“Thuyền là nhà, biển cả là quê hương!”


Thứ 7, 24/05/2014 | 00:58


“Ngư dân chúng tôi vẫn nói với nhau rằng: “Thuyền là nhà, biển cả là quê hương!”. Khi ra khơi chúng tôi rất đoàn kết, xem nhau như anh em một nhà…”.

“Ngư dân chúng tôi vẫn nói với nhau rằng: “Thuyền là nhà, biển cả là quê hương!” để thể hiện tình yêu biển đảo của mình. Khi ra khơi, chúng tôi rất đoàn kết, xem nhau như anh em một nhà…”.

 “Thuyền là nhà, biển cả là quê hương!”

Khánh Hòa có khoảng 500 tàu cá đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Khát khao được trở lại Hoàng Sa!

Bình minh trên vùng biển Thủy Đầm vừa tan, bà con ngư dân ở phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) hối hả nhổ neo, bốc phí tổn, nhiên liệu… để kịp vươn khơi ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt. Ở trên bờ, như mọi hôm, người ta vẫn thấy hình ảnh một người đàn ông tóc muối tiêu, dáng người thấp đậm, da dẻ cháy nắng với đôi mắt sâu hoắm nhìn về phía biển.

Ông chính là ngư dân Phan Quang, một người dân địa phương từng bị tàu Trung Quốc truy đuổi kinh hoàng và bị lấy hết tài sản, ngư cụ… trên vùng biển Hoàng Sa cách đây ít tháng.

 “Thuyền là nhà, biển cả là quê hương!”
PV trao đổi với ngư dân Phan Quang (ông Quang mặc áo lót trắng, thứ 2 bìa phải).

Đó là chuyến biển vào hồi tháng 2 năm nay, tàu cá mang số hiệu KH-90746-TS do ông Quang làm chủ đã bị tàu Trung Quốc áp sát rồi ngang nhiên cướp 2 máy bộ đàm, 1 máy định vị, 4 bộc câu cá nhám, 8 điện thoại di động, 7 bộ vi cá nhám cùng sổ đăng kiểm, bằng thuyền trưởng… khi đang trú gió ở bãi cạn Bông Bay (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Những tưởng sau tai nạn này, ông Quang sẽ sớm vay mượn và cùng với sự hỗ trợ của các ban ngành để sắm lại ngư cụ, tài sản để tiếp tục vươn khơi đánh bắt nhưng đến nay vẫn chưa làm được.

Lý do một phần bởi số tài sản bị thiệt hại lên đến hơn 200 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ với một ngư dân như ông, trong khi mức hỗ trợ từ các tổ chức nghề nghiệp và chính quyền địa phương thì có hạn, theo cơ chế đã được mặc định và phần nhiều mang tính chất động viên.

Tàu cá thiếu ngư cụ đánh bắt, lâu ngày không ra khơi, kéo theo hệ lụy là bạn thuyền buộc phải bỏ chủ, chuyển sang lao động cho các phương tiện, tàu cá khác để tìm “kế sinh nhai”, hoặc số khác tự sắm phương tiện đánh bắt gần bờ để mưu sinh. “Tàu không đi biển vì không có ngư cụ, mấy anh em bạn thuyền của tôi họ tự sắm các thúng chai để đi câu cá đổng ở trong bờ, sáng đi chiều về mỗi ngày cũng kiếm được năm đến bảy chục ngàn”, ông Quang kể.

Trước tình hình Biển Đông “dậy sóng”, các tàu cá khác tại địa phương nườm nượp vươn khơi để bảo vệ chủ quyền, bản thân ông Quang cũng rất muốn sớm được vươn khơi để góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nhưng giờ đây ông như “lực bất tòng tâm”.

“Tôi rất nhớ biển ghê lắm! Nhớ Hoàng Sa ghê lắm! Đã 3 tháng rồi không đi biển thì làm sao mà không nhớ? Trong thôn, tàu bè họ đi biển sạch bóng, chỉ còn mỗi tàu của tôi là ở nhà. Vươn khơi bám biển vừa để làm ăn vừa để giữ gìn thềm lục địa, biển đảo của mình chứ. Đó là trách nhiệm của ngư dân chúng tôi mà!”, ông Quang xúc động sau 3 tháng chưa trở lại Hoàng Sa.

“Thuyền là nhà, biển cả là quê hương!”

Trưa 23/5, tại cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang), tàu cá KH-91054-TS do ngư dân Nguyễn Thiện (phường Vĩnh Phước, Nha Trang) làm thuyền trưởng đã nhổ neo vươn khơi đánh bắt. Đây là chuyến biển thứ 2 trong tháng 5 này của anh Thiện với ngư trường đánh bắt truyền thống là Trường Sa và Nhà giàn DK1.

 “Thuyền là nhà, biển cả là quê hương!”

Ngư dân Nguyễn Thiện:“Thuyền là nhà, biển cả là quê hương!”.

Ngư dân Nguyễn Thiện cho biết, tàu cá của anh hành nghề lưới cản, chuyến cập bờ tối qua (22/5) đã đánh bắt được 3 tấn cá ngừ sọc dưa, cá nạng, cá cờ… nhưng do giá cá nhập cảng thấp, nhiên liệu cao nên chỉ đủ chi phí. “Đánh bắt trên biển đã cực, nhưng hiện nay sản lượng đánh bắt rất thấp, trong khi giá cá nhập cảng ngày càng hạ, giá nhiên liệu ngày càng tăng nên ngư dân rất khó khăn. Do vậy ngư dân chúng tôi mong muốn được ổn định đầu ra cho sản phẩm để yên tâm bám biển”, anh Thiện nói.

Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, anh Thiện cho rằng, lúc này ngư dân cần phải kiên quyết bám biển, giữ vững ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo nhằm thể hiện tình yêu Tổ quốc.

“Ngư dân chúng tôi vẫn nói với nhau: “Thuyền là nhà, biển cả là quê hương!” để thể hiện tình yêu biển đảo của mình. Khi ra khơi cũng có nghĩa là đối mặt với nhiều khó khăn, hiểm nguy, cho nên chúng tôi rất đoàn kết, xem nhau như anh em một nhà để cùng nhau lao động, đánh bắt giữ vững ngư trường”, ngư dân Thiện nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đẩu, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa cho biết, hiện trên địa bàn có hơn 9.800 phương tiện đánh bắt, trong đó phương tiện đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa và Nhà giàn DK1 là khoảng 500 tàu cá. Những tàu đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa đều đảm bảo các điều kiện về thông tin liên lạc, trang thiết bị để cùng với nhau bảo vệ trong vùng khai thác.

Ông Đẩu cũng cho biết, hiện nay ở Khánh Hòa có 165 tổ đội đánh bắt, với khoảng 700 tàu cá. Nhưng hiện Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa đang có phương án thành lập số tổ đội đông hơn (từ 8 đến 10 tàu cá/tổ) và bầu chọn tổ trưởng, tổ phó… để ngư dân có thể hỗ trợ cho nhau nhằm bám biển lâu dài, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuyen-la-nha-bien-ca-la-que-huong-a34131.html