+Aa-
    Zalo

    Dịch COVID-19 ngày 2/11: Một mùa đông u ám ở châu Âu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu đang chuyển biến xấu, khi khu vực này một lần nữa trở thành "điểm nóng" của thế giới.

    Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu đang chuyển biến xấu, khi khu vực này một lần nữa trở thành "điểm nóng" của thế giới.

    Theo dữ liệu thời gian thực trên trang worldometers, tính đến 10h ngày 2/11 (giờ Việt Nam), đã có 46.804.614 ca nhiễm và 1.205.044 trường hợp tử vong do đại dịch COVID-19 được ghi nhận trên toàn cầu, tăng lần lượt 436.707 và 5.300 ca so với cùng thời điểm ngày hôm trước.

    Người đứng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây đã thông báo trên Twitter rằng ông đang tự cách ly sau khi tiếp xúc với người dương tính với virus SARS-CoV-2.

    "Tôi vẫn khỏe và không có triệu chứng gì. Tôi sẽ tự cách ly trong vài ngày tới theo quy định của WHO và làm việc tại nhà", ông Tedros cho hay.

    Mùa đông năm nay ở châu Âu càng thêm lạnh lẽo, u ám khi các nước buộc phải tái áp đặt phong tỏa nhằm ngăn chặn sự bùng phát mạnh mẽ của dịch COVID-19. Ảnh minh họa

    Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu đang chuyển biến xấu, khi khu vực này một lần nữa trở thành "điểm nóng" của thế giới với hơn 10 triệu ca nhiễm và hơn 266.000 ca tử vong.

    Hàng loạt quốc gia ở châu Âu đã buộc phải tái áp đặt lệnh phong tỏa cũng như các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn đại dịch lây lan, nhất là khi châu Âu đang bước vào mùa đông lạnh giá. Theo các kết quả nghiên cứu khoa học được công bố trước đó, virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu hơn trong môi trường nhiệt độ thấp.

    Pháp là quốc gia châu Âu ghi nhận nhiều ca nhiễm mới COVID-19 nhất trong 24 giờ qua, với 46.290 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.413.915. Trong khi đó, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này là 37.019, tăng 231 ca.

    Pháp vẫn cho phép các nhà máy và một số dịch vụ công hoạt động để giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Học sinh bậc tiểu học và trung học vẫn tiếp tục đến trường nhưng buộc phải đeo khẩu trang. Riêng các trường đại học đang là điểm nóng dịch bệnh, sẽ chuyển sang hình thức dạy trực tuyến.

    Anh ghi nhận thêm 23.254 ca nhiễm và 162 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt 1.034.914 và 46.717 ca.

    Anh là một trong những quốc gia tổng số người chết vì COVID-19 cao nhất châu Âu. Nhiều cáo buộc cho rằng sự trì hoãn và không hành động quyết liệt của chính phủ có thể bị trả giá bằng nhiều mạng sống trên khắp nước này.

    Thủ tướng Boris Johnson hôm 31/10 đã công bố các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc từ ngày 5/11 đến 2/12. các nhà hàng, quán bar và các cửa hàng không thiết yếu đều bị đóng cửa, dù các trường học vẫn mở. Người dân chỉ được phép rời khỏi nhà vì những lý do cụ thể như không thể làm việc tại nhà, đi mua đồ thực phẩm thiết yếu, đi kiểm tra y tế theo lịch hẹn hoặc chăm sóc người dễ bị tổn thương.

    Dù số ca nhiễm vẫn thấp hơn nhiều nước khác trong khu vực, nhưng Thụy Sĩ đang chứng kiến đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất châu Âu với 154.251 ca nhiễm và 2.298 ca tử vong được ghi nhận.

    Điều này buộc Chính phủ Thụy Sĩ công bố loạt biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn đại dịch, trong đó có yêu cầu đeo khẩu trang. Tuy nhiên điều này lại khiến người dân xuống đường biểu tình phản đối, trong khi các nhân viên y tế nước này cũng yêu cầu điều kiện làm việc tốt hơn.

    Đức, một trong những quốc gia xử lý tình hình dịch bệnh tốt nhất châu Âu, bất ngờ chứng kiến các ca nhiễm mới tăng vọt trong những tuần gần đây. Nước này hiện ghi nhận tổng cộng 531.790 ca nhiễm và 10.583 ca tử vong, tăng lần lượt 14.070 và 60 so với một ngày trước đó.

    Các quán bar, quán cà phê, nhà hàng, nhà hát và rạp chiếu phim phải đóng cửa. Người Đức không bị giới hạn trong nhà, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết.

    Cũng như châu Âu, Mỹ cũng chứng kiến đà tăng mạnh trở lại của số ca nhiễm COVID-19. Hiện quốc gia này vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, với 9.402.590 ca nhiễm và 236.072 ca tử vong, tăng lần lượt 86.293 và 914 ca sau 24 giờ.

    Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 46.715 ca nhiễm và 468 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì COVID-19 lên lần lượt 8.182.881 và 122.149.

    Người Brazil biểu tình, phản đối tiêm bắt buộc vaccine COVID-19 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

    Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 16.077 ca nhiễm và 340 người tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 5.535.605 và 159.902 ca.

    Hơn trăm người Brazil diễn hành ở đại lộ thương mại chính ở Sao Paulo hôm 1/11, nhằm phản đối Thống đốc bang João Doria sau khi ông bày tỏ ủng hộ đối với việc tiêm chủng bắt buộc loại vaccine COVID-19 do công ty Sinovac SVA.O của Trung Quốc phát triển.

    Tại Sao Paulo, vaccine do Sinovac SVA.O của Trung Quốc phát triển đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba với sự hỗ trợ của chính quyền bang, và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Thống đốc bang João Doria.

    Iran vừa trải qua một ngày đen tối khi số ca tử vong vì COVID-19 trong vòng 24 giờ qua lên tới 434 người, mức cao kỷ lục trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Tổng số người thiệt mạng tại Iran hiện là 35.298 người. Tổng số ca nhiễm là 620.491 người, tăng 7.719 trường hợp so với một ngày trước đó.

    Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 410.088 ca nhiễm, tăng 3.143 so với cùng thời điểm ngày hôm trước, trong đó 13.869 người chết, tăng 87 ca.

    Hoa Vũ (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dich-covid-19-ngay-211-mot-mua-dong-u-am-o-chau-au-a344671.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan