Nghệ An: Hàng ngàn hộ dân khu tái định cư mỏi mòn chờ sổ đỏ


Chủ nhật, 22/03/2015 | 06:43


(ĐSPL) - Rời quê hương, nhường đất cho dự án Thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương (Nghệ An) từ năm 2006 nhưng cuộc sống của người dân ở khu TĐC vẫn cơ cực, khó khăn.

(ĐSPL) - Có an cư thì mới lạc nghiệp, nhưng gần chục năm nay, cuộc sống của người dân ở 2 khu tái định cư thuộc xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) vẫn chưa thể ổn định bởi hàng ngày vẫn mòn mỏi đợi được cấp sổ đỏ và thiếu đất sản xuất.

Để phục vụ cho dự án xây dựng thủy điện Bản Vẽ, năm 2006, hơn 2.123 hộ dân thuộc 2 xã Ngọc Lâm và xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương (Nghệ An) được chuyển đến khu tái định cư trên địa bàn để sinh sống. Dù đã được Nhà nước đền bù nhưng việc chuyển về nơi ở mới với quỹ đất hạn chế khiến cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn. Điều đáng nói, sau hơn 9 năm, người dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Chẻo Vương (58 tuổi), trú tại xã Thanh Ngọc, một trong những người đầu tiên đến khu tái định cư chia sẻ: Sống ở đây 9 năm rồi nhưng chúng tôi vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Hồi mới vào khu tái định cư (TĐC) này, cán bộ bảo cứ ở trước rồi làm đường nhựa cho đi, nhưng đến nay đã 9 năm rồi mà chúng tôi có thấy gì đâu. Vấn đề sổ đỏ cũng không được đả động gì hết. Không những thế, hệ thống điện, đường, trường, trạm đến nay cũng chưa thực sự hoàn thiện. Những lời hứa suông của chính quyền khiến chúng tôi rất buồn lòng và vất vả".

Những ngôi nhà bị bỏ hoang không có người sinh sống

Những mong chuyển đến nơi mới, mọi thứ sẽ khởi sắc hơn, vậy nhưng, cuộc sống của người dân vẫn thiếu thốn đủ đường. Hạ tầng giao thông, nước sinh hoạt, đất sản xuất... tất cả đều thiếu. Chính vì vậy, không ít hộ đã rời bỏ khu tái định cư để về quê lập nghiệp. Thậm chí, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... đều không một bóng người.

Ông Choáng Vân Tính (74 tuổi), già làng bản Kim Hồng chia sẻ: “Ở bản có 105 hộ, nhưng nay đã chuyển về quê cũ hơn 70 hộ rồi. 9 năm về khu TĐC, cuộc sống của người dân nơi đây lắm nỗi nhọc nhằn vất vả. Những ngôi nhà hoang này là của những hộ không chịu được nơi này nên phải bỏ về quê cũ.

Trường học đã bỏ hoang từ nhiều năm nay

Hầu hết, các hộ dân ở đây đều chưa được cấp sổ đỏ. Với số đất đền bù ít ỏi của Nhà nước, điều đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của người dân trong việc thay đổi bộ mặt ở khu tái định cư. Ruộng đất không có nên họ chủ yếu đi làm thuê kiếm sống, nhiều gia đình có con cái lớn chút đã phải theo cha mẹ đi làm thuê kiếm tiền, người thì đi bóc keo, người thì đi hái chè, vì nghèo quá không có tiền đóng học phí nên cũng phải bỏ học đi làm thuê…

Ông Nguyễn Văn Minh (67 tuổi), ở xã Ngọc Lâm chia sẻ: “Gia đình tôi có 7 người, chuyển về đây từ năm 2006, nhưng đến nay vẫn chưa có sổ đỏ. Vì vậy, mấy năm qua gia đình thiếu đất canh tác, nhà nước có đầu tư trồng trọt nhưng không có năng suất và hiệu quả. Mọi chi tiêu hàng ngày cả gia đình đều phải phụ thuộc vào mấy đứa con đi làm thuê, còn vợ chồng già tôi già yếu rồi không lao động được. Hôm nào tụi nó đi làm được thì có ăn không thì phải nhịn thôi”.

Ông Phan Đình Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương thừa nhận, hiện tại không hộ dân ở đây còn thiếu đất sản xuất. Còn việc tất cả các hộ dân tái định cư từ thủy điện Bản Vẽ về Thanh Chương chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vì liên quan đến kinh phí.

“Chưa được cấp bìa đỏ vì chưa rõ là tiền sử dụng đất các hộ dân có phải nộp hay không? Huyện đã xin ý kiến và chờ văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Về phía huyện, hiện nay đã xúc tiến đầy đủ về mặt nghiệp vụ chứ không có gì khó khăn, chỉ có chờ ý kiến từ tỉnh là sẽ cấp bìa đỏ cho dân ngay”, ông Hà khẳng định.

Người xưa vẫn thường nói có an cư thì mới lạc nghiệp. Chính vì vậy, để hàng ngàn hộ dân ở khu tái định cư sớm ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất, thiết nghĩ chính quyền cần có những động thái tích cực để người dân sớm có sổ đỏ, chứng minh quyền sở hữu của mình trên mảnh đất mới.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-an-hang-ngan-ho-dan-khu-tai-dinh-cu-moi-mon-cho-so-do-a88198.html