+Aa-
    Zalo

    Câu chuyện cảm động về “xã Trường Sa” trên “đất lửa” Quảng Bình

    ĐS&PL (ĐSPL) - Từ năm 1982 đến nay, ở xã nghèo Tây Trạch đã có 32 người con tình nguyện cầm súng bảo vệ Tổ quốc tại Trường Sa. Chính vì vậy, nơi đây được ví như “xã Trường Sa” trên đất liền.

    (ĐSPL) - Từ năm 1982 đến nay, ở xã nghèo Tây Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã có 32 người con tình nguyện cầm súng bảo vệ tổ quốc tại Trường Sa. Chính vì vậy, xã Tây Trạch được ví như “xã Trường Sa” trên đất lửa Quảng Bình.

    Tìm về xã đặc biệt này, chúng tôi ghi nhận được những câu chuyện cảm động, nhất là ở thời điểm tình hình Biển Đông đang rất nóng.

    32 người bén duyên với Trường Sa

    Đến với xã Tây Trạch, từ đầu thôn tới cuối xã có lẽ không ai là không biết câu chuyện đầy tự hào của xã khi có 32 người con của quê hương đã từng sống, chiến đầu và bảo vệ Trường Sa. Tuy nghèo, cuộc sồng của người dân quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”ấy vẫn thấy hai chữ "Trường Sa" gần gũi, thiêng liêng đến lạ kỳ. Nhấp chén nước chè phảng phất dư vị đắng chát của vùng đất đầy nắng và gió, anh Dương Thanh Luyện, Xã đội trưởng xã Tây Trạch không giấu niềm tự hào khi nhắc đến những con em của xã đã đến và đang có mặt tại Trường Sa.

    “Tây Trạch “bén duyên” với Trường Sa bắt đầu từ năm 1982, ngay trong đợt tuyển quân đầu tiên của đơn vị hải quân năm đó. Ba chàng trai trẻ là Lê Quang Trung, Hoàng Văn Thiêm, Hoàng Văn Hải là những người đầu tiên trúng tuyển. Từ đó đến nay, ở xã nghèo này đã có 32 người con của quê hương tình nguyện cầm súng bảo vệ Tổ quốc tại Trường Sa, đó là niềm vinh dự vô cùng lớn của xã Tây Trạch nói riêng và Quảng Bình nói chung”, anh Luyện cho biết. Người xã đội trưởng này nhớ rất rõ tên của những người đã từng đóng quân tại Trường Sa, trong đó câu chuyện làm anh nhớ nhất có lẽ là trường hợp của anh Phan Thanh Điền (SN 1974), ở thôn Võ Thuận.

    “Khi chúng tôi lớn lên, được nghe mọi người kể và được tận mắt chứng kiến lớp đàn anh đi trước đến với Trường Sa để canh giữ cho biển đảo tổ quốc. Tôi và bốn người bạn thân cùng nhau làm đơn tình nguyện gia nhập hải quân với mong muốn được bảo vệ đảo Trường Sa. Nhưng chỉ có tôi, anh Dương Văn Kiểm, Phạm Xuân Cường, Dương Văn Cần đủ tuổi nhập ngũ. Còn anh Phan Thanh Điền vì mới 17 tuổi, chưa đủ điều kiện nhập ngũ nên anh phải nhờ bố viết cho một tờ giấy viết tay báo mất giấy khai sinh, sau đó khai lại tuổi từ 17 thành 19 để được đủ tuổi đi bộ đội. Trời không phụ lòng người, năm đó cả 5 anh em đều trúng tuyển đi hải quân và vào cùng một đơn vị. Cả năm anh em khi vào nhập ngũ đều viết đơn xin đi bảo vệ Trường Sa. Nhưng chỉ có anh Luyện, Kiểm, Điền được đi, tôi và anh Cần thì được giao nhiệm vụ đi bảo vệ thềm lục địa”, anh Luyện xúc động hồi nhớ.

    Đó cũng là năm có nhiều người con của xã Tây Trạch đi bảo vệ Trường Sa nhất từ trước đến nay khi có tới 8 người ra với quần đảo thiêng liêng của tổ quốc. Đầu năm 2014, xã vinh dự hơn khi có thêm 4 chàng trai trẻ được đến với Trường Sa thân yêu. Và hiện nay, có ba người con của xã đang làm bộ đôi chuyên nghiệp ở Trường Sa, ngày đêm canh giữ biển đảo của quê hương.

    Câu chuyện cảm động về “xã Trường Sa” trên “đất lửa” Quảng Bình

    Anh Lê Văn Đông, “Mặc dù sức chẳng còn nhiều nhưng chỉ cần đất nước gọi là chúng tôi sẵn sang lên đường nhập ngũ”

    Anh Luyện kể, từ ngày xuất ngũ, năm nào mấy anh em đi Trường Sa cũng làm một mâm rượu nhỏ vào dịp đầu năm để cùng nhớ về Trường Sa. Chén rượu đầu tiên bao giờ cũng rót xuống đất để tưởng nhớ những người đồng đội Trường Sa đã ngã xuống bảo vệ từng tấc đất quê hương. “Cũng không ai biết duyên phận bắt đầu từ đâu. Chỉ biết khi đất nước cần, người dân Tây Trạch quê tui  sẵn sàng đi theo tiếng gọi của biển đảo thân yêu”, ông Luyện cho biết.

    Ký ức Gạc Ma

    Là người đã từng trực tiếp tham gia trận chiến trên đảo Gạc Ma, anh Lê Văn Đông (xóm Rẫy) nghẹn ngào khi nói về những hy sinh, mất mát của những người con đất Quảng. Sự kiện ngày 13/3/1988 ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mãi mãi là mốc son trong lịch sử dân tộc. Trong trận chiến bi hùng đó, tỉnh Quảng Bình có 13 người hy sinh, 2 người được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trận chiến giữ đảo Gạc Ma được ghi lại trong lịch sử với 64 anh hùng liệt sĩ, Quảng Bình nhiều nhất với 13 người ngã xuống.

    Nhớ lại những ngày đó, giường như anh Đông vẫn chưa hết bàng hoàng vì những sự việc xảy ra với mình. “Năm 1985, tôi nhập ngũ. Ba năm sau, đơn vị chuyển ra làm nhà giàn ở đảo Gạc Ma. Chiều 13/3/1988, cả đơn vị chúng tôi ra đảo, ngủ được 1 đêm, đến sáng ngày 14/3/1988 thì bị tàu Trung Quốc bắn. Lúc đó, tôi vớ được khúc gỗ và cùng 8 người nữa trôi lênh đênh giữa biển. Đến chiều hôm đó, phía Trung Quốc vớt chúng tôi lên tàu, trói vào chân ghế, không cho ăn uống gì. Tàu chạy 3 ngày thì vào đất Trung Quốc.

    Sau đó họ mổ vết thương ở lưng cho tôi rồi giam 9 người mỗi người một phòng. Cứ vài ngày họ lại lôi chúng tôi ra hỏi cung, họ hỏi về gia đình, về đơn vị nơi tôi đóng quân. Nhưng dù họ có hỏi gì chúng tôi đều trả lời không biết. Giam như thế được 1 năm rưỡi thì họ cho chúng tôi gửi thư về nhà, bức thư vỏn vẹn 25 chữ nhưng cũng giúp chúng tôi báo với gia đình là chúng tôi còn sống”.

    Anh vẫn nhớ như in: “Sau 3 năm, 5 tháng, 15 ngày thì chúng tôi được về nước, vợ tôi sinh được con gái đầu lòng. Vì khóc nhiều quá nên đặt tên con là Lệ Thúy. Đứa con trai thứ hai của tôi tên là Lê Quần Đảo, lần đầu tôi còn định đặt cho cháu là Lê Trường Sa”. Miệng anh nói nhưng đôi mắt luôn hướng về phía biển đông, nơi đó anh và đồng đội đã từng kiên cường chiến đấu và ngày hôm nay, đó là ký ức đáng tự hào để thế hệ trẻ noi theo.

    Câu chuyện cảm động về “xã Trường Sa” trên “đất lửa” Quảng Bình

    Di ảnh CCB Gạc Ma Dương Văn Lê đã từng thực hiện nghĩa vụ quân sự hơn 3 năm tại Trường Sa.

    Nói đến trận chiến Gạc Ma, người ta vẫn thường nhắc đến Cựu chiến binh Dương Văn Lê như một minh chứng hùng hồn của lòng quả cảm. Ông Dương Đình Oanh (86 tuổi), bố CCB Dương Văn Lê ngậm ngùi nhìn di ảnh anh Lê rồi nhớ về những ký ức hào hùng mà người con trai đã kể với mình khi anh còn sống: “Tháng 8/1985, khi vừa tròn 19 tuổi, Lê theo tiếng gọi thiêng liêng đến với Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển tổ quốc. Một đêm trước khi lên đường, cả gia đình không ai ngủ được vì háo hức, nhất là Lê. Lê nhập ngũ trở thành chiến sĩ công binh thuộc C8-D3-E68 Hải quân. Thực hiện nghĩa vụ đến hơn 3 năm sau, tháng 10/1988, Lê xuất ngũ trở về nhà”.  Sau khi xuất ngũ trở về, anh lấy vợ rồi sinh con. Năm 2010, căn bệnh ung thư quái đản đã cướp đi sinh mạng của CCB Lê, để lại vợ và 3 đứa con nhỏ.

    Đến với xã Tây Trạch những ngày này, từ người già tới trẻ nhỏ, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng bàn luận về tình hình biển Đông. Anh Đông cũng không dấu nỗi nghẹn ngào và lòng căm phẫn: “Mấy ngày nay đọc báo, xem ti vi, đâu đâu cũng nói về chuyện biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa mà tôi thấy rạo rực trong người. Sức chẳng còn nhiều nhưng chỉ cần đất nước cần là chúng tôi sẵn sàng lên đường nhập ngũ”.

    Ở xã Tây Trạch có rất nhiều người con đang âm thầm chuẩn bị tinh thần cầm súng để bảo vệ biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Bởi Trường Sa, Hoàng Sa không chỉ là máu thịt của dân tộc mà còn là quê hương thứ hai của những người con Tây Trạch.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cau-chuyen-cam-dong-ve-xa-truong-sa-tren-dat-lua-quang-binh-a34696.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tấm lòng người cựu chiến binh với Trường Sa

    Tấm lòng người cựu chiến binh với Trường Sa

    Đại tá Đỗ Hoài Nam (88 tuổi) nguyên Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) đã ủng hộ "Quỹ vì Trường Sa thân yêu" 50 triệu đồng bằng tiền lương hưu tích cóp, tiết kiệm.