+Aa-
    Zalo

    Làng quê náo động vì ươi rừng: Những cung đường săn mua sản vật

    ĐS&PL Chỉ một cung đường dài chừng 20km đã có hàng trăm thương lái tập trung săn mua ươi rừng, khiến cho sản vật quý này nóng hơn bao giờ hết.

    Chỉ một cung đường dài chừng 20km đã có hàng trăm thương lái tập trung săn mua ươi rừng, khiến cho sản vật quý này nóng hơn bao giờ hết.

    Làng quê náo động vì ươi rừng: Những cung đường săn mua sản vật

    Người dân mắc võng tìm ươi trong rừng Sơn Hà (Quảng Ngãi).

    Cuộc ngã giá nhanh

    Mất nhiều giờ thuyết phục, cuối cùng 2 phụ nữ thu gom ươi có tiếng ở xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) là chị Hương (48 tuổi) và chị Quy (28 tuổi), quê gốc ở huyện Sơn Tịnh, mới đồng ý cho chúng tôi đi theo. Gần 14 giờ, 4 chiếc xe máy bắt đầu xuất phát theo Tỉnh lộ 623 về phía Tây khoảng 1km, đến ngã 3 Sơn Tân thì tất cả rẽ vào trục đường liên xã để đến xã Sơn Lập (huyện Sơn Hà) - “thủ phủ” ươi rừng ở tỉnh Quảng Ngãi.

    Khi qua trung tâm Sơn Lập được khoảng 2km, vừa nhìn thấy 4 thanh niên vác bao từ bìa rừng bước ra, chị Quy thắng xe và tấp nhanh vào lề đường. Lời chị Quy: “Ươi hả, bay hay xanh? 4 người mà có 2 bao nhỏ này thôi à, bán bao nhiêu mua cho?”.

    Và chẳng cần chờ số thanh niên này đồng ý hay không, chị Quy thọc tay vào phía trong bao hốt ươi lên kiểm tra. Sau khi xác định là ươi bay (chín rụng( và nhấc lên ước trọng lượng, chị Quy ra giá: Cân gửi chưa lấy, nhưng chỗ ươi này ước chỉ 7 - 8kg/bao. Loại này được nên trả tất cả 2 triệu đồng...

    Thấy số thanh niên kia lắc đầu, chị Quy nói: “2,1 triệu đồng, bán nhanh rồi lấy tiền còn đi nhậu”. Đám thanh niên phớt lờ. “Chốt 2,2 triệu đồng, tao đi là đói đấy”, chị Quy quả quyết. Đám thanh niên bán ươi vẫn không nói gì. Chị Quy nóng mặt, “chốt”: 2,3 triệu đồng - giá cuối cùng, không bán thì chúng mày thế nào cũng gặp kiểm lâm, công an xã, họ “hốt” là mất sạch.

    Không biết do thấy đã được giá, hay vì lời “dọa” mà chỉ sau vài giây chần chừ, 4 thanh niên kia đã gật đầu đồng ý bán. Qua lân la hỏi chuyện, một thanh niên tên Hưng (24 tuổi), ở xã Sơn Tinh cho biết: Số ươi này 4 người đã nhặt lượm gần 4 giờ ở khu vực rừng cách đây hơn 3 giờ đi bộ.

    Còn tại đầu cầu bản nằm cách đó khoảng 1km chị Hương vẫn chờ dân bán ươi. Từ phía xa xuất hiện 3 phụ nữ tiến đến. Chị Hương lên tiếng: “Ươi đâu?”. Dù gật đầu xác nhận, nhưng cả 3 chẳng nói gì ngoài ánh mắt với vẻ sợ sệt nhìn về phía tôi đang ngồi. Chị Hương vội giải thích: “Đó là đứa em, không phải công an hay kiểm lâm đâu”.

    Đến lúc này thì 3 người phụ nữ kia mới cho biết: Do thấy đi cùng người lạ nên sợ và giấu số ươi nhặt được sau tảng đá ở góc cua phía trước. Và cũng như chị Hương, do chưa lấy được cân ở chỗ gửi, nên việc mua bán cũng theo kiểu ước lượng bằng tay và ra giá cho đến khi cả 2 bên thỏa thuận.

    Vào thủ phủ ươi rừng

    Đến khoảng 19h, tại một ngã rẽ ở khu dân cư Nước Rin, cùng với chúng tôi còn có khoảng 10 thương lái khác cũng đến chờ mua. Nhìn số ươi đã thu gom ước chỉ hơn 80kg, chị Hương thở dài: Mấy ngày gần đây người đi mua nhiều quá, nên mới ít như vậy chứ khoảng 2 tuần trước thì chừng này đã thu gom được gần 2 tạ rồi.

    Có lẽ thấy sự tập trung quá đông thương lái, nên một số người quyết định tách đoàn và chạy xe máy sang xã kế bên là Ngọc Tem thuộc tỉnh Kon Tum, cách đó khoảng 15km để gom hàng.

    Nhờ sự giới thiệu của chị Hương, tôi được một thương lái tên Huy, nhà ở trung tâm huyện Sơn Tây chở đi. Không hổ danh là nơi được mệnh danh là trung tâm của thủ phủ ươi, từ lưng chừng đến đỉnh các dãy núi nằm sát bên đường, bằng mắt thường cũng nhận thấy rất rõ vô số cây ươi mọc dày đặc, kéo dài hàng chục km. Trên khoảng 5km của tuyến đường kéo dài từ thôn Đieklo II đến Điektem, cảnh mua bán ươi diễn ra nhộn nhịp gấp nhiều lần so với xã Sơn Lập.

    Theo lời của anh Huy, số thương lái mua ươi mỗi ngày tại đây cũng trên 100 người. Do tình trạng người dân đốn hạ cả cây để lấy quả xanh đem bán, nên gần 3 tuần qua chính quyền địa phương lập 2 trạm kiểm tra túc trực 24/24 giờ để ngăn chặn, hạn chế người từ Quảng Ngãi sang khai thác; đồng thời xử lý rất mạnh tay đối với số thu mua ươi xanh. Vì vậy nhiều người mua sợ không dám qua, chứ không thì đông hơn nữa.

    Sau gần cả giờ lùng sục vào khu dân cư ven đường, anh Huy hớn hở vác bao ươi ra xe, giọng hổn hển: Toàn ươi bay. 14kg này tôi mua 1,5 triệu đồng. Thế nhưng, ngay sau khi vục tay sâu vào kiểm tra lại, anh Huy mới té ngửa khi thấy khá nhiều ươi xanh được người bán trộn sâu dưới phần đáy. “Vì cúp điện, họ lại không cho đổ ra để kiểm tra nên mới bị hố thế này”, anh Huy lắc đầu. Không đủ can đảm để đưa số ươi này vượt trạm, anh Huy đành sang lại cho một thương lái khác, với số tiền 1,45 triệu đồng, lỗ 50.000 đồng.

    Sau gần cả giờ tiếp tục hỏi mua, thế nhưng không quen thuộc địa hình lắm cho nên chúng tôi đành ra về tay không khi đồng hồ trên tay chỉ sang con số 20 giờ. Về phần 2 chị Hương và Quy, số ươi mua được cũng tròm trèm 150kg và tất cả đã được cột gọn gàng trên yên xe. Thế nhưng cả 2 và hàng chục người thu mua khác vẫn chưa muốn ra về. Như biết được thắc mắc của tôi, chị Hương giải thích: Chờ tí thử còn ai về mua thêm ít nữa; đồng thời cũng né được sự kiểm tra của chính quyền địa phương trên tuyến đường liên xã này.

    Đến khuya, khoảng 22h30, hàng chục chiếc xe máy của các thương lái mới bắt đầu lăn bánh trở về nhà, bất chấp màn đêm dày đặc và con đường quanh co ngoằn ngoèo cùng các bao ươi nặng trĩu trên yên xe...

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-que-nao-dong-vi-uoi-rung-nhung-cung-duong-san-mua-san-vat-a39294.html
    Thương lái Trung Quốc lừa người trồng ớt

    Thương lái Trung Quốc lừa người trồng ớt

    Nhiều người trồng ớt ở Đồng Tháp đang điêu đứng vì ớt hạ giá mà vẫn không bán được. Nguyên nhân là do nghe lời thương lái Trung Quốc trồng giống ớt lạ, xong rồi bỏ, không chịu mua…

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Thương lái Trung Quốc lừa người trồng ớt

    Thương lái Trung Quốc lừa người trồng ớt

    Nhiều người trồng ớt ở Đồng Tháp đang điêu đứng vì ớt hạ giá mà vẫn không bán được. Nguyên nhân là do nghe lời thương lái Trung Quốc trồng giống ớt lạ, xong rồi bỏ, không chịu mua…

    Tận diệt rừng ươi vì giá ươi tăng cao

    Tận diệt rừng ươi vì giá ươi tăng cao

    Khắp các cánh rừng ở huyện Khánh Vĩnh, đâu đâu cũng có cây ươi. Năm nay, giá quả ươi cao nên nhiều người mang máy cưa lên rừng hạ cây, tận diệt để hái quả cho nhanh...