+Aa-
    Zalo

    Điểm cao nhưng vẫn hoang mang lo trượt đại học

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Thí sinh đạt 21-24 điểm trong kỳ thi đại học 2015 cũng chưa chắc chắn mình có đỗ đại học hay không khi nộp hồ sơ xét tuyển vào các ngành của trường top trên...

    (ĐSPL) – Thí sinh đạt 21-24 điểm trong kỳ thi đại học 2015 cũng chưa chắc chắn mình có đỗ đại học hay không khi nộp hồ sơ xét tuyển vào các ngành của trường đại học top trên..

    Thông tin trên báo Vnexpress, phòng đào tạo Đại học Y dược TP HCM ngày 8/8 có đông thí sinh đến nộp và rút hồ sơ. Trong đó không ít người chỉ đến nghiên cứu tình hình trước khi đưa ra quyết định có hay không rút hồ sơ.

    Một em học sinh nữ tên Ngọc ngồi hàng ghế cuối cho biết rất quyết tâm vào ngành Y đa khoa nên đã đầu tư ôn luyện khối B nhiều năm nay. Kỳ thi vừa rồi được 27 điểm nên em rất tự tin nộp hồ sơ vào ngành này bởi điểm chuẩn năm 2013 là 27, còn năm ngoái là 26. "Lúc biết điểm cả gia đình em vui lắm, dù không có điểm ưu tiên nhưng em rất hy vọng", Ngọc nói.

    Tuy nhiên, đến ngày 3/8 nữ sinh bắt đầu lo lắng khi lượng hồ sơ vào ngành Y đa khoa với điểm số cao tăng rất nhiều, thứ hạng của Ngọc trên bảng danh sách vì thế tụt dần.

    Đến tối 6/8, Ngọc không khỏi hoang mang khi chỉ tiêu của ngành chỉ 400 mà vị trí thứ hạng của cô đã nằm ngoài con số này. Ngọc đã khóc suốt đêm khi vị trí của em ngày càng tụt xuống.

    Vì thế, em đã đến để rút hồ sơ để nộp vào Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tuy nhiên, khi đến nơi thấy một số người cũng rút hồ sơ, em lại chần chừ vì hy vọng đông người rút vị trí của em sẽ được đẩy lên. Em đang ở rất gần với con số chỉ tiêu 400.

    Một thí sinh khác nộp hồ sơ dự tuyển vào ngành Sư phạm Toán học (khối A) Đại học Sư phạm (Hà Nội) cho biết: “Năm nay em được 23 điểm, so với điểm chuẩn năm ngoái vào ngành này, em hơn 0,5 điểm. Tuy nhiên, em rất lo lắng chẳng biết có cơ may đỗ hay không. Theo tư vấn của bộ phận tuyển sinh, thì em hoàn toàn yên tâm với số điểm này vì cơ hội trúng tuyển rất cao. Nói yên tâm nhưng em vẫn rất bồn chồn vì chẳng có căn cứ nào nói em sẽ đỗ cả”.

    Dù là ngày cuối tuần nhưng nhiều thí sinh vẫn đến Đại học Y dược TP HCM để nộp và rút hồ sơ. Ảnh: Vnexpess.

    Một trường hợp khác tờ VOV cho hay, bố con một thí sinh từ Thanh Hóa ra Hà Nội trong một ngày mưa lướt thướt, người bố chia sẻ: “Cháu được 24 điểm, nộp hồ sơ vào ĐH Kinh tế Quốc dân. Trường hướng dẫn đăng ký qua mạng nhưng vẫn phải đến ký; còn nộp qua bưu điện thì không yên tâm, sợ thất lạc. Thế là 2 bố con bắt xe ra Hà Nội từ sáng sớm để con gái nộp hồ sơ, xong lại bắt xe về. Nộp hồ sơ vào đây, các thầy nói nếu xem qua mạng thấy cháu có nguy cơ trượt thì tôi lại phải đưa ra cháu ra Hà Nội lần nữa để rút hồ sơ, rồi lại chạy sang trường khác để nộp.

    Tại ĐH Kinh tế Quốc dân, những ngày đầu có rất nhiều thí sinh đến chủ yếu để nghe ngóng tình hình, xin được tư vấn để chọn ngành phù hợp. Linh Nga, một thí sinh ở quận Hai Bà Trưng cho biết, em được 24 điểm khối A nhưng chưa biết nên chọn ngành nào, vì căn cứ với số điểm năm ngoái, ngành Kinh tế Quốc tế hay Quản trị kinh doanh đều có mức điểm “same same” như vậy.

    Em nghe các thầy nói dự kiến ngành hot của trường năm nay điểm sẽ cao hơn năm ngoái, nên em cần phải suy nghĩ thêm”, thí sinh này nói.

    Cùng nỗi lo này nên dù cuối tuần, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn cũng có khá nhiều thí sinh tới rút hồ sơ. Một số khác thì mang hồ sơ tới trường nhưng chưa dám nộp vì thấy phổ điểm hiện tại đã cao hơn điểm mình có.

    Quyết định rút hồ sơ, thí sinh Nguyễn Hoàng Thanh Duyên (quận Bình Thạnh) cho biết thi khối D được 27,5 điểm (môn Ngoại ngữ nhân hệ số 2) nên đã nộp nguyện vọng một vào ngành Ngôn ngữ Anh, nguyện vọng 2 vào ngành Quan hệ quốc tế. Lúc đầu chỉ có khoảng 200 hồ sơ, giờ đã có hơn 300.

    "Điểm của em hiện đã nằm ngoài chỉ tiêu nên em phải rút hồ sơ để nộp vào ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Ngân hàng TP HCM. Sau đó sẽ tiếp tục theo dõi, nếu vẫn không an toàn em lại rút để nộp vào trường khác", Duyên chia sẻ.

    Chia sẻ với tờ VOV, lãnh đạo một trường ĐH lớn cho biết, năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực hiện tuyển sinh ĐH kết hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, cho nên không dễ dàng để dự đoán trước tình hình đỗ hay trượt của thí sinh.

    Tôi chỉ khuyên các thí sinh nên căn cứ vào mức điểm của mình và so sánh với mức độ, yêu cầu điểm của các ngành qua các năm vừa rồi, để có thể lựa chọn vào một ngành tương đối phù hợp nhất với mình. Nếu các em điểm rất cao như 25 – 26 điểm trở lên thì gần như có khả năng lựa chọn ở hầu hết các ngành của trường. Nhưng nếu các em có mức điểm thấp hơn như mức 20, 21, 22, thậm chí 19 điểm vẫn có thể lựa chọn được một số ngành không thuộc diện các ngành “nóng”.

    Nhận định về tình hình rút hồ sơ PGS. TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng Phòng đào tạo Đại học Y dược TP HCM chia sẻ với tờ VnExpress, hiện ngành Y đa khoa có khá nhiều thí sinh đạt trên điểm 27, nếu không rút hồ sơ nhiều thí sinh điểm cao có nguy cơ trượt đại học. Chỉ với những thí sinh khi làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2, 3, 4 vào các ngành khác, nếu rớt Y đa khoa thì mới có thể trúng tuyển ở những ngành còn lại.

    "Năm nay trường sẽ xét tuyển ưu tiên thí sinh điểm cao chứ không ưu tiên nguyện vọng. Nghĩa là những thí sinh nguyện vọng 2, 3, 4, nhưng có điểm cao sẽ được ưu tiên chọn trước những thí sinh nguyện vọng một nhưng điểm thấp hơn", tiến sĩ Khôi nói.

    BTV (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diem-cao-nhung-van-hoang-mang-lo-truot-dai-hoc-a105482.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.