+Aa-
    Zalo

    Điểm chuẩn tuy giảm mạnh nhưng các trường vẫn ngay ngáy lo “thí sinh ảo”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo thống kê mức điểm chuẩn năm 2018, các trường top đầu đều giảm mạnh từ 2-4 điểm so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá không thể lọc hết “thí sinh

    Theo thống kê mức điểm chuẩn năm 2018, các trường top đầu đều giảm mạnh từ 2-4 điểm so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá không thể lọc hết “thí sinh ảo”.

    Điểm chuẩn các trường top trên giảm mạnh

    Ngay trước thềm công bố điểm chuẩn đã có rất nhiều dự đoán cho rằng sẽ có biến động mạnh trong năm nay, đặc biệt là các trường top đầu, điểm chuẩn có thể tụt tới 3-4 điểm so với năm ngoái. Nguyên nhân được đưa ra là vì đề thi năm nay khó, điểm mặt bằng chung giảm, ít điểm 9-10 khiến điểm các trường hàng đầu cũng phải đồng loạt giảm điểm.

    Trao đổi với báo chí, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, nhìn chung, tình hình điểm chuẩn của các trường kinh tế năm nay đều giảm trong đó điểm chuẩn của Trường Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng không ngoại lệ. Cụ thể, điểm chuẩn của các khoa thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội giảm trung bình dao động từ 2,5 – 3 điểm. Mức điểm cao nhất là 24,35 điểm.

    Điểm chuẩn các trường top trên giảm mạnh trong khi trường top giữa lại tăng nhẹ. Ảnh minh họa

    Chia sẻ về điểm mới trong khâu tuyển sinh năm nay, ông Bùi Đức Triệu cho hay: "Một số trường có sự thay đổi do cách làm tròn điểm thi điểm chẵn, điểm lẻ. Độ chính xác năm ngoái đến 0,25, năm nay độ chính xác đến 0,01. Độ chính xác này khiến cho mức độ lẻ điểm sát nhau hơn. Chính vì vậy, sự phân hóa rõ ràng hơn thí sinh. Các em không gặp phải tình trạng “cao thì trượt mà thấp thì đỗ” trong câu chuyện làm tròn điểm. Vì thế rất công bằng".

    Có chung nhận định, TS Phạm Thu Hương - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Đại học Ngoại thương chia sẻ, điểm chuẩn trường ĐH Ngoại thương giảm chung tất cả các ngành nhưng nhìn vào phổ điểm của năm nay thì hoàn toàn phù hợp. Điểm chuẩn cũng nằm trong điểm dự kiến của nhà trường đã đưa ra. Cụ thể, tại cơ sở Hà Nội, điểm trúng tuyển của nhóm ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế và Luật và Nhóm Ngành Kinh doanh quốc tế và Quản trị kinh doanh quốc tế là 24,1.

    Được biết, việc thay đổi quy chế trong Thông tư 07.2018 đã có khắc phục những hạn chế khiến các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh. Các trường không còn phải đặt ra những tiêu chí phụ.

    Ở nhóm ngành xã hội, PGS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn nhận định, năm nay điểm chuẩn có giảm hơn, đồng đều ở tất cả các ngành so với năm trước. Tuy nhiên, một số ngành vẫn cao như Đông phương học vẫn ngưỡng 27,25 điểm, một số ngành Quản trị Lữ học khách sạn vẫn ở mức 26 điểm.

    Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Hải Phòng... cũng có điểm chuẩn giảm thấp, ngành cao nhất là 24,75 điểm, như vậy giảm khoảng 4-5 điểm so với năm 2017.

    Các trường top giữa tăng nhẹ điểm chuẩn

    Trong khi các trường đại học top đầu đều có xu hướng giảm điểm chuẩn, thì một bất ngờ khác lại diễn ra với các trường đại học top giữa.

    Theo đó, năm nay điểm chuẩn cao nhất vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cao hơn năm ngoái. Cụ thể, ngành Thiết kế đồ họa của trường có mức điểm chuẩn cao nhất với 22,28 điểm. Ngành này năm 2017 trường lấy mức 20 điểm. Tương tự, các ngành khác của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội như Điêu khắc, Hội họa, Gốm... lấy mức thấp nhất là 19 điểm, trong khi năm 2017 chỉ 15 điểm đã đỗ.

    Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất đối với ngành Kế toán là 20 điểm. Ngành Quản trị kinh doanh và Công nghệ thông tin lấy 19 điểm, các ngành còn lại là 18.  Năm 2017, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có điểm chuẩn chỉ từ 15,5 - 18,5 điểm với tất cả các khối, ngành.

    Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng công bố điểm chuẩn chính thức ở mức từ 18 - 24 điểm. Mức điểm này có nhỉnh hơn so với năm 2017 từ 1 - 2,5 điểm ở tất cả các khối, ngành.

    Như vậy, nếu như điểm chuẩn đầu vào của các trường đại học top đầu giảm từ 2 tới 4 điểm so với năm ngoái, thì điểm chuẩn của nhiều trường top giữa lại tăng nhẹ từ 1-3 điểm.

    Ngay ngáy lo thí sinh ảo

    “Lọc ảo vẫn có thí sinh ảo”, đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, đơn vị chủ trì hệ thống lọc ảo miền Bắc với PV báo Lao Động.

    PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa thông tin về hiện tượng thí sinh ảo.

    PGS.TS Tớp cho biết, thực tế, tuyển sinh các trường vẫn xảy ra hiện tượng thí sinh ảo. Kinh nghiệm của năm ngoái, thí sinh ảo khá lớn, riêng Đại học Bách Khoa ảo 4%. Vì thế, năm nay, ông Tớp dự đoán chắc vẫn sẽ xảy ra hiện tượng ảo.

    “Năm ngoái có thông tin cho biết có trường ảo tới 16 - 17% nhưng chủ yếu tập trung ở các trường tốp giữa và dưới. Lí do là do học sinh trúng tuyển không nhập học để đi du học hoặc đã có lựa chọn khác nhưng vẫn đi thi để phòng ngừa hoặc vì thành tích.

    Tôi khẳng định phần mềm không xảy ra hiện tượng ảo, chạy rất chuẩn. Chỉ có 1 vài thí sinh do địa phương nhập nhầm dữ liệu mới là thí sinh ảo từ hệ thống lọc ảo. Về mặt kĩ thuật, hầu như không có sơ suất, trục trặc nào xảy ra. Nhìn chung, các trường phấn khởi, nhiệt tình tham dự hệ thống lọc ảo chung”.

    Đối với những thí sinh trượt trong đợt xét tuyển 1 vào các trường yêu thích, PGS.TS Trần Văn Tớp cho rằng các thí sinh này cần hết sức thận trọng và suy nghĩ kĩ càng vì các trường sẽ tuyển bổ sung không nhiều. Vì thế, nếu đã đỗ trường nào đó trong đợt 1 thì nên suy nghĩ để nhập học.

    Cũng lo ngại về vấn đề thí sinh ảo sau khi công bố điểm chuẩn, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM thông tin, những dự kiến mức điểm chuẩn thông qua ngưỡng xét tuyển đã công bố không quá bất ngờ bởi đã được dự báo từ trước. Kết quả trúng tuyển cần phải chờ sau ngày 12/8 khi TS nhập học đợt 1 mới biết mức độ ảo năm 2018 này thế nào.

    Ông Nghĩa bày tỏ, năm 2017, tỉ lệ ảo đợt 1 lên đến 30% thì năm 2018 nguy cơ ảo vẫn còn.

    Về nguyên nhân ảo, ông Nghĩa cho rằng nhiều trường cũng có nhiều nguồn tuyển như từ học bạ, từ kỳ thi đánh giá năng lực…, chưa kể số lượng học sinh du học hiện nay rất đông. Vì thế, một số trường có thể phải tuyển bổ sung để đảm bảo chỉ tiêu.

    Nguyễn Phượng(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diem-chuan-tuy-giam-manh-nhung-cac-truong-van-ngay-ngay-lo-thi-sinh-ao-a239132.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan