+Aa-
    Zalo

    Diễn viên bê bối, nhà sản xuất chiêu trò, khán giả tẩy chay

    • DSPL
    ĐS&PL Khán giả đã không còn dễ dãi với các sản phẩm nghệ thuật. Họ sẵn sàng bật chế độ “từ chối đón nhận nghệ sĩ”, tẩy chay nếu cảm thấy thiếu được tôn trọng.

    Khán giả đã không còn dễ dãi với các sản phẩm nghệ thuật. Họ sẵn sàng bật chế độ “từ chối đón nhận nghệ sĩ”, tẩy chay nếu cảm thấy thiếu được tôn trọng. Đã có không ít dự án phim Việt bị khán giả “tẩy chay”, quay lưng vì bê bối đời tư diễn viên, dùng chiêu trò PR “bẩn”...

    Diễn viên “bê bối” đời tư, PR “bẩn” là chơi dao hai lưỡi

    Một bộ phim bị ảnh hưởng bởi đời tư bê bối của diễn viên hay do chính sự thiếu chuyên nghiệp của nhà sản xuất là thực tế đang diễn ra. Nhiều dự án phim vừa trình làng, thậm chí có phim còn đang quay dở, hay chỉ mới hé lộ dàn diễn viên, đã đứng bên bờ vực lao đao vì bị khán giả quay lưng.

    Gần đây, ồn ào liên quan đến bộ phim điện ảnh Hạnh phúc máu và diễn viên Trang Trần như “giọt nước tràn ly” khiến câu chuyện xung quanh các dự án phim bị khán giả quay lưng nóng hơn bao giờ hết. Theo đó, ngay khi công bố Trang Trần là diễn viên góp mặt trong dự án này, ê-kíp đoàn phim vấp phải phản ứng gay gắt từ cộng đồng mạng. Không ít khán giả cho rằng, việc cựu người mẫu xuất hiện trên màn ảnh rộng là không phù hợp vì vướng quá nhiều tai tiếng ngoài đời thực. Sự việc căng thẳng hơn, khi một bộ phận khán giả còn kêu gọi “tẩy chay”, yêu cầu nhà sản xuất cắt vai diễn của Trang Trần.

    Trước “làn sóng” phản đối dữ dội từ dư luận, Dược Sĩ Tiến (tên thật là Phạm Minh Nhữ Tiến) - đại diện nhà sản xuất đã phải lên tiếng nói rõ ngọn ngành. Trao đổi với PV ĐS&PL, Dược Sĩ Tiến cho hay, sau khi công bố hình ảnh và thông tin tin về vai diễn của Trang Trần, đoàn phim đã nhận được rất nhiều phản hồi trái chiều. Trên Fanpage chính thức của phim cũng xuất hiện “làn sóng” kêu gọi “tẩy chay”, thậm chí còn đòi cắt vai diễn chị Trang Trần.

    Bê bối đời tư của diễn viên khiến phim Chú ơi đừng lấy mẹ con bị lỗ nặng.

    “Thực sự, ồn ào liên quan đến chị Trang Trần khiến tôi và ê-kíp sản xuất khá lo ngại. Thế nên, bắt buộc tôi phải lên tiếng để làn sóng tiêu cực này dừng lại. Nhiều ý kiến nói ê-kíp cố tình chọn Trang Trần như một “nước cờ” để gây chú ý, nhưng tôi xin khẳng định là không có chuyện đó. Tôi không phải là người đủ sành sỏi hay lăn lộn quá nhiều trong showbiz để xử lý được những “khủng hoảng” truyền thông như vậy. Hơn nữa, đây là một “nước cờ” quá mạo hiểm, sơ sẩy một chút thôi có thể giết chết chính “đứa con” của mình. Tôi không dại dột tự đẩy mình vào đường cùng.

    Tôi luôn đặt chất lượng của phim lên đầu, nên sẽ chọn những chất liệu tốt nhất cho “đứa con tinh thần” của mình. Tôi chọn Trang Trần vì chị ấy đủ năng lực, trình độ, kỹ thuật để thể hiện vai diễn
    này, chứ không phải sự thu hút truyền thông về đời tư”.

    Trước Hạnh phúc máu, quá khứ đã có khá nhiều tiền lệ khán giả “tẩy chay” phim vì diễn viên dính ồn ào đời tư hoặc do nhà sản xuất thiếu chuyên nghiệp. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên scandal “tình tay ba” An Nguy - Kiều Minh Tuấn - Cát Phượng cách đây hai năm đã khiến bộ phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con một phen điêu đứng. Cho rằng bị diễn viên “dắt mũi” bằng chiêu PR “phim giả tình thật”, khán giả đã kêu gọi “tẩy chay” luôn bộ phim. Hậu quả là cả ê-kíp cùng nhà sản xuất lao đao vì khán giả không tới rạp. Nhà sản xuất Dung Bình Dương than khóc vì mất vốn, kiện hai diễn viên chính, buộc trả lại toàn bộ cát-sê.

    Chia sẻ về cuộc đầu tư nhận trái đắng với mức lỗ lên đến 18 tỷ đồng, bà Dung Bình Dương chia sẻ với PV ĐS&PL: “Trong vai trò nhà sản xuất, tôi hiểu một tác phẩm nghệ thuật gây chú ý khi nhận
    được sự quan tâm, ủng hộ của khán giả. Suốt thời gian phim công chiếu, tôi đều cố gắng đến các cụm rạp để nắm bắt được cảm nhận của khán giả về bộ phim của mình.

    Và, cũng cảm thấy vui khi nhận được những phản hồi tích cực. Nhưng, tôi đã rất sốc khi hay tin phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con bị khán giả tẩy chay là sự thật. Đáng nói, lúc mới công chiếu, phim được đón nhận, nhưng khi scandal tình ái của An Nguy – Kiều Minh Tuấn đi quá xa, khiến nhiều người lên tiếng tẩy chay phim...

    Sau tất cả tôi nghiệm ra, một bộ phim sản xuất ra thành công hay không thành công, phải chờ ý kiến của khán giả. Nhưng, làm ra được một bộ phim để được đơn vị phát hành nhận phát hành đó là quá trình vô cùng cực khổ. Trong đó, phía nhà sản xuất phải đeo bám chặt chẽ từ khâu kịch bản, vận hành tiền kỳ, hậu kỳ nên rất áp lực. Thật sự, nghề này không có tự do, đối diện với nhiều rủi ro, áp lực, khó khăn, và chỉ những ai say mê điện ảnh, thật sự yêu thích nghệ thuật, cháy hết mình vì nó thì mới theo đuổi được. Nhưng, đau lòng nhất, là số tiền, công sức bỏ ra “đổ xuống sông, xuống biển”, nhà sản xuất Dung Bình Dương nói trong chua xót.

    Hay, bộ phim Vu quy đại náo của đạo diễn Lê Thiện Viễn dù được đánh giá là hài duyên dáng, nhưng công sức của cả ê-kíp sụp đổ hoàn toàn chỉ vì bê bối đời tư của diễn viên trong phim là Lâm Vinh Hải. Đối diện với làn sóng “tẩy chay” của khán giả, đạo diễn đã phải thốt lên: “Nhìn đứa con tinh thần của cả tập thể đứng bên bờ vực bị tẩy chay mà không biết làm gì để cứu nó, ngoài đau xót”.

    “Thật sự, không thể đùa với quyền lực của khán giả. Lâu nay, khán giả coi nghệ sĩ là thần tượng, thì bây giờ, nghệ sĩ cũng phải coi khán giả là thần tượng. Nhất là trong thời đại 4.0, làm nghề ngày càng khó, nghệ sĩ càng phải chắt chiu, chắt lọc mới có thể giữ được khán giả. Một khi nghệ sĩ mất khán giả, thì coi như mất tất cả. Tôn trọng khán giả, nghệ sĩ mới tồn tại được với nghề” - Danh hài Chiến Thắng.

    “Quyền năng” đáng sợ của phong trào tẩy chay

    Tại thị trường giải trí ở nhiều nước, sức mạnh của cái gọi là “quyền tẩy chay” vô cùng lớn. Không ít nghệ sĩ vì dính bê bối dùng chất cấm, ngoại tình, nói dối, hành xử thiếu văn hóa... đã bị khán giả tẩy chay đến mức không thể quay trở lại. Ở Việt Nam, làn sóng này bắt đầu “nở rộ” khoảng vài năm trở lại đây và bước đầu đã tạo được hiệu ứng. Từ những sự việc điển hình trên, có thể thấy, khán giả Việt ngày nay đang tận dụng triệt để “quyền năng” của mình trong việc “tẩy chay” một nghệ sĩ, hay sản phẩm nghệ thuật vì vướng những lùm xùm không thể chấp nhận.

    Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nhìn nhận:“Tình thế hiện nay đã xoay chuyển, quyền lực của khán giả là có thật. Bây giờ, khán giả và nghệ sĩ bắt đầu có mối quan hệ công bằng và bình đẳng. Đã đến
    lúc, nghệ sĩ không được xem thường khán giả, mà phải tôn trọng họ. Nghệ sĩ hãy nhìn vào sự khắt khe của khán giả để sửa mình. Càng là người của công chúng, nghệ sĩ càng phải cẩn trọng trong lối sống, đạo đức, lời ăn tiếng nói để số đông noi theo, nhất là giới trẻ. Nhưng, ngược lại, khán giả cũng phải có sự đánh giá khách quan, xét ở từng trường hợp và từng thời điểm, chứ không phải hùa theo tẩy chay một cách vô lý. Người làm nghề cũng phải có chính kiến và lập trường vững vàng để bảo vệ “đứa con” tinh thần của mình”.

    Đại diện nhà sản xuất Hạnh phúc máu lên tiếng phản hồi về ồn ào diễn viên Trang Trần bị “tẩy chay”.

    Bản thân từng phải nhận trái đắng do sai lầm từ khâu chọn diễn viên, đạo diễn phim Phượng khấu cho hay:“Đó là bài học xương máu với tôi trong chặng đường làm nghề sau này. Bây giờ, một diễn viên lọt vào mắt xanh của tôi phải hợp vai và quan trọng là “nói không” với scandal về đạo đức, lối sống. Bởi, ngoài tài năng, thì đạo đức, ý thức vô cùng quan trọng. Nếu chọn một nghệ sĩ có quá nhiều bê bối về đời tư vào một tác phẩm đại chúng, có thể tạo nên gương xấu cho số đông”.

    Ở một diễn biến khác, qua rất nhiều dự án nghệ thuật và nghệ sĩ bị quay lưng, người ta cũng có cái nhìn nghi ngại về cái gọi là tẩy chay. Tất nhiên, với những hành vi quá trớn, cố tình tạo scandal để hút khách... là đáng bị phê phán. Nhưng, công cụ này đôi khi cũng bị lạm dụng, bị làm lố, khiến cho nhiều sản phẩm nghệ thuật bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người làm nghệ thuật lao đao. Thế nên, khán giả và cả các nghệ sĩ cũng nên có sự tỉnh táo, phân định rõ ràng trường hợp nào cần quay lưng, bởi “vũ khí” tẩy chay một khi tung ra không đúng lúc, đúng nơi, tác hại sẽ khó lường.

    Bàn về điều này, nhà thơ – nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho rằng: “Cuộc sống luôn có mặt tối và showbiz luôn đầy rẫy thị phi. Là người trong showbiz, chắc chắn ai cũng sẽ ít nhất vài lần đối diện với những scandal mà hoàn toàn không do mình gây ra.

    Nhưng, nếu bản chất bộ phim hay, người nghệ sĩ không làm ra bất cứ điều gì xấu, nhưng bị tẩy chay, vu khống... đó là một dạng thử thách trong cuộc sống. Vì tất cả những điều đó hoàn toàn không thể che mờ được chất lượng của bộ phim hoặc tư cách tốt đẹp của người nghệ sĩ. Vậy nên, đừng vì thế mà người nghệ sĩ mất niềm tin vào cuộc sống hoặc showbiz”.

    Thực chất, tẩy chay được xem là “vũ khí” lợi hại của công chúng trong việc chọn lựa nghệ sĩ để yêu thương và sản phẩm văn hoá để nghe-nhìn. Chỉ cần không bị biến tướng thành tấn công trên mạng, “tẩy chay” vẫn là hoạt động cần thiết cho một nền văn hoá để “gạn đục khơi trong”.

    “Đáng ra, khi scandal xảy ra, tôi nên dừng phát hành phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con, và sau đó có động thái xin lỗi khán giả. Điều đó sẽ minh chứng cho khán giả thấy được, phía nhà sản xuất không hề mượn chuyện tình cảm để PR phim. Nhưng, mọi chuyện đã quá muộn rồi!” - Nhà sản xuất Dung Bình Dương chia sẻ.

    Hà Linh

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số chủ nhật (41)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dien-vien-be-boi-nha-san-xuat-chieu-tro-khan-gia-tay-chay-a342828.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan