Ngôi đình lưu giữ bằng chứng khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam


Thứ 6, 13/06/2014 | 11:14


(ĐSPL) - Gần 500 năm tuổi, gắn liền việc mở cõi của Chúa Nguyễn về phía Nam, ngôi đình cổ kính ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên- Huế) còn là nơi lưu giữ hơn 200 bản thư tịch cổ. Đặc biệt, trong đó có bản thư tịch bằng chữ Hán - Nôm thời nhà Hậu Lê, khẳng định chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.

(ĐSPL) - Gần 500 năm tuổi, gắn liền việc mở cõi của Chúa Nguyễn về phía Nam, ngôi đình cổ kính ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên- Huế) còn là nơi lưu giữ hơn 200 bản thư tịch cổ. Đặc biệt, trong đó có bản thư tịch bằng chữ Hán - Nôm thời nhà Hậu Lê, khẳng định chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.

Ngôi đình 500 tuổi và 200 bản thư tịch cổ

Ra đời và gắn liền suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc, ngôi đình cổ kính của làng Mỹ Lợi đã mang trong mình những trang sử hào hùng của dân tộc. Gắn liền cùng với lịch sử công cuộc mở cõi nơi đây, ngôi đình cổ đã lưu giữ nhiều dấu tích oai hùng về một thời lịch sử thuộc vùng “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.

Miền Trung - Ngôi đình lưu giữ bằng chứng khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam

Ngôi đình Mỹ Lợi gần 500 tuổi nơi lưu giữ hơn 200 thư tịch cổ

Theo nhiều gia phả của những dòng họ lớn trong làng, cũng như nhiều thư tịch cổ lưu ở đình làng cho biết, làng Mỹ Lợi cách đây khoảng 500 đến 600 năm là một góc biển hoang vắng, rừng bụi âm u. Theo cụ Nguyễn Hào (82 tuổi), Trưởng làng Mỹ Lợi cho biết về công cuộc khai canh của làng: “Lịch sử mở làng bắt đầu từ năm 1558, công đầu tiên của các ngài (người) Lê Văn Dài, Trương Huy Trực, Nguyễn Văn Đẩu, Nguyên Văn Niên, Đỗ Văn Lịch, Sào Huy Túc, Đoàn Văn Hải và Trần Văn Nghĩa (đều quê ở Thanh Hoá), là tám người đầu tiên cùng với Chúa Nguyễn Hoàng vào mở cõi vùng phía Nam và đã lập làng tại đây”. Cũng theo cụ Hào, tám ngài khai canh này đều là những người gốc ở làng Lương Niệm, Quảng Xương (Thanh Hoá) theo Chúa vào đây. Làng Mỹ Lợi ngày xưa còn có tên gọi là Mỹ Toàn, đến đời Thiệu Trị, làng Mỹ Toàn được đổi thành Mỹ Lợi như ngày nay.

Theo đó, ngôi đình đã gắn liền với làng gần 500 năm, đi vào lịch sử làng và được vinh danh qua nhiều thời kỳ, thế hệ. Cũng tại ngôi đình cổ này, ngày xưa Hoàng hậu Từ Cung mẹ Vua Bảo Đại (vợ của Vua Khải Định- PV) đã ban tặng cho đình làng một bức tranh sơn son thép vàng bằng gỗ với dòng chữ “Sáng thuỳ khả kế” và hai bên có ghi: Hoàng Thái Hậu An Định và Bảo Đại thập viên niên. Bên cạnh đó, đình làng Mỹ Lợi cũng đang lưu giữ nhiều bằng khen và giấy khen do Đảng và Nhà Nước phong tặng như: Công nhận di tích lịch sử cấp văn hoá Quốc gia, Huân chương hạng ba, bằng khen có công với đất nước và bằng đạt chuẩn văn hoá …

Miền Trung - Ngôi đình lưu giữ bằng chứng khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam (Hình 2).

Cụ Nguyễn Hào, Trưởng làng Mỹ Lợi trao đổi với PV

Đình làng được xem là biểu tượng của đời sống tâm linh con người Mỹ Lợi, các bô lão và con cháu của làng bảo vệ, trông coi rất nghiêm ngặt, thể hiện qua các nghi thức cúng bái lễ tế. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, với sự linh thiêng của ngôi đình, rất nhiều người dân, con cháu sinh sống trong làng đến nay vẫn chưa một lần bước chân vào chánh điện. Cụ Nguyễn Hải (73 tuổi), nguyên là trưởng làng cho biết: “Trước đó, vào khoảng năm 2008, Bộ quốc phòng, Bộ Công An và Bộ Ngoại giao đã tìm về đình làng để xin đóng phim tài liệu với nội dung liên quan đến thư tịch cổ về Hoàng Sa. Sau vài hôm đóng phim tại đình làng, Ban hộ tự của đình đã đưa hộp đựng thư tịch cổ ra tìm nhưng tìm mãi vẫn không thấy. Một đại diện làng vào thắp hương cúng vái cầu xin, lạ thay, khoảng 3 phút sau, bản thư tịch cổ đã được tìm thấy lẫn lộn trong đó, dưới sự chứng kiến cả đoàn làm phim”. Cũng theo cụ Hải, vào năm 2009, đoàn nghiên cứu của Nhật Bản kết hợp với trường Đại học Khoa học Huế về xin mượn hộp đựng thư tịch cổ nghiên cứu, cũng gặp phải trường hợp như trên.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cùng với sự bào mòn của thời gian, ngôi đình đã phải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1808, 1940, 1993 và gần nhất vào 2010. Hiện tại, trong đình vẫn còn lưu giữ nhiều thư tịch cổ, trong đó có bản thư tịch nói về chủ quyền của Việt Nam nơi quần đảo Hoàng Sa.

Thư tịch cổ Hán - Nôm – bằng chứng lịch sử

Giữa buổi chiều nắng cháy xứ Huế, các bô lão đã đón tiếp chúng tôi một cách thân mật, ấm cúng. Bên ly trà, chúng tôi được nghe những câu chuyện xưa về lịch sử chống giặc giữ làng, giữ nước từ các nhà “nghiên cứu” làng. Với việc “nổi tiếng” là ngôi đình tồn tại xưa nhất, đình làng Mỹ Lợi còn là nơi lưu giữ nhiều thư tịch cổ quý hiếm.

Về vấn đề này, cụ Nguyễn Hào cho biết: “Sau khi đình làng Mỹ Lợi được nhà nước phong tặng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, đoàn nghiên cứu của Bảo tàng Thừa Thiên Huế và Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch đã về phối hợp với các trưởng làng tìm đọc hết 200 văn bản thư tịch cổ. Quá trình đó, họ đã bất ngờ phát hiện thư tịch cổ viết về nội dung chủ quyền Việt Nam nơi đảo Hoàng Sa

Bức thư tịch cổ đặc biệt ấy được viết bằng chữ Hán – Nôm, thuộc thời Hậu Lê dưới thời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 20. Thư tịch viết về “Tuần quan cửa Biện Hải (cửa biển Tư Hiền ngày nay) là Thuận Đức Hầu phê cho phường Mỹ Toàn (nay là Mỹ Lợi) về phường An Bằng (nay là thôn An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang)” với nội dung: “Nguyên Năm Quý Hợi 1743, phường An Bằng, buộc phường Mỹ Toàn đón chiếc thuyền Đội Hoàng Sa của Lái Tín ở chỗ giáp ranh kéo về đến bờ sông. Qua vụ thuế tiết liệu năm Mậu Dần (1758), khoản của thuyền thủ trưởng. Phường An Bằng lại bắt phường Mỹ Toàn cùng chịu mỗi bên đem nộp tại chính điện. Đến nay (1759), phường Mỹ Toàn thúc phường An Bằng cùng phường Mỹ Toàn đem nộp võ tàu nhưng phường An Bằng cố ý không đem nộp võ tàu ấy. Khiến phường Mỹ Toàn bèn trình đơn lên. Vậy, giao cho phường Mỹ Toàn bắt phường An Bằng đền tiền ba quan. Nay phê cho như vậy”. Theo “Văn bản sao dịch quốc ngữ Đội tuần tra đảo Hoàng Sa”, lưu giữ tại đình làng Mỹ Lợi.

Miền Trung - Ngôi đình lưu giữ bằng chứng khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam (Hình 3).

Thư tịch bằng chữ Hán - Nôm viết về chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa được các bô lão photo lại để lưu giữ

Theo như bản thư tịch cổ này, vào thời kì Hậu Lê, đất nước Việt Nam đã có đội quân Hoàng Sa để bảo vệ vùng đất biên cương hải đảo. Về sau, các đời Vua nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng đã cho phát triển đội Hoàng Sa này. Đặc biệt, dưới thời vua Minh mạng đã cho dân ra cắm cờ và sinh sống trên đảo Hoàng Sa. Và ngay sau khi phát hiện được thư tịch quý, các bô lão trong làng cũng như các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Huế đã quyết định gửi lên Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để tặng lại cho Bộ ngoại giao vào ngày 12/12/2009, tiếp tục lưu giữ và tiến hành bảo tồn bức thư tịch quý lâu năm này.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Tô Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ cho biết: “Ngôi đình cổ của làng Mỹ Lợi còn lưu giữ rất nhiều bản thư tịch, thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện có một bản thư tịch cổ Hán -  Nôm viết về chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền và nhân dân địa phương rất vinh dự khi có một tài liệu quý nói về chủ quyền đất nước ở biển đảo Hoàng Sa được lưu giữ tại đình làng Mỹ Lợi”.

Việc phát hiện ra bảng thư tịch cổ trên, một lần nữa khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa do chính cha ông chúng ta đã để lại. Đây được xem là tài liệu quý giá cho chúng ta trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay.

Nhiều châu bản triều Nguyễn được công nhận

Được biết, ngoài hồ sơ Châu bản triều Nguyễn vừa được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới thì hiện ở một số ngôi làng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, vẫn còn lưu giữ các văn bản Hán – Nôm có từ thời vua chúa nhà Nguyễn, liên quan đến vấn đề chủ quyền vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngoi-dinh-luu-giu-bang-chung-khang-dinh-hoang-sa-la-cua-viet-nam-a36810.html