồng Mới, xã Dũng Phong, Cao Phong bảo: “Ngày xưa mộ đá nhan nhản khắp cánh đồng này. Chúng tôi làm nương bãi có ai dám động chạm đến đâu. Thế mà dân đào cổ vật đào trộm có vài đêm đã tan hoang rồi. Giờ phải khiêng xếp vào hàng rào kè chắn bờ bãi”.

Miền Bắc - Hòa Bình: Bí ẩn ngôi mộ đá và cổ vật 12 bông hoa bằng vàng (Hình 2).
Bất kể ngày đêm, chủ nhân vườn trụ đá thấy tiếng lạ là ra ngó vì sợ đào trộm cổ vật

Cổ vật là 12 bông hoa bằng vàng

Trong quá trình khảo cổ, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật “chữa cháy” toàn bộ khu mộ đá ở xã Dũng Phong. Nhiều ngôi mộ chỉ chôn phiến thạch to nhỏ khác nhau, không có di cốt thì có cổ vật. Nhiều mộ di cốt không nằm trong quan tài mà nằm trên khối than dày hàng mét. Trong đống than tìm được nhiều xương cháy dở cùng hiện vật như đồ đồng, đồ gốm sứ, trống đồng…

Đặc biệt trong một mộ đá tìm thấy 12 bông hoa rất to đúc bằng vàng và 137 đồng tiền của nhiều triều đại, muộn nhất là thời An Pháp nguyên bảo. Qua xác định, ngôi mộ có khoảng từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 16. Điều đó cho thấy, những mộ đá ở nơi đây không chỉ là nơi chôn di cốt mà còn là nơi cất giấu tài sản, cổ vật của người cai trị giàu có khi xưa.

Những bằng chứng về những cổ vật được tìm thấy trong “rừng” mộ đá này cũng khiến người ta đặt câu hỏi: Liệu ngôi mộ đá “chủ” nằm độc lập trên đỉnh núi cao kia có những hiện vật cổ tương tự hay không? Câu hỏi đó đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Khi chúng tôi tìm hiểu tại xóm Đồng Mới, anh Bùi Văn Phương một chủ vườn có nhiều mộ đá đã cho chúng tôi xem một số cổ vật không nguyên vẹn, do việc đào bới không biết cách. Hầu hết các cổ vật đầu in hình sóng nước, mây trời, rồng, cá chép hóa rồng, bánh xe luân hồi, xe ngựa…

Anh Phương cho biết, giờ đây còn rất nhiều nhà có cổ vật, có nhà xếp đầy góc nhà nhưng không bán được vì khi đào bới đã va phải làm mẻ góc hoặc méo mó không còn nguyên vẹn. “Nạn đào bới cổ vật giờ đã không còn vì đất cát hiện nay đã phân chia về từng gia đình rồi. Tuy nhiên việc mua bán cổ vật ngầm hiện nay vẫn diễn ra, bởi vùng đất này là vựa cổ vật xưa kia”, anh Bùi Văn Trường, Công an xã Dũng Phong khẳng định.

Linh Chi (theo ANTĐ)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoa-binh-bi-an-ngoi-mo-da-va-co-vat-12-bong-hoa-bang-vang-a25691.html