+Aa-
    Zalo

    Sự hy sinh thầm lặng của người mẹ kế tảo tần

    ĐS&PL Tấm lòng thơm thảo của bà Hoài đã xóa đi quan niệm “Mẹ ghẻ con chồng”, để lại sự cảm phục, trân trọng và hãnh diện trong lòng 6 người con đã được bà nuôi dưỡng 17 năm.

    “Mẹ lấy bố tôi khi ông đã có 6 người con riêng. Từ nhỏ, 6 anh chị em chúng tôi ốm yếu liên miên. Thương con chồng, 17 năm qua chính mẹ đã bất chấp tất cả chạy vạy lo thuốc thang chữa bệnh, rồi  chăm lo cho chúng tôi bước vào giảng đường đại học và thành đạt. Chính tấm lòng thơm thảo của mẹ đã xóa đi quan niệm “mẹ ghẻ con chồng”, để lại sự cảm phục trân trọng và hãnh diện trong lòng 6 chị em chúng tôi" - Đó là những lời tâm sự từ đáy lòng của những đứa con riêng của chồng dành cho chị.

    Người phụ nữ giàu đức hi sinh đó là chị Nguyễn Thị Hoài (SN 1943), trú tại xóm chợ, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

    Sự hy sinh thầm lặng của người mẹ kế tảo tần

    Chân dung người mẹ kế hết lòng với chồng con.

    Hạnh phúc “rổ rá cạp lại”

    Nếu không trực tiếp gặp và nói chuyện với người phụ nữ này, có lẽ tôi chưa thể cảm nhận được hết sự hi sinh, lòng nhân hậu cũng như tình yêu thương mà bà dành cho những đứa con riêng của chồng. Trong ngôi nhà nhỏ nằm ngay mặt đường dẫn vào xóm chợ, chị Hoài nhoẻn nụ cười hiền rạng rỡ với khách rồi bắt đầu bộc bạch về cuộc đời của mình.

    Hoàng Thị Hoài từng là cô thanh niên xung phong xinh đẹp, dịu dàng có tiếng ở miền quê nghèo Nghi Lộc. Với vẻ đẹp nết na, cộng với sự khéo léo, dễ mến Hoài là mẫu người được nhiều trai làng đem lòng yêu thương. Trong số đó, trái tim cô gái chỉ rung động với chàng trai trạc tuổi, ở ngay sát nhà mình. Sau thời gian tìm hiểu, đám cưới của đôi trai tài, gái sắc diễn ra khiến làng quê nghèo xôn xao một thời. Ngày cưới, Hoài hãnh diện với đám bạn cũng như bà con lối xóm khi có được người chồng hết mực yêu thương mình.

    Thế nhưng, ông trời lại khéo đùa, khi chỉ 4 năm sau ngày cưới, người chồng đã ra đi sau một trận ốm nặng, bỏ lại bà với nỗi đau vò võ chưa được làm mẹ. Có lẽ, những năm tháng ở chiến trường khi đi dân công hỏa tuyến đã cướp mất của bà cái quyền thiêng liêng ấy. Vừa phải gánh chịu nỗi đau mất chồng, vừa phải nghe những lời bàn tán, đặt điều của dư luận lúc bấy giờ khiến bà càng thêm đau khổ. Thế nhưng, người phụ nữ kiên cường ấy vẫn lặng lẽ đón nhận sự mất mát đó như một định mệnh và lầm lũi với cuộc đời mình trong cô đơn. Cho đến ngày, bà gặp ông Nguyễn Văn Chương, định mệnh lại một lần nữa cho bà cơ hội tìm lại hạnh phúc.

    Cùng chung nỗi đau khi hạnh phúc dở dang, ông bà tìm đến nhau như sự sắp đặt của số phận. Ông Nguyễn Văn Chương (SN 1939) lớn lên ở xóm 15B, xã Nghi Kiều đã một lần kết hôn và có tới tận 6 người con. Khi con cái chưa kịp trưởng thành, người vợ bỏ ông đi vì một căn bệnh hiểm nghèo. Oằn mình với nỗi mất mát để gánh vác gia đình với 6 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn dường như là một cú sốc tinh thần quá lớn đối với một người đàn ông. Dù thương con nhưng một mình ông chẳng thể nào bù đắp cho các con tình yêu thương của mẹ.

    Trong ngôi nhà nhỏ, 7 con người sinh sống nhưng họ vẫn luôn thiếu hơi ấm vì không có bàn tay phụ nữ. Thế nhưng, đối với người đàn ông này, chưa một lần ông than vãn, hay buông xuôi, bởi ông hiểu nếu làm như vậy các con sẽ buồn, nhưng hơn hết, người vợ nơi chín suối cũng không yên lòng. Cứ thế suốt thời gian dài, ông vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa là trụ cột gánh vác cả gia đình với 7 miệng ăn khi các con đang con tuổi ăn, tuổi học.

    Cùng là người trong xã, nên ông bà biết hoàn cảnh của nhau, tìm đến nhau bầu bạn, sẻ chia những khó khăn. Để rồi từ những đồng cảm, sẻ chia ấy, họ gắn bó với nhau với “lương duyên tình muộn”. Nhưng ít ai biết được rằng, để đến được bên nhau, họ phải vượt qua rất nhiều định kiến xã hội. “Khi biết tôi quyết định gắn bó cuộc đời còn lại của mình với ông ấy, nhiều người trong họ hàng đã lên tiếng phản đối. Có người còn nói “mình có tuổi rồi không nên lao vào chỗ ấy làm gì cho khổ, thà ở vậy nuôi bản thân còn hơn”. Nhưng tôi hiểu những gì mình đang làm, cũng như những khó khăn mà tôi sẽ gặp phải trong cuộc hôn nhân sắp tới”, chị Hoài tâm sự.

    Vào năm 1997, một bữa cơm thân mật được diễn ra coi như tiệc đám cưới của đôi vợ chồng đặc biệt xôn xao làng quê nghèo. Ngày đó, dù không được khoác trên mình chiếc áo cưới, không được cầm trên tay bó hoa tươi, nhưng bà vẫn thấy sao thật hạnh phúc bên người chồng mới của mình. Đối với người phụ nữ này, dù đây chỉ là hạnh phúc “rổ rá cạp lại” nhưng bà vẫn cảm thấy tròn đầy, viên mãn. Trong suy nghĩ của bà, được làm vợ ông, được làm mẹ của các con ông để xây đắp hạnh phúc là niềm hạnh phúc quá lớn rồi.

    Sự hy sinh thầm lặng của người mẹ kế tảo tần

    Dù đến với nhau từ hai sự đổ vỡ, nhưng tình yêu vẫn luôn nồng cháy trong ông bà.

    Người mẹ kế đầy lòng nhân ái

    Bà bước vào cuộc đời ông từ ngày đó, các con ông chưa thực sự trưởng thành nhưng dường như đứa nào cũng hiểu những nỗi cơ cực của bố khi thiếu vắng mẹ nên chấp nhận bà Hoài. Điều đó giúp tâm hồn người phụ nữ này được an ủi phần nào. Nhưng cũng không ít lần bà cảm thấy tủi thân khi nghe những câu nói không hay từ những người ác ý, đặc biệt là hai từ dì ghẻ. Dù vậy, bà vẫn chấp nhận, quyết dồn hết sức mình chăm sóc cho gia đình mới.

    Cuộc đời đôi lúc nghiệt ngã, nhưng hình như chẳng cho không, lấy không của ai cái gì bao giờ. Điều đó xem ra hợp với người phụ nữ này. Bà Hoài không sinh được con, nhưng giờ bà lại làm mẹ của 6 đứa con ngoan hiền. Mới đầu về làm mẹ, bà Hoài bỡ ngỡ lắm. 6 đứa con của chồng suốt ngày đau ốm và nheo nhóc bà thấy thương lắm. Bà coi chúng như những đứa con của mình, suốt ngày quần quật lo thuốc thang cho mấy đứa con.

    Kết hôn với nhau được 17 năm thì tròn 16 năm bà tần tảo nuôi con chồng ăn học. Bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm của mình, bà Hoài đã không ngại vất vả, chẳng quản gió mưa, vẫn sớm hôm cần mẫn làm việc, tận tụy nuôi các con khôn lớn. Hơn ai hết, với trái tim nhân hậu, bà Hoài thấu hiểu sự thiếu thốn tình thương của những đứa con sớm mồ côi mẹ. Cuộc sống gia đình khó khăn, trong khi sức khỏe ông Chương thì ngày một yếu đi. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đè lên đôi vai gầy gò của người phụ nữ nhỏ nhắn ấy. Bà làm việc quần quật chỉ để có tiền cho các con ăn học. Tăng gia sản xuất gần một mẫu ruộng, chăm sóc hai sào vườn bằng việc trồng rau và hoa màu cùng với các loại cây ăn quả. Bên cạnh đó, bà còn nuôi gia súc, gia cầm để kiếm thêm thu nhập. Đêm về, bà phải tranh thủ tuốt lúa, dọn nhà cửa và sửa soạn công việc cho ngày hôm sau. Chỉ đến khi đêm đã về khuya bà mới ngã lưng nằm nghĩ.

    Chứng kiến sự tận tụy của bà, nhiều người từ thái độ dò xét quay sang cảm phục, yêu mến. Bà cũng không hề trách móc, hay kêu than mà chỉ mỉm cười, vì cuối cùng họ cũng hiểu thấu suy nghĩ của mình. Cứ quần quật, tất bật như thế chỉ để không đứa nào phải dở dang nghiệp bút nghiên. Cùng với sự giúp đỡ của chồng, kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện. Bù lại những giọt mồ hôi của hai vợ chồng, là niềm vui khi các con “no chữ”. 

    Sự hy sinh thầm lặng của người mẹ kế tảo tần

    Giờ đây, niềm hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng ông Chương, bà Hoài là nhìn con cháu khôn lớn.

    Những người con của ông Chương đều được ăn học đàng hoàng và giờ đây đều đã thành đạt. 6 người con đều trưởng thành từ giảng đường đại học, từ bàn tay tảo tần của mẹ kế. Giờ đây, họ đều đã ra trường, có gia đình riêng hạnh phúc và một cuộc sống ổn định nhưng chẳng bao giờ họ quên công ơn nuôi dưỡng của dì Hoài. Công sinh không bằng công dưỡng, ai cũng hiểu điều đó, nên họ thương yêu và kính trọng bà Hoài như chính mẹ ruột của mình. “Tuy mẹ không có công sinh chúng con, nhưng công nuôi dưỡng của mẹ, tôi luôn khắc nhớ trong tim. Dù không nói ra điều đó nhưng tim tôi luôn ghi nhớ công ơn của mẹ”, người con trai Nguyễn Văn Vinh nặng lòng với người mẹ thứ hai của mình.

    Trong cái làng này, ai mà chả biết những việc làm của bà Hoài. Không những tần tảo, chịu khó, chị còn sống rất tốt với bà con hàng xóm. Chị ấy đúng là người phụ nữ đầy lòng nhân hậu. Bà con chúng tôi quý vợ chồng bà Hoài lắm”, bà Đinh Thị Mến, người hàng xóm đã dành những lời ưu ái về người phụ nữ đặc biệt trong làng.

    Hiện nay, dù ở xa nhưng ngày ngày, những người con của ông Chương vẫn thường xuyên gọi điện về thăm hỏi bố và dì. Có lẽ đó là món quà lớn nhất cho những cố gắng, những nỗ lực của bà Hoài. Ngồi cạnh chồng, cùng đứa cháu nội ngoan ngoãn, bà cười hiền không giấu nổi tự hào: “Trời ở công bằng lắm, mình cố gắng thì sẽ chẳng ai phụ mình. Cứ lạc quan, cứ vui vẻ, cứ chấp nhận cuộc sống rồi mọi chuyện cũng sẽ qua. Giờ tôi hài lòng với những gì mình đang có. Có lẽ chúng tôi có duyên nợ với nhau từ kiếp trước”. Bà nói rồi nở nụ cười hiền với người bạn đời của mình. Hạnh phúc của họ thật giản dị, nhưng cao quý biết bao.

    Hà Hằng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-hy-sinh-tham-lang-cua-nguoi-me-ke-tao-tan-a28859.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Chồng lặn lội... tìm con riêng của vợ

    Chồng lặn lội... tìm con riêng của vợ

    Một câu chuyện về tình yêu, về lòng vị tha lay động lòng người... Tình yêu là thứ kết nối họ gần nhau để từ đó thấu hiểu và cảm thông với nhau nhiều hơn...

    Đắng cảnh mẹ già nuôi con tâm thần trong cũi sắt

    Đắng cảnh mẹ già nuôi con tâm thần trong cũi sắt

    (ĐS&PL) - Trước ngôi nhà rách nát không có một vật dụng gì đáng giá, người mẹ già ngồi rúm ró, khuôn mặt đờ đẫn bên khung cũi sắt nhốt con, khiến nhiều người không cầm được nước mắt cho những số phận hẩm hiu cô quạnh, đầy rẫy những đau thương vất vả ấy.