"Tiếng kẻng an ninh" giữ bình yên thôn xóm


Thứ 6, 18/07/2014 | 09:27


Từ mô hình của một thôn, giờ đây “tiếng kẻng an ninh” đang được tỉnh Lâm Đồng nhân rộng đến các địa phương.

Từ  mô hình của một thôn, giờ đây “tiếng kẻng an ninh” đang được tỉnh Lâm Đồng nhân rộng đến các địa phương.

Trước tình hình an ninh trật tự diễn ra khá phức tạp trên địa bàn thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) như trộm cắp tài sản, một số côn đồ mang theo hung khí ngang nhiên đe dọa người dân, ném vỡ cửa kính, chặt phá cà phê và đánh nhau…, từ tháng 8/2012, các cựu chiến binh của thôn đã sử dụng “tiếng kẻng” để báo động và gọi nhau trấn áp tội phạm.

'Tiếng kẻng an ninh' giữ bình yên thôn xóm
“Tiếng kẻng an ninh” ở thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng. Ảnh: L.V

Cựu chiến binh Trần Văn Đấu (61 tuổi), Tổ trưởng an ninh thôn Thanh Bình 3 cho biết, “tiếng kẻng” rất hiệu nghiệm, mỗi khi nghe kẻng là bà con trong thôn tức tốc kéo đến khiến kẻ trộm cà phê, hoặc những thanh niên quậy phá phải chùn tay. “Tiếng kẻng an ninh” đã giúp giải quyết nhiều vụ việc gây rối trật tự công cộng, đem lại bình yên cho thôn xóm. Từ đó, Ban nhân dân thôn Thanh Bình 3 đã  xây dựng quy chế hoạt động, thành lập tổ tự quản của mô hình “tiếng kẻng an ninh”. Ban công an xã đã tổ chức tập huấn cho các tổ tự quản và những nhà treo kẻng, cách thức đánh kẻng khi có sự việc xảy ra.

Đến nay, xã Bình Thạnh đã có 54 chiếc kẻng. Khi có tiếng kẻng, toàn bộ tổ tự quản có mặt ngay tại khu vực có vụ việc xảy ra, cùng nhân dân tại địa điểm báo động tập trung đông đủ để kịp thời ứng phó; khi phát hiện vụ việc phức tạp, lập tức báo cho lực lượng công an đến giải quyết.

Ông Lâm Quang Hoạch (61 tuổi, thôn Thanh Bình 3) kể, tháng 2/2014, khi phát hiện nhà bà Nguyễn Thị Khiếu phát hỏa, ông đã gõ kẻng báo động liên tục, chỉ ít phút sau, người dân trong thôn và các thôn lân cận kéo đến cùng nhau dập lửa, trong thời gian ngắn, ngọn lửa đã sớm được dập  tắt, tránh lây lan ra các hộ xung quanh.

Tháng 9/2013, huyện Đức Trọng nhân rộng mô hình “tiếng kẻng an ninh” khắp các xã, thị trấn trong huyện. Ông Phạm Thanh Quan, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tội phạm và phòng chống AIDS huyện Đức Trọng, cho biết: Đến nay, có 15/15 xã, thị trấn của huyện đưa mô hình “tiếng kẻng an ninh” vào hoạt động tại 37 thôn, tổ dân phố, với 233 người trực tổ kẻng và 431 người tham gia tổ tuần tra. Ông Quan thông tin thêm, mô hình “tiếng kẻng an ninh” phù hợp với địa bàn Đức Trọng, từ khi triển khai đến nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện tương đối ổn định, số vụ trộm cắp và gây rối trật tự công cộng giảm rõ rệt, không còn tình trạng thanh thiếu niên tụ tập uống rượu, đua xe…

Mới đây, công an các huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng đã đến huyện Đức Trọng nghiên cứu, học tập mô hình “tiếng kẻng an ninh”. Đại tá Trần Đình Thư, Phó giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, nhận xét: “Mô hình “tiếng kẻng an ninh” góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn huyện Đức Trọng. Tùy theo tình hình mỗi địa phương, nếu thấy phù hợp chúng tôi khuyến khích nhân rộng mô hình này trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh”.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tieng-keng-an-ninh-giu-binh-yen-thon-xom-a41705.html